Vụ quăng quật bé gần 2 tháng tuổi: Chọn giúp việc phải kiểm tra những gì?
Nếu không có quy chuẩn về người giúp việc thì nguy cơ tương tự như vụ bé gần 2 tháng tuổi bị quăng quật như đồ chơi chắc chắn sẽ tái diễn.
Vừa qua, clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh một người phụ nữ hành hung dã man cháu bé gần 2 tháng tuổi khiến nhiều người phẫn nộ. Theo clip, cháu bé đang nằm ở trên giường, người phụ nữ tiến lại gần liên tục dùng tay tát vào đầu, vào mông. Không dừng lại ở đó, người phụ nữ này còn quăng quật, tung hứng bé nhiều lần.
Phải giám định kỹ sức khỏe người giúp việc
Trao đổi với PV, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB và XH cho biết, khi xem clip trẻ bị đánh đập, quăng quật ông thấy giật mình, sợ hãi và rất bất bình.
“Nhìn đứa bé mới 2 tháng tuổi bị bạo hành, rung lắc khiến tôi ám ảnh đến tận bây giờ”, ông An nói.
Theo ông An, hành động người giúp việc rung lắc, tung hứng trẻ chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến trẻ mặc dù bé còn quá nhỏ, chưa xác định được mức độ tổn thương hiện tại nhưng có thể để lại di chứng tổn thương não, tổn thương tâm lý sau này.
Tuy nhiên, điều sâu xa hơn cần được đặt ra qua sự việc này là chính là sự thiếu kiểm soát chất lượng người giúp việc, không có bất kỳ quy chuẩn nào về người giúp việc.
Chuyên gia bảo vệ trẻ em lo ngại, những gia đình không có ông bà trông trẻ thì buộc phải thuê người giúp việc. Tuy nhiên, nếu không có quy định, quy chuẩn về người giúp việc thì nguy cơ tương tự như vụ việc nêu trên đối với trẻ nhỏ chắc chắn sẽ tái diễn.
Giúp việc bạo hành trẻ gần 2 tháng tuổi: (Ảnh: Cắt từ clip)
Ông An cho rằng, hai yếu tố rất đơn giản nhưng quan trọng và cần thiết trong quy định về người giúp việc mà ở nước ngoài họ đã áp dụng đó là tiêu chí về sức khỏe thể chất (sức khỏe về thể chất, không mắc bệnh lây nhiễm), sức khỏe tâm thần (động kinh, trầm cảm…) và kỹ năng chăm sóc. Trong khi những điều này, ở nước ngoài họ giám định rất kỹ thì ở nước ta lại không có.
Do thiếu quy chuẩn nên người giúp việc có biểu hiện bệnh trầm cảm, tâm thần, nếu bệnh nhẹ thì hễ nhìn thấy chó, mèo là đánh, còn nặng thì nhìn thấy trẻ con khóc là đánh. Có trường hợp giúp việc vì quá căm ghét đứa bé hoặc căm ghét bà mẹ vì trả tiền ít hay mắng quát thì cũng thể có hành động đánh trẻ để “trả thù”…. tất cả điều này đều có thể xảy ra khi không có sự sàng lọc khi tuyển chọn giúp việc, làm bảo mẫu.
Do vậy, cơ quan, đoàn thể nên tuyên truyền giáo dục chung cho các gia đình khi có nhu cầu tuyển người giúp việc chăm trẻ, phải có kỹ năng và đảm bảo sức khỏe cả thể chất và tinh thần; Thường xuyên để mắt đến người giúp việc, vì sẽ không tránh khỏi thuê người giúp việc có tính tình ác độc.
Rung lắc đầu sẽ khiến trẻ tổn thương vĩnh viễn
Nhìn nhận hành động rung lắc trẻ ở góc độ y tế, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người không kìm nén được cơn tức giận khi trẻ khóc hay quấy, mất tự chủ hoặc có thói quen sốc trẻ lên cao hoặc lắc dữ dội để thoả cơn giận sẽ khiến trẻ bị tổn thương thương não vĩnh viễn.
Tại Việt Nam, rất nhiều người chủ quan, hoặc chỉ vì vô tình rung lắc trẻ trong khi chăm sóc và chơi đùa để lại hậu quả nghiêm trọng.
Theo PGS Dũng, trẻ mới sinh, cơ và dây chằng vùng cổ yếu, chưa phát triển nên chưa thể chịu đựng được sức nặng của đầu.
Bên cạnh đó, trong đầu lại có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục phát triển. Não của trẻ lại mềm, màng não mỏng. Vì thế, nếu bị rung lắc mạnh, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não. Khi não không có sự di chuyển đồng bộ sẽ gây ra sự đập trở lại xương sọ làm giập não, phù, chảy máu trong não. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn đến tử vong.
Vì vậy, người trông trẻ tuyệt đối không được đung đưa mạnh, rung lắc đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Các ông bố bà mẹ không nên có những động tác làm thay đổi từ thế trẻ nhanh đột ngột như: Trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống. Đặc biệt, khi trẻ quấy khóc hoặc làm một việc gì đó không vừa lòng, người lớn không nên tát, đánh vào đầu trẻ. Khi trẻ khóc kéo dài không dỗ được cần phải kiểm tra kỹ nguyên nhân.
Theo Danviet
Vụ bé gái 1 tháng tuổi bị bạo hành: 5 tiêu chí lựa chọn người giúp việc an toàn
Clip ghi lại hình ảnh một người giúp việc đánh bé gái hơn 1 tháng tuổi, tung bé lên cao, nhét khăn vào miệng để bé không khóc khiến dân mạng sôi sùng sục phẫn nộ.Rất nhiều bà mẹ lo lắng làm cách nào để lựa chọn được giúp việc "có tâm" để đảm bảo an toàn cho con nhỏ và gia đình.
Chia sẻ với Dân Việt ngày 23.11, bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới gia đình và Phát triển cộng đồng cho rằng, nguyên nhân chính là do các gia đình chưa cẩn trọng trong việc tuyển chọn, cũng như không có tiêu chí để đánh giá lựa chọn được đúng người giúp việc có tâm, có chuyên môn, kỹ thuật.
Hình ảnh bé gái hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc hành hạ dã man khiến dân mạng phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip)
Theo bà Ngọc Anh, có 5 tiêu chí để các gia đình có căn cứ tuyển chọn người giúp việc:
Một là, chỉ tuyển những người giúp việc có xác nhận thân nhân, lý lịch rõ ràng. Hồ sơ, lý lịch cần phải rõ ràng có xác nhận của chính quyền địa phương, có người giám hộ, hoặc địa chỉ của người thân để liên lạc khi cần.
Hai là, ngoài việc lựa chọn người giúp việc theo độ tuổi, cũng cần chú ý tới khả năng chuyên môn. Kiểm tra xem nhân viên giúp việc đó có kinh nghiệm trong lĩnh vực cần tuyển không. Thực tế, nhiều người giúp việc ở quê lên, chưa quen với tác phong làm việc chuyên nghiệp hay khoa học. Việc sắp xếp công việc nhiều khi chưa hợp lý. Thậm chí, có người giúp việc lúc được phỏng vấn rất tự tin là mình có kinh nghiệm chăm 3 đứa cháu, nhưng khi về nhà chủ làm việc thì lại không hoàn thành công việc. Nhiều người áp dụng thủ tục lạc hậu chăm trẻ sơ sinh, trẻ chỉ sốt cảm đã không cho tắm, trẻ ốm thì không cho uống thuốc mà chỉ cần đáp lá... những "kinh nghiệm" này rất nguy hiểm.
Ba là, khi tuyển người giúp việc cần chú ý tới vấn đề sức khỏe. Nhiều người giúp việc khi đi giúp việc mắc bệnh truyền nhiễm hoặc có vấn đề về sức khỏe tim mạch. Trong quá trình làm việc dễ lây bệnh cho thành viên khác trong gia đình chủ nhà.
Trước đó, ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã xảy ra vụ việc đáng sợ khi chủ nhà đi công tác dài ngày, để giúp việc ở nhà với con. Người giúp việc lên cơn đau tim tử vong, bé trai chưa đầy 2 tuổi đã nhịn đói khóc ngằn ngặt bên cạnh tử thi suốt 2 ngày. Chưa kể tới, việc nhiều người giúp việc có bệnh lý tâm thần, hoặc trầm cảm thể nhẹ. Không kiểm soát được hết cảm xúc và hành vi, nếu gặp các yếu tố ngoại lực tác động như bé ốm, khóc, quấy quá nhiều thường dễ nỗi cáu và có những hành vi sai phạm kiểu như bạo hành, tâng, ném, đánh trẻ... khi không kiểm soát được hành vi.
Bốn là, khi tuyển người giúp việc ngoài việc biết lý lịch, có chuyên môn, khỏe mạnh còn cần lưu ý đến góc độ sự nhiệt tình, cẩn trọng. Công việc giúp việc gia đình là công việc vất vả, người giúp việc lại sống cùng với gia đình chủ, do vậy khi tuyển chọn cần cố gắng tìm hiểu thật kỹ tính cách, lối sống của họ. Tránh việc lúc đến làm thì hứa hảo rất nhiều, nhưng tới lúc làm việc thì lừa dối, đối xử với con cái bố mẹ của chủ nhà theo kiểu đối phó.
Năm là, ngoài tất cả những vấn đề trên thì một vấn đề rất quan trọng khi tuyển người giúp việc là phải ký hợp đồng. Ký hợp đồng giúp hai bên có cơ chế giàng buộc, qua đó nâng cao trách nhiệm, tuân thủ nguyên tắc đã đề ra từ trước đó.
Theo bà Ngọc Anh, dù nói gì thì nói, quan hệ lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình là quan hệ qua lại. Ngoài việc yêu cầu, đặt ra những mục tiêu trong công việc với người giúp việc thì bản thân chủ sử dụng cũng cần phải thấu hiểu, sẻ chia với họ. Thêm vào đó, chủ nhà nên hỗ trợ, chỉ bảo hoặc hướng dẫn công việc tận tâm để giúp họ thích ứng. Có như vậy, mới tạo ra được mỗi quan hệ hài hòa với người giúp việc .
Sáng 23.11, trả lời Dân Việt, đại diện UBND phường Quang Trung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam xác nhận vụ việc trên có xảy ra trên địa bàn. Bé gái được phản ánh bị người giúp việc bạo hành là N.N.B.N sinh ngày 5.10.2017, bố là anh N.N.A (Sn 1990) và mẹ T.N.P (Sn 1991). Gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Quang Trung, TP Phủ Lý."Sự việc trên là có xảy ra và đã được tổ dân phố cũng như Công an phường ghi nhận. Hiện nay Công an TP Phủ Lý đã đưa người phụ nữ được cho là bạo hành em bé lên làm việc" - đại diện UBND phường Quang Trung cho biết.
Theo Danviet
Bổ nhiệm lại Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ từng bị giáng chức vì đánh nhau Hơn 3 năm bị giáng chức vì liên quan đến vụ đánh nhau tại quán karaoke, ông Bùi Quốc Khánh, Trưởng phòng Biên giới - Sở Ngoại vụ đã được UBND tỉnh Bình Phước bổ nhiệm lại chức vụ Phó Giám đốc Sở này. Chiều 9.11, theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Dũng đã...