Vụ nữ sinh bị đánh: Khá giỏi, hạnh kiểm tốt vẫn thản nhiên “phang” bạn?
Theo giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5, các học sinh tham gia đánh Ph. phần lớn là học sinh khá giỏi, hạnh kiểm tốt.
Liên quan đến clip học sinh THCS Lý Tự Trọng ở Trà Vinh đánh hội đồng bạn bằng ghế, trao đổi trên Thanh niên, ông Phan Thanh Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sự việc xảy ra ở lớp 7/5 ngày 13/1.
Theo xác minh của nhà trường, vào ngày 13/1, em D.T.V là lớp trưởng của lớp 7/5 cho rằng em N.T.H.Ph. không nghe lời của lớp trưởng nên vào giờ ra chơi, V. kêu các bạn trong lớp đánh Ph. và em N.T.D lớp 7/4 quay phim lại. Sau khi đánh bạn xong, V. và các bạn tiếp tục hăm dọa nên Ph. không dám kể lại sự việc với thầy cô và gia đình.
Những hình ảnh trong clip cho thấy mặc cho nữ sinh bị đánh hoảng loạn, gục đầu ôm mặt khóc, nhóm nữ sinh vẫn hung hăng dùng ghế nhựa liên tục phang trúng đầu nạn nhân.
Theo lời thầy chủ nhiệm, các học sinh tham gia đánh Ph. phần lớn là học sinh khá giỏi, hạnh kiểm tốt. Ảnh cắt từ clip
Điều đáng buồn là khi vụ việc xảy ra, nhiều học sinh qua lại trong lớp, đứng ngoài cửa sổ xem nhưng không ai lên tiếng can ngăn. Cuối đoạn video clip là hình ảnh một nam sinh đứng lên bàn, chất ghế thành chồng giơ cao lên, phía dưới nạn nhân la lên hoảng sợ nhưng nam sinh này vẫn phang chồng ghế trúng đầu nạn nhân…
Video đang HOT
Trên báo Tuổi trẻ, thầy Võ Thành Tất, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5, cho biết em Ph. là học sinh ngoan hiền, học lực khá, hạnh kiểm tốt. Còn các học sinh tham gia đánh Ph. phần lớn là học sinh khá giỏi, hạnh kiểm tốt. Cũng theo thầy Tất, trước khi xảy ra sự việc đau lòng này, các em học hành chăm chỉ, không có biểu hiện gì tiêu cực.
Khi biết thông tin này, không ít người băn khoăn về chất lượng học sinh khá giỏi của những em học sinh này, lại thêm đánh giá “hạnh kiểm tốt” như lời giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5.
Bởi theo quy chế của Bộ Giáo dục, tiêu chí xếp loại học sinh phải phản ánh được hai mặt: Hạnh kiểm (thể hiện phẩm chất của con người học sinh) và học lực (thể hiện kết quả học tập của học sinh).
Hồi cuối năm học (2013- 2014) vừa qua, trên mạng lan truyền bức ảnh tại một trường THCS ở TP HCM, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, giáo viên chủ nhiệm thông báo có tới 98% học sinh đạt loại giỏi, tương đương 49 em và chỉ có 1 học sinh đạt loại khá.
Bức ảnh được lan truyền trên mạng cho thấy, có tới 98% học sinh đạt loại giỏi.
Xu hướng này không phải là hiếm, đặc biệt ở các cấp tiểu học, THCS. Nếu chỉ nhìn vào con số kia, chắc chắn ai cũng nghĩ giáo dục ta đang ở trình độ rất cao.
Căn bệnh thành tích trong giáo dục là một căn bệnh không mới bởi nó đã tồn tại nhiều năm nay. Trong số 98% học sinh giỏi kia, được bao nhiêu em giỏi thực sự?
Cách đây chưa lâu, chia sẻ trên một tờ báo, chị Tuyết Minh – giáo viên một trường trung cấp cho biết, có những em đạt học lực tiên tiến, điểm xét tuyển vào trường trên 21 điểm nhưng khi bước chân vào trường cũng không học được, do trường chỉ xét tuyển dựa trên điểm trung bình 3 năm phổ thông.
Những “cách thức” mà các giáo viên, các trường đã làm để tỷ lệ học sinh giỏi cao chót vót cũng được nhiều phụ huynh chia sẻ: cho làm bài kiểm tra trước, rồi cô chữa bài, hôm sau lại làm đúng y nguyên đề bài đó; giáo viên đọc đáp án cho học sinh chép; để học sinh chạy khắp phòng trao đổi bài thi; hay có trường chỉ cho học sinh học các môn của khối thi đại học, còn lại các môn khác thì giáo viên cho điểm mà học sinh hầu như không cần học.
Nói về vấn đề trên, bày tỏ trên báo Công an Nhân dân, thầy Hiệu trưởng một trường Tiểu học băn khoăn, có gần 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục, trên 20 năm làm công tác quản lý ở cấp Tiểu học, lẽ ra trước con số tỷ lệ 50% giỏi, 45% học sinh khá, thầy giáo phải mừng hơn ai hết. Nhưng ngược lại, thầy lo.
Thầy bảo rằng nó đi ngược lại với quy luật xã hội. Làm gì có xã hội nào (trường học cũng là một xã hội thu nhỏ) mà toàn người giỏi, người khá. Người trung bình, yếu, kém lại cực ít trong khi trình độ của chúng ta chưa thể đạt đến sự phát triển cao một cách tuyệt đối như vậy. Nói rồi thầy lấy ngay trường mình làm ví dụ: Tỷ lệ học sinh khá, giỏi xấp xỉ 95%, nhưng học sinh của thầy có giỏi, khá như vậy không thì thầy không dám khẳng định.
Như tin tức đã đưa, trên mạng đang lan truyền đoạn video clip ghi lại hình ảnh một nhóm nữ sinh (khoảng 4-5 người) mặc đồng phục áo trắng, đeo khăn quàng đỏ, chửi thề, túm tóc đánh đập, thậm chí ném ghế vào một nữ sinh khác ngay trong lớp học. Nữ sinh bị đánh ngồi ở bàn học với đầu tóc rối tung, miệng mếu méo chỉ biết ngồi ôm đầu chịu đòn. Đặc biệt, không ai trong số đông học sinh trong và ngoài lớp chứng kiến muốn can thiệp hay ngăn cản hành động này. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng, trong đó có công an tiến hành điều tra để làm rõ.
Mai Nguyên
Theo_Người Đưa Tin
Quảng Ngãi: Ăn chặn tiền hỗ trợ học sinh
Sau khi Công an huyện Sơn Hà điều tra, làm rõ sai phạm của trường THCS Sơn Bao, ngày 5-3, Phòng Giáo dục Sơn Hà, Quảng Ngãi đã ra quyết định kỷ luật một số giáo viên liên quan.
Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Sơn Hà phát hiện một số giáo viên của trường THCS Sơn Bao trong năm học 2012 - 2013 đã tự ý trừ sai quy định số tiền hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ (tiền hỗ trợ nhà ở cho học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú).
Kết quả điều tra cho thấy, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của học sinh và phụ huynh học sinh, khi học sinh nhận tiền hỗ trợ nhà ở theo quy định, hai giáo viên của trường là Trần Anh Tâm và Bùi Thị Phúc đã tự ý đặt ra các khoản thu như để bồi dưỡng công sức cho giáo viên đi lại nhận tiền, để quan hệ giao tiếp... Hai giáo viên này đã thu từ 100.000 - 500.000 đồng của mỗi học sinh khi nhận tiền. Bùi Thị Phúc là giáo viên chủ nhiệm lớp 9 đã tự ý trừ của khoảng 27 học sinh, với số tiền trên 7 triệu đồng. Điều đáng nói là giáo viên Trần Anh Tâm không có trách nhiệm trong việc cấp phát nhưng đã tự ý thu của khoảng 20 học sinh với số tiền là 4 triệu đồng.
Được biết, tháng 9-2013, trường THCS Sơn Bao lập danh sách 147 học sinh được nhận với số tiền trên 673 triệu đồng. Bà Đinh Thị Nhách, phụ huynh của em Đ.T.X, trú tại thôn Mang Nà, xã Sơn Bao cho biết: Trong đợt 1, năm 2014, bà nhận 1,6 triệu đồng tiền hỗ trợ theo Quyết định 85 từ giáo viên Trần Anh Tâm. Tuy nhiên sau đó giáo viên Tâm thu của bà 300.000 đồng gọi là tiền "nước". Đến đợt 2, bà Nhách nhận 2,4 triệu đồng tiền hỗ trợ, giáo viên Trần Anh Tâm tiếp tục thu của bà 500.000 đồng. Tổng hai đợt giáo viên Trần Anh Tâm thu trái qui định của bà Nhách 800.000 đồng. Còn ông Đinh Văn Đôi, là phụ huynh của em Đ.T.N, ở thôn Mang Nà, xã Sơn Bao nhận tiền 2 đợt nhưng bị giáo viên Trần Anh Tâm và giáo viên Bùi Thị Phúc tự ý thu 400.000 đồng.
Đại tá Võ Văn Đãi, Trưởng Công an huyện Sơn Hà cho biết: "Trước vụ việc trên, chúng tôi kiến nghị UBND huyện chỉ đạo thu hồi, khắc phục hậu quả; yêu cầu xin lỗi phụ huynh và phải kỷ luật giáo viên sai phạm". Còn ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng trường THCS Sơn Bao giãi bày: "Chúng tôi đã tổ chức cho các giáo viên chủ nhiệm cấp lại tiền đầy đủ cho phụ huynh, có sự giám sát UBND xã. Từng giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu xin lỗi học sinh mà mình phụ trách".
Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà đã có hình thức xử lý kiểm điểm, kỷ luật đối với hiệu trưởng và hiệu phó và hai giáo viên có sai phạm và vẫn để họ tiếp tục công tác tại trường. Tuy nhiên, dư luận không đồng tình với mức kỷ luật quá nhẹ đối với các cá nhân sai phạm trên.
Theo_An ninh thủ đô