Vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn:’Cán bộ tiếp tay, đau vẫn phải xử lý’
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo xử lý nghiêm, quyết liệt các vụ phá rừng ồ ạt thời gian qua, đồng thời “vạch mặt” cán bộ, kiểm lâm đứng đằng sau bảo kê lâm tặc…
Ngày 30.3, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam băng rừng để kiểm tra thực địa vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang).
Sau buổi kiểm tra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh có buổi làm việc với các lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các lãnh đạo UBND huyện Đông Giang, Nam Giang.
Đoàn lãnh đạo của tỉnh do ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu thị sát rừng phòng hộ Sông Kôn.
Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức được gần 210 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; phát hiện 242 vụ vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gồm 306m3gỗ các loại. Qua đó, đã khởi tố 6 vụ án hủy hoại rừng; tiếp tục điều tra 20 vụ; kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 vụ”.
Đại tá Nguyễn Đình Hùng – Trưởng Công an huyện Đông Giang cho biết, sau gần 2 tháng theo dõi, mật phục, đến ngày 8.3, Công an huyện Đông Giang bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng giáp ranh địa bàn xã Jơ Ngây và xã Tà Lu là Vũ Văn Cưng (40 tuổi) và Vũ Văn Trứng (36 tuổi), cùng trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang.
Nhiều phách gỗ bị lâm tặc xẻ ra nhưng chưa kịp mang ra khỏi rừng.
“Sau đó, Công an huyện Đông Giang mở rộng điều tra và xác định thêm 2 đối tượng Bhnướch Hồng (35 tuổi), A Ting Bnóc (26 tuổi), cùng trú xã A Ting, huyện Đông Giang, đã có hành vi khai thác cây gỗ rừng trái phép tại khu vực rừng tự nhiên thuộc khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 xã Zà Hung. Công an huyện đã tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ rừng trái phép, kết quả có 33 cây rừng bị đốn hạ với tổng khối lượng cây đứng hơn 72,6m3″, ông Hùng nói.
Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, ông Hồ Văn Minh – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn thừa nhận thiếu sót khi để xảy ra vụ phá rừng. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát chưa đến nơi, đến chốn nên đã dẫn đến tình trạng phá rừng quy mô lớn.
Video đang HOT
Công an tỉnh có mặt tại hiện trường vụ phá rừng Sông Kôn để điều tra làm rõ.
Ngoài vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, ngành Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam còn phát hiện vụ phá rừng trái phép xảy ra ở khoảnh 1, 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Qua kiểm tra, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây Lim Xanh và 1 cây Xoan Đào). Ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại 235,111m3; trong đó gỗ Lim xanh 223,121m3 và gỗ Xoan đào 11,990m3; khối lượng gỗ còn tại hiện trường gồm 125,909m3 gỗ tròn và 3,949m3 gỗ xẻ.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Địa hình Quảng Nam rộng lớn, hiểm trở, lực lượng mỏng, chính vì vậy mà công tác quản lý, bảo vệ rừng là một thách thức vô cùng lớn. Dù khó khăn, nhưng chúng ta càng làm mạnh thì lâm tặc càng chết, còn buông lỏng thì lâm tặc càng lấn tới. Riêng vụ phá rừng ở huyện Đông Giang và Nam Giang là rất nghiêm trọng”.
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu buông lỏng, lâm tặc càng lấn tới.
“Vụ phá rừng Sông Kôn, hiện công an đã xác định bị can, nên đẩy nhanh việc hoàn tất hồ sơ để sớm khởi tố bị can, sớm đưa ra xét xử nghiêm để răn đe cho các đối tượng khác”, ông Thanh yêu cầu.
Cũng tại đây, ông Thanh đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải trực tiếp yêu cầu kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý rừng tự nhận trách nhiệm trong việc quản lý rừng. “Trước mắt, về mặt xử lý hành chính, yêu cầu Sở NNPTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử lý gấp. Còn việc buông lỏng, có hành vi khác, liên quan đến trách nhiệm hình sự cần cơ quan công an làm rõ. Đối với địa phương nơi có rừng bị phá cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã, nhưng trách nhiệm chính vẫn là Ban quản lý rừng. Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là xử lý nghiêm, có thể đau đớn khi xử lý cán bộ, nhưng dứt khoát phải xử lý”, ông Thanh cương quyết.
Đau đáu khi nhìn những cây cổ thụ bị chặt hạ không thương tiếc.
Ngoài ra, ông Lê Trí Thanh còn yêu cầu, thời gian tới, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng một cách khoa học, tổ chức triển khai trên thực tế phải phù hợp với điều kiện cụ thể. Công an tỉnh Quảng Nam cần vào cuộc với Công an huyện Nam Giang và Đông Giang cùng với chính quyền địa phương xem xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ phá rừng này.
Cũng tại đây, ông Lê Trí Thanh, đã kêu gọi các cơ quan báo chí và quần chúng nhân dân tích cực tố giác các hành vi xâm hại rừng cũng như hiến kế trong việc quản lý, bảo vệ rừng, qua địa chỉ e-mail cá nhân: thanhquangnam70@gmail.com.
Theo Danviet
Lộ diện các đối tượng phá rừng phòng hộ Sông Kôn
Cơ quan công an và ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã điều tra, phát hiện 5 đối tượng phá rừng phòng hộ Sông Kôn. Hiện ngành chức năng đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án.
Chiều nay (29.3), Sở NNPTNT Quảng Nam đã thông tin đến báo Dân Việt về vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Dân Việt đã phản ánh).
Theo thông tin Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam báo cáo với Sở NNPTNT Quảng Nam, trong tháng 8 và tháng 9.2017, Huyện ủy Đông Giang thành lập Tổ kiểm tra việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường trên địa bàn huyện. Tại đây, Tổ kiểm tra nắm được thông tin phản ánh của người dân về đối tượng Vũ Văn Trứng (người địa phương) có hành vi khai thác gỗ trái phép tại khu vực giáp ranh địa bàn xã Jơ Ngây và xã Tà Lu, huyện Đông Giang.
Gỗ rừng phòng hộ Sông Kôn bị đốn hạ.
Sau đó, Công an huyện Đông Giang đã điều tra, xử lý vụ vi phạm này. Qua theo dõi, ngày 8.3, Công an huyện Đông Giang bắt quả tang 2 đối tượng có hành vi khai thác gỗ trái phép là Vũ Văn Trứng và Vũ Văn Cưng (thường trú xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang).
Đến ngày 21 và 22.3, các ngành chức năng gồm: Công an, Viện kiểm sát, Hạt Kiểm lâm Đông Giang - Tây Giang, Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Kôn, UBND xã Tà Lu, xã Jơ Ngây đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Khu vực xảy ra vi phạm thuộc khoảnh 8, 9, 10, 11 tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1, 3 tiểu khu 140 Zà Hung (huyện Đông Giang).
Tại hiện trường, có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung theo địa giới hành chính. Theo lâm phận thì có 12 gốc thuộc UBND xã Tà Lu quản lý, 21 gốc thuộc lâm phận BQL rừng phòng hộ Sông Kôn.
Uớc tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII. Một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường, số gỗ còn tại hiện trường 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ (khối lượng 10,852m3), 8 phách gỗ xẻ (khối lượng 2,299m3).
Qua điều tra, ngành chức năng đã phát hiện 5 đối tượng phá rừng phòng hộ Sông Kôn.
Đến nay, lực lượng công an đã phát hiện 5 đối tượng khai nhận hành vi khai thác một số gốc trong số 33 gốc chặt hạ ở khu vực trên, gồm: Ông Vũ Văn Trứng và ông Vũ Văn Cưng (cả hai cùng trú tại xã Jơ Ngây), ông Nguyễn Hồng, ông Bhnướch Hồng và ông A Ting Bnóc (cả ba cùng trú xã A Ting, huyện Đông Giang).
Ngoài vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, ngành Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam còn phát hiện vụ phá rừng trái phép xảy ra tại huyện Nam Giang.
Theo đó, ngày 7.3, BQL và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiểm tra phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 1, 3, tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Val, huyện Nam Giang, thuộc lâm phận quản lý của BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Qua kiểm tra, có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại 235,111m3. Trong đó gỗ lim xanh là 223,121m3 và gỗ xoan đào là 11,990m3. Khối lượng gỗ còn tại hiện trường là 125,909m3 gỗ tròn và 3,949m3 gỗ xẻ.
Sau khi phát hiện vụ vi phạm, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo BQL và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án để xử lý vi phạm.
Sau đó, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự số 21/QĐ-HKL khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".
Về vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, hiện Công an huyện Đông Giang đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án.
Theo Danviet
Khởi tố hình sự vụ "hạ sát" rừng phòng hộ Sông Kôn Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã tiến hành điều tra vụ án. Có 7 đối tượng tham gia vụ phá rừng, trong đó có 3 đối tượng đủ yếu tố để khởi tố vụ án. Tại cuộc họp báo hàng tháng do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 29/3, ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng...