Vũ ‘nhôm’ bị truy tố trong vụ gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á
Ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) qua mua cổ phần.
VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79), Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị DAB) cùng 24 bị can.
26 người bị truy tố các tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản(Điều 355 Bộ Luật hình sự 2015), Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999) và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, Bộ Luật hình sự 1999).
Trong đó, bị can Vũ “Nhôm” bị truy tố theo Điều 355; ông Bình bị hai tội danh quy định tại Điều 355 và 165 với khung hình phạt từ 20 năm đến chung thân.
Ông Vũ “Nhôm” khi bị đưa ra xét xử trong vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Ảnh: TTXVN.
Theo cáo trạng, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, ông Bình đã chỉ đạo các bị can lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng của DAB.
Việc thiệt hại hơn 3.500 tỷ đồng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ đồng.
Cáo trạng nêu, năm 2013 DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, bị can Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư. Do quen nhau từ trước, sau khi bàn bạc thống nhất, ông Bình để Vũ “Nhôm” mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi nhà băng này tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014. Mục đích để bị can Vũ “Nhôm” trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.
Nguồn tiền mua cổ phần DAB do Vũ “Nhôm” thế chấp 220 lô đất tại thành phố Đà Nẵng, vay 400 tỷ đồng của DAB. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, bị can Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ “Nhôm”. Sau đó, Vũ “Nhôm” ký khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB để có được 200 tỷ đồng mua cổ phần.
Sau này, việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng không thành công, ngày 8/4/2014, ông Bình chỉ đạo DAB chuyển trả 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi vào tài khoản của công ty do Vũ “Nhôm” làm chủ tịch HĐQT.
Video đang HOT
Cơ quan công tố cáo buộc, Vũ “Nhôm” chỉ nộp 400 tỷ đồng nhưng lại nhận 600 tỷ đồng và hơn 9,5 tỷ đồng tiền lãi. Bị can này đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng gốc do ký chứng từ nộp khống mà có và gần 3,2 tỷ đồng tiền lãi của số tiền khống này.
Ở hành vi cố ý làm trái, theo quy kết, ông Bình và cấp dưới đã gây thiệt hại cho DAB gần 470 tỷ đồng chi lãi ngoài để huy động vốn; gần 385 tỷ kinh doanh ngoại hối; hơn 610 tỷ kinh doanh vàng tài khoản, hơn 53 tỷ đồng trong việc tất toán khoản với một khách hàng về khoản vay 1.900 lượng vàng…
Cơ quan công tố cũng cáo buộc, ba cán bộ thuộc ban kiểm soát của DAB đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện theo quy định của pháp luật. Các bị can này đã tạo khiến cấp trên gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng.
Trước khi bị truy tố vụ án trên, ngày 30/7, ông Phan Văn Anh Vũ bị TAND Hà Nội tuyên phạt chín năm tù tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Các bị can bị truy tố
- Tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gồm: Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DAB), Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Nam Định)
- Tội Cố ý làm trái gồm các bị can nguyên là cán bộ DAB: Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Đức Vinh (nguyên trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB), Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DAB), Nguyễn Văn Thuận (nguyên phó giám đốc DAB Sở giao dịch), Trần Thế Hùng (nguyên htủ quỹ DAB Sở giao dịch), Nguyễn Thị Kim Loan (nguyên trưởng phòng kinh doanh Hội sở DAB), Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có thuộc khối kinh doanh nguồn vốn DAB), Nguyễn Đỗ Thành Trung (nguyên phụ quỹ DAB Sở giao dịch), Nguyễn Đức Tài (nguyên giám đốc DAB Sở giao dịch), Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB), Lê Kiên Giang (nguyên phụ quỹ Hội sở Ngân hàng DAB), Nguyễn Chí Công (nguyên phó trưởng phòng tín dụng DAB Sở giao dịch), Vũ Thị Thanh Hoa (nguyên phó trưởng phòng tín dụng DAB Sở giao dịch), Trang Tài Tâm (nguyên cán bộ tín dụng DAB Sở giao dịch), Nguyễn Hồ Bảo Quốc (nguyên giám đốc DAB Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng), Võ Hoàng Đông (nguyên thủ quỹ DAB Chi nhánh Đinh Tiên Hoàng), Quách Thành Sang (nguyên phụ quỹ DAB Sở giao dịch), Nguyễn Hồng Ánh, Trương Hoàng Khải (Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Sao Việt Nam), Trương Quốc Tân (Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hội tụ).
- Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Thị Cúc, Phan Thị Tố Loan, Nguyễn Vinh Sơn, đều nguyên là cán bộ ban kiểm soát DAB.
Theo Việt Dũng (VNE)
Vũ "nhôm" xin khắc phục hậu quả trong đại án DongABank
Vũ "nhôm" có 4 lần gửi đơn đến Viện KSND tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản đảm bảo khắc phục hậu quả, đồng thời xin gặp gia đình để thống nhất việc khắc phục hậu quả 203 tỉ đồng gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần DongABank.
Gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng
Ngày 6/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 26 bị can trong đại án xảy ra tại DongABank gây thiệt hại 3.608 tỉ đồng.
Trước đó, tháng 7/2018, Viện KSND tối cao đã ban hành quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, trong đó có nội dung liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc DongABank) bị đề nghị truy tố 2 tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vũ "nhôm" (bên trái) cùng Trần Phương Bình tiếp tuc bị đề nghị truy tố.Trong số 22 bị can có nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Vân và các nguyên giám đốc sở giao dịch của DongABank bị đề nghị truy tố tội cố ý làm trái quy định của nhà nước...
Riêng bị can Phan Văn Anh Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 - viết tắt Công ty Bắc Nam 79) bị đề nghị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong kết luận điều tra bổ sung lần này có thêm 2 bị can mới là Nguyễn Vinh Sơn và Phan Thị Tố Loan (đều là thành viên chuyên trách ban kiểm soát DongABank), cùng bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cả hai bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố ngày 23/8/2018.
Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 3.608 tỉ đồng, bao gồm 1.160 tỉ đồng trong việc ông Bình mua hơn 74.000 cổ phần DongABank; 437 tỉ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...
Cơ quan điều tra xác định, hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DongABank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng.
Bà Xuyến đã sử dụng Công ty TNHH TMTP Sao VN, Công ty TNHH Ninh Thịnh và 5 cá nhân lập hồ sơ rút 467 tỉ đồng của DongABank để ông Trần Phương Bình mua cổ phần của DongABank. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi hơn 475 tỉ đồng để tất toán các khoản vay này, xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 10 tỉ đồng.
Ngoài ra, bà Xuyến còn chiếm đoạt của DongABank 40 tỉ đồng trong việc DongABank cho Cao Ngọc Huy vay 270 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định bà Xuyến là đồng phạm với ông Bình chiếm đoạt 467 tỉ đồng của DongABank.
Bà Xuyến cũng xuất khẩu và kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DongABank hơn 1.000 tỉ đồng; phải chịu trách nhiệm về số tiền 40 tỉ đồng và 1.574 tỉ đồng.
Cựu trung tá Công an bất ngờ nhận tội
Theo kết luận điều tra bổ sung bổ sung, Vũ "nhôm" có 4 lần (ngày 20/6/2018, ngày 25/6/2018, ngày 10/7/2018 và ngày 16/7/2018) gửi đơn đến Viện KSND tối cao yêu cầu xác minh, kê biên tài sản đảm bảo khắc phục hậu quả, đồng thời xin gặp gia đình để thống nhất việc khắc phục hậu quả 203 tỉ đồng gốc lẫn lãi liên quan đến việc mua cổ phần DongABank.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã làm việc với Vũ để làm rõ phương án khắc phục hậu quả này. Ngày 16/8/2018, cơ quan công an cho Vũ gặp người thân để thống nhất việc nộp tiền mặt khắc phục hậu quả nói trên, nhưng đến nay vẫn chưa nộp.
Tài sản của Vũ "nhôm" đang bị kê biên.
Quá trình điều tra, công an xác định 5 bất động sản ở Đà Nẵng, cùng 2 bất động sản ở TPHCM, trong đó có bất động sản tại số 8 Nguyễn Trung Trực (quận 1, TPHCM) là vật chứng của vụ án, đã được kê biên, phong tỏa trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an thụ lý điều tra.
Theo cơ quan điều tra, ở giai đoạn 2 của vụ án, Bộ Công an tiếp tục làm rõ việc ông Bình chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ.
Đáng chú ý trong kết luận điều tra bổ sung lần này cũng nêu Nguyễn Hồng Ánh (sinh năm 1962, cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TPHCM), bị đề nghị truy tố trong vụ án này vì liên quan đến khoản vay 2.000 lượng vàng SJC tại DongABank, đã bất ngờ thừa nhận hành vi của mình. Vợ của bị can Ánh cũng đã nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả cho bị can. Kết luận điều tra trước đó xác định trong việc tất toán khống khoản vay 1.900 lượng vàng đã khiến DongABank thiệt hại hơn 53 tỉ đồng và ông Ánh phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.
Xuân Duy
Theo Dantri
Đề nghị truy tố nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á Ngày 4/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) cùng 20 đồng phạm trong vụ án "cố ý làm...