Vụ “nuôi nhầm” con suốt 42 năm: Đã có gia đình liên hệ thử ADN
Chị Tạ Thị Thu Trang cho hay, đã có một người phụ nữ ở Gia Lâm (Hà Nội) có trùng ngày sinh và địa điểm sinh với chị Trang tìm đến gia đình và đề nghị được xét nghiệm ADN.
Liên quan đến vụ bị trao nhầm con 42 năm trước ở nhà hộ sinh Ba Đình, Hà Nội, tối ngày 14/3, chị Tạ Thị Thu Trang ( người con gái bị trao nhầm cho bà Nguyễn Thị Mai Hạnh) vui mừng thông báo về những manh mối đầu tiên trong hành trình đi tìm lại gia đình thất lạc của mình.
Theo đó, sau khi sàng lọc tàng thư của Công an Hà Nội, lực lượng Công an quận Ba Đình đã có trong tay danh sách những người phụ nữ cùng sinh vào ngày 10/10/1974 có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Tiến hành rà soát, xác minh và tìm hiểu về số phụ nữ trên, lực lượng công an đã tìm ra và thu hẹp dần danh sách những người có các thông số trùng khớp với bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Tạ Thị Thu Trang: “Phía công an có thông báo là họ đã tiếp xúc, gặp gỡ một số gia đình để lấy thông tin. Do là việc khá nhạy cảm nên cũng cần có thời gian để động viên và thuyết phục họ đồng ý thử xét nghiệm ADN mới đưa ra kết quả cuối cùng”, chị Trang cho hay.
Chị Trang xúc động cho biết bản thân đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho các tình huống
Đáng chú ý, sau khi câu chuyện của chị Tạ Thị Thu Trang được đăng tải trên báo điện tử Dân trí, đã có một người phụ nữ ở Gia Lâm (Hà Nội) có trùng ngày sinh và địa điểm sinh với chị Trang tìm đến gia đình và đề nghị được xét nghiệm ADN. Chị Trang phấn khởi cho hay: “Người này cũng sinh vào ngày 10/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình. Bản thân chị này từ bé đến lớn cũng không hề có nét nào giống các thành viên còn lại trong gia đình nên rất băn khoăn. Sau khi xem hình ảnh của tôi trên mạng, gia đình chị ấy đều phải ngỡ ngàng và ngạc nhiên bởi tôi quá giống họ. Thậm chí, người bác trai bên đó còn bảo, bác có linh cảm đặc biệt rất khó diễn tả khi nhìn thấy tôi”.
Theo chị Trang, cuộc gặp gỡ của chị và gia đình người phụ nữ đặc biệt này khiến cho tất cả mọi người đều xúc động. Cả hai gia đình đã chia sẻ và khóc rất nhiều: “Chị ấy nói, bản thân tôi có nét giống em gái chị ấy, nhưng ngược lại cô ấy lại không giống ai trong gia đình tôi hiện tại nên rất lo sợ. Nếu thế, tôi chỉ mong cô ấy vẫn là con của bố mẹ hiện tại, còn tôi thì không phải và tiếp tục tìm kiếm. Tôi rất sợ một người khác lại phải trải qua nỗi đau giống tôi đã chịu đựng”, chị Trang nghẹn ngào nói.
Để biết chính xác đó có phải là người thân và gia đình thất lạc mà mình đang tìm kiếm hay không, chị Trang cùng chồng đã mang mẫu thử đi giám định ADN và trong ngày 15/3 sẽ có kết quả cuối cùng: “Có thể, chỉ là do ngẫu nhiên mà tôi có nét giống với gia đình họ. Bởi ngoài đời, cũng nhiều trường hợp không cùng huyết thống nhưng cũng khá giống nhau. Nhưng nếu kết quả là đúng, có lẽ tôi sẽ là người hạnh phúc nhất. Đêm nay tôi lại trằn trọc mất ngủ vì hồi hộp”, chị Trang nói.
Video đang HOT
Trong ảnh, hàng trên là chị Tạ Thị Thu Trang (thứ hai, từ trái sang) cùng các anh chị em.
Người phụ nữ 42 tuổi này cho biết, khi gia đình người phụ nữ này đến tìm mình, bản thân chị rất xúc động, nhưng cũng đan xen là những cảm xúc rối bời và hồi hộp. Bản thân chị cũng đã chuẩn bị tâm lý cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra: “Từ khi công bố thông tin trước dư luận, bản thân tôi vô cùng sợ hãi. Tôi sợ không tìm được người thân, sợ lại một lần nữa xới thêm vào nỗi đau của mẹ Hạnh. Nhiều đêm nước mắt ướt gối, tôi trằn trọc tự hỏi và ao ước được biết gia đình thực sự của tôi là ai? Tôi mong được mong báo hiếu bố mẹ trước khi về già. Còn nếu không tìm được thì tôi cũng không hối hận bởi bản thân đã cố gắng hết sức”.
Cho tới thời điểm chiều 14/3, chuyên viên phòng Tư pháp quận Ba Đình đã tìm được danh sách 5 người phụ nữ có cùng ngày sinh (10/10/1974) với chị Trang và cùng sinh tại nhà hộ sinh Ba Đình (Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội).
Hiện tại, gia đình chị Trang vẫn đang kết hợp và nhờ phía công an hỗ trợ cuộc tìm kiếm. Hiện vụ việc vẫn đang tiến hành ở giai đoạn điều tra nên chưa có kết quả cuối cùng.
Trong khi đó, trao đổi với Pv Dân trí, chị Tạ Thị Thu Vân (người chị gái 42 năm qua của chị Trang) cũng xúc động cho hay, những ngày vừa qua, cả gia đình chị đều hồi hộp và lo lắng dõi theo từng tiến trình điều tra từ phía công an. Tất cả đều cầu mong có một phép màu xảy ra: “Nếu tìm được thì các em tôi sẽ có hai gia đình để yêu thương, chăm sóc. Mục đích của cuộc tìm kiếm chỉ là để kết nối và tìm lại máu mủ ruột thịt, chứ không nhằm làm xáo trộn cuộc sống hiện tại. Nếu em đang có cuộc sống đầy đủ thì đó là hạnh phúc của chúng tôi, còn không gia đình sẽ hỗ trợ để bù đắp những thiệt thòi cho em”, chị Vân nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh – người mẹ trong câu chuyện thất lạc con 42 năm nghẹn ngào nói, bản thân bà mấy hôm nay đều hồi hộp không thể ngủ được. Cứ nhắm mắt vào là những câu hỏi về cuộc sống của đứa con bị thất lạc lại hiện về: “Tôi không dám để điện thoại hết pin vì sợ có người gọi đến. Tôi ngóng trông từng giây, từng phút để tìm lại con”, bà Hạnh nghẹn ngào.
Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, Quán Thánh, Hà Nội) đã đăng tải thông tin, nhờ cộng đồng mạng tìm giúp người con gái bị trao nhầm trong nhà hộ sinh cách đây 42 năm. Cụ thể, vào ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Khi đó, bà Hạnh được đánh số thứ tự là 33 nhưng trong lần đầu tiên cho con bú, bà phát hiện số thứ tự đeo ở chân đứa trẻ lại là 32. Thắc mắc hỏi bác sỹ thì bà Hạnh chỉ nhận được câu trả lời: “Đi tắm nên bị mờ nhưng đây chắc chắn là con của chị”. Bằng linh cảm của người mẹ, bà Hạnh tin rằng đã xảy ra sự nhầm lẫn con giữa hai gia đình và cùng chồng tìm kiếm khắp bệnh viện. Thời điểm đó, tại nhà hộ sinh Ba Đình chỉ có khoảng 10 đứa trẻ nhưng không có ai đánh số 33. Sau đó, dù linh cảm không phải con mình, nhưng bà Hạnh cùng chồng vẫn hết lòng chăm sóc, yêu thương và đặt tên con là Tạ Thị Thu Trang. Năm 1998, nỗi day dứt về việc để thất lạc con đẻ khiến bà Hạnh quyết định âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN. Kết quả, mẫu thử không trùng khớp với cả bố và mẹ. Dù đau khổ nhưng bí mật về sự nhầm lẫn này vẫn được bà Hạnh giấu kín cho riêng mình.
Tháng 10/2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh đã quyết định nói ra sự thật với hi vọng con gái có thể tìm được gốc gác ruột thịt của mình và cũng để bản thân được thanh thản.
Nếu bạn đọc có bất kỳ thông tin nào về các vụ việc nhầm con muốn cung cấp, xin vui lòng gọi điện thoại về đường dây nóng của Báo Dân trí, số 0973.567.567 hoặc gửi email về địa chỉ dantri@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Trang
Theo Dantri
Vụ nhầm con 29 năm ở Hà Nội: Có cơ hội tìm được mẹ đẻ
Chiều 14/3, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với Trung tâm Y tế quận Đống Đa, nơi có Nhà hộ sinh Đống Đa xảy ra vụ trả nhầm em bé sơ sinh 29 năm trước. Sở Y tế cho biết, hiện hồ sơ về những ca sinh trong khoảng thời gian này vẫn còn đầy đủ.
Nguồn tin từ Sở Y tế cho biết, quan điểm của người đứng đầu ngành Y tế Hà Nội là phải tạo điều kiện tốt nhất để tìm lại mẹ đẻ cho trường hợp chị Lê Thanh Hiền - người 29 năm trước bị trao nhầm cha mẹ tại Nhà hộ sinh Đống Đa.
Giấy khai sinh của chị Hiền, chị sinh ngày 12/12/1987 tại Nhà hộ sinh Đống Đa
Theo đó, các phương án được tính đến gồm cả phối hợp với công an, cung cấp cho gia đình các hồ sơ liên quan theo quy định của pháp luật... để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp chị Hiền có thể tìm lại mẹ đẻ của mình.
"Rất may mắn, tất cả hồ sơ trong nhà hộ sinh quận Đống Đa vào khoảng thời gian tháng 12/1987 vẫn còn đầy đủ, vì thế hi vọng để tìm lại mẹ đẻ cho trường hợp trao nhầm con này là có. Chúng tôi sẽ phối hợp, nỗ lực hết sức để tìm lại mẹ cho chị Hiền", đại diện Sở Y tế cho biết.
Vị này cũng chia sẻ thêm, 2 trường hợp trao nhầm con vừa qua là những trường hợp rất hi hữu. Còn hiện tại, quy trình sinh đẻ tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội được làm rất chặt chẽ, đảm bảo không có tình huống nhầm lẫn này.
Trước đó, từ khi biết mình không phải là con ruột của người mẹ hiện tại, chị Lê Thanh Hiền và mẹ đã nghĩ đến nguy cơ trao nhầm con khi người mẹ sinh nở ở Nhà hộ sinh Đống Đa. Chị Hiền đã nhờ luật sư giúp đỡ và được cung cấp thông tin về 6 ca sinh tại đây từ ngày 9/12/1987 đến ngày 12/12/1987. Có 6 đứa bé (tính cả chị Lê Thanh Hiền) chào đời trong khoảng thời gian này; tuy nhiên thông tin về các bà mẹ và địa chỉ của họ đều rất mơ hồ và đến nay đã thay đổi.
Được biết, ngày 15/3, Sở Y tế sẽ có báo cáo lên Ủy ban nhân dân TP Hà Nội về vụ việc này.
Hồng Hải
Theo Dantri
Ký ức hải chiến Gạc Ma và chuyện tàu Trung Quốc cướp phá tàu cá Việt Nam Những ký ức không thể quên về trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988; tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm, cướp phá; chuyện trao nhầm con 42 năm trước ở Hà Nội; cưỡng chế phá dỡ công trình 8B Lê Trực;... là những hình ảnh đáng chú ý tuần qua. Là một trong những cựu binh sống sót trở về năm ấy,...