Vụ nữ giáo viên quỳ trước UBND tỉnh: ‘Tôi tiếp tục khiếu nại’
Nữ giáo viên từng quỳ gối trước UBND tỉnh Đắk Lắk xin gặp lãnh đạo vì bị điều chuyển công tác cho biết bà không đồng ý với văn bản trả lời của lãnh đạo địa phương.
Chiều 9/10, giáo viên Nguyễn Thị Hoa Anh, trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cho biết bà đã nhận được thông báo giải quyết đơn khiếu nại của UBND tỉnh về việc điều chuyển công tác của UBND TP Buôn Ma Thuột đối với mình. Bà Hoa Anh cho biết không đồng ý với với thông báo giải quyết khiếu nại trên.
“Tôi đã làm đơn khiếu nại gửi Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, không đồng ý với văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh ký, vì thông báo giải quyết không đúng và nội dung trả lời không hợp lý. Tôi đã đến bộ phận tiếp dân, yêu cầu gặp lãnh đạo tỉnh để giải quyết”, nữ giáo viên nói.
Trước đó, tháng 8/2018, bà Hoa Anh bị điều chuyển công tác từ trường Tiểu học Võ Thị Sáu đến trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh. Bà không đồng ý với quyết định điều động và nhiều lần viết đơn khiếu nại.
Nữ giáo viên không đồng ý với thông báo trả lời của UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: T.N.
Sáng 6/8, bà Hoa Anh và bà Nguyễn Thị Tân, giáo viên trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Buôn Ma Thuột, đến trụ sở tiếp công dân của tỉnh ở đường Lê Thị Hồng Gấm, gửi đơn đăng ký tiếp công dân. Sau khi xem xét nội dung đơn, cán bộ tiếp công dân đã hướng dẫn theo quy định. Không đồng ý với giải thích này, hai giáo viên đến thẳng trụ sở UBND tỉnh nộp đơn và đề nghị gặp lãnh đạo.
Tại đây, hai nữ giáo viên được cán bộ Văn phòng UBND tỉnh mời vào phòng chờ giải quyết. Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn, giải thích và tiếp nhận đơn.
Video đang HOT
Trong thời gian chờ đợi cán bộ đến giải quyết, bà Hoa Anh đã ra khu vực khuôn viên trước trụ sở UBND tỉnh quỳ gối. Khi có cán bộ đến giải thích và nhận đơn, hai giáo viên trên mới ra về.
Ngày 7/10, bà H’ Yim Kdoh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ký thông báo, trả lời đơn của nữ giáo viên Nguyễn Thị Hoa Anh tố quyết định điều chuyển công tác của UBND TP Buôn Ma Thuột.
UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định bà Hoa Anh bị điều chuyển công tác vì “vi phạm dạy thêm, học thêm”. Việc điều động đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, quyết định điều chuyển của UBND TP Buôn Ma Thuột không thống nhất, dẫn đến nữ giáo viên khiếu nại.
Đối với thiếu sót của UBND TP Buôn Ma Thuột, chủ tịch UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo đơn vị này tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để kịp thời sửa chữa, khắc phục, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Theo Zing
Giáo viên quỳ gối xin gặp lãnh đạo tỉnh đưa đơn khiếu nại
Ngày 6.8, trên mạng xã hội xuất hiện clip một giáo viên quỳ gối trước sân trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk xin gặp lãnh đạo tỉnh để giải quyết đơn thư khiếu nại.
Cô giáo quỳ trước sân trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk - Cắt từ clip
Nội dung clip thể hiện giáo viên này đến đưa đơn thư khiếu nại nhưng bức xúc do không có người nhận đơn nên quỳ gối để mong gặp lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.
Khiếu nại liên quan đến việc điều động công tác
Chiều cùng ngày, ông Bùi Hồng Quý, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết có nghe thông tin hai cô giáo đến trụ sở UBND tỉnh liên quan việc khiếu nại mà không trực tiếp thấy việc cô giáo quỳ gối.
Theo ông Quý, khi nghe thông tin việc cô giáo quỳ gối, văn phòng đã cử người vận động, giải thích để cô giáo trở về nhà.
"Sáng nay, tôi nghe anh em báo có hai cô giáo đến gửi đơn. Tôi có cho anh em xuống giải thích cho một cô, và nhận đơn của một cô giáo".
Theo ông Quý, hai cô giáo khiếu nại có liên quan đến việc điều động công tác của UBND TP.Buôn Ma Thuột. "Trước đây, UBND TP đã có văn bản trả lời đầy đủ. Theo quy định của pháp luật thì đã chấm dứt khiếu nại rồi", ông Quý nói. Ông Quý cũng cho rằng vụ việc mà nữ giáo viên khiếu nại (điều động công tác) thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP.Buôn Ma Thuột chứ không phải của UBND tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hoa Anh, giáo viên Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), xác nhận bà là người quỳ gối tại UBND tỉnh Đắk Lắk, mục đích để được tiếp xúc lãnh đạo tỉnh khiếu nại về quyết định điều chuyển công tác đối với mình từ 1 năm trước và đề đạt nguyện vọng chuyển về trường cũ.
Do vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm?
Theo bà Anh, sáng 6.8, bà đến Trụ sở tiếp công dân của tỉnh, đặt tại số 32 đường Lê Thị Hồng Gấm, TP.Buôn Ma Thuột, nhưng ở đây không nhận đơn và không đồng ý tiếp bà. Sau đó, bà đến trụ sở UBND tỉnh đề nghị gặp người có trách nhiệm để trình bày nguyện vọng và gửi đơn nhưng cũng không được tiếp. "Vì quá bức xúc nên tôi có hành động như trong clip", bà Anh nói.
"Tôi được biết một số giáo viên cũng bị lập biên bản vi phạm quy định dạy thêm, học thêm nhưng không bị hình thức xử lý điều chuyển công tác là làm sao?"
Bà Nguyễn Thị Hoa Anh
Bà Anh cho biết việc bà khiếu nại là quyết định điều động công tác của UBND TP.Buôn Ma thuột đối với bà bất hợp lý.Theo bà Anh trình bày, bà có thâm niên công tác 25 năm, trong đó 10 năm đầu ở trường vùng xa, 14 năm sau giảng dạy ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (nội thành Buôn Ma Thuột). Vào tháng 7.2018, bà Anh nhận được quyết định điều động đến công tác tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột. Bà Anh cho rằng việc UBND TP.Buôn Ma Thuột quyết định điều động bà từ trường trung tâm ra các trường có điều kiện khó khăn với lý do xử lý vi phạm quy định dạy thêm, học thêm là không hợp lý, không công bằng.
Trước đó, vào tháng 6.2017, UBND P.Tân Thành (TP.Buôn Ma Thuột) kiểm tra phát hiện bà đang ôn bài môn toán dịp hè cho một số học sinh tiểu học tại nhà riêng và lập biên bản bà Anh vi phạm quy định về việc dạy thêm, học thêm.
"Tôi được biết một số giáo viên cũng bị lập biên bản vi phạm quy định dạy thêm, học thêm nhưng không bị hình thức xử lý điều chuyển công tác là làm sao?", bà Anh nói.
Theo Thanh niên
Đắk Lắk: Cần chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang quốc lộ 26 Quốc lộ 26 là tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Nhiều năm nay, hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường này bị lấn chiếm tràn lan để xây dựng công trình, làm nơi buôn bán... Hành lang quốc lộ 26 đang bị lấn chiếm tràn lan. Ảnh: Tr. Thọ Trên...