Vụ nữ sinh đánh nhau: Sau từ chức, đình chỉ là gì?
Trật tự xã hội không có nghĩa là kỷ luật thép, mà phải được hiểu như cách các thành viên tôn trọng không gian sống và phát triển của nhau. “Con voi trong phòng”
Người Anh có một thành ngữ “Elephant in the room” (“Có con voi trong phòng”) để nói về một sự thật rõ ràng, hiển nhiên nhưng vì một lý do nào đó mà người ta tránh nói, hoặc là vì ngại ngùng, hoặc là vì đã quá chán ngán. Bạo lực học đường ở Việt Nam có lẽ cũng là một “con voi” như thế.
Xuất phát từ một đoạn clip với tiêu đề có phần giật gân, câu khách (Phẫn nộ nữ sinh Trà Vinh bị bạn lấy ghế đánh liên tiếp vào đầu vì… “chảnh” – Kenh14), vấn đề “bạo lực học đường” lại một lần nữa nổi lên, nhức nhối hơn, phẫn nộ hơn bao giờ hết. Hình ảnh nạn nhân cô đơn không thể chống trả, sự hăng máu của các em học sinh, và sự vô cảm, thậm chí về hùa của những bạn cùng lớp, tất cả khiến chúng ta tự hỏi, liệu rằng chúng ta có đang nuôi dưỡng một thế hệ tương lai vô đạo đức như thế?
Những vụ việc như vậy không còn là cá biệt. Một tờ báo sau đó đã thử tổng kết lại những vụ “ nữ sinh đánh nhau” tương tự đã xảy ra.[1] Đáng sợ rằng chỉ trong hai năm 2013 và 2014, tờ báo ấy đã tổng kết được năm vụ việc tương tự, từ Thái Bình đến Vũng Tàu, cấp hai lẫn cấp ba. Tất cả những vụ việc đều có hai đặc điểm chung: sự vô tâm của nhà trường và sự dửng dưng của những HS xung quanh. Nên nhớ, bạo lực học đường ở Việt Nam trong các vụ việc nêu trên không diễn ra âm thầm, trong bóng tối mà tất cả đều là ban ngày, giữa giờ học, trong khuôn viên trường.
Tổng kết trên chỉ liệt kê các vụ “nữ sinh đánh nhau”. Còn nam sinh đánh nhau, hay HS đánh thầy cô thì chưa ai thống kê. Nhưng chắc chắn, con số sẽ khiến ta giật mình.
Đã đến lúc không thể để mặc cho sự hiện diện của “con voi” ấy trong phòng nữa.
Cảnh cắt từ clip nữ sinh đánh bạn tại Trà Vinh
Hậu quả của vụ việc này đối với nhà trường không hề nhỏ. Sau nhiều ngày chọn đứng về phe vô can[2], hiệu trưởng của trường THCS Lý Tự Trọng đã xin từ chức và ban giám hiệu xin nhận hình thức kỷ luật, đúng là điều những nhà giáo cần làm. Tiếc rằng một cơ quan quản lý giáo dục cao hơn thì chọn cho mình giải pháp an toàn đó là “bày tỏ quan ngại” như trong một phỏng vấn gần đây.
Thái độ “ngoài cuộc” đó của Bộ sẽ không giúp chúng ta giải quyết trọn vẹn vấn đề. “Bạo lực học đường” đã không còn là chuyện của riêng một HS, một ngôi trường, hay một địa phương nào nữa, mà đã thành vấn nạn của giáo dục VN. Liệu rằng khi đó, những người lớn ở cấp quản lý Bộ liệu có còn giữ mãi thái độ vô can?
Video đang HOT
Bên cạnh đó, nguyên nhân của “bạo lực học đường” lại chưa được chú ý đúng mức. “Con voi” không tự nhiên xuất hiện trong phòng, phải có ai đó dẫn nó vào và nuôi sống nó.
Cái gì nuôi sống “con voi”?
Theo thiển ý của người viết, bạo lực học đường, cũng như đa phần các loại bạo lực khác, xuất phát từ ba nguyên nhân chính: thứ nhất, bạo lực được sử dụng như một cách để giải quyết mâu thuẫn và thông thường được lựa chọn khi môi trường đó thiếu một kênh giải quyết mâu thuẫn công bằng; thứ hai, thái độ coi bản thân đứng trên mọi người, một thái độ chỉ xuất hiện khi con người bị lạc lối, tiêm nhiễm hay mất phương hướng; và thứ ba, sự thất bại trong giáo dục đạo đức.
Trong vụ việc ở Trà Vinh, phần nhiều lý do xuất phát từ nguyên nhân thứ hai, do các em HS muốn áp đặt sự phục tùng lên nạn nhân. Suy rộng ra một số hiện tượng trò đánh thầy, bạn bè đánh nhau thì nguyên nhân thứ nhất cũng rất phổ biến, nếu không muốn nói là phổ biến hơn. Nhưng cội rễ của vấn đề có lẽ chính là ở nguyên nhân thứ ba.
Nhà trường không chỉ đóng vai trò như một cơ sở dạy kiến thức và đào tạo chuyên môn, mà còn có chức năng như một xã hội thu nhỏ. Trong xã hội đó, các em không chỉ được học về kiến thức mà còn được rèn luyện để biết tôn trọng trật tự xã hội. Trật tự xã hội không có nghĩa là kỷ luật thép, hay đơn giản là luật lệ, tuân thủ và trừng phạt. Trật tự xã hội phải được hiểu như cách các thành viên tôn trọng không gian sống và phát triển của nhau.
Để làm như vậy, xã hội đó không cần một bàn tay sắt mà cần một trọng tài công bằng. Tại VN, không nhiều các cơ sở giáo dục có được một cơ chế giải quyết mâu thuẫn học đường một cách công bằng. Vai trò này thường được đưa về cho giám thị và họ thường chọn cách thiết lập trật tự bằng kỷ luật và hình phạt hơn là cách đối thoại công bằng.
Giúp việc, hỗ trợ cho giám thị nhà trường thường là những đội “ Sao đỏ” hoặc chính các lớp trưởng, cán sự lớp. Điều này vô tình khiến cho có sự phân chia “đẳng cấp” giữa các HS trong môi trường học đường tại nhiều nơi. Đây cũng là một biểu hiện của nguyên nhân thứ hai dẫn đến nạn bạo lực học đường.
Một khi con trẻ lầm tưởng rằng chúng có quyền đứng trên một ai đó, do bị tiêm nhiễm, hay do vị trí mà chúng có trong môi trường học đường, thì việc chúng lựa chọn bạo lực như phương thức tìm kiếm sự phục tùng không khó hiểu. Điều này dẫn đến câu hỏi rằng liệu một môi trường giáo dục lành mạnh có nên trao cho HS những dạng quyền lực (dù là tượng trưng hay thực chất) ngay từ những lớp nhỏ hay không? Thiết nghĩ là không. Cho trẻ nhỏ làm bạn với quyền lực quá sớm là con đường ngắn nhất dẫn đến sự lạc lối trong suy nghĩ.
Nhưng tất cả các nguyên nhân trên có lẽ sẽ không tồn tại nếu chúng ta có được một nền giáo dục đạo đức hiệu quả. Học sinh Việt Nam được làm quen với môn học Đạo đức từ rất sớm, và ở các cấp học sau thì môn này được biết với tên gọi là Giáo dục Công dân. Nhưng vị trí của môn học này tại các trường lớp đang còn khiêm tốn. Hơn nữa, nội dung của môn học còn mang màu sắc giáo dục chính trị nhiều hơn là giáo dục đạo đức, mà nếu có thì lại nặng về lý thuyết. Phụ huynh lẫn nhà trường cũng không quan tâm nhiều đến môn này, bởi lẽ Giáo dục Công dân chưa bao giờ (và chắc rằng sẽ không bao giờ) trở thành một môn thi tốt nghiệp, chứ đừng nói đến là cánh cửa bước vào ĐH.
Mục tiêu đích thực của môn Giáo dục Công dân chính là hướng HS đến việc tôn trọng các giá trị cộng đồng, trong đó có sự khiêm nhường và tôn trọng quyền của người khác. Tuy nhiên, nếu vị trí, nội dung của môn học không được sớm cải thiện thì tức là chúng ta đang xem nhẹ một chức năng quan trọng của nhà trường, là giáo dục đạo đức.
Một môi trường giáo dục thiếu các kênh giải quyết mâu thuẫn công bằng mà chỉ tập trung vào kỷ luật và việc phục tùng. Một môi trường cho phép HS được làm quen với quyền lực từ sớm, định hướng sai lầm và lạc lối. Một môi trường coi nhẹ giáo dục đạo đức. Và đặc biệt, một môi trường mà người lớn luôn muốn đứng về phía vô can khi có xảy ra tranh chấp của học sinh. Chính môi trường đó đã và đang nuôi dưỡng những thế hệ học sinh khiếm khuyết.
Việc cần làm là chính những người đứng đầu ngành giáo dục cũng phải đứng ra nhận trách nhiệm vì sai lầm của con trẻ, như cách mà họ đã làm vài năm trước khi tuyên chiến với tiêu cực trong thi cử. Bởi lẽ thành tích trong giáo dục sẽ không có nghĩa gì nếu như nó được tạo ra từ một môi trường giáo dục còn khiếm khuyết.
Theo Vietnamnet
Bộ Giáo dục lên tiếng vụ clip nữ sinh bị bạn đánh hội đồng
Trao đổi với báo chí chiều ngày 12/3 về clip nữ sinh bị bạn đánh hội đồng ở Trà Vinh, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ GD-ĐT cho biết: "Sự việc xảy ra ở Trà Vinh rất đáng tiếc, đáng tiếc hơn là hơn 2 tháng sau khi sự việc diễn ra mà nhà trường chưa biết. Điều này cho thấy nhà trường thiếu sát sao trong việc quản lý, nắm tình hình học sinh".
Ảnh Clip nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh đang gây bức xúc dư luận
Ông Ngũ Duy Anh cho biết, thông qua báo chí chúng tôi mới biết sự việc, "Khi xem xong Clip, tôi cũng "sốc" về hành động đối xử với bạn của các em học sinh này. Ngay sau đó,Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sở GD-ĐT Trà Vinh báo cáo rõ sự việc và hướng xử lý".
Ông Ngũ Duy Anh cho hay, Bộ GD-ĐT rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo việc giáo dục, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, trong đó có tình trạng học sinh đánh bạn; Ban hành các quy định về quản lý học sinh, sinh viên, điều lệ nhà trường ...
Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học, trong đó xác định trách nhiệm của nhà trường, cơ quan công an trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống bạo lực trong trường học.
Hàng năm, Bộ đều có chỉ đạo các nhà trường tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường thông qua các hoạt động chính khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao lành mạnh nhằm thu hút học sinh tham gia. Tuy nhiên, học sinh là lứa tuổi mới lớn, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nên cần có sự phối hợp tích cực giữa nhà trường, gia đình và xã hội để có biện pháp giáo dục kịp thời.
"Sự việc xảy ra ở Trà Vinh rất đáng tiếc, đáng tiếc hơn là hơn 2 tháng sau khi sự việc diễn ra mà nhà trường chưa biết. Điều này cho thấy nhà trường thiếu sát sao trong việc quản lý, nắm tình hình học sinh. Được biết ngay sau khi clip và thông tin sự việc được báo chí nêu, UBND tỉnh đã có cuộc họp chỉ đạo xử lí nhanh. Điều đó thể hiện sự chỉ đạo rất kịp thời của địa phương" - ông Duy Anh nói.
Hình thức xử lí kỉ luật cần phù hợp, mang tính giáo dục răn đe
Về hướng xử lý xử lý những học sinh tham gia đánh hội đồng nữ sinh, ông Duy Anh cho rằng: "Đối với các cháu học sinh, nhất là các cháu đang ở độ tuổi mới lớn cần cân nhắc, thận trọng hình thức xử lí kỉ luật. Hình thức xử lí kỉ luật cần phù hợp, mang tính giáo dục răn đe để các cháu tiến bộ. Tôi tin, nhà trường sẽ xem xét thấu đáo vụ việc, có hình thức kỷ luật học sinh liên quan đảm bảo nghiêm minh và mang tính giáo dục cao.
Bên cạnh đó, tùy vào mức độ vi phạm của học sinh, đối chiếu với các quy định hiện hành, nhà trường sẽ có hình thức xử lí phù hợp. Trường cũng cần rút kinh nghiệm trong việc quản lí, giáo dục học sinh; trong việc phối hợp giữa nhà trường-gia đình trong giáo dục các em trong độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Phải theo dõi các biểu hiện hàng ngày của các em để kịp thời có biện pháp can thiệp".
Gia đình là trường học đầu tiên của học sinh
Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục- trong gia đình lẫn nhà trường - đang quá tập trung cho việc chạy theo theo kiến thức mà bỏ quên việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Những giá trị về giáo dục đạo đức, giáo dục làm người chưa được quan tâm triệt để?
Trả lời câu hỏi trên, ông Duy Anh cho biết, nhà trường có trách nhiệm quan trọng trong giáo dục học sinh. Nhưng gia đình là trường học đầu tiên của các cháu. Tình cảm, sự quan tâm của bố mẹ vô cùng quan trọng. Tôi được biết em học sinh bị đánh nhưng về không dám chia sẻ với gia đình. Phải làm sao để gia đình thực sự là tổ ấm, nơi các em có thể chia sẻ với bố mẹ cả những điều thầm kín, khó nói nhất. Hiện nay, một số gia đình, học sinh ít có cơ hội để chia sẻ, tâm sự với bố mẹ do bố mẹ không có thời gian dành cho con cái.
Qua đây cũng thấy công tác tư vấn tâm lí học đường còn khó khăn. Nếu làm tốt sẽ giải tỏa tâm lí cho các cháu ở độ tuổi mới lớn
"Hiện nay Bộ đang phối hợp với với TƯ Đoàn TNCSHCM và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án "Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống và bồi dưỡng lí tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2015-2020".
Ngành Giáo dục cần sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong việc giáo dục đạo đức học sinh, đặc biệt là phòng chống bạo lực học đường" - ông Duy Anh nhấn mạnh.
Hồng Hạnh
Theo Dantri
Giật mình bạo lực học đường "leo thang" Nhiều người phải nhắm mắt, bủn rủn khi xem clip một nữ sinh ở Trà Vinh bị nhóm bạn đánh hội đồng... Học trò đánh nhau là chuyện thửa nào cũng có nhưng có lẽ phải nhìn nhận chưa bao giờ phần ác trong con người trẻ thơ "bùng nổ" một cách không ngờ như lúc này. Phẫn nộ, bàng hoàng, sửng sốt...