Vũ ‘nhôm’: Vụ án này làm oan bị cáo quá
Cuối giờ chiều qua, đại diện VKSND TP.HCM đã đọc gần xong cáo trạng dài 80 trang. Hôm nay, tòa sẽ cách ly bị cáo Vũ “nhôm” trong phần xét hỏi.
Sáng 27-11, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ thất thoát hơn 3.608 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) với 26 bị cáo.
Bị cáo Trần Phương Bình, nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT DAB; Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, 43 tuổi, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) và 24 bị cáo khác bị truy tố về các tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 27-11 đến 25-12. Liên quan vụ án, tòa triệu tập hơn 333 cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Có hơn 60 luật sư tham gia bào chữa cho 26 bị cáo.
“Vụ án này làm oan bị cáo quá”
Bị cáo Vũ “nhôm” đã tranh thủ kêu oan như vậy ngay tại phần chủ tọa thẩm tra lý lịch các bị cáo. Chủ tọa phải nhắc đây mới chỉ là phần thẩm tra lý lịch.
7 giờ sáng cùng ngày, trong chiếc áo vải xanh, quần đen, bị cáo Trần Phương Bình, Vũ “nhôm” và các bị cáo khác được đưa đến tòa. Bị cáo Bình tóc bạc trắng, tay cầm túi giấy tờ. Trông ông Bình tiều tụy hơn rất nhiều so với trước khi bị bắt.
Lực lượng an ninh lập chốt kiểm tra hai vòng, ngoài sân và trong sảnh tòa. Những người đến tham dự phiên tòa đều phải xuất trình giấy tờ, sau đó phải qua một máy rà an ninh mới được vào trong. Người dự khán được bố trí phòng riêng để theo dõi phiên xử qua màn hình.
Vũ “nhôm” có một luật sư bào chữa. Ông Trần Phương Bình có ba luật sư bào chữa. Hơn 50 luật sư bào chữa, bảo vệ cho 24 bị cáo còn lại và những người liên quan khác.
Phần thẩm tra lý lịch, bị cáo Bình khai đảm nhận chức vụ tổng giám đốc DAB từ năm 1998 và là phó chủ tịch HĐQT từ năm 2013 đến 2015. Ông là cử nhân kinh tế, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế trước khi chuyển sang gầy dựng và dẫn dắt ngân hàng trong 23 năm.
Ngày 20-8-2015, Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức tổng giám đốc và thành viên HĐQT của bị cáo Bình sau khi đưa DAB vào diện kiểm soát đặc biệt.
Bị cáo Bình bị truy tố hai tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Vũ “nhôm” bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 203 tỉ đồng của DAB, đến nay đã khắc phục 173 tỉ đồng. Vũ khai ngoài tên Phan Văn Anh Vũ, bị cáo còn có hai tên khác là Phan Văn Sáu và Trần Đại Vũ.
Vũ “nhôm” cũng khai có hai quốc tịch, một quốc tịch Việt Nam và một quốc tịch nước ngoài là “Antigua and Barbuda”.
Trong 26 bị cáo bị xét xử đáng chú ý có Nguyễn Hồng Ánh, nguyên cán bộ Công an TP.HCM, bị xử về tội cố ý làm trái. Bị cáo Ánh bị cáo buộc có hành vi tất toán khống một phần khoản vay 1.900 lượng vàng, gây thiệt hại cho DAB hơn 53 tỉ đồng. Đến nay vợ bị cáo Ánh đã nộp tiền khắc phục được 500 triệu đồng.
Video đang HOT
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Ảnh: QUỐC VŨ
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Chi lãi ngoài hàng trăm tỉ đồng
Ông Bình bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, chỉ đạo cấp dưới gây hàng loạt sai phạm khiến thiệt hại 3.608 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến DAB lỗ lũy kế hơn 31.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỉ và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỉ.
Bị cáo Bình bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỉ đồng để mua hơn 74 triệu cổ phần DAB, chi hơn 497 tỉ đồng để mua 13.900.000 USD và Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần DAB; sử dụng cá nhân 358 tỉ đồng, chiếm đoạt của DAB tổng số 2.057 tỉ đồng.
Ông Bình còn bị cáo buộc cố ý làm trái khi chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 467 tỉ đồng để chi lãi ngoài; hơn 53 tỉ đồng để tất toán khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh; tất toán khống 2,4 tỉ đồng khoản vay của Nghiêm Thị Hồng; thu khống 31,2 tỉ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán. Bị cáo đã xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại 611 tỉ đồng, kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại 384 tỉ đồng, gây thiệt hại cho DAB tổng số 1.551 tỉ đồng. Trong đó, hành vi chi lãi suất ngoài để huy động vốn gây thiệt hại cho DAB 467,8 tỉ đồng…
Bí thư Đà Nẵng: Vũ “nhôm” phải ra tòa ít nhất trong ba vụ án
Sáng 27-11, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng tổ đại biểu Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu.
Tại buổi tiếp xúc, liên quan đến vụ án Vũ “nhôm”, ông Trương Quang Nghĩa cho biết Vũ “nhôm” tối thiểu phải ra tòa ba lần với ba vụ khác nhau gồm: vụ lộ bí mật; vụ liên quan Ngân hàng Đông Á; vụ lạm dụng chức vụ, quyền hạn liên quan đến đất đai ở Đà Nẵng.
“Riêng ở TP.HCM đã khởi tố nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM và sẽ còn làm đến nơi đến chốn, xử lý những người liên quan ở các địa phương, ở ngành công an…” – ông Nghĩa nói LÊ PHI
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo nguyên thủ quỹ hội sở DAB xuất quỹ chi hơn 294 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD, trong đó có 14,4 triệu USD là mua giúp Vũ “nhôm”. Đến nay số tiền này Vũ đã sử dụng hết nhưng chưa trả lại cho DAB.
Như vậy, trong tổng thiệt hại của vụ án này là 3.608 tỉ đồng, gồm hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 2.057 tỉ đồng và cố ý làm trái gây thiệt hại 1.551 tỉ đồng.
Cáo trạng ghi nhận bị cáo Bình thành khẩn khai báo và nhận trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại gây ra.
đáng chú ý là bị cáo Phan Văn Anh Vũ vừa có vai trò là bị cáo, vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Với tư cách bị cáo, Vũ bị xét xử về hành vi chiếm đoạt 200 tỉ đồng của DAB.
Vũ “nhôm” cũng ra tòa với tư cách người liên quan do Vũ đại diện cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 làm chủ sở hữu, nắm 12% cổ phần tại DAB.
Theo cáo trạng, Trần Phương Bình chỉ đạo làm thủ tục thu khống 200 tỉ đồng của Vũ nhưng thực chất DAB sử dụng tiền trong quỹ xuất 200 tỉ đồng chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79. Vũ trực tiếp viết nội dung, ký giấy nộp tiền và bảng kê loại tiền.
Cùng ngày, Công ty Bắc Nam 79 chuyển 600 tỉ đồng (gồm Phan Văn Anh Vũ nộp khống 200 tỉ đồng tại DAB và 400 tỉ đồng vay của DAB) vào tài khoản của DAB để mua 60 triệu cổ phần.
Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng không thành công nên Trần Phương Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỉ đồng và hơn 9 tỉ đồng tiền lãi của 600 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79.
Như vậy, Vũ chỉ nộp 400 tỉ đồng nhưng nhận 600 tỉ đồng và tiền lãi, tức là đã chiếm đoạt của DAB 200 tỉ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và 3,1 tỉ đồng tiền lãi của số tiền khống này.
Sáng nay (28-11), sau khi công bố nốt phần còn lại của cáo trạng, tòa sẽ bắt đầu xét hỏi các bị cáo.
Trước khi đại diện VKS công bố cáo trạng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết đã xem xét các tài liệu do luật sư bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ cung cấp. Đối với tài liệu liên quan đến vấn đề quốc tịch của Vũ, chủ tọa cho rằng tài liệu là bản phôtô, chưa được dịch sang tiếng Việt, không phải là ngôn ngữ để sử dụng trong phiên tòa. Vì vậy HĐXX không chấp nhận tài liệu này. Trước đó, cuối buổi xét xử sáng 27-11, luật sư bào chữa cho Vũ đề nghị được cung cấp một số tài liệu mới liên quan đến Vũ và cho rằng “có lợi cho Vũ”.
PHƯƠNG LOAN
Theo PLO
Từ lời khai của Vũ 'nhôm': Làm thế nào để có quốc tịch Antigua và Barbuda?
Có quốc tịch Antigua và Barbuda không phải khó, thậm chí có tới 3 cách để có quốc tịch của quốc đảo này. Lý do chính để nhiều người quyết định "mua" quốc tịch Antigua và Barbuda là vì người có quốc tịch của quốc đảo này sẽ được miễn thị thực du lịch đến 145 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả khối Schengen (26 quốc gia châu Âu) và Vương quốc Anh...
Antigua và Barbuda là một trong những nước bán quốc tịch để thúc đẩy kinh tế - Ảnh: Internet
Antigua và Barbuda là một quốc đảo nằm ở phần nam quần đảo Windward, phía Đông Caribbean. Quốc đảo này nổi tiếng với nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng. Tại quốc đảo này, ngành du lịch chiếm đến hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia, chính phủ Antigua và Barbuda đã đưa ra các chương trình đầu tư nhập quốc tịch tương tự như nhiều đảo quốc khác trong khu vực Caribbean. Với mức đầu tư chỉ từ 100.000 USD (~2,2 tỷ đồng), nhà đầu tư sẽ được cấp quyền công dân vĩnh viễn bản thân và gia đình với nhiều đặc quyền.
Lý do chính để nhiều người quyết định "mua" quốc tịch Antigua và Barbuda là vì người có quốc tịch của quốc đảo này sẽ được miễn thị thực du lịch đến 145 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả khối Schengen (26 quốc gia châu Âu) và Vương quốc Anh...
Nhìn chung, để làm công dân của Antigua và Barbuda rất dễ, chỉ tốn tiền là có thể đạt được. Thậm chí, chỉ cần đủ tiền và không cần chứng minh tài sản, không yêu cầu trình độ, kinh nghiệm, không giới hạn độ tuổi và miễn phỏng vấn.
Để làm công dân của Antigua và Barbuda chỉ cần cư trú ít nhất 5 ngày tại quốc đảo trong khoảng thời gian 5 năm liên tiếp để đủ điều kiện gia hạn hộ chiếu mới. Tức là bạn chỉ cần có một chuyến nghỉ dưỡng kéo dài 5 ngày tại quốc đảo này trong 5 năm là đủ điều kiện.
Antigua và Barbuda cũng không quá hẻo lánh khi có thể đến một cách nhanh chóng với nhiều đường bay thẳng từ New York, Miami, London, Frankfurt, Toronto...
Quy trình xử lý hồ sơ xin quốc tịch tại đây cũng rất đơn giản, nhanh chóng, chỉ khoảng 6 tháng.
Có 3 cách để mua quốc tịch Antigua và Barbuda như sau:
1. Đóng góp vào Quỹ Phát triển Quốc gia (NTF)
Mức đóng góp tối thiểu 100.000 USD (~2,2 tỷ đồng) vào Quỹ phát triển quốc gia (NTF) (dành cho gia đình có 4 thành viên hoặc ít hơn) hoặc 125.000 USD (~2,7 tỷ đồng) (dành cho gia đình 5 thành viên hoặc hơn).
Khoản đóng góp trên chưa bao gồm phí thẩm tra hồ sơ cho đương đơn, người phụ thuộc, lệ phí xử lý hồ sơ và chi phí pháp lý cho mỗi hồ sơ.
2. Đầu tư bất động sản
Đương đơn cần đầu tư tối thiểu 400.000 USD (khoảng 8,8 tỷ đồng) vào một trong những dự án phát triển bất động sản được chính phủ phê duyệt. Nhà đầu tư phải quản lý và sở hữu bất động sản trong vòng tối thiểu 5 năm.
Một số chi phí liên quan đến việc đăng ký bất động sản, lệ phí xử lý và thuế sẽ phát sinh khi mua bất động sản. Dự kiến 6 tháng sau khi nộp hồ sơ thì nguười đầu tư sẽ có quốc tịch.
3. Đầu tư trực tiếp vào một doanh nghiệp đủ điều kiện
Đương đơn cần đầu tư tối thiểu 1.500.000 USD (khoảng 33 tỷ đồng) vào một doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trên quốc đảo. Khoản đầu tư trên chưa bao gồm phí thẩm tra hồ sơ cho đương đơn, người phụ thuộc và chi phí pháp lý cho mỗi hồ sơ.
Thiên Hà
Theo motthegioi
Đất nước "bí ẩn" cấp quốc tịch thứ 2 cho Phan Văn Anh Vũ Trong phần trả lời HĐXX về nhân thân sáng 27/11, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") khai: ngoài quốc tịch Việt Nam bị cáo còn có quốc tịch Antigua and Barbuda. Đây là đất nước nhỏ nằm ở khu vực Caribe. Sáng 27/11, TAND TP.HCM đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB). Ra tòa trong...