Vụ nữ sinh bị khởi tố vì phòng vệ chính đáng: Ba cái sai của việc “cưỡng chế” thu hồi đất
Khi mẹ mình gặp nguy hiểm bởi máy xúc chực đổ đất trên đầu, chị Nga cuống cuồng đập cuốc vào máy xúc gây nứt kính chắn gió.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện UBND thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Không có quyết định thu hồi gửi đến từng hộ dân”. Như vậy đối chiếu với quy định pháp luật, quy trình thu hồi thửa đất của nhà chị Kiều Thị Nga (SN 1990, trú tại thị trấn Hợp Hòa, hiện đang là sinh viên trường Đại học Nội vụ Hà Nội) để thực hiện dự án bến xe khách huyện Tam Dương, như vị đại diện kia nói, thì chính quyền địa phương đã làm sai.
Tiếp đó, việc không căn cứ vào diện tích sử dụng thực tế người dân được giao nhiều năm nay, có bờ bao, cọc mốc rõ ràng, mà khi thu hồi chỉ dựa vào con số trên giấy tờ, để ép người dân nhận tiền đền bù, theo các quy định của pháp luật cũng là sai. Cái sai thứ ba, là UBND thị trấn Hợp Hòa chưa có văn bản trả lời khiếu nại của gia đình chị Nga, cũng chưa có QĐ cưỡng chế, nhưng chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng liên ngành, có CA hỗ trợ, tiến hành “cưỡng chế”. Việc “cưỡng chế” này núp bóng danh nghĩa “đơn vị thi công giải phóng mặt bằng”. Cái sai thứ ba là UBND thị trấn Hợp Hòa chưa có văn bản trả lời khiếu nại của gia đình chị Nga, cũng chưa có quyết định cưỡng chế, nhưng chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng cưỡng chế, núp bóng “đơn vị thi công GPMB”.
Khi mẹ mình gặp nguy hiểm bởi máy xúc chực đổ đất trên đầu, chị Nga cuống cuồng đập cuốc vào máy xúc gây nứt kính chắn gió. Nếu UBND thị trấn Hợp Hòa không tiến hành “cưỡng chế chui”, có lẽ chị Nga đã bị khởi tố về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Thửa ruộng trên thực địa hiện giờ là bằng chứng rõ ràng về việc thửa ruộng nhà chị Nga bị hủy hoại một phần. Đó là nguyên nhân khiến mẹ chị Nga phải lao xuống ruộng để ngăn cản máy xúc thi công, dẫn đến việc chị Nga đập nứt kính máy xúc để giải cứu cho mẹ mình. “Họ đến hủy hoại tài sản nhà em, mẹ con em bảo vệ và ngăn chặn thì bị bắt và khởi tố. Từ bị hại em thành người có tội”, nữ sinh Nga nói. Đáng nói, sau khi xảy ra vụ việc, dù chiếc máy xúc là công cụ dùng hủy hoại ruộng nhà mình, chị Nga vẫn chấp nhận đền bù chiếc kính bị nứt. Thế nhưng, “một số người” đã không cho nữ sinh này được đền bù, mà tiến hành hình sự hóa vụ việc.
Video đang HOT
Nữ sinh Nga được bạn bè an ủi
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24-5, bà Phạm Thị Nguyên, đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc “giáo dục pháp luật” cho mẹ chị Nga rằng: “Nói cho chị hiểu pháp luật, khu vực đó đã có quyết định thu hồi tổng thể, chứ không riêng nhà chị, nhưng chị không nhận tiền đền bù. Không bắt buộc phải gửi quyết định thu hồi đến từng gia đình, chỉ cần thông báo cho từng nhà”. Việc “giáo dục pháp luật” như trên đúng hay sai, PV xin trích Điều 53, Nghị định số84/2007/NĐ-CPngày 25-5-2007của Chính phủ quy định về “Quyết định thu hồi đất”:
1. Việc ra quyết định thu hồi đất được thực hiện như sau:
…
d) Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi chung của UBND cấp tỉnh quy định tại điểm c khoản này, UBND cấp huyện quyết định thu hồi từng thửa đất thuộc thẩm quyền thu hồi của mình.
2. Quyết định thu hồi đất bao gồm:
…
b) Quyết định của UBND cấp tỉnh hoặc của UBND cấp huyện theo thẩm quyền ban hành về việc thu hồi đất đối với từng thửa đất có nội dung bao gồm tên, địa chỉ người bị thu hồi đất; số tờ bản đồ hoặc số của bản trích đo địa chính, số thửa, loại đất, diện tích (tính theo hồ sơ địa chính hoặc số liệu diện tích chính thức được xác định lại trong quá trình lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng).
3. Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày UBND cấp xã nhận được quyết định đến thời điểm kết thúc việc thu hồi.
Trở lại diễn biến phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Ngọc Sơn, chủ tọa phiên tòa nói với bị cáo Nga rằng: “Chỉ được đền bù diện tích đất ghi trên giấy chứng nhận thôi”. Luật sư Lê Văn Khương (Cty Luật Pháp Việt) phân tích: “Theo quy định của pháp luật, nguyên tắc xác định diện tích đất nông nghiệp bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp có chênh lệch về diện tích giữa đo đạc thực tế và sổ bộ thuế thì bồi thường, hỗ trợ như sau: Diện tích thực tế cao hơn diện tích trong sổ bộ thuế thì bồi thường theo diện tích thực tế; Diện tích trong sổ bộ thuế cao hơn diện tích thực tế thì phần diện tích tăng đó được tính hỗ trợ bằng mức bồi thường và được tính trong phương án bồi thường”.
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên bố bác đơn kháng cáo, giữ y án sơ thẩm đối với bị cáo Nga. Cô nữ sinh dáng nhỏ bé òa khóc ngay trên vành móng ngựa. Gia đình bị cáo Nga cho biết, sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân tối cao.
– Đại diện VKS: “Nhà nước có lỗi, bị cáo có được đập kính không?”
– Bị cáo Nga: “Lúc đó cháu chỉ nghĩ đến mẹ, sợ mẹ cháu chết. Bố cháu mất rồi…”
– “Mẹ bị cáo chưa bị đổ đất lên đầu…”
– “Nếu đổ thì mẹ cháu chết rồi còn đâu. Trong tình huống ấy không có người con nào không bảo vệ mẹ mình cả…”
Nói xong, bị cáo Nga òa khóc giữa tòa. Vị nữ đại diện VKS ngừng hỏi, lặng lẽ cúi xuống trang sổ ghi chép…
Theo PLXH
Vụ nữ sinh bị khởi tố vì phòng vệ chính đáng: Bị hại thành... bị cáo
Không có quyết định cưỡng chế, nhưng UBND thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức lực lượng liên ngành tiến hành "cưỡng chế" trái luật, hủy hoại tài sản công dân.
Hành động tự vệ chính đáng của công dân đã bị hình sự hóa thành hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và bị tòa sơ thẩm tuyên 6 tháng cải tạo không giam giữ khiến dư luận bức xúc.
Bị hại thành... bị cáo
Chuyên mục Qua đường dây nóng đã có loạt bài về vụ việc này, trong đó đưa ra những chứng cứ, cũng như dẫn lời nhân chứng khẳng định UBND thị trấn Hợp Hòa đã "cưỡng chế" trái pháp luật thửa ruộng nhà bà Lê Thị Ngà (trú ở thị trấn Hợp Hòa) vào sáng 25-7-2011.
Cái lý phía chính quyền địa phương tiến hành "cưỡng chế", đổ bê tông lên một phần thửa ruộng nhà bà Ngà là diện tích thửa ruộng trên thực tế nhiều hơn diện tích quản lý trên giấy tờ, nên phần thừa đương nhiên phải... cắt đi. "Từ ngày được giao ruộng, cắm mốc thế nào thì tôi cấy cày thế ấy. Tôi là nông dân ít học, nhưng tôi biết diện tích trong mốc giới được giao thì tôi có quyền sử dụng hợp pháp, còn con số chênh lệnh là do lỗi của chính quyền địa phương, sao đổ lỗi cho tôi", bà Ngà bức xúc.
Luật sư Lê Văn Khương (Cty Luật Pháp Việt) phân tích: bà Ngà có đủ cơ sở pháp lý khẳng định quyền sử dụng hợp pháp với thửa ruộng đã được cắm mốc giới từ hồi được giao. Kể cả phần diện tích thừa, nếu nằm trong những cọc mốc, thì khi thu hồi vẫn được bồi thường theo quy định của pháp luật. "Nếu chứng minh được cá nhân, tổ chức nào đổ đất, bê tông lên phần diện tích thừa này thì bà Ngà vẫn có quyền tố cáo cá nhân, tổ chức đó về hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" được quy định tại Điều 143 BLHS.
Hiện trường thực tế hiện nay cũng thể hiện rõ: Một phần thửa ruộng nhà bà Ngà đã bị san lấp, đổ bê tông, bị biến dạng so với thực tế sử dụng từ hồi được giao ruộng. Những hộ dân có ruộng giáp ruộng bà Ngà cũng khẳng định điều này. Đáng lẽ bà Ngà mới là người bị thiệt hại, có quyền đi tố cáo, thì chính con gái bà, vì đập kính máy xúc, ngăn cản việc đổ đất, lại bị CA huyện Tam Dương khởi tố bị can về hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản".
Một phần thửa ruộng nhà bà Ngà đã bị đổ bê tông
"Em vẫn tin vào công lý"Ngày 29-2, TAND huyện Tam Dương đã bất ngờ hoãn phiên tòa khi PV báo chí xuất hiện. Ngày 23-3, tòa sơ thẩm do thẩm phán Trần Tiến Dũng làm chủ tọa tiến hành xét xử với lực lượng CA, trang bị máy quay "soi" nhất cử nhất động của các nhà báo. Phiên tòa công khai, PV cũng đã đăng ký dự tòa, nhưng thẩm phán, thư ký và lực lượng CA đã ngăn cản PV tác nghiệp theo Luật báo chí.
Tại tòa, dù bị cáo Kiều Thị Nga, SN 1990 - một nữ sinh nghèo vượt khó, được hàng xóm, thầy cô đánh giá là hiền lành, ngoan ngoãn, lại bị thẩm phán Trần Tiến Dũng và vị đại diện VKSND huyện vô cớ lăng mạ là "ăn chơi, đua đòi" và yêu cầu bị cáo Nga từ bỏ lối sống thiếu lành mạnh này (?!). Ngồi trong phòng xử, một giảng viên trường Đại học Nội vụ Hà Nội và nhiều sinh viên là bạn bè của bị cáo Nga lắc đầu ngao ngán. Thẩm phán Trần Tiến Dũng đã khéo "trói" để bà Ngà thừa nhận một văn bản mà trong đó bà Ngà khai máy xúc không đổ đất vào ruộng nhà bà. Người phụ nữ ít học, quanh năm chỉ cặm cụi với đồng ruộng nói: "Anh CA bảo ký vào một tờ giấy rồi về, tôi có được đọc đâu".
Vị thẩm phán cũng khéo hướng bị cáo khai rằng "máy xúc nằm ngoài ruộng bà Ngà" để chứng minh rằng không có chuyện đổ đất, và việc bị cáo Nga đập cửa kính máy xúc là phạm luật. Nhưng vị thẩm phán quên cái máy xúc còn có cái cần dài, dù thân ở ngoài ruộng, thì cần cẩu vẫn có thể đổ đất vào phía trong. Và thực tế, nhìn bằng mắt thường ở hiện trường bây giờ cũng đủ khẳng định: Đất đã được đổ, bê tông đã làm trên thửa ruộng bà Ngà.
Theo dự kiến, ngày 24-5, TAND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án. Báo PL&XH sẽ thông tin về diễn biến phiên tòa tới bạn đọc.
Theo PLXH
Vụ nhà báo bị đánh: Hoãn làm việc giữa VOV và Công an Hưng Yên Xác nhận cuộc làm việc giữa lãnh đạo Trung tâm Tin - VOV cùng 2 nhà báo bị đánh trong vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang - tỉnh Hưng Yên với lãnh đạo Công an tỉnh này đã bị hoãn, không diễn ra như dự định ngày 16-5, song VOV không nói rõ lý do. Trao đổi với Báo Người...