Vụ PV tử nạn: “Lấy xong tin, sao con không về?!”
Để kịp đưa tin siêu bão, nữ PV trẻ Nguyễn Thị Hồng Sen công tác tại Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã gọi về cho gia đình nói rằng: “Làm xong tin, con sẽ về”. Nhưng đang trên đường về, tai nạn giao thông bất ngờ xảy ra khiến chị ra đi mãi mãi…
Tin dữ sau siêu bão
Chiều 9/11, Quảng Ngãi trời mưa gió ràn rạt. Tuy nhiên, khi tin siêu bão Haiyan còn chưa vào đất liền, các đồng nghiệp và người dân đón nhận tin dữ – nữ PV trẻ Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ – Nguyễn Thị Hồng Sen đã tử vong do bị TNGT khi đi tác nghiệp để đưa tin về công tác ứng phó với cơn bão.
Phóng viên Hồng Sen (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp
Trước đó, theo dự báo “siêu bão” Haiyan có nguy cơ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, Hồng Sen được Đài Truyền thanh Đức Phổ phân công theo dõi, đưa tin tại địa bàn 2 xã Phổ Văn và Phổ Quang. Sau khi lặn lội ghi nhận thông tin, Sen chạy xe máy về cơ quan làm tin thời sự để phát thanh lúc 21h. Tuy nhiên, đang trên đường về (khoảng 20h), chị đã bị chiếc xe khách loại 16 chỗ chạy hướng Quy Nhơn – Đà Nẵng lưu thông cùng chiều lao tới gây tai nạn. Mặc dù được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm cấp cứu, nhưng do chấn thương quá nặng, Hồng Sen đã qua đời.
Trưởng Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ Phạm Ngọc Âu cho biết, 5 năm công tác tại Đài Truyền thanh Đức Phổ, Hồng Sen luôn là nữ PV trẻ xông xáo, không ngại khó và được đồng nghiệp cơ quan tin yêu. Ông Trần Lên (59 tuổi, cha chồng của Hồng Sen) nói trong nước mắt: “Đau đớn quá, Sen là con dâu hiếu thảo. Tối hôm đó, trước khi gặp nạn nó có gọi về nói cha mẹ đừng đợi cơm con, làm xong tin siêu bão con sẽ về. Vậy mà, lấy xong tin rồi, sao con không về…”.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa và ông Nguyễn Ba (ở thôn Mỹ Thuận, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) mấy hôm nay như người mất hồn bên linh cữu cô con gái. Ông bà cho biết, Sen chịu khó từ nhỏ. Khi đi học xa nhà, Sen vừa học, vừa làm thêm phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Ra trường, Sen được nhận vào làm tại Đài Truyền thanh huyện, cả nhà mừng lắm. Nào ngờ, nó lại bỏ chúng tôi mà ra đi trong mưa bão…
Hai bố con anh Trang
Video đang HOT
Hạnh phúc ngắn ngủi
Nguyễn Hồng Sen (SN 1986) là con gái đầu trong số 5 người con của vợ chồng ông Ba. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình trở về quê, năm 2008, Hồng Sen được tuyển dụng vào làm việc tại “đài huyện”. Một năm sau đó, chị lập gia đình với anh Trần Ngọc Trang (30 tuổi, thôn Đông Quang, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ).
Sau 5 năm cần mẫn lao động tích cóp được ít tiền, hai vợ chồng vay mượn thêm sửa lại ngôi nhà nhỏ. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên khi đứa con trai – cháu Trần Chí Khang kháu khỉnh chào đời. Nhưng nào ngờ, TNGT ập đến khiến ngôi nhà nhỏ vốn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc ấy chìm trong tang tóc. Ngồi thẫn thờ bên quan tài, nhìn di ảnh vợ nghi ngút khói hương, anh Trang nghẹn ngào: “Tối hôm xảy ra tai nạn, tôi thấy vợ đi làm về trễ so với mọi hôm nên gọi điện hỏi. Lúc ấy, Sen bảo cứ yên tâm ở nhà cho con ăn trước vì hôm nay Sen về trễ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 giờ sau đó tôi nhận được tin vợ đã tử vong ở bệnh viện do bị xe tông”.
Đại diện Báo Giao thông trao 5 triệu đồng cho chồng chị Hồng Sen
Chia sẻ nỗi đau
Những ngày qua có nhiều đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị đến động viên chia sẻ nỗi đau thương mất mát của gia đình. Chiều 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã gửi vòng hoa viếng cùng lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân. Ban ATGT, Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Quảng Ngãi… cũng đã đến chia buồn và thăm hỏi, động viên gia đình nữ PV Hồng Sen.
Sáng 12/11, đại diện Báo Giao thông đã về thôn Đông Quang chia buồn, thắp nén nhang cho người đồng nghiệp và trao cho gia đình nữ PV Hồng Sen 5 triệu đồng từ Chương trình “Chung tay vì ATGT”. Ông Nguyễn Bườm – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, trước mắt, huyện hỗ trợ gia đình PV Hồng Sen 7 triệu đồng, đồng thời vận động CBCNV hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng. Theo thông tin ban đầu thì vụ TNGT xảy ra khiến PV Hồng Sen tử nạn hoàn toàn do lỗi của xe ô tô. Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Đức Phổ đang chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan Công an điều tra và sẽ xem xét giải quyết chế độ cho PV Hồng Sen theo quy định .
Bắt khẩn cấp lái xe gây tai nạn Chiều 11/11, Thượng tá Huỳnh Tiến Dũng – Trưởng Công an huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, đã tiến hành bắt khẩn cấp tài xế xe khách Nguyễn Văn Hùng (ngụ Bình Định) về hành vi “vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ”, gây ra cái chết của nữ phóng viên Hồng Sen – Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ. Tài xế Hùng khai nhận, tối 9/11, trước tin bão số 14 có thể đổ bộ vào miền Trung, Hùng điều khiển xe với tốc độ 70km/h chở khách hướng Bình Định – Đà Nẵng đã tông vào xe của chị Sen từ phía sau trên Quốc lộ 1A thuộc xã Phổ Ninh, khiến chị Sen tử vong.
Theo Duy Lợi
"Nhà báo tử nạn: Không thể là liệt sĩ"
Mỗi người có một công việc, nhiệm vụ riêng. Công việc của chị ấy là đưa tin mưa bão. Chị ấy đã không may mắn khi gặp mưa to, gió lớn.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Duy Kiên (Phó Cục trưởng Cục Người Có công, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) cho biết, theo quy định hiện hành, không thể xem xét truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho phóng viên tử nạn trong khi làm tin mưa bão ở Quảng Ngãi.
Như đã đưa tin, tối 9/11, phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen (28 tuổi, Đài Truyền thanh huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã từ trần vì tai nạn giao thông khi đang trên đường xuống các xã để đưa tin về mưa bão.
Xin ông cho biết, chị Sen có thể được xem xét truy tặng danh hiệu liệt sỹ hay không?
Chị Sen không thuộc các trường hợp được quy định trong Pháp lệnh ưu đãi người có công. Vì thế không thể xem xét truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Chị Sen thuộc trường hợp tử nạn do tai nạn giao thông khi đang trên đường đến nơi làm nhiệm vụ.
Nhưng nữ phóng viên này làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh đặc biệt là mưa bão, thưa ông?
Nếu chị ấy xả thân để cứu người trong mưa bão hoặc nỗ lực cứu đường liên lạc bị đứt để phục vụ quốc phòng an ninh, mới có thể xem xét được. Chị ấy đơn thuần chỉ là đi làm việc trong thời tiết xấu. Mỗi người có một công việc, nhiệm vụ riêng. Công việc của chị ấy là đưa tin. Công việc của những người khác là kinh doanh, sản xuất,... Họ có thể không may mắn gặp mưa to, gió lớn và chết trên đường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 14 tại huyện Vân Đồn tối 10/11 (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Vậy nếu chị ấy tử nạn khi đang đứng trong vùng bão lũ, đưa tin từ hiện trường thì sao?
Kể cả như vậy cũng không được. Bởi đó là công việc phải làm của mỗi người lao động do cơ quan giao phó. Trừ khi chị ấy dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh.
Nói vậy, bộ đội và công an cũng có công việc của riêng họ là bảo vệ quốc phòng, an ninh, cũng như công việc của người khác là viết báo, sản xuất, kinh doanh,..?
Trên đường đi làm việc mà chiến sỹ bộ đội, công an tử nạn cũng đâu có được truy tặng liệt sỹ. Đối với bộ đội, phải là người trực tiếp chiến đấu. Còn công an, phải tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mà cách hành vi đó phải thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn như anh cảnh sát đuổi bắt cướp, ngăn chặn một vụ giết người.
Vậy ông Nguyễn Tài Dũng (Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An) tử nạn trên đường đi cứu trợ lũ thì sao?
Đó cũng là công việc và nhiệm vụ của ông ấy. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cùng các cơ quan, bộ, ngành khác vẫn đang xem xét ông Dũng có thuộc trường hợp trong quy định được truy tặng hay không.
Vậy theo ông, quy định về các trường hợp được truy tặng danh hiệu liệt sỹ như hiện nay đã đầy đủ chưa? Có nên xem xét bổ sung thêm các trường hợp trên hay không?
Theo tôi, quy định hiện hành như vậy đã là đầy đủ. Nếu bổ sung các trường hợp nói trên, e rằng sẽ có quá nhiều người được truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Như vậy danh hiệu này không còn giá trị tôn vinh.
Chúng ta rất tiếc thương cho nữ phóng viên cũng như những người thiệt mạng trong mưa bão vừa qua, dù họ làm gì và ở đâu. Nhưng mọi thứ vẫn phải được nhìn nhận khách quan.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ: a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu; c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị. Trường hợp bị chết trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là liệt sĩ; d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; e) Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân; g) Do ốm đau, tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; ... l) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai.
Theo Khampha
Nữ phóng viên tử nạn trong bão: Truy tặng liệt sĩ? Tối 9/11, phóng viên Đài truyền thanh huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Hồng Sen (27 tuổi) trên đường tác nghiệp hiện trường vụ bão Haiyan đã bị xe khách tông tử vong. Chị Sen qua đời khi đang thi hành công vụ, liệu có được truy tặng liệt sĩ? Theo thông tin ban đầu, tối 9/11, phóng viên Nguyễn Thị Hồng...