Vụ nhiễu sóng tại Tân Sơn Nhất: “Không có yếu tố phá hoại”
Sau 3 ngày xảy ra can nhiễu sóng điều hành tại sân bay Tân Sơn Nhất – TPHCM, cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được nguồn sóng cụ thể đã gây tác động, còn lãnh đạo Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam khẳng định “chắn chắn không có yếu tố phá hoại nội bộ”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Việt Dũng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) – cho biết, hiện VATM đang phối hợp chặt chẽ với Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin – Truyền thông) để xác định nguồn sóng gây can nhiễu sóng điều hành bay tại Tân Sơn Nhất hôm 16/6.
Hiện tượng can nhiễu sóng điều hành bay tại Tân Sơn Nhất vẫn chưa xác định được nguồn sóng
Sân bay Tân Sơn Nhất từng bị “sập” hệ thống điều hành bay do mất điện cách đây không lâu với nguyên nhân là do có yếu tố con người, hiện tượng can nhiễu sóng xảy ra lần này khiến sân bay Tân Sơn Nhất bị gián đoạn điều hành bay 18 phút, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có yếu tố phá hoại từ nội bộ?
Trả lời vấn đề này, ông Dũng khẳng định: “Chắc chắn không có yếu tố phá hoại nội bộ. Theo tôi hãy chờ kết quả xác minh chính thức từ bộ phận kỹ thuật, không nên đưa ra các phán đoán, vì như vậy dễ làm mọi việc méo mó đi và gây khó khăn cho công tác điều tra”.
Video đang HOT
Cũng theo ông Dũng, can nhiễu sóng là hiện tượng ít khi xảy ra, việc xác minh làm rõ nguồn sóng cũng rất phức tạp, có những trường hợp phải mất hàng tháng, hàng năm mới có thể làm rõ được nguồn sóng từ đâu hay đó là loại sóng gì.
Không bình luận về nghi ngờ liệu đó có phải là nguồn sóng từ nước ngoài hay không, ông Dũng một lần nữa nhấn mạnh việc can nhiễu sóng điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất đang được khẩn trương điều tra, đồng thời cho biết khi có kết luận chính thức thì VATM sẽ thông báo cụ thể.
Trước đó, sáng 16/6, hiện tượng can nhiễu sóng trên tần số điều hành bay tại Tân Sơn Nhất kéo dài trong 18 phút khiến đài chỉ huy kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất bị nhiễu sóng điều hành trên tất cả các kênh. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bị một nguồn sóng khác chèn vào.
Ngay khi sóng điều hành bị can nhiễu thì sóng dự bị đã được đưa vào sử dụng thay thế theo phương án ứng phó. Tuy nhiên, năng lực điều hành bay bị giảm nên có 6 chuyến bay đang tiếp cận Tân Sơn Nhất phải thực hiện bay chờ trên trời và 1 chuyến bay khác phải chuyển hướng hạ cánh ở sân bay dự bị Buôn Ma Thuột.
Hiện tượng can nhiễu sóng được cho là đã từng xảy ra ở các khu vực khác tại Việt Nam vào năm 2012 – 2013, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra ở một sân bay. Cơ quan quản lý không lưu khẳng định, trong các trường hợp can nhiễu xảy ra tại sân bay thì lực lượng điều hành không lưu hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình và sẵn sàng các phương án ứng phó nhằm đảm bảo an toàn bay.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí về những trường hợp xảy ra can nhiễu sóng trước đó, có trường hợp sau nhiều tháng xác minh đã phát hiện nguồn sóng chèn vào là nguồn sóng của một đài phát thanh phường ở thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình); một trường hợp khác xảy ra ở khu vực phía Bắc có kết quả điều tra là nguồn sóng từ nước bạn Lào gây can nhiễu…
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Vụ nhiễu sóng ở Tân Sơn Nhất: Do một nguồn sóng khác chèn vào
Liên quan đến vụ can nhiễu sóng điều hành bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM hôm qua 16/6, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh - cho biết, đây là sân bay đầu tiên của Việt Nam xảy ra hiện tượng này.
Sân bay Tân Sơn Nhất bị can nhiễu sóng điều hành bay hôm 16/6
Trao đổi với PV Dân trí, Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định, hiện tượng can nhiễu sóng trên tần số điều hành bay tại Tân Sơn Nhất kéo dài trong 18 phút, nguyên nhân là do bị một nguồn sóng khác chèn vào khiến đài chỉ huy kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất bị nhiễu sóng điều hành trên tất cả các kênh.
"Sự việc bắt đầu xảy ra lúc 7h04. Ngay khi sóng điều hành bị can nhiễu thì sóng dự bị đã được đưa vào sử dụng thay thế theo phương án ứng phó. Tuy nhiên, khi chuyển sang sóng dự bị thì năng lực điều hành bay bị giảm nên có 6 chuyến bay phải thực hiện bay chờ trên trời trong khi xử lý sự cố, 1 chuyến bay khác phải chuyển hướng hạ cánh ở sân bay dự bị Buôn Ma Thuột" - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.
Cũng theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, hiện tượng can nhiễu sóng từng xảy ra ở các khu vực khác tại Việt Nam vào năm 2012 - 2013, nhưng đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra ở một sân bay.
"Tân Sơn Nhất là sân bay chiến lược nên các phương án ứng phó luôn sẵn sàng được đưa vào để xử lý rất nhanh chóng tình huống, vì thế hiện tượng can nhiễu xảy ra nhưng không uy hiếp an toàn hàng không, an toàn bay được bảo đảm trong thời gian bị can nhiễu. Sau 18 phút thì mới trở về sóng điều hành chính thức, đến 8h05 thì mọi hoạt động điều hành bay đã trở lại bình thường trên tần số chính tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất." - Cục trưởng cục Hàng không thông tin.
Được biết, trong thời gian bị can nhiễu, ngoài các chuyến bay đang tiếp cận Tân Sơn Nhất do phi công không thiết lập được liên lạc với đài chỉ huy không lưu nên phải bay chờ hoặc chuyển hướng đi sân bay dự bị, thì các chuyến bay cất cánh từ Tân Sơn Nhất cũng phải điều chỉnh giờ khởi hành lùi lại. Một số chuyến bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường lăn hoặc đã ở vị trí đầu đường băng không nhận được lệnh cất cánh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hy hữu: Mất sóng không lưu ở phi trường Tân Sơn Nhất Một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam xác nhận, trong sáng 16.6, sóng kiểm soát không lưu bị mất đột ngột tại phi trường Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng đến hoạt động bay tại sân bay quốc tế này. Hiện ngành hàng không đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác để tìm hiểu, làm rõ. Sự cố mất sóng...