Vụ “quan tài diễu phố” ở Thanh Hóa: Đau lòng cảnh cha dượng và 2 đứa trẻ mồ côi
Đã cận kề ngày “lâm bồn”, vậy mà người phụ nữ xấu số ấy không thể “vượt cạn”. Chờ đến khi bác sĩ can thiệp bằng dao kéo thì tất cả đã muộn. Chị đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện cùng đứa con trai chưa kịp đặt tên…
Cha dượng Nguyễn Văn Đông và hai đứa con của sản phụ Nguyễn Thị Xuân
Nỗi bức xúc của gia đình sản phụ
Khoảng 20h ngày 17.10, chị Nguyễn Thị Xuân (40 tuổi) – ở thôn 7 làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa để chờ đẻ. Đến khoảng 3h sáng ngày 18.10, chị Xuân đau dữ dội, các bác sĩ bệnh viện đã khám và tiến hành mổ cấp cứu, nhưng chị Xuân cùng cháu bé đã tử vong.
Đến sáng 18.10, hàng trăm thân nhân, gia đình chị Xuân và cả người dân kéo đến bao vây bệnh viện, yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của hai mẹ con chị. Phía gia đình sản phụ yêu cầu mời cơ quan pháp y về mổ tử thi. Đến tối 18.10, Cơ quan Pháp y – Bộ Công an đã tiến hành mổ tử thi của sản phụ Xuân. Khoảng 23h cùng ngày, quá trình khám nghiệm tử thi được hoàn tất. Tuy nhiên, người nhà chị Xuân không đưa thi thể nạn nhân về trong đêm, mà đợi đến 8h sáng 19.10, đưa quan tài đến và tiến hành khâm liệm thi thể của chị Xuân và cháu bé ngay tại bệnh viện.
Ông Hoàng Xuân Minh – anh rể của nạn nhân – cho biết: “Gia đình chúng tôi chỉ có một yêu cầu là bệnh viện phải làm rõ nguyên nhân cái chất bất thường của hai mẹ con em tôi và làm rõ trách nhiệm đó thuộc về ai, như thế nào?”.
Sáng 19.10, sau khi khâm liệm thi thể hai mẹ con chị Xuân xong, người nhà nạn nhân để quan tài ở lại bệnh viện. Mãi đến khi được đại diện của các cơ quan chức năng đứng ra giải thích, vận động, tới khoảng 11h trưa, phía gia đình chị Xuân mới đồng ý đưa quan tài hai mẹ con về quê an táng. Tuy nhiên, trên đường về nhà, chiếc xe chở hai quan tài của mẹ con chị Xuân lại đi thẳng đến nhà ông Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa Lê Văn Định (ở thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa) để “đòi công bằng”.
Theo anh Nguyễn Hữu Hòa – em trai sản phụ Nguyễn Thị Xuân: “Chị gái và cháu tôi chết oan uổng như vậy, nhưng lãnh đạo bệnh viện không hề đứng ra xin lỗi hay động viên, an ủi chúng tôi lấy một lời. Họ bảo sẽ hỗ trợ ban đầu cho gia đình 150 triệu đồng, nhưng đó là lời của ông Trưởng Công an huyện chứ Giám đốc bệnh viện không nói năng gì. Chúng tôi không cần tiền, chúng tôi chỉ cần sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Ai gây nên cái chết của chị và cháu tôi thì phải đền tội. Chúng tôi không đồng tình với cách cư xử của lãnh đạo bệnh viện. Nếu lãnh đạo bệnh viện không đưa ra được nguyên nhân cái chết một cách chính xác, chúng tôi sẽ không đưa thi thể của chị gái và cháu chúng tôi về nhà”.
Tình hình vụ việc ngày càng trở nên căng thẳng, vì không chỉ người thân, gia đình hai mẹ con sản phụ phản đối, mà rất nhiều người khác cũng tập trung kéo đến khu vực nhà riêng của ông Lê Văn Định. Họ cho rằng, Phó giám đốc Lê Văn Định là người đã trực tiếp mổ thai nhi của chị Xuân và cũng là bác sĩ trực lãnh đạo đêm 17.10 vừa qua, đã không làm tròn trách nhiệm của mình, khiến chị Xuân và cháu bé bị tử vong. Nhiều người gào khóc, nhiều kẻ la ó đòi đập phá nhà riêng của ông Định. Họ đòi phá cửa để đưa quan tài vào nhà ông Định.
Ông Đỗ Đình Hùng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thiệu Hóa – cho biết: Nguyên nhân ban đầu khiến chị Xuân và cháu bé tử vong có thể là do bị thuyên tắc mạch ối. Khi đưa chị Xuân lên bàn mổ cấp cứu, bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn, huyết áp tụt… “Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi cũng đã báo cáo Sở Y tế, Công an tỉnh, các phòng ban chuyên môn để phối hợp điều tra, làm rõ. Còn về trách nhiệm của cán bộ bệnh viện trong ca trực hôm đó, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ phụ trách. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Ban giám đốc bệnh viện đã tạm dừng công tác đối với toàn bộ ca trực đêm 17.10 để phục vụ công tác điều tra”, ông Hùng nói.
Video đang HOT
Mãi đến cuối giờ chiều 19.10, được sự động viên, giải thích của cơ quan chức năng, gia đình sản phụ Xuân mới chịu đưa quan tài hai mẹ con chị về nơi an nghỉ cuối cùng.
Xé lòng cảnh cha dượng và hai đứa con côi
Sáng 20.10, chúng tôi tìm về làng Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, để chia sẻ những nỗi đau, mất mát vừa xảy ra với gia đình sản phụ Nguyễn Thị Xuân.
Hàng nghìn người dân và chiếc xe chở quan tài hai mẹ con chị Xuân kéo đến nhà Phó giám đốc bệnh viện “đòi công bằng”.
Trong căn nhà cấp bốn, 2 gian, rộng chừng hai chục mét vuông, nằm sâu trong xóm, nhìn thấy cảnh hai đứa bé (con gái chị Xuân) cùng người cha dượng của chúng chít khăn tang, mắt đờ đẫn, thẫn thờ mà không ai cầm nổi nước mắt. Bà con lối xóm ở vùng quê nghèo này không ai bảo ai, mọi người đều tạm gác công việc đồng áng để cùng đến chia sẻ nỗi đau thương, mất mát với gia đình sản phụ Xuân. Một không khí tang thương, đau buồn bao trùm lên con xóm nhỏ nằm khuất sau phía bờ tả sông Chu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia cảnh sản phụ Nguyễn Thị Xuân vô cùng éo le, bi đát. Trước kia, chị Xuân đã từng có một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Vợ chồng chị Xuân sinh được hai con gái: Cháu Nguyễn Thị Nga (SN 1997) và Nguyễn Thị Ngân (SN 2001). Thế nhưng, năm 2002, bố của hai cháu Ngân, Nga mắc bệnh ung thư máu, rồi qua đời. Hơn 10 năm qua, gạt đi những buồn đau, gắng gượng nuôi các con ăn học, chị lao vào làm việc quần quật suốt ngày với mong ước các con học hành đến nơi đến chốn. Khi Nga đang học lớp 10, do hoàn cảnh quá khó khăn nên em phải bỏ học giữa chừng để ra Hà Nội làm thuê, một phần là nuôi bản thân, phần thì giúp mẹ có thêm thu nhập để nuôi em Ngân ăn học.
Cảm thương trước hoàn cảnh của chị Xuân, anh Nguyễn Văn Đông đã tìm tới gắn nghĩa với chị. Trước đây, anh Đông là người cùng xã, nhưng đã lên huyện miền núi Ngọc Lặc lập nghiệp. Gia cảnh hiện nay của anh cũng neo đơn. Vợ đi biệt xứ, hai đứa con lớn cũng bỏ đi làm ăn xa. Anh trở về quê cũ và tình cờ gặp hoàn cảnh mẹ con chị Xuân, nên đã đến bên chị để chia sẻ buồn vui cuộc sống. Cảm động trước tấm chân tình của anh Đông, năm 2011, chị chính thức nhận lời với anh. Dẫu rằng cảnh “rổ rá cạp lại”, nhưng bà con lối xóm ai cũng mừng cho chị Xuân, bởi mẹ con chị đã có được nơi để nương tựa, cậy nhờ. Từ khi thành vợ chồng đến nay, anh Đông chuyển về ở với chị Xuân. Hàng ngày, anh làm thợ mộc, còn chị Xuân làm ruộng và xin làm thêm mảng kế toán, sổ sách cho thôn.
Gượng dậy trong nỗi đau xót, anh Đông kể rằng: “Cuộc sống của vợ chồng tôi đang rất hạnh phúc, hai đứa con gái đều rất ngoan. Dù nghèo thật, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng làm việc để nuôi dạy các con. Thấy hai cháu Nga, Ngân đã lớn, chúng tôi quyết định sinh thêm một đứa nữa cho chúng có chị, có em. Ai ngờ bỗng dưng tôi lại mất cả vợ lẫn con một cách đau đớn đến vậy”.
Trò chuyện với chúng tôi, một người hàng xóm của vợ chồng chị Xuân chia sẻ: “Tôi chưa từng thấy một hoàn cảnh nào đáng thương và bi đát như gia đình chị Xuân. Hôm nghe tin mẹ mất, nhìn hai đứa trẻ khóc đến tím tái mà chúng tôi ai cũng khóc theo. Không biết rồi các cháu sẽ sống thế nào, bởi các bác của các cháu cũng hoàn cảnh lắm, không thể nuôi nổi các cháu được đâu”.
Còn bà cụ Nguyễn Thị Nghiện (84 tuổi), mẹ đẻ chị Xuân, gần như chỉ ngồi bất động một chỗ trước mất mát vừa qua. Bà cụ bảo: “Chỉ tiếc là thân già này không chết thay được cho con gái và đứa cháu ngoại chưa kịp đặt tên. Từ giờ trở đi, không biết 2 đứa cháu ngoại của tôi sẽ thế nào, khi cả cha lẫn mẹ đều bỏ chúng mà đi”.
Theo Lao động
'Tôi hay mơ thấy tiếng trẻ con khóc thét'
Thừa nhận nếu sản phụ Xuân được mổ sớm hơn có lẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc, bác sĩ Định cho hay, suốt mấy đêm nay ông mơ thấy tiếng khóc thét của trẻ văng vẳng bên tai.
Bác sĩ Lê Văn Định, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), người trực tiếp khám và mổ cho sản phụ Nguyễn Thị Xuân cho biết, từ hôm xảy ra sự việc, ông phải rời nhà đi lánh nạn để tránh hành động quá khích, đe dọa của một số người thân trong gia đình nạn nhân.
Người nhà sản phụ Xuân ngồi khóc bên quan tài đặt trong bệnh viện. Ảnh: Lê Hoàng
Nam bác sĩ giãi bày, 4h sáng 18/10, nhận được điện thoại của đồng nghiệp thông báo ở viện đang có bệnh nhân nguy kịch, ông lập tức lấy xe máy đi thẳng tới bệnh viện cách đó khoảng 3 km. Hôm ấy là ngày nghỉ, trời mưa tầm tã và lạnh.
"Lúc tôi đến thì sức khỏe sản phụ Xuân khá yếu, có biểu hiện vỡ ối, không được xử lý kịp thời sẽ tắc mạch ối, gây nguy hiểm tính mạng. Sau cuộc hội chẩn khẩn trương, chúng tôi yêu cầu người nhà viết bản cam kết và chỉ 10 phút sau đó tôi đã đốc thúc ê kíp đưa sản phụ Xuân lên bàn mổ, nhưng chị ấy bất ngờ lên cơn co giật, tím tái", bác sĩ Định kể.
Do tình huống diễn ra quá nhanh, sản phụ Xuân tử vong nên kíp mổ thống nhất sẽ làm mọi cách để cứu sống cháu bé. Tuy nhiên, bác sĩ Định cho biết, "khi được đưa ra ngoài, bé trai bụ bẫm lắm, nhưng tay chân đã tím tái".
"Suốt những năm hành nghề, tôi chưa bao giờ phải chứng kiến sự việc đau lòng đến vậy. Tôi đã cố gắng làm tròn trách nhiệm, hết mình vì lương tâm của người thầy thuốc. Đây là một tai nạn nghề nghiệp không ai mong muốn", nam bác sĩ trần tình.
Nhận định về nguyên nhân khiến sản phụ Xuân tử vong, bác sĩ Định cho biết, chẩn đoán ban đầu cho thấy trước giờ sinh nở sản phụ bị tắc mạch ối. "Giá như sản phụ Xuân được mổ sớm hơn, có lẽ sự việc không đáng tiếc đến thế. Đây là trường hợp hy hữu, diễn biến quá nhanh", bác sĩ Định nói.
Vị bác sĩ cũng tỏ ra thông cảm cho người dân khi họ đưa quan tài đến nhà riêng của mình và đập phá nhiều đồ đạc. "Việc người dân bức xúc đập phá nhà cửa, gia đình tôi cũng thông cảm cho họ, chỉ mong sao mọi nỗ lực của chúng tôi sẽ được người nhà sản phụ Xuân ghi nhận và sẻ chia".
Thừa nhận những ngày qua mình sống trong tâm trạng day dứt, ông tâm sự: "Suốt mấy đêm nay, tôi không thể nào chợp mắt nổi vì mỗi lần nhắm mắt tôi lại mơ thấy tiếng khóc thét của trẻ con văng vẳng bên tai".
Chiều 22/10, đại diện Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, các khoa ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa đã hoạt động bình thường. Dự kiến, ngày 25/10, bệnh viện và toàn bộ kíp trực đêm 17/10 phải hoàn tất bản tường trình. Sau đó, các chuyên gia sản khoa và Sở Y tế sẽ mở niêm phong hồ sơ bệnh án để xác định nguyên nhân.
Hàng nghìn người dân bám theo chiếc xe cảnh sát chở quan tài diễu phố. Ảnh: Lê Hoàng
Trước đó, khoảng 19h30 ngày 17/10, sản phụ Nguyễn Thị Xuân (40 tuổi, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có biểu hiện chuyển dạ nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa chờ sinh. Người nhà của sản phụ nhiều lần đề nghị kíp trực can thiệp nhưng 3h sáng 18/10, chị Xuân mới được đưa lên bàn mổ. Tuy nhiên, hơn 5h, sản phụ vẫn chưa được phẫu thuật và khoảng 5h45, gia đình nhận được tin báo, chị Xuân và thai nhi đã tử vong.
Bức xúc trước cái chết của chị Xuân, hàng trăm người đã kéo đến bao vây bệnh viện, họ la ó đòi làm rõ trách nhiệm. Ngày 19/10, người thân mới chịu đưa thi hài người phụ nữ cùng đứa trẻ xấu số về quê an táng.
Khi xe chở thi hài chị Xuân ra khỏi cổng bệnh viện, người thân yêu cầu xe cảnh sát chở quan tài diễu qua các con phố ở thị trấn Vạn Hà. Đến trước cửa nhà riêng của bác sĩ Lê Văn Định (ở tiểu khu 12, thị trấn Vạn Hà) chiếc xe dừng lại. Nhiều người đánh trống, rải vàng mã, lao vào nhà tìm kiếm, đòi "xử" bác sĩ Định. Không thấy bác sĩ, nhiều người đã dùng gạch đập phá làm hư hại đồ đạc.
Công an huyện Thiệu Hóa đã huy động cả trăm người để vãn hồi trật tự. Gần 14h cùng ngày, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng mới thuyết phục được người dân đưa thi hài chị Xuân về quê an táng. Dù cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cuối cùng, Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 150 triệu đồng tiền "hỗ trợ mai táng".
Lê Hoàng
Theo VNE
'Đền' sản phụ tử vong: Bệnh viện phải đi vay 150 triệu "Việc hỗ trợ 150 triệu đồng cho gia đình sản phụ Xuân là có thật, nhằm giúp họ có tiền lo mai táng, ổn định cuộc sống, số tiền trên nằm ngoài ngân sách BV". Bệnh viện đa khoa Thiệu Hóa, nơi xảy ra sự việc Ông Đỗ Đình Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khẳng...