Vụ nước mắm nhiễm asen: Cần điều tra động cơ, mục đích của doanh nghiệp
“Để xử lý một cách mạnh mẽ hơn liên quan đến DN đứng sau (nếu có) thì cơ quan chức năng có thẩm quyền phải vào cuộc để điều tra động cơ mục đích cũng như tác hại của thông tin đó của đơn vị đã đưa ra để có chế tài phù hợp” là ý kiến của Luật sư Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội Hà Nội.
Theo đại biểu Nguyễn Chiến, nước mắm là loại thức ăn chủ yếu trong tất cả bữa ăn của người Việt Nam, nên khi nghe thông tin nước mắm nhiễm asen, rất nhiều người hoang mang, lo sợ. Nhưng 100% mẫu Bộ Y tế đưa vào kiểm định cho thấy hàm lượng asen vô cơ không gây tác hại cho người tiêu dùng. Kết luận của Bộ y tế đã góp phần lấy lại lòng tin của người dân. Trách nhiệm của cơ quan chức năng, báo chí là phải đăng tải mạnh mẽ hơn nữa kết luận của Bộ Y tế.
Luật sư Nguyễn Chiến – ĐBQH Hà Nội
Cơ quan báo chí truyền thông đã đăng tải thông tin chưa đầy đủ cũng cần thông tin mạnh mẽ, rõ ràng hơn, để người dân thấy được những thông tin trước đây chưa đầy đủ, rõ ràng, để lấy lại uy tín, thương hiệu cho sản phẩm nước mắm truyền thống, bảo đảm ổn định tâm lý của người dân cũng như người làm nước mắm.
Video đang HOT
Sự việc này cũng mang đến một bài học cho cơ quan chức năng và báo chí, truyền thông, cần thận trọng hơn trong công bố những thông tin tác động xấu đến người dân. Có trách nhiệm hơn với thông tin mình đang làm, thì hậu quả sẽ đỡ hơn.
Nếu hậu quả tác hại lớn hơn thì cần rà soát quy định của pháp luật xem chế tài đủ mạnh chưa để ngăn chặn việc lợi dụng phương tiện truyền thông để đưa ra thông tin sai lệch làm rối loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc có mưu đồ xấu gây tác hại mất ổn định kinh tế – xã hội. Cần rà soát, đưa ra chế tài mạnh mẽ hơn để từ đó làm minh bạch môi trường kinh doanh.
Về xử lý trách nhiệm đối với cơ quan công bố sai, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng trước hết phải rà soát động cơ từ đâu đưa ra thông tin đó. Thứ hai, quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan đến đơn vị đó quy định về phát ngôn, thông tin đưa ra và trách nhiệm trước hậu quả gây ra.
Để xử lý một cách mạnh mẽ hơn liên quan đến DN đứng sau (nếu có) thì cơ quan chức năng có thẩm quyền phải vào cuộc để điều tra động cơ mục đích cũng như tác hại của thông tin đó của đơn vị đã đưa ra để có chế tài phù hợp.
Bày tỏ quan điểm của mình, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: Hội Bảo vệ Người tiêu dùng đã làm việc chưa từng có. Rất nhiều việc về ATTP đang rất bức xúc, người tiêu dùng đang không biết kêu ai, không biết ai là người bảo vệ, thì Hội lại đi khảo sát nước mắm, sản phẩm lâu nay không thấy ai nói gì, đứng đằng sau lại có DN tài trợ cho.
Đây là việc làm rất sai lầm. Hội đã không làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Điều này rất đáng xấu hổ, có thể nói như thế. Cơ quan nhà nước cần tỏ rõ thái độ trong vấn đề chấn chỉnh hoạt động của hội, chỉ làm việc có lợi cho bản thân mình mà không có lợi cho những người mình nhân danh để bảo vệ. Cần thiết có những biện pháp mạnh trong vấn đề tổ chức lại nhân sự ở đó.
Theo Công An Nhân Dân
Không phát hiện asen độc hại trong nước mắm truyền thống
Chiều nay 22.10, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xác nhận với Thanh Niên về kết quả xét nghiệm nước mắm của cục này.
Asen hữu cơ trong nước mắm truyền thống không gây độc
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, thời gian qua các đoàn kiểm tra đã lấy 247 mẫu nước mắm trên toàn quốc tại các địa phương có thị trường tiêu thụ lớn, nhiều cơ sở sản xuất: Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Các mẫu được lấy tại các cơ sở sản xuất và siêu thị để xét nghiệm, bao gồm các sản phẩm nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống. "Kết quả xét nghiệm không phát hiện nước mắm chứa thành phần asen gây độc (asen vô cơ) vượt ngưỡng cho phép", ông Phong nói.
"Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng các sản phẩm nước mắm đã được công bố lưu hành trên thị trưởng, có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng", ông Phong khẳng định.
Cũng theo ông Phong, chất lượng nước mắm được quy định tại tiêu chuẩn về nước mắm trong TCVN 5107:2003 của Bộ Khoa học-Công nghệ. Các quy định có đưa ra chỉ tiêu hóa học bao gồm: hàm lượng nitơ toàn phần, nitơ axit amin, nitơ aminiac, hàm lượng muối; chỉ tiêu vi sinh vật như tổng số vi sinh vật hiếm khí, số khuẩn lạc, coliforms, E. Coli bào tử nấm men, nấm mốc.
Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, Quy chuẩn VN 8-2:2011/BYT quy định hàm lượng asen (vô cơ -NV) có trong nước chấm với mức tối đa cho phép là 1mg/L.
"Với asen hữu cơ được cho là tồn tại trong thủy sản không có khả năng gây độc như asen vô cơ và lượng đưa vào cơ thể rất thấp khi sử dụng nước mắm, nên không gây hại cho cơ thể, không cần quy định về hàm lượng trong nước mắm", ông Phong nói.
Theo Thanh Niên
Vinastas gỡ công bố kết quả nước mắm không đạt chuẩn Hôm nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đã gỡ bài viết công bố kết quả mẫu nước mắm không đạt chuẩn trên trang web. Bài viết "Gần 85% mẫu nước mắm của 88 doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn" được đăng tải cách đây ít ngày trên trang web của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng...