Vũ Quang phấn đấu 100% người dân tham gia BHYT trong tháng 9 này
Vũ Quang là huyện miền núi của Hà Tĩnh, có 42 km đường biên giới tiếp giáp với Lào nên người dân chủ yếu sống trên địa hình đồi núi, thưa thớt. Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tăng cường các hoạt động cho hệ thống y tế cơ sở tại đây, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân
Bác sỹ Nguyễn Đình Sơn – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) huyện Vũ Quang cho biết: “Vũ Quang có 12 trạm y tế/12 xã, thị trấn. 100% trạm y tế đều đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020; 100% trạm y tế xã, thị trấn tổ chức khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho người dân”.
Máy siêu âm từ dự án GAVI đã giúp các trạm y tế nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân
Từ nguồn hỗ trợ của Dự án tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở một số tỉnh trọng điểm giai đoạn 2012 – 2016 do liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ, tất cả các trạm y tế trên địa bàn huyện Vũ Quang đều có đầy đủ trang thiết bị y tế cơ bản, đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu cho nhân dân. Sở Y tế tổ chức đào tạo siêu âm cho đội ngũ bác sỹ tuyến xã và hỗ trợ máy siêu âm cho các trạm y tế.
Bệnh nhân Lê Văn Từ (69 tuổi), thôn Hợp Lợi, xã Hương Minh cho biết: “Tôi có nhiều bệnh lắm, nào là đại tràng, dạ dày, rối loạn mạch máu não… Mỗi tháng tôi phải đến trạm từ 1 đến 2 lần để KCB. Trạm có bác sĩ giỏi và ân cần lắm. Đến đây được KCB bằng BHYT, nhưng nếu thuốc bảo hiểm không đủ thì trạm cũng có thuốc dịch vụ bán cho bệnh nhân nên rất thuận tiện. Nhờ vậy, nên mặc dù đau ốm thường xuyên nhưng tôi rất ít phải lên tuyến trên điều trị”.
Tủ thuốc ở các trạm y tế đã được Sở Y tế cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc
Bác sỹ Đoàn Bắc Lý – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Minh cho biết: “Hương Minh là xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2 từ năm 2012, về đích xây dựng NTM năm 2014. Trạm được Sở Y tế đầu tư một số trang thiết bị như: máy xét nghiệm chẩn đoán bệnh gút; máy siêu âm; máy đo đường huyết; công nghệ thông tin được thực hiện tốt, kết nối với hệ thống y tế tuyến trên. Trạm đã triển khai KCB BHYT cho người dân và được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Mỗi ngày, có từ 10 – 20 bệnh nhân đến KCB BHYT. Về lập hồ sơ sức khỏe (HSSK), đến thời điểm hiện tại, tất cả người dân xã đã có mã số về hồ sơ sức khỏe, trong đó có 92% hồ sơ đầy đủ thông tin về các chỉ số sinh tồn và chỉ số nhân trắc”.
Tại xã Đức Liên, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt cao, hiện tại có 1.247 thẻ BHYT đăng ký KCB BHYT tại xã, chiếm tỷ lệ 93,6%. Hầu hết người dân ở đây khi ốm đau đều đến trạm để KCB theo BHYT. Mỗi ngày trung bình có từ 15 đến 30 bệnh nhân đến KCB tại trạm. Hiện tại, trên toàn xã có 91% HSSK đạt chất lượng theo yêu cầu, trong đó HSSK của trẻ dưới 6 tuổi đạt chất lượng chiếm đến 96%.
Video đang HOT
Nhân viên y tế xã Đức Liên tư vấn về mua thẻ BHYT và quyền lợi trong KCB cho người dân
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đức Liên Trần Quốc Hội cho biết: “Xã trước đây thuộc diện 135 nên người dân đã quen với hưởng thụ chính sách. Vì vậy, hiện nay việc vận động người dân mua thẻ BHYT rất khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền xã và sự chuyển biến về nhân thức của người dân. Mặt khác, Trạm cũng cố gắng phục vụ tận tình chu đáo, nâng cao chất lượng KCB ban đầu, đáp ứng sự hài lòng của người dân”.
Giám đốc Trung tâm YTDP Vũ Quang Nguyễn Đình Sơn cho biết thêm: “Tỷ lệ người dân Vũ Quang tham gia BHYT hiện đạt 88%. Huyện đang phấn đấu đến cuối tháng 9/2018, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100%”.
Tuy nhiên, khó khăn của y tế cơ sở hiện nay là về vấn đề BHYT. Theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 hướng dẫn thực hiện BHYT, quy định tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không vượt quá 20% của quỹ khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã. Nếu không bãi bỏ quy định này thì khó phát huy được hết vai trò của y tế cơ sở.
Theo baohatinh
Công ty thủy điện phải xây lại cầu, đền bù cho người dân
Tại phiên họp tháng 9/2018, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu công ty thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố làm lại cầu bị lũ cuốn trôi, hỗ trợ và đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề sau đợt lũ chồng lũ vừa qua.
Trong phiên họp trực tuyến với các địa phương của tỉnh Nghệ An về tình hình kinh tế xã hội quý III/2018, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, cơn bão số 3, số 4 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Quá trình lập đoàn kiểm tra liên ngành xác định có việc một số nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại tại một số vùng ở các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn. Rõ nhất là nhiều vùng dân cư bị ngập nước, sạt lở đường giao thông, trôi cầu cống, sạt lở đất đá, trôi nhà dân...
T hủy điện Bản Vẽ xả lũ ngày 31/8.
Đơn cử, vào 9h30 ngày 31/8, lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, đạt đỉnh 4.200m3/s. Để bảo đảm an toàn cho công trình, nhà máy phải tăng lượng xả lên 4.200m3/s. Đây cũng là mức xả lớn nhất trong 8 năm kể từ khi nhà máy vận hành.
Việc xả này không làm tăng lũ tự nhiên, nhưng đã làm co hẹp dòng chảy và xả từ trên cao xuống thành lưu tốc lớn làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở cho vùng hạ du.
Theo đoàn kiểm tra, công tác dự báo lưu lượng nước đổ về hồ Bản Vẽ vẫn sai số lớn; hành lang thoát lũ chưa đảm bảo an toàn khi hạ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ; chưa có bản đồ ngập vùng hạ du của các nhà máy thủy điện;...
Cầu Bản Vẽ bị lũ cuốn trôi.
Riêng với thủy điện Khe Bố, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, ở hạ du so với thủy điện Bản Vẽ, việc dự báo và cung cấp thông tin, số liệu còn thiếu.
Do đó thủy điện Khe Bố xả không kịp, tạo độ dềnh lớn khu vực lòng hồ nên xảy ra ngập lụt nghiêm trọng ở lòng hồ. Với những bất cập đó, việc xả lũ đã ảnh hưởng một phần tới khu vực hạ du.
Mặt khác, việc triển khai các dự án thủy điện gây ra nhiều hệ lụy: Người dân di dời tái định cư có cuộc sống không ổn định; nhiều khu tái định cư xuống cấp, dang dở; một số dự án quy hoạch "treo" kéo dài... Vì vậy rất nhiều người đã phải trở về nơi ở cũ.
Lòng hồ tràn ngập rác, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Đoàn kiểm tra của tỉnh Nghệ An đã làm rõ các nguyên nhân tác động của thủy điện đến người dân, khẳng định khi các nhà máy thủy điện xả lũ đã gây ngập lụt nhiều khu vực ở vùng hạ du. Thiệt hại cho vùng hạ du là rất rõ ràng, các nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm đền bù cho các hộ dân.
Cho đến thời điểm hiện nay, tại nhiều địa phương miền núi trong tỉnh, công tác khắc phục lũ quét vẫn chưa thể hoàn thành. Vì vậy, tỉnh Nghệ An đã đề nghị và yêu cầu các nhà máy thuỷ điện bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng từ việc vận hành xả lũ của các hồ thủy điện gây lũ lụt tại một số địa phương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, ngay cả việc dọn rác, công ty CP thủy điện Bản Vẽ cũng chỉ mới thực hiện ở lòng hồ. Còn khối thực vật trôi nổi ở nơi khác không phải trách nhiệm của thủy điện. Bởi nguyên nhân gây rác là do thiên tai, nên thuộc trách nhiệm giải quyết là của... chính quyền địa phương.
Biên bản thiệt hại do ngập lụt của 1 trong số các hộ dân ở bản Khe Bố.
Còn lãnh đạo nhà máy thủy điện Khe Bố lại cho rằng, việc người dân bị ngập lụt, hư hỏng tài sản nguyên nhân không phải do nhà máy xả lũ. Khi người dân làm đơn kiện thì Nhà máy Thủy điện Khe Bố cho hay phải chờ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định rõ nguyên nhân có phải do xả lũ hay không rồi mới có cơ sở để giải quyết.
Theo báo cáo của sở Công Thương Nghệ An, tỉnh này có 32 dự án với tổng công suất 1.359,9MW đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, 13 nhà máy đã vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử; 9 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; 3 dự án đã có trong quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa có chủ trương đầu tư.
Theo nguoiduatin
Vũ Quang ra quân kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Trung thu Nhằm đảm bảo ATVSTP trước Tết Trung thu 2018, từ 20/9, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã tổ chức đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo và ki ốt bán hàng tạp hóa trên địa bàn. Kiểm tra ki ốt bán hàng tạp hóa tại chợ Thị trấn Đợt thanh tra,...