Vụ Phạm Công Danh: 3 ngân hàng kêu cứu vì bị đề nghị thu hồi hơn 6.100 tỷ
Bị VKS đề nghị thu hồi toàn bộ số tiền liên quan đến ông Phạm Công Danh, Sacombank, BIDV, TPBank gửi đơn kêu cứu lên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Ngày 25.1, Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) Việt Nam gửi công văn hỏa tốc đến Thủ tướng, các cơ quan trung ương, TAND TP.HCM… về việc Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank phản ánh liên quan vụ án Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh).
Động thái này được đưa ra do trước đó VKS đề nghị HĐXX buộc 3 ngân hàng này phải nộp lại hơn 6.100 tỷ đồng – được cho là tiền do ông Danh phạm tội mà có khi bảo lãnh cho 29 lượt công ty vay tiền các ngân hàng, dẫn đến thất thoát. Ông Danh và những người liên quan có nghĩa vụ liên đới trả lại tiền cho các ngân hàng.
Ông Phạm Công Danh. Ảnh: Quỳnh Trần
HHNH Việt Nam cho rằng, các tổ chức tín dụng là thành viên hiệp hội, trong đó có ba ngân hàng trên, đang rất hoang mang về tác động tiêu cực trong hướng xử lý của cơ quan tố tụng. Trong khi đó, kết luận giám định của Ngân hàng Nhà Nước cũng khẳng định BIDV, Sacombank và TPBank đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định, không có thiệt hại.
“Việc thực hiện kiến nghị của VKS, thu hồi số tiền hơn 6.100 tỷ đồng sẽ gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng. Bởi theo quy định, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ”, công văn của HHNH Việt Nam nêu.
Trên thực tế, nếu buộc các ngân hàng phải xác minh nguồn gốc số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho các ngân hàng cũng như cho khách hàng. Ngoài ra, ngân hàng không đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này.
Giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của ngân hàng với khách là giao dịch hợp pháp, thì việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ là ngay tình và được pháp luật bảo vệ.
Ông Trầm Bê khẳng định việc Sacombank cho ông Danh vay là đúng quy định. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo HHNH, việc này có thể dẫn đến hàng loạt giao dịch vay vốn, gửi tiền với giá trị nhiều tỷ đồng có nguy cơ xảy ra tranh chấp, xáo trộn các giao dịch kinh tế, thương mại. Nó cũng làm gia tăng rủi ro pháp lý, không dự liệu được cho các tổ chức tín dụng, khách hàng mất niềm tin… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của ngân hàng, môi trường đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
HHNH cũng cho rằng, việc áp dụng đồng bộ, nhất quán các quy định pháp luật là tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp ngân hàng phát triển tốt. Từ đó, Hiệp hội kiến nghị cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét cân nhắc có hướng xử lý phù hợp.
Theo cáo buộc, trong thời gian tái cơ cấu VNCB, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới tìm cách rút tiền từ VNCB để chăm sóc khách hàng, tăng vốn điều lệ trả nợ. Ông và đồng phạm đã sử dụng hơn 6.100 tỷ đồng của nhà băng mang sang gửi tại Sacombank, BIDV, TPBank để đảm bảo cho 29 lượt công ty vay tiền.
Do các công ty này không hoạt động kinh doanh, không có tiền trả nợ, nên các ngân hàng thu nợ bằng tiền đảm bảo của VNCB. Tuy nhiên, một số lãnh đạo và cán bộ của các ngân hàng (trong đó có ông Trầm Bê) bị cho là có sai phạm, giúp sức ông Danh gây thiệt hại cho VNCB.
Những con số trong đại án Trầm Bê – Phạm Công Danh. Nguồn: Zing
Theo Hải Duyên (VNE)
6 mấu chốt trong phiên xử vụ Phạm Công Danh - Trầm Bê
Ông Danh nói bị ép tăng vốn, ông Trầm Bê "không phục" khi bị buộc tội... và nhiều vấn đề khác đang chờ HĐXX phán quyết.
Những con số trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh. Nguồn: Zing
Phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm đã diễn ra trong 10 ngày, làm việc cả cuối tuần, mới kết thúc phần thẩm vấn.
Nhiều vấn đề mấu chốt được đặt ra trong quá trình xét hỏi, trước khi đại diện VKS đưa ra quan điểm luận tội các bị cáo vào ngày 22.1, về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) có khung hình phạt 10-20 năm tù.
1. Ông Phạm Công Danh sai do bị ép tăng vốn điều lệ?
Ra toà ở giai đoạn hai của đại án VNCB, ông Danh trông yếu hơn do căn bệnh thận trở nặng, thường xuyên phải nhờ đến đội ngũ y tế. Nhiều câu hỏi của tòa ông không thể trả lời vì cho rằng sức khỏe yếu, không còn nhớ rõ.
Ông Danh bị cáo buộc cầm đầu vụ án. Do cần tiền chăm sóc khách hàng, trả nợ, tăng vốn điều lệ cho VNCB nên đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi sai phạm. Nhóm ông Danh rút trái phép hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB để đảm bảo cho 29 lượt pháp nhân vay Ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank. Do các công ty này không hoạt động kinh doanh nên bị 3 nhà băng thu nợ, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.
Ông Danh cho rằng chịu sức ép từ việc tăng vốn nên mới sai phạm. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhận trách nhiệm, song ông Danh cho rằng phải làm như vậy do chịu sức ép lớn từ việc phải xoay sở tiền trả nợ cho khách hàng của VNCB, đồng thời "bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ép tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng" và hoàn toàn không hưởng lợi cá nhân.
Cựu Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai cũng xác nhận vấn đề này. "Ông Danh xin NHNN chia nhỏ việc tăng vốn thành nhiều đợt do VNCB đang gặp khó khăn nhưng không được chấp nhận", bị cáo khai.
Trả lời HĐXX, ông Đặng Văn Thảo (nguyên Phó ban Thanh tra giám sát NHNN) thừa nhận, khi họp với lãnh đạo VNCB, biết ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu bị thua lỗ nên đã đề nghị phải có giải pháp xử lý phù hợp để tiếp tục phát triển. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo VNCB đẩy nhanh lộ trình tăng vốn theo hướng đã được nghị quyết đại hội cổ đông thông qua và hoàn tất việc nộp tiền vào tài khoản.
2. Ông Trầm Bê 'không phục' cáo buộc cố ý làm trái
Kết quả điều tra xác định, ông Trầm Bê biết ông Danh không thể tự vay tiền của VNCB nên đã phê duyệt cho 6 công ty của ông Danh vay (bằng tiền đảm bảo của VNCB tại Sacombank), gây thất thoát cho VNCB 1.800 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn, ông Bê thừa nhận đã thực hiện các hành vi như cáo trạng nêu, nhưng việc cáo buộc "cố ý làm trái" là chưa chính xác. Ông này khẳng định việc phê duyệt cho các công ty vay tiền là phù hợp với các quy định của pháp luật và giao cho cấp dưới thực hiện theo đúng quy trình.
"Tôi chỉ nghĩ rằng ông Danh không được phép vay tiền ngân hàng mình làm chủ, giống như tôi, nhưng không bị cấm sang ngân hàng khác vay. Ông Danh không chỉ là khách hàng lâu năm mà việc này còn đảm bảo đúng các yêu cầu của pháp luật bao gồm: có tài sản bảo đảm, có lãi, thu hồi được nợ và có phương án kinh doanh", ông Bê nói.
"Cố ý làm trái là phải có tư lợi gì, giúp gì cho anh Danh... Không lẽ những người làm như tôi nhưng nói không quen anh Danh thì không phạm tội? Chẳng lẽ tôi khai báo thật thà nói quen thì là làm trái sao? Bị cáo không phục", ông Bê nói và đề nghị cần có quy định, định hình, khái niệm rõ ràng hơn về tội danh này.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, điều kiện tiên quyết để cho vay là phải có phương án kinh doanh, trong khi các công ty này chỉ được lập ra để đi vay tiền. Ông Bê thừa nhận chưa đọc Luật các tổ chức tín dụng nhưng có 10 năm làm phó chủ tịch ở hai ngân hàng.
Bị kê biên hai căn nhà ở quận 6 và quận Bình Tân trị giá hàng chục tỷ đồng, ông Bê đề nghị tòa giải toả lệnh kê biên vì đây là tài sản chung của hai vợ chồng ông và của chị vợ ông.
Ông Trầm Bê tại toà. Ảnh: Quỳnh Trần
3. VKS đề nghị triệp tập bằng được ông Trần Bắc Hà và người liên quan
Ngoài 46 bị cáo bị truy tố, nhiều lãnh đạo, cán bộ các ngân hàng và cá nhân được xác định có liên quan đến việc làm hồ sơ vay khống và phê duyệt cho các công ty của ông Danh vay tiền. Tuy nhiên quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định chưa có căn cứ để xử lý hình sự những người này.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tiếp tục làm rõ, xử lý các cá nhân nếu có căn cứ để tránh "bỏ lọt tội phạm".
Cơ quan công tố ít nhất ba lần đề nghị triệu tập bằng được ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc của BIDV) để thẩm vấn việc phê duyệt cho các công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng.
Ngoài ông Sáng có mặt, ông Trần Lục Lang và Trần Bắc Hà không đến tòa. Chỉ đến khi chủ toạ công bố "sẽ dùng biện pháp mạnh" thì đại diện của cựu Chủ tịch BIDV mới nộp hồ sơ cho thấy ông này đã qua Singapore chữa bệnh ung thư, một ngày trước khi phiên xử diễn ra.
HĐXX cho biết VKS và luật sư có thể sử dụng lời khai của những người này tại cơ quan điều tra.
4. Số tiền 4.500 tỷ đồng ông Danh tăng vốn điều lệ đang ở đâu?
Một trong những vấn đề được HĐXX, VKS và luật sư dành nhiều thời gian xét hỏi là đường đi của 4.500 tỷ ông Danh dùng tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Quá trình thẩm vấn, ông Danh và các bị cáo nguyên là cấp dưới đều khẳng định, dùng 4.500 tỷ đồng (trong số hơn 6.100 tỷ rút ra từ VNCB, thông qua các hợp đồng vay tại 3 ngân hàng) để tăng vốn điều lệ. Số tiền này vẫn "treo" tại VNCB chứ không bị thiệt hại.
Để làm rõ vấn đề này, điều tra viên Bộ Công an cũng được triệu tập đến tòa để thẩm vấn. Bà này xác nhận số tiền đã hòa chung vào dòng tiền sử dụng cho các mục đích tại VNCB (sau này là CB) nên không thể thu hồi.
Bị nhiều luật sư truy vấn, đại diện CB (VNCB sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng) xác nhận, 4.500 tỷ đồng đã được chuyển về tài khoản của VNCB tại Sở giao dịch NHNN. Tuy nhiên, số tiền này sau đó ông Danh đã chỉ đạo sử dụng hết với tư cách là Chủ tịch HĐQT chứ không phải tư cách cá nhân (như cáo trạng truy tố).
HĐXX đã chuyển tài liệu CB cung cấp về số tiền này cho VKS để nghiên cứu.
Các luật sư bào chữa cho ông Danh cho rằng cần phải xem khoản tiền này nằm trong thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng mà các bị cáo đang bị cáo buộc. Tuy nhiên, vấn đề này cơ quan tố tụng, HĐXX còn phải xem xét.
5. Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát nhận hàng nghìn tỷ đồng lãi ngoài?
Trình bày trước tòa về bối cảnh phạm tội, ông Danh cho biết, ngoài việc phải gồng mình lo tiền để VNCB không bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản, ông phải trả lãi ngoài cho doanh nhân Trần Quý Thanh (Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát) tới 2.700 tỷ đồng.
Việc này được cấp dưới của ông xác nhận, đều có ủy nhiệm chi và chứng từ.
HĐXX cho rằng nội dung trên nằm trong giai đoạn một của vụ án (thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng), nhiều lần đề nghị ông Danh không nhắc lại. Tỏ ra bức xúc, ông Danh cho rằng: "Việc này liên quan mật thiết ở cả hai giai đoạn vụ án nhưng trước đó tòa không xem xét, thu hồi số tiền để khắc phục hậu quả".
Trong phạm vi vụ án lần này, cơ quan điều tra xác định ông Danh và đồng phạm đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh 197 tỷ đồng và bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh) 43 tỷ đồng từ khoản vay 1.660 tỷ đồng của TPBank. Các bị cáo khẳng định đây là tiền chi lãi ngoài cho ông Thanh.
Được triệu tập đến tòa, song ông Thanh vắng mặt. Người đại diện theo ủy quyền của ông chỉ thừa nhận khoản 197 tỷ đồng, còn khoản 43 tỷ ông không biết. Phía ông Thanh cũng phủ nhận mối quan hệ vay mượn với ông Danh mà cho đây là tiền Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi) chuyển trả cho bà Bích thông qua tài khoản của ông Thanh.
Theo hồ sơ, Phạm Thị Trang là người đứng ra vay tiền cho ông Danh trong giai đoạn một của vụ án. Bà này đã bị khởi tố để điều tra với vai trò đồng phạm nhưng hiện đã bỏ trốn.
Đại gia Sáu Phấn. Ảnh: Hải Duyên
6. Đại gia Hứa Thị Phấn mất 93% sức khỏe
Bán lại Ngân hàng Đại Tín - TrustBank đang thua lỗ cho ông Danh, bà Hứa Thị Phấn là người liên quan nhiều vấn đề mấu chốt trong đại án VNCB ở cả hai giai đoạn. Tuy nhiên, đại gia Sáu Phấn không thể đến tòa theo lệnh triệu tập do đã mất 93% sức khỏe, đang điều trị tại Bệnh viện quận 7.
Giữa năm 2012, bà Phấn chuyển nhượng ngân hàng cho ông Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng nhưng ông Danh phải kế thừa các khoản nợ mà TrustBank để lại. Tài sản chuyển nhượng kèm theo ngân hàng là 9 ha đất quận 2, gần 25 ha đất Nhà Bè... Ông Danh sau đó đưa người vào điều hành và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB.
Ông Danh cho rằng, ngoài việc phải chịu áp lực trong việc xoay tiền chi chăm sóc khách hàng trong điều kiện nhà băng thua lỗ nặng, ông phải chuyển cho bà Phấn hơn 3.600 tỷ đồng vào tài khoản của bà tại VNCB để lấy tài sản đang thế chấp tại ngân hàng này ra. Tuy nhiên, ông không thể lấy tài sản để sử dụng do vướng pháp lý.
Trong số hơn 1.660 tỷ đồng vay của TPBank, ông Danh đã chuyển cho bà Phấn 600 tỷ đồng. VKSND Tối cao cáo buộc bà Phấn sử dụng số tiền này nhưng không thể lấy lời khai do bà trong tình trạng "sống thực vật".
Trong khi đó ông Danh nói không nhớ rõ số tiền này chuyển nhằm mục đích gì. Còn Phan Thành Mai xác nhận chuyển tiền cho bà Phấn để tái cơ cấu ngân hàng.
Ông Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc cố ý thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình tái cơ cấu VNCB để có tiền trả nợ, chi chăm sóc khách hàng. Ông chỉ đạo cấp dưới sử dụng hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn làm hồ sơ khống vay Sacombank 1.800 tỷ, BIDV 4.700 tỷ, TPBank hơn 1.660 tỷ đồng.Do các công ty này không thể trả nợ, 3 nhà băng đã thu hồi tiền từ tiền gửi của VNCB.Trong giai đoạn một của vụ án, ông Danh và đồng phạm đã bị xét xử và tuyên phạt án tù chung thân về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.Tòa cũng buộc ông và những người liên quan phải trả lại số tiền 9.000 tỷ đồng gây thiệt hại cho VNCB.
Theo Hải Duyên (VNE)
VKS kiến nghị thu hồi 1.700 tỷ ông Phạm Công Danh đã trả nợ BIDV Đại diện VKS cho biết đã chứng minh được đường đi của 1.800 tỷ đồng - ông Phạm Công Danh rút của VNCB trả nợ cho BIDV gần 1.700 tỷ, nên sẽ xem xét thu hồi Chiều 11.1, phiên xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Phó chủ tịch HĐQT...