Vụ Phạm Công Danh: Tòa không chấp nhận luật sư của ông Trần Bắc Hà
Người đại diện của ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) đã nộp đầy đủ các giấy tờ chứng minh ông đang điều trị bệnh tại Singapore, sự vắng mặt của nguyên lãnh đạo ngân hàng BIDV được HĐXX chấp thuận.
Sáng nay (16.1), phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại 4 ngân hàng (VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV) tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan đến khoản vay 1.700 tỷ đồng tại TPbank.
Đáng chú ý tại phiên tòa sáng nay, thay mặt HĐXX, chủ tọa phiên xử thông báo người đại diện của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV) đã nộp các giấy tờ chứng minh ông Hà đang điều trị bệnh tại Singapore. Ông Hà nhập viện từ ngày 7.1, toàn bộ hồ sơ đang được HĐXX cầm trên tay, hồ sơ giấy tờ có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam. Do đó, HĐXX chấp nhận đơn xin vắng mặt tại tòa của ông Hà.
Tuy nhiên, HĐXX không chấp thuận việc luật sư của ông Hà tham gia phiên tòa vì không thể hiện ý chí chủ quan của ông Hà. HĐXX cho biết chỉ chấp nhận cho luật sư ông Hà tham gia phiên toà trừ khi ông có mặt, còn lại không chấp nhận. Lý do là trước đó tòa đã gửi thông tin triệu tập đến người liên quan nhưng mãi đến nay mới có thông báo và việc giới thiệu luật sư bảo vệ cũng không có xác thực của Đại sứ quán.
HĐXX tại phiên tòa.
Video đang HOT
Trước đó, từ khi diễn ra phiên tòa, ông Hà được yêu cầu triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng chưa xuất hiện. HĐXX, đại diện VKS cùng một số luật sư đã yêu cầu tiếp tục triệu tập ông Hà và những người liên quan có mặt tại tòa. Trong trường hợp ông Hà và những người liên quan không có mặt tại tòa, HĐXX sẽ cho phép VKS sử dụng những lời khai trong cáo trạng để xem xét các hành vi liên quan.
Đại diện của ông Hà thông báo ông Hà bị ung thư gan. Tuy nhiên, đại diện VKS cũng đề nghị tòa kiểm tra bệnh án của ông Hà, đồng thời kiểm tra cơ quan xuất nhập cảnh xem thật sự ông Hà có đi chữa bệnh ở nước ngoài hay không.
Trong vụ án này ông Hà được xác định đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đóng dấu đồng ý vào phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn mua vật liệu xây dựng. Ông Hà cũng ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng 4.700 tỷ đồng; giao quyền cho bốn chi nhánh cho ông Danh vay và thu nợ.
Tại bảng giải trình gửi cơ quan điều tra trước đó, ông Hà cho biết cho 12 công ty vay vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, ông đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư với nội dung phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng.
Nguyên lãnh đạo BIDV này cho rằng cá nhân ông đã thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban quản lý rủi ro, nhưng thừa nhận BIDV trong trường hợp này đã có một số thiếu sót như chưa kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng trong hồ sơ vay vốn, không lập phiếu đánh giá khách hàng về tình hình tài chính. Tuy nhiên, đây chỉ là thiếu sót về mặt nghiệp vụ mang tính chất bổ sung, thuộc quy định nội bộ của BIDV và các bộ phận đã rút kinh nghiệm.
Cơ quan điều tra xác nhận không đủ căn cứ xác định các lãnh đạo Ngân hàng BIDV là đồng phạm với Phạm Công Danh, nên không xử lý hình sự. Riêng ông Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay và cũng không biết các công ty này do Danh thành lập. Do đó, ông Hà và một số lãnh đạo cấp cao của BIDV chỉ bị đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính.
Theo Danviet
Xét xử vụ Phạm Công Danh, Trầm Bê: Số tiền 4.500 tỷ đồng giờ ở đâu?
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đều khẳng định số tiền 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ ngân hàng này không bị mất đi mà hòa vào dòng tiền chung của VNCB (hiện là CB). Tuy nhiên, hiện số tiền này được dùng hết hay chưa thì vẫn đang là dấu hỏi?
Trong những ngày xét hỏi trước liên quan đến việc sử dụng số tiền vay 4.700 tỷ đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), nhiều câu hỏi đã xoay quanh nội dung Phạm Công Danh dùng số tiền này như thế nào, hiện dòng tiền này đang ở đâu đã được đặt ra. Tại phiên tòa sáng nay (15.1), câu hỏi này lại được một lần nữa đưa ra với đại diện Ngân hàng CB (trước đây là VNCB).
Như Dân Việt đã thông tin, tại tòa, các bị cáo: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương đã nhiều lần trả lời các câu hỏi liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng (chủ yếu vay từ BIDV, trong tổng số tiền vay 4.700 tỷ đồng). Các bị cáo khẳng định số tiền này không bị thất thoát, không bị mất đi mà nó vẫn còn tồn tại và đang hòa vào dòng tiền chung của Ngân hàng CB.
Riêng bị cáo Phan Thành Mai trong phần xét hỏi vừa qua từng đề nghị HĐXX xem xét lại hậu quả của các bị cáo gây ra. Bị cáo này cho biết, thực tế số tiền thiệt hại mà Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây ra không phải là 6.126 tỷ như cáo trạng, mà là ít hơn nếu cấn trừ đi số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ Ngân hàng VNCB. Số tiền 4.500 tỷ hiện vẫn còn và đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng này. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét cấn trừ số tiền trên để khắc phục hậu quả.
Bị cáo Phạm Công Danh.
Tại phiên tòa sáng nay, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang đã đặt câu hỏi về số tiền 4.700 tỷ đồng hiện đang nằm đâu với đại diện Ngân hàng CB. Luật sư Trang thông tin, tại phiên tòa các bị cáo đã khai nhận số tiền 4.700 tỷ đồng được dùng vào 3 mục đích, đó là tăng vốn điều lệ cho VNCB, trả nợ cũ cho Ngân hàng Đại Tín và chi trả tiền chăm sóc khách hàng. Vậy, dòng tiền này giờ nằm đâu? Đại diện Ngân hàng CB cho rằng câu hỏi của luật sư quá nhiều, đề nghị tách ra. Vị đại diện ngân hàng này thông tin số tiền đã sử dụng hết, thời điểm nào thì không nhớ cụ thể mà chỉ biết rằng hết trước ngày 5.3.2015.
"Tức số tiền đó cho đến thời điểm khởi tố vụ án đã sử dụng hết, hôm nay trả lời ngắn gọn đã dùng hết chưa?", luật sư Trang nêu. Đại diện CB cho rằng trong tổng hơn 13.000 tỷ đồng tiền mặt tại thời điểm khởi tố vụ án, có kê rõ các khoản tiền sử dụng như thế nào.
Trước câu trả lời của đại diện CB, chủ tọa phiên tòa yêu cầu phải trả lời cụ thể xem số tiền này hòa vào dòng tiền nào tại ngân hàng, đã sử dụng vào mục đích gì, thời điểm trước ngày 26.7.2014 ngân hàng còn bao nhiêu tiền, đến ngày 5.3.2015 ngân hàng còn bao nhiêu...? Các câu hỏi này đại diện Ngân hàng CB không trả lời được tại tòa và xin được trả lời sau. Đại diện Ngân hàng CB cho biết, cần phải xem xét lại số liệu cụ thể và hứa sẽ giải đáp các vấn đề này vào chiều mai (16.1).
Cũng liên quan đến câu hỏi này, tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Phan Thành Mai một lần nữa khẳng định số tiền để tăng vốn điều lệ Ngân hàng VNCB là 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng. Trước đó, tại phiên tòa chiều 13.1, bị cáo Phạm Công Danh trả lời luật sư rằng thời điểm đó ông chịu sức ép lớn từ tăng vốn điều lệ và phải tìm mọi cách để cứu ngân hàng. Ông cũng nhiều lần đề nghị được xem xét đối trừ 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ để trừ trong phần thiệt hại tại VNCB. Bởi theo ông, khoản tiền này đều hòa chung dòng tiền ngân hàng nên cần được cấn trừ trong tổng thiệt hại của VNCB.
Theo Danviet
Xử vụ Phạm Công Danh: 6.126 tỷ đồng có phải vật chứng của vụ án? Sáng nay (12.1), đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ tại tòa số tiền thiệt hại, thu hồi 6.126 tỷ đồng để khắc phục hậu quả như đề nghị trong cáo trạng của VKSND Tối cao. Như Dân Việt đã thông tin, trong giai đoạn 2 của vụ án, cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, năm...