Vụ ông Chấn: Lời khai rợn người của hung thủ
Lời khai của hung thủ Lý Nguyễn Chung trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn khiến người thực thi pháp luật không khỏi “rợn tóc gáy”.
Mới đây, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra về quá trình phạm tội ghê rợn của Lý Nguyễn Chung, hung thủ thật sự trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn động trời…
Khi hung thủ Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì ông Nguyễn Thanh Chấn sau 10 năm tù oan được thả tự do. Lời khai của Chung tại cơ quan điều tra (CQĐT) khiến người thực thi pháp luật không khỏi “rợn tóc gáy”. Chưa đầy 16 tuổi, nhưng Chung đã thực hiện hành vi phạm tội tới cùng.
Hé lộ những tình tiết từng chìm trong bóng tối
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra về đối tượng Lý Nguyễn Chung (SN 1988, trú tại thôn Đoàn Kết, xã Eaka Mút, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk) về các tội: Giết người; Cướp tài sản được quy định tại Điều 93, Điều 133 Bộ luật Hình sự.
Trở lại vụ án cách đây 11 năm, theo đó, khoảng 22h ngày 15/8/2003, Nguyễn Hữu Thanh (SN 1989) và Hoàng Văn Mạnh (SN 1990) đều trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trên đường đi chơi về qua nhà chị Nguyễn Thị H. (SN 1972) ở cùng thôn thì nghe thấy tiếng khóc của trẻ con nên đã gọi chị H., nhưng không thấy chị H. trả lời. Thanh chạy đến nhà bà Nguyễn Thị Hội, là mẹ đẻ của chị H. và cùng bà Hội quay sang nhà chị H. thì phát hiện chị H. đã chết trên nền nhà. Sau khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng đã đến bảo vệ hiện trường; tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và điều tra, xác minh vụ việc.
Bị can Lý Nguyễn Chung.
Theo bản kết luận điều tra C44 – P3 Bộ Công an: Chiều ngày 15/8/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961), trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang cùng bà Nguyễn Thị Chiến (SN 1965, là vợ ông Chấn) bán hàng tại quán của gia đình ở giáp sân bóng thôn Me.
Đến khoảng 19h cùng ngày, bà Chiến bảo ông Chấn đi xin nước về để muối cà pháo. Ông Chấn lấy xe đạp nữ thống nhất của gia đình buộc hai thùng nhựa đằng sau xe, rồi đạp xe đến nhà vợ chồng chị Hoàng Thị Viển, anh Thân Văn Bảo, ở cùng thôn để xin nước, khi đi ngang qua nhà chị Nguyễn Thị H., ở cùng thôn, ông Chấn nhìn vào nhà thấy cửa trước nhà chị H. mở to, trong nhà bật điện sáng, chị H. đang bế con ở sân sau, lúc đó là mấy giờ thì ông Chấn không biết… Bán hàng một lúc, khi thấy quán ít khách, ông Chấn bảo vợ ở lại quán trông hàng còn ông Chấn về nhà ăn cơm trước.
Căn cứ kết quả điều tra, kết luận giám định xác định dấu vết đường vân chân dính máu tại hiện trường không phải của ông Nguyễn Thanh Chấn. Lời khai của ông Chấn và một số nhân chứng có đủ cơ sở khẳng định ông Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội giết chị Nguyễn Thị H. vào đêm 15/8/2003.
Video đang HOT
Ngày 25/01/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định đình chỉ điều tra bị can số 01/C44-P3 đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội Giết người.
Ông Nguyễn Thanh Chấn thắp hương trước bàn thờ tổ tiên ngày trở về.
Có lẽ vụ án sẽ vĩnh viễn đi vào ngõ cụt, nếu như không có sự mâu thuẫn giữa ông Lý Nguyễn Chúc và bà Nguyễn Thị Lành là bố đẻ và mẹ kế của Lý Nguyễn Chung. Việc Lý Nguyễn Chung giết người chỉ có bố đẻ và mẹ kế biết, nhưng do vợ chồng có mâu thuẫn với nhau, bà mẹ kế đã moi móc chuyện cũ và chân tướng Chung bị lộ.
Từ thông tin bị lộ ra, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cùng lực lượng công an xã đã làm một cuộc điều tra lại toàn bộ sự việc và lấy ý kiến của nhiều nhân chứng. Ngày 15/10/2013, sau khi được chính quyền và gia đình khuyên, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị H. vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Phạm tội đến cùng, giết người cướp tài sản
Tại cơ quan điều tra, Lý Nguyễn Chung khai: Ngày 15/8/2003, Chung đi từ nhà mình đến quán nhà chị Nguyễn Thị H. để mua dầu gội đầu. Khi đi Chung mặc quần soóc màu đỏ, áo phông cộc tay, chân đi dép lê và giấu một con dao bấm do Trung Quốc sản xuất ở túi soóc phía sau, bên phải.
Khi đến quán nhà chị H. là khoảng gần 19h30, Chung thấy cửa quán mở, đèn điện bật sáng, chị H. đang ngồi gần giường ngủ phía trong nhà. Chung đứng ở gần tủ bán hàng nói với chị H.: “Chị ơi bán cho em gói dầu gội đầu”. Chị H. nghe thấy Chung gọi liền đi ra để bán hàng. Lúc này, Chung nhìn thấy trong tủ kính bán hàng tạp hoá có một chiếc hộp đựng tiền, Chung nảy sinh ý định giết chị H. để lấy tiền.
Khi chị H. đi ra lấy dầu gội đầu, Chung liền dùng tay phải rút con dao bấm trong túi quần phía sau ra, đâm thẳng vào bụng chị H. rồi rút dao ra. Bị đâm, chị H. liền chửi Chung: “Đ.mẹ thằng Chung thổ, con nhà Chúc Lành” và quay người vào trong nhà định bỏ chạy. Chung liền lao đến dùng tay trái quàng ra phía trước, giữ cổ, vai chị H.. Chị H. cố gắng đi dần về phía trong nhà, còn Chung tay trái vẫn giữ và đi theo sau chị H., tay phải cầm dao đâm liên tiếp vào phía trước ngực, mặt chị H. (Chung không nhớ đâm bao nhiêu nhát).
Trong khi vật lộn, chị H. liền vùng mạnh nên tay trái Chung không giữ được chị H. nữa, Chung tiếp tục dùng dao đâm về phía chị H., nhưng do lưỡi dao bị gãy nên Chung buông dao cho rơi xuống nền nhà và lao đến dùng hai tay ôm người chị H. rồi vật ngửa chị H. nằm xuống nền nhà. Lúc này, có anh Nguyễn Văn An (SN 1984) và anh Lê Văn Giới, (SN 1984), trú tại xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (là công nhân đang xây dựng mương nước ở thôn Me) đi xe đạp qua nhà chị H. thấy Chung đang đánh chị H. nhưng do nghĩ là vợ chồng đánh nhau nên anh An và Giới đi tiếp, không dừng lại.
Sau khi túm vai, đập đầu chị H. xuống nền nhà, Chung thấy một vỏ chai bia để ở gầm giường. Chung dùng tay phải cầm vào phần cổ chai bia rồi đập 1 nhát giường làm vỏ chai bia bị vỡ. Chị H. nghiêng người sang phải, vùng dậy chạy khom người về phía cửa hậu và kêu: Giết người, giết người (tiếng kêu nhỏ và yếu dần). Chung tiếp tục dùng chân phải đá liên tiếp vào đầu chị H. và dùng lòng bàn chân phải đạp lên mặt chị H.. Chung thấy chị H. lúc này đã yếu nhưng vẫn còn thở nên khi nhìn thấy trên giường ngủ có chiếc gối đơn, Chung đi đến lấy chiếc gối đơn quay lại chỗ chị H. nằm, hai chân dạng qua người chị H. rồi dùng hai tay đè chiếc gối lên mặt chị H.. Chị H. giãy giụa rồi không cử động nữa, Chung nghĩ chị H. đã chết nên bỏ tay ra khỏi gối (gối vẫn trên mặt chị H.). Sau khi giết chị H., Chung nhìn thấy bàn tay trái của chị H. có đeo 2 chiếc nhẫn màu vàng ở 2 ngón tay, nên Chung dùng tay tháo 2 chiếc nhẫn, rồi đi về phía cửa ra vào, tắt điện, rồi đóng cửa đi ra về…
Ngày 03/01/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định số 01/C44-P3, trưng cầu giám định Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, giám định cơ chế hình thành dấu vết thương tích trên cẳng tay trái của Lý Nguyễn Chung. Ngày 15/01/2014, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có kết luận: Vùng cẳng tay trái của Lý Nguyễn Chung có hai vết sẹo được hình thành cùng thời điểm từ nhiều năm trước. Do các sẹo đã được hình thành từ lâu nên không đủ cơ sở để xác định chính xác vật gây thương tích và chiều hướng tác động tạo nên…
Hung thủ xin thắp hương cho nạn nhân Trao đổi với luật sư Hoàng Minh Hiển (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) là luật sư chỉ định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Lý Nguyễn Chung, PV được biết: Ngày 22/5/2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tổ chức thực nghiệm điều tra tại nhà ở của nạn nhân Nguyễn Thị H., ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để kiểm tra, đánh giá lời khai của bị can Lý Nguyễn Chung. Động thái đầu tiên của Chung là xin phép CQĐT được thắp nén hương cho chị H. là nạn nhân mà Chung đã ra tay sát hại cách đây 11 năm. Lý Nguyễn Chung đã thực hiện các tư thế, động tác giết chị H. để cướp tài sản như Chung đã khai, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi (thương tích có trên cơ thể nạn nhân) và lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn An, Lê Văn Giới.
Theo Lương Liễu (Đời sống & Pháp luật)
Vì sao ông Chấn đòi bồi thường gần 10 tỷ đồng?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) người bị tù oan 10 năm qua, cho biết, ngày 15/8 tới, TAND tối cao sẽ có buổi gặp mặt trực tiếp với ông. Dự định, ông sẽ yêu cầu cơ quan tư pháp phải bồi thường gần 10 tỷ đồng cho thời gian 10 năm ngồi tù oan.
Hoàn cảnh khó khăn
Theo vợ chồng ông Chấn, hoàn cảnh hiện tại gia đình ông rất khó khăn. Cả ông Nguyễn Thanh Chấn và bà Nguyễn Thị Chiến đều đau yếu và không thể làm các việc nặng. Do thời gian ở tù lâu nên ông Chấn thường xuyên bị các cơn đau hành hạ, nói trước quên sau.
Căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh của bà Chiến vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hằng tháng bà vẫn phải đến bệnh viện điều trị, lấy thuốc.
Người con trai cả là Nguyễn Văn Quyết hiện vẫn chưa có công ăn việc làm ổn định, nay đây mai đó. Con trai thứ hai là Nguyễn Thế Anh hiện đi làm cho một công ty Hàn Quốc với mức lương khoảng chừng 3 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Quyền, người con gái của ông bà Chấn - Chiến hiện vẫn đang phải đi làm ở nước ngoài oằn mình trả nợ số tiền trước đây đã vay của bạn bè đưa cho bà Chiến dùng trang trải chi phí đi lại trong quá trình đi tìm công lý cho ông Chấn.
Ông Chấn sau hơn nửa năm được tuyên vô tội đang phải sống rất khó khăn.
Ngôi nhà của ông bà Chấn hiện đang ở vẫn là ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng với đồ đạc trong gia đình hầu như không có gì. Bà Chiến cũng cho biết thêm, hiện số tiền do ông Thân Văn Hoạt đứng tên để vay ngân hàng cho bà với giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng chưa trả được đồng nào. Sổ đỏ của gia đình bà hiện ông Hoạt cũng đang cầm.
"Ăn uống thì gia đình vẫn phải ăn chịu của một người họ hàng bán thịt lợn ở chợ. Tính riêng tiền thịt lợn đến cuối năm ngoái là khoảng 7 triệu đồng. Bây giờ chắc cũng nhiều lắm rồi nhưng tôi cũng chẳng buồn tính, vì tính cũng chưa trả được" - bà Chiến nói.
Đòi gần 10 tỷ đồng có hợp lý?
Theo ông Chấn, mặc dù đã hơn nửa năm trôi qua kể từ ngày Cơ quan điều tra (Bộ Công an) tuyên bố ông vô tội nhưng các vấn đề về việc bồi thường cho ông vẫn chưa được giải quyết.
Cách đây ít lâu, có hai người thuộc Sở Tư pháp Bắc Giang về thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp giao trợ giúp pháp lý cho gia đình ông nhưng ông kiên quyết từ chối với lý do không tin tưởng vào các cơ quan của tỉnh Bắc Giang nữa. Do thấy quá lâu mà vấn đề chưa được giải quyết, ông đã làm đơn đề nghị bồi thường gửi TAND tối cao.
Vừa qua, Tòa phúc thẩm TAND tối cao có giấy mời ông vào 9 giờ sáng 15/8 có mặt tại trụ sở TAND tối cao để xem xét đơn yêu cầu của ông. Khi được hỏi ông đề nghị mức bồi thường là baonhiêu, ông Chấn cho biết là khoảng gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những khoản cụ thể thì ông không nhớ được và yêu cầu chúng tôi đến gặp ông Thân Văn Hoạt, người vẫn luôn giúp đỡ gia đình ông làm việc với các cơ quan tư pháp trong suốt thời gian qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoạt cho biết, con số gần 10 tỷ đồng này là kết quả bàn bạc, trao đổi của ông Chấn với gia đình và các luật sư.
Trong số này, riêng tiền bồi thường về tinh thần của ông Chấn là khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra là các chi phí về thu nhập bị mất, chi phí trả nợ ngân hàng, "công" của bà Chiến và gia đình trong quá trình tìm công lý cho ông...
Đây là còn chưa tính đến phần thu nhập bị mất của bà Chiến và người nhà bị mất trong thời gian ông Chấn bị ngồi tù. Tất cả được đề đạt cụ thể trong đơn gửi cho TAND Tối cao.
"Đây là thực tế mà chúng tôi đưa ra chứ không phải luật sư định hướng cho chúng tôi. Còn giấy tờ thì trước đây chúng tôi đã có đầy đủ nhưng khi ông Chấn về, theo thủ tục tâm linh, chúng tôi đã đốt hết các giấy tờ này. Tuy nhiên, theo tôi có hàng trăm tỷ cũng không thể lấy lại những gì mà gia đình của ông Chấn đã mất. Nhưng cũng không vì thế mà chúng tôi thích làm gì thì làm" - ông Hoạt nói.
Cũng theo ông Hoạt, những người trong gia đình ông Chấn đã có công tìm ra những chứng cứ để phá được vụ án và cũng cần được tuyên dương một cách hợp lý để khuyến khích người dân tiếp tục dũng cảm đấu tranh với những tiêu cực trong cuộc sống.
Theo Nguyễn Trường (Tiền Phong)
Vợ ông Chấn được "rửa mặt" tại làng quê Sáng 22/5, sau khi chứng kiến CQĐT tiến hành dựng lại hiện trường vụ giết hại chị Nguyễn Thị Hoan vào năm 2003, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn đã lên tiếng: "Tôi và chồng chính thức được rửa mặt tại chính nơi bị hàm oan cách đây 10 năm". Từ sáng sớm ngày 22/5, khi biết tin Cơ quan điều...