Vụ nữ tử tù mang thai: Đại biểu Quốc Hội và VKSND Tối cao nói gì?
Một số Đại biểu Quốc Hội đã tỏ ra lo ngại khi tính nhân đạo của luật pháp đã bị các đối tượng lợi dụng.
Liên quan đến vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi; ngụ thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang bị biệt giam nhưng bỗng có thai một cách đầy bất ngờ, một số Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) đã nêu quan điểm cá nhân về vụ việc hy hữu này.
* ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy: “Không được để đứa con trở thành bình phong”
Tôi đồng tình với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi vì thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam trong việc xử lý hình sự đối với phụ nữ và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ em.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều trường hợp lợi dụng kẽ hở để trốn tránh được hình phạt tù. Các bị cáo nữ tiếp tục lợi dụng phạm tội nhiều hơn, trong thời gian cải tạo, lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật đã mang thai, nuôi con nhỏ và tiếp tục mang thai nhiều lần để trốn tránh hình phạt theo quy định của pháp luật.
Vì thế gây bất bình trong xã hội, có người đã cho rằng cơ quan pháp luật làm ngơ, không nghiêm túc. Tôi đề nghị quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt cần bổ sung quy định để giải quyết tốt nhất quyền, lợi ích của những đứa trẻ vô tội, khi mà những bà mẹ chỉ xem những đứa con như bình phong, đánh mất đi thiên chức làm mẹ.
Tử tù Nguyễn Thị Huệ bị dẫn giải về trại giam sau phiên xử sơ thẩm về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
* ĐBQH tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung: Phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý
Theo Điều 35 Bộ luật Hình sự hiện hành là không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình trở thành tù chung thân.
Video đang HOT
Người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi phạm tội là những đối tượng đặc biệt của chính sách hình sự của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Quy định tại Điều 35 của Bộ luật Hình sự chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự. Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục giữ nguyên các trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình trên đây.
Bởi đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ và ảnh hưởng của những đặc điểm này đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ cũng như cân nhắc khả năng cải tạo giáo dục người chưa thành niên phạm tội và hậu quả áp dụng hình phạt đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ.
* ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị An: Không để lạm dụng để “né” thi hành án
Tôi đồng ý với quy định về không áp dụng tử hình đối với phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Nhưng tôi cũng đề nghị nghiên cứu để có biện pháp xử lý đối với trường hợp nữ bị án (không phải nữ tử tù) lạm dụng việc mang thai và đẻ liên tục để “né” thi hành án phạt tù. Vì thực tế có trường hợp như vậy, không biết sẽ được phép bao nhiêu lần có thai và nuôi con dưới 36 tháng?
Cũng liên quan đến vụ việc, Cục điều tra (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) đã chính thức lên tiếng về vụ việc này. Ông Lại Viết Quang – Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Cục điều tra (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, Cục điều tra đã cử điều tra viên phối hợp với Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh để tiến hành xác minh làm rõ. Việc nữ tử tù có thai khi đang bị giam giữ là sự kiện hy hữu trong lịch sử tố tụng của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên nữ từ tủ có thai trước khi ra pháp trường.
Theo Luật sư Nguyễn Việt Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Pháp luật quy định không thi hành án tử hình đối phạm nhân nữ trong giai đoạn có thai và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Vấn đề đặt ra là việc phòng ngừa không để xảy ra những trường hợp tương tự, cùng đó là công tác đánh giá, xử lý trách nhiệm của những cán bộ có liên quan như thế nào để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo Khoe & Đep
Cố tình mang thai trong trại giam là bỏ quên tương lai của con trẻ?
Có thể nói, thông tin nữ tử tù chi 50 triệu đồng mua tinh trùng của phạm nhân trong trại giam, tự thụ thai để mong thoát án tử đang gây bức xúc trong dư luận.
Đây cũng không phải lần đầu tiên, chính sách nhân đạo này bị lợi dụng, dù sau lần thoát chết của tử tù Nguyễn Thị Oanh, hàng loạt cán bộ trại giam đã phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề...
Tìm mọi cách thoát án tử
Mới đây, cơ quan chức năng vừa đình chỉ công tác 4 cán bộ thuộc một trại tạm giam ở tỉnh Quảng Ninh vì đã thiếu trách nhiệm, để nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (SN 1974, trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) mang thai trong thời gian bị giam giữ tại đây.
Trước đó, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vào tháng 6-2014, Nguyễn Thị Huệ bị tuyên án tử hình về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình bị giam giữ, Huệ làm quen và nhờ phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng (SN 1989, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản) giúp Huệ mang thai với giá 50 triệu đồng.
Trong tháng 8-2015, Hưng đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon, kèm theo bơm tiêm rồi để vào nơi Huệ sắp đặt trước. Sau đó, Huệ lợi dụng sơ hở trong thời gian được vệ sinh cá nhân vào buổi sáng để lấy túi tinh trùng mang vào nhà vệ sinh, dùng bơm tiêm bơm tinh trùng vào âm đạo để thụ thai... Đáng bàn là đến khi Viện KSND và CQĐT CA tỉnh Quảng Ninh phát hiện thì tử tù Nguyễn Thị Huệ đã mang thai hơn 25 tuần và thời gian dự sinh vào cuối tháng 4-2016.
Việc mua bán tinh trùng và trứng để thụ thai vốn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Pháp luật chỉ cho phép cho, tặng tinh trùng, trứng để giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn mong muốn có con mà bản thân họ không có khả năng sinh sản. Như vậy, việc nam phạm nhân này bán tinh trùng khi đang thụ án tù giam là hành vi tiếp tục vi phạm pháp luật, cần bị xử lý nghiêm khắc. Để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm đương nhiên thuộc về các cán bộ quản lý trại giam, bởi việc mua bán tinh trùng vốn không được thừa nhận và sự việc diễn ra ngay trong trại giam càng không thể được chấp nhận!
Nữ tử tù Nguyễn Thị Oanh và đứa con được sinh ra trong trại giam. Ảnh: Theo VNN
Bỏ quên tương lai của con trẻ!
Có lẽ, đến khi nhận án tử hình, khao khát sống trong con người của những nữ tử tù này mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nên Nguyễn Thị Huệ và trước đó là Nguyễn Thị Oanh đã tìm mọi cách để sinh ra một đứa con nhằm mục đích giải cứu cho bản thân. Giá mà trước khi nhúng chàm, họ biết nghĩ đến cái kết của việc mình làm, biết nghĩ đến tương lai, thì có lẽ, con của họ - những đứa trẻ vô tội không phải sinh ra trong hoàn cảnh quá hy hữu và rất khó để có được một tương lai bình thường như những đứa trẻ khác.
Bộ luật Hình sự hiện hành và Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016) qui định, không thi hành án tử hình với phụ nữ có thai và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Vì vậy, sau khi có thai, chắc chắn tử tù Nguyễn Thị Huệ cũng sẽ được ân giảm tội chết. Mức giảm án này sẽ là từ tử hình xuống tù chung thân.
Theo Điều 58 Bộ luật Hình sự hiện hành thì thời gian chấp hành hình phạt để được xét giảm án lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù từ 30 năm trở xuống, 12 năm đối với tù chung thân. Một người có thể được giảm nhiều lần, với người bị kết án tù chung thân thì lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm tù. Tương tự, Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng qui định người bị kết án chung thân phải chấp hành được 12 năm tù mới đủ điều kiện xét giảm án và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm tù.
Như vậy, dù được thoát tội chết trước mắt, nhưng để được tự do, nếu cải tạo tốt, Nguyễn Thị Huệ cũng còn phải thụ án gần 20 năm tù, nhưng nếu cải tạo không tốt, thời gian được trả tự do có thể kéo dài đến 30 năm nữa. Sớm nhất cũng đã ngoài 60 tuổi, Huệ mới có điều kiện để được gần con và chăm con. Vì theo luật, trẻ em sinh ra trong trại giam cũng chỉ được sống cùng mẹ đến 36 tháng tuổi, sau đó phạm nhân phải nhờ người nuôi dưỡng con. Trong trường hợp các phạm nhân không còn bố mẹ, anh em, họ hàng thân thích... nhận nuôi dưỡng đứa trẻ, con của phạm nhân sẽ được gửi vào các trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Chúng sẽ sống tiếp như thế nào khi không có mẹ và có thể không có cả cha, cả người thân thích, tương lại bị "che" bởi án tích tù tội của người mẹ? Nhiều người cho rằng, việc tìm mọi cách để thoát chết vốn là bản năng của con người, nhưng sinh ra một đứa con trong hoàn cảnh quá đặc biệt này để đổi lấy sự sống thì rất khó "cảm thông"!
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Theo Phap luât Xa hôi
Chuyện nữ tử tù mang thai và quyền của đứa trẻ Đứa bé nếu được Huệ sinh ra dù trong hoàn cảnh "đặc biệt" cũng cần nhận được sự trân trọng, đón chào như bao đứa trẻ sinh ra trên trái đất này. Còn nhớ 10 năm trước nữ tử tù Nguyễn Thị Oanh trong những ngày ở trại tạm giam CA tỉnh Hòa Bình chờ ra pháp trường đã gạ gẫm được nam...