Vụ nước mắm có asen: Vinastas khiến người dân hoang mang
Vinastas công bố thông tin nước mắm nhiễm asen liệu có rõ ràng hay không và sẽ khiến người dân cảm thấy hoang mang
Ngày 17/10 vừa qua, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật phối hợp Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc. Thông tin tại buổi công bố đã gây nhiều ý kiến tranh luận gay gắt trong thời gian qua.
Vinastas công bố kết quả khiến dân hoang mang
Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng đoàn Đại biểu QH Khánh Hòa nhấn mạnh: “Việc Vinastas công bố thông tin như vậy liệu có rõ ràng hay không và sẽ khiến người dân cảm thấy hoang mang. Ở Nha Trang hay Khánh Hòa có rất nhiều người sản xuất nước mắm truyền thống và đã có những thương hiệu nổi tiếng đã được khẳng định trên thị trường”.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng: “Với tư cách đại biểu Quốc hội và là phụ nữ, tôi rất quan tâm đến vấn đề trên. Tôi khẳng định, đến bây giờ tôi vẫn dùng nước mắm truyền thống”.
Theo bà Phong Lan, tại các nhà thùng nước mắm trên cả nước cũng có những quy định và chuẩn hóa riêng, từ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ và thành phần rất rõ ràng.
Bà Phong Lan khẳng định: Chúng ta không nên vì những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, hoặc một lý do nào đó mà kết luật quá vội vàng, vì điều đó có thể giết chết cả một ngành công nghiệp truyền thống.
“Theo tôi, giá thành nước mắm cổ truyền không thể so sánh với nước mắm công nghiệp vì là mình làm thủ công, họ làm bằng máy. Nhưng còn nói về chất lượng, từ xưa tới giờ ông bà ta sống bằng cái gì?
Bản thân tôi cũng làm công tác quản lý về y học cổ truyền với dược liệu, nếu như chúng ta cứ máy móc áp dụng những tiêu chuẩn của Tây y vào để đánh giá và xử lý Đông y thì đó cũng là một sự khập khiễng. Quay lại vấn đề nước mắm, tôi cũng theo quan điểm của các nhà khoa học, tức là sẽ là vội vàng nếu đánh giá hàm lượng Asen tổng để cho rằng nước mắm truyền thống độc hại, làm như vậy là chưa đúng” – bà Lan nói.
Video đang HOT
Vinastas có sai khi công bố thông tin?
Trả lời phóng vấn báo chí ngay sau cuộc họp báo về công bố báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc hôm 17/10, ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Việc Vinastas công bố kết quả chỉ là đợt khảo sát chứ không phải đợt thanh tra, kiểm tra.
Qua một đợt khảo sát, nhưng nếu như định hướng dư luận xã hội liên quan đến các sản phẩm đó bảo đảm an toàn cho người sử dụng, định hướng cho người tiêu dùng tốt cần phải công khai về đối tượng khảo sát là doanh nghiệp nào.
Bên cạnh đó, chúng ta nghiên cứu theo phương pháp nào để đảm bảo được tính minh bạch, khoa học, tính thực tiễn của kết quả nghiên cứu và từ đó chúng ta sẽ công khai về các kết quả như Hội vừa công bố.
Ông Quang nhấn mạnh: Tuy nhiên, đối với một sản phẩm như nước mắm hay nước chấm bảo đảm an toàn cho người sử dụng, điều quan trọng nó phải đảm bảo giới hạn cho phép tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành.
Đó là tiêu chuẩn về kim loại nặng và vi sinh. Nếu kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép có nghĩa là nước mắm đó không bảo đảm được tiêu chuẩn an toàn. Nếu 2 kết quả xét nghiệm vi sinh và khoáng nặng đạt tiêu chuẩn cho phép, có nghĩa nước mắm đó đạt tiêu chuẩn yêu cầu cho người tiêu dùng.
Trong quy chuẩn về kim loại nặng, quy chuẩn vi sinh đều có các quy định về giới hạn cho phép. Cho nên những loại nào mà vượt quá quy định cho phép thì sản phẩm đó không đảm bảo an toàn.
Ông Quang nêu rõ: Chúng ta phải thống nhất rằng, luật không cấm việc sản xuất nước mắm, nước chấm hay một loại nào đó cho người sử dụng bằng thủ công hoặc công nghiệp. Và vấn để cơ bản là chúng ta phải có nhãn mác rõ ràng, công khai đầy đủ hàm lượng sản xuất về nó.
Có nhiều câu hỏi cho rằng liệu đây có phải là cuộc chiến giữa nước mắm truyền thông và và công nghiệp, ông Quang khẳng định: không có cuộc chiến nào bởi vì luật không cấm nước mắm sản xuất theo truyền thống hay công nghiệp. Cho nên, chúng ta cứ tự do kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm chất lượng trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Theo ông Quang: Dân tộc Việt Nam đã có kinh nghiệm và truyền thống làm nước mắm bằng thủ công. Các sản phẩm đó đều có tiếng vang rất lớn trên thị trường trong nước và quốc tế và nó cơ bản đã đáp ứng được an toàn.
Kiên Giang mời nhà khoa học chứng minh sản phẩm không có chất độc hại
Bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Chúng tôi sẽ mời chuyên gia, nhà khoa học về nghiên cứu sản phẩm nước mắm Phú Quốc để chứng minh sản phẩm không có chất độc hại.
Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh làm việc với các sở, ngành như Hội Khoa học Kỹ thuật, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc. Đây là sản phẩm rất nổi tiếng của Kiên Giang, được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn xử lý của Liên minh Châu Âu.
Cơ quan chức năng cùng Hiệp hội nước mắm Phú Quốc sẽ có phản hồi chính thức về vấn đề này đồng thời cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Tới đây, Kiên Giang sẽ chủ động mời các nhà khoa học vào cuộc chứng minh sản phẩm truyền thống của mình không có những chất độc hại như thông tin vừa được công bố.
Theo VOV
Hỗn loạn xếp hàng tiêm vaccine cho con: Có hay không tình trạng thiếu ảo?
Liệu có tình trạng găm hàng từ việc phân bổ vaccine không đều để dễ bề mua bán lòng vòng từ Nam ra Bắc và nâng giá vaccine dịch vụ?
Tình trạng hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm dịch vụ 182 phố Lương Thế Vinh, Hà Nội diễn ra từ đêm qua đến sáng nay (25/12) càng cho thấy tình trạng "cung không đủ cầu" vắc xin 5 trong 1 dịch vụ đã lên đến đỉnh điểm. Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng này và có hay không tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 ảo trong tiêm chủng dịch vụ ở nước ta?
Chờ đợi, chen chúc, ngột ngạt và bức xúc là những gì mà hơn 500 người dân phải hứng chịu từ 9 giờ tối qua tới tận sáng nay tại phòng tiêm dịch vụ Polyvac ở 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội. Tất cả cùng chung một hy vọng, con em mình được tiêm một mũi vaccine 5 trong 1 Pentaxim.
Quá mệt mỏi, kiệt sức, một số người bị ngất lịm, còn nhiều người khác thì la ó, truy vấn chủ cơ sở khi mình đứng xếp hàng cả đêm, không dám đi vệ sinh vì sợ mất chỗ mà đến sáng nay không nằm trong số hơn 100 người được phát số thứ tự chờ tiêm.
Đáng thương nhất là những đứa trẻ thơ ngây, đang tuổi ẵm ngửa, ngơ ngác giữa đông đặc người lớn đang bức xúc vì phải đi quãng đường xa gần 50 cây số và chợ đợi gần chục giờ đồng hồ mà con mình không được tiêm vắc xin.
Theo chủ phòng tiêm Polyvac 182 phố Lương Thế Vinh thì đây chỉ là một trong số các điểm tiêm của Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế. Trung tâm này vừa được phân phối 1.260 liều vaccine 5 trong 1 Pentaxim.
Còn ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng phòng tiêm dịch vụ Polyvac đã không có sự chuẩn bị kỹ và tổ chức đăng ký tiêm chủng không khoa học nên đã xảy ra tình trạng hỗn loạn vừa nêu: "Chúng tôi đã yêu cầu tạm dừng tiêm vaccine 5 trong 1 tại cơ sở này. Cục Y tế dự phòng sẽ tổ chức họp lãnh đạo tất cả các điểm tiêm chủng dịch vụ tại Hà Nội để bàn phương án tiêm chủng hợp lý, rút kinh nghiệm vụ việc tại điểm tiêm ở 182 Lương Thế Vinh."
Hỗn loạn xảy ra tại phòng tiêm Polyvac 182 phố Lương Thế Vinh (Hà Nội) là hệ quả tất yếu của tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 dịch vụ, nhất là khi xảy ra một số trường hợp tai biến sau tiêm vaccine 5 trong 1 Quivaxem miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian qua.
Mỗi năm nước ta có 1,7 triệu trẻ em ra đời. Trong đó 10% số trường hợp có nhu cầu tiêm vaccine phối hợp tại các cơ sở dịch vụ, tức là khoảng 170.000 trẻ em.
Nếu mỗi trẻ em tiêm đủ 3 mũi vaccine như khuyến cáo thì mỗi năm nhu cầu vắc xin 5 trong 1 dịch vụ là khoảng 500.000 liều.
Do vậy, mới đây, Bộ Y tế thông báo từ nay đến tháng 2 năm 2016 sẽ có 200.000 liều vaccine 5 trong 1 dịch vụ vẫn chưa thể làm nhiều người yên tâm.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cần xem xét lại tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 dịch vụ vì thời gian qua nhiều nước trên thế giới vẫn được Công ty của Pháp phân phối đủ vắc xin và tại Pháp cũng không thiếu vắc xin này.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: "Chúng ta phải xem xét lại việc nhập khẩu vaccine 5 trong 1 dịch vụ vì tại sao Việt Nam thiếu mà các quốc gia khác không thiếu. Người dân Việt Nam sang Sigapor tiêm dịch vụ mà người ta còn đáp ứng cơ mà. Tất nhiên nhà sản xuất cần có kế hoạch mới sản xuất nhưng cơ quan chức năng phải dự báo được nhu cầu chứ. Không phải bây giờ Việt Nam mới thiếu vắc xin 5 trong 1 dịch vụ, mà thiếu nhiều năm nay rồi. Cứ cơ chế xin cho trong nhập khẩu và nhiều vấn đề khác đã tạo ra khủng hoảng về lòng tin. Người dân đương nhiên là muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình. Vai trò của quản lý nhà nước là không để xảy ra khủng hoảng vaccine dịch vụ như vừa nêu. Việc nhập khẩu như thế nào phải minh bạch, không để tình trạng thừa nước đục thả câu."
Băn khoăn của bà Phạm Khánh Phong Lan hoàn toàn có cơ sở, nhất là trong tháng 12 này, trong số hơn 141 nghìn liều vaccine 5 trong 1 Pentaxim được phân phối tại nước ta thì chỉ có 15.000 liều được phân phối tại miền Bắc, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia y tế, nhu cầu tiêm vắc xin 5 trong 1 dịch vụ ở miền Bắc cao hơn miền Nam.
Vậy vì sao lại có tình trạng phân phối vaccine không đều? Liệu có tình trạng găm hàng từ việc phân bổ này để dễ bề mua bán lòng vòng từ Nam ra Bắc và nâng giá vắc xin dịch vụ? Câu hỏi này chỉ có Công ty Sanofi Pasteur S.A tại thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị phân phối vắc xin 5 trong 1 dịch vụ tại Việt Nam) và Bộ Y tế (đơn vị quản lý nhà nước về vắc xin) trả lời được./.
Văn Hải
Theo_VOV