Vụ Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội bị tố cáo sao chép giáo trình: Chỉ là “kế thừa” tài liệu nội bộ?
Liên quan đến đơn tố cáo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội sao chép giáo trình của người khác, ngày 2-10, trao đổi với phóng viên ANTĐ, đại diện bộ môn Hệ thống điện trường này đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện nội dung tố cáo trên.
Cuốn tài liệu của PGS Võ Viết Đạn đề tặng PGS Trần Văn Tớp
Cập nhật là hợp lý?
Video đang HOT
Không đồng tình với cách đặt vấn đề “đạo văn” hay sao chép giáo trình ở đây, GS.TS Lã Văn Út, nguyên trưởng bộ môn Hệ thống điện (nay thuộc Viện Điện – ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Cuốn “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của PGS.TS Võ Viết Đạn không phải là giáo trình mà chỉ là một trong 4 cuốn tài liệu được viết ra nhằm phục vụ học viên của lớp bồi dưỡng cho các kỹ sư sẽ vận hành ở Trung tâm Điện lực Quốc gia và các trạm 500 Kv. “Có thể khẳng định cuốn tài liệu này không phải là giáo trình cũng không phải là tài liệu tham khảo. Tên cuốn tài liệu thì bộ môn xác nhận là do thầy Võ Viết Đạn viết nhưng nói về bản quyền bảo hộ thì không đủ cơ sở pháp lý. Vì vậy, việc tố cáo nói là sao chép giáo trình là không đúng” – GS.TS Lã Văn Út phân tích.
Còn theo cách giải thích của PGS. Nguyễn Đình Thắng, nguyên giảng viên bộ môn Hệ thống điện, sách phải có sự đặt hàng thì mới là giáo trình và phải có sự thông qua của nhóm. “Cuốn giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp là viết theo yêu cầu của bộ môn, cập nhật theo tài liệu của PGS. Đạn là hiển nhiên và hợp lý” – GS.TS Lã Văn Út cho biết:
Về phản ánh việc sao chép gần như 100% tài liệu của PGS.TS Võ Viết Đạn và đâu là điểm mới của cuốn giáo trình đứng tên PGS.TS Trần Văn Tớp, GS.TS Lã Văn Út khẳng định, cuốn giáo trình của PGS.TS Trần Văn Tớp đã cập nhật khá nhiều so với nội dung của cuốn tài liệu năm 1993 và 1972. Ông cũng cho rằng, cần phân biệt giữa viết giáo trình, sách giáo khoa với luận án, đề tài nghiên cứu khoa học… “Luận án, đề tài nghiên cứu khoa học là sản phẩm cá nhân, không được quyền sao chép hoặc có thì phải trích dẫn rõ ràng, còn với giáo trình và sách giáo khoa việc giống nhiều hay ít là chuyện bình thường. Đây là tài liệu tập hợp kiến thức nhân loại, cần được cập nhật càng sớm càng tốt. Cách trích dẫn của tài liệu giáo trình cũng khác so với yêu cầu làm luận án và chỉ chú thích đơn giản” – GS.TS Lã Văn Út phân tích.
Cuốn giáo trình được cho là đã cập nhật của PGS Trần Văn Tớp
Vì sao không đăng tên đồng tác giả
Câu hỏi được đặt ra ở đây là cuốn sách “Kỹ thuật điện cao áp – quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của PGS.TS Trần Văn Tớp tại sao không có tên PGS.TS
Võ Viết Đạn. Trả lời việc này, GS.TS Lã Văn Út cho biết, trong cuốn “Kỹ thuật điện cao áp – quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp”, ở Lời nói đầu, tác giả cũng ghi rõ: “Tài liệu này được biên soạn dựa trên kinh nghiệm giảng dạy môn học Kỹ thuật điện cao áp và tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” do PGS.TS Võ Viết Đạn biên soạn năm 1992 phục vụ công tác vận hành và quản lý hệ thống truyền tải siêu cao áp 500Kv Bắc – Nam”. Bên cạnh đó ở phần cuối sách liệt kê tài liệu tham khảo cũng đã nêu tên tài liệu này của PGS. Võ Viết Đạn.
Khẳng định một lần nữa thế nào là tài liệu có giá trị và sao chép trong điều kiện cho phép, GS.TS Lã Văn Út cho rằng, chỉ có nhóm chuyên môn mới xác định được giáo trình có chất lượng và có “đạo văn” hay không.
Biên bản thẩm định cuốn sách của PGS Trần Văn Tớp
TS. Nguyễn Huy Phương -Viện trưởng Viện Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Thành, Viện đã thông báo cho các cán bộ và tổ chức cuộc họp với bộ môn Hệ thống điện. PGS.TS Trần Văn Tớp cũng đã có biên bản giải trình về những gì mới, bổ sung trong quyển giáo trình 2007. Viện đã có văn bản báo cáo kết quả làm việc với lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội để phục vụ công tác xác minh của Thanh tra Bộ GD-ĐT theo đúng quy trình xử lý đơn tố cáo. Hiện tại Bộ GD-ĐT đang trong quá trình thẩm tra 2 cuốn này.
Theo ANTD