Vụ ông Chấn: Thẩm phán phúc thẩm vụ án đối mặt mức án nào?
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949) để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như tin tức đã đưa, Cục Điều tra hình sự – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Chiêm nguyên là thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27/7/2004. Sau khi xét xử, HĐXX do ông Chiêm làm chủ tọa đã tuyên y án chung thân với ông Chấn về tội “giết người” như bản án TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt tại phiên sơ thẩm. Quyết định của Tòa phúc thẩm khiến ông Chấn ngồi tù oan 10 năm bởi hung thủ thật sự sát hại chị Nguyễn Thị Hoan là Lý Nguyễn Chung.
Bản án phúc thẩm đã tuyên ông Chấn tội giết người và phạt tù chung thân do ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ toạ phiên xét xử ngày 27/7/2004.
Trước quyết định của Cục Điều tra hình sự – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, PV đã có có cuộc trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) để tìm hiểu về khung hình phạt các bị can phải đối mặt khi bị khởi tố điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Luật sư có thể cho biết, các bị can bị cáo buộc phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ đối mặt khung hình phạt nào?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm đã được quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. Tuy nhiên, do yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, nên Quốc hội đã hai lần sửa đổi, bổ sung vào ngày 12/8/1991 và ngày 22/12/1992 theo hướng nghiêm khắc hơn. Hiện nay, tội này được quy định tại Điều 285 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và so với Điều 220 BLHS 1985 trước đây không có sự thay đổi lớn, chỉ bổ sung loại hình phạt cải tạo không giam giữ và thêm trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng ở khoản 2 của điều luật, đồng thời quy định hình phạt bổ sung ngay trong điều luật.
Theo đó, khung hình phạt cao nhất được áp dụng theo quy định tại khoản 2 điều này khi người phạm tội “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là hình phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
- Theo luật sư, ông Phạm Tuấn Chiêm sẽ đối mặt với khung hình phạt nào khi bị Cục Điều tra hình sự – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khởi tố để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”?
Theo thông tin báo chí đã đưa, ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn sát hại chị Nguyễn Thị Hoan, người cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Gia đình nạn nhân đã đề nghị xem xét tình tiết chị Hoan bị mất 2 chiếc nhẫn trước khi bị sát hại, nhưng ông Chiêm đã không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên không phát hiện sai sót về tố tụng hình sự.
Video đang HOT
Đồng thời, trong quá trình xét xử phúc thẩm, thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại CQĐT và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn nhận định là “gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường” làm chứng cứ buộc tội ông Chấn đã phạm tội giết người. Việc làm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tuyên bản án oan sai. Với chức vụ tại thời điểm xảy ra vụ án và những hành vi này, ông Chiêm khó có thể tránh được tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS mà VKSNDTC đã khởi tố.
Tình tiết định khung hình phạt cho tội này là “hậu quả”, việc ông Chiêm phải đối mặt với khung hình phạt nào phụ thuộc vào việc xác định hậu quả do hành vi trên gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về mức độ nghiêm trọng của hậu quả đối với các tội phạm chức vụ nói chung cũng như tội danh này nói riêng. Từ góc độ tiếp xúc vụ án qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi chỉ có thể đánh giá khách quan hậu quả do sai phạm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm gây ra có thể thuộc vào khoản 2 Điều 285 BLHS. Ông Chiêm đã tuyên án sai người sai tội, lại là án liên quan đến tội đặc biệt nghiêm trọng, khiến ông Chấn phải chịu bản án oan tù chung thân, phải ngồi tù oan một khoảng thời gian dài trong 10 năm, ảnh hưởng sâu sắc tới danh dự, nhân phẩm và các quyền cơ bản như quyền tự do, quyền nhân thân của một công dân. Với hậu quả đã gây ra, ông Chiêm có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS, tòa án cũng sẽ phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII BLHS (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể và hậu quả gây ra chỉ là hậu quả rất nghiêm trọng, thì tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới 3 năm tù), nhưng không được dưới 6 tháng tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể hoặc chỉ là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46, là người đã bị xử lý nhiều lần về hành vi thiếu trách nhiệm nhưng vẫn tái phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến 12 năm tù.
Theo báo Dân Việt
Ông Nguyễn Thanh Chấn làm gì khi hung thủ đang gây án?
Thời điểm Lý Nguyễn Chung ra tay giết chị Hoan, thì ông Chấn đang bán hàng nước nhưng lại phải chịu hình phạt vì giết người.
Hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) Lý Nguyễn Chung (SN 1988) sắp được đưa ra xét xử vào cuối tháng 9.
Lý Nguyễn Chung bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố hai tội danh: Giết người, Cướp tài sản.
Cũng theo truy tố VKS, vụ án xảy ra vào tối 15/8/2003. Vào khoảng 19h15'cùng ngày, Chung đi từ nhà đến quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hoan cùng thôn để mua dầu gội đầu.
Tại đây, Chung nhìn thấy trong tủ kính bán hàng tạp hóa có một chiếc hộp đựng tiền nên nảy sinh ý định giết chị Hoan để lấy tiền.
Với hàng loạt hành vi giết người như: Dùng dao đâm liên tiếp vào ngực, mặt; Dùng tay đập đầu chị Hoan vào tường; Dùng gối đè lên mặt khiến nạn nhân ngạt thở có thể khẳng định, Chung đã cố tình thực hiện hành vi giết người đến cùng.
Ông Nguyễn Thanh Chấn sau buổi làm việc với tòa phúc thẩm về vấn đề bồi thường
Sau khi gây án, Chung đã bỏ trốn vào Đắc Lắc sinh sống. Người phải gánh chịu án giết người mà Chung gây ra là ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung). Ông Chấn bị tòa án tuyên phạt tù chung thân về tội Giết người, dù thực tế ông không phải là người gây ra cái chết cho chị Nguyễn Thị Hoan.
10 năm tù vì chịu án oan về tội Giết người, ngày 25/10/2013, ông Chấn được giải oan khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Từ lời khai của hung thủ thực sự Lý Nguyễn Chung, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ký quyết định kháng nghị tái thẩm; kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND Tối cao đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ngày 6/11/2013, Hội đồng Phúc thẩm, TAND Tối cao mở phiên tòa xét xử theo thủ tục tái thẩm và ra quyết định hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm đối với tội Giết người của ông Nguyễn Thanh Chấn. Và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao điều tra lại vụ án.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định, tại thời điểm Chung gây án, ông Chấn đang còn bận bán hàng tại khu vực sân bóng thôn Me.
Theo đó, chiều 15/8/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965) bán hàng tại quán của gia đình ở gần sân bóng thuộc thôn Me, xã Nghĩa Trung.
Đến khoảng 19h cùng ngày, bà Chiến bảo ông Chấn đi xin nước về để muối cà pháo.
Ông Chấn lấy xe đạp buộc hai thùng nhựa đằng sau xe, rồi đạp xe đến nhà chị Hoàng Thị Viển (SN 1978) ở cùng thôn để xin nước.
Khi đi ngang qua nhà chị Nguyễn Thị Hoan, ông Chấn nhìn vào thấy cửa trước nhà chị Hoan mở to, trong nhà bật đèn sáng. Chị Hoan đang bế con ở sân sau.
Ông Chấn tiếp tục đi the đường giáp sân bóng rồi rẽ vào nhà chị Viễn xin nước.
Sau khi múc nước vào thùng, ông Chấn chào chị Viễn rồi đi thẳng qua sân bóng để về quán và tiếp tục bán hàng cùng với vợ.
Thời gian đi xin nước mất khoảng 10 phút. Khoảng cách từ quán ông Chấn đến nhà chị Viễn khoảng 150m.
Sau đó ông Chấn chỉ ở quán bán hàng cùng với vợ. Trong thời gian này, có rất nhiều người đến quán mua hàng, trong đó ông Chấn trực tiếp bán hàng cho bà Phạm Thị Nhâm (SN 1945, ỏ thôn Me); ông Nguyễn Văn Quyền (SN 1938, thôn Me); ông Nguyễn Văn Thực (SN 1951) đến gọi nhờ điện thoại, ông Chấn là người bấm máy cho ông Thực, bà Chiến bấm máy tính để tính tiền điện thoại.
Bán hàng một lúc, khi thấy quán ít khách, ông Chấn bảo bà Chiến ở lại quán trông hàng còn mình đi xe đạp về nhà. Sau đó đi tắm và ủ men rượu rồi ăn cơm cùng với mẹ và các con.
Ăn cơm xong, ông Chấn lại đạp xe ra ngoài quán để bán hàng cho đến khi mọi người phát hiện chị Hoan bị giết.
Theo tài liệu truy tố, căn cứ vào kết quả điều tra, lời khai của ông Chấn, nhân chứng và kết luận giám định xác định dấu vết đường vân chân dính máu tại hiện trường không phải của Nguyễn Thanh Chấn.
Có đủ cơ sở khẳng định Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội Giết người. Đến ngày 25/1/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Chấn.
Hiện ông Nguyễn Thanh Chấn đang làm việc với tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội về vấn đề bồi thường án oan sai. Gia đình ông Chấn đề nghị mức bồi thường gần 10 tỷ đồng./.
Việt Đức
Theo_VOV
Gần 20 cán bộ làm oan ông Chấn chưa chắc sẽ "hạ cánh an toàn" Thực tiễn pháp lý trong thời gian qua có một nghịch lý là lấy lý do năng lực chuyên môn yếu kém hoặc lỗi vô ý thì những người tiến hành tố tụng làm oan người vô tội đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khỏi phải hoàn trả tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị oan....