Vụ “nhân bản” xét nghiệm: Khởi tố 10 bị can
Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 10 bị can trong vụ án “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Nguồn tin tối ngày 19/8 cho biết Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố 10 bị can trong vụ án “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điều 281 Bộ Luật hình sự.
Trước đó, chiều ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cũng đã quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoài Đức.
Qua công tác điều tra, thu thập tài liệu, có các bằng chứng cho thấy một số y bác sỹ khoa xét nghiệm BV Đa khoa huyện Hoài Đức đã cố ý làm trái các quy định của ngành, sử dụng hàng nghìn kết quả xét nghiệm huyết học tại bệnh viện cho hơn 2.000 bệnh nhân có chung các chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm.
Bệnh nhân đến xét nghiệm lại vào sáng 14/8 tại BV Đa khoa Hoài Đức sau khi hàng ngàn kết quả xét nghiệm giả bị phanh phui
Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ do cơ quan điều tra thu thập và lời khai của những người có liên quan, Công an TP Hà Nội bước đầu xác định từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, khoa Xét nghiệm, BV Đa khoa Hoài Đức đã cấp phát 2.237 phiếu xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau.
Liên quan đến việc này, ngày 8/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc BV Đa khoa huyện Hoài Đức.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác cán bộ đối với một phó giám đốc BV này. Phó Giám đốc BV Đa khoa huyện Hoài Đức Đoàn Thịnh Trường cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 5 cán bộ thuộc Bệnh viện và 6 cán bộ có liên quan.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tiến hành mở rộng điều tra vụ án.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, 10 bị can vừa bị khởi tố đều là cán bộ lãnh đạo, nhân viên BV Đa khoa Hoài Đức, trong đó có cả giám đốc, phó giám đốc BV này. Bà Phan Thị Oanh – kỹ thuật viên trưởng Khoa xét nghiệm, 1 trong 5 người đứng tên trên lá đơn đầu tiên tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng nhưng sau đó cùng 1 người nữa rút tên – cũng nằm trong số người bị khởi tố.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
Video đang HOT
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Theo N.Quyết – D.Thu (Người Lao Động)
Thưởng người tố cáo 350.000: Phản cảm?
Khi được hỏi về cảm giác với cách tổ chức lễ tuyên dương của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, chị Nguyệt thừa nhận: "Thú thực cũng hơi buồn!.. Nhưng không có người xây dựng, làm sao mà tốt được?!"
Câu chuyện khen thưởng người tố cáo "nhân bản kết quả xét nghiệm" đang nhận được nhiều ý kiến khen chê không giống nhau. Nhiều người đặt câu hỏi về tấm giấy khen với số tiền mặt dành cho bác sỹ Nguyệt và 2 đồng nghiệp, những người đã tố cáo tiêu cực tại BV Hoài Đức (Hà Nội). Thậm chí buổi trao giấy khen, phần thưởng được cho là quá nhạt nhẽo so với những gì họ đã làm.
Khi tố cáo, đâu nghĩ chuyện thưởng
Hôm nay (19/8), trả lời chúng tôi, bác sỹ Hoàng Thị Nguyệt xác nhận, đây là tấm giấy khen do Sở Y tế Hà Nội trao tặng. Chị Nguyệt và 2 đồng nghiệp, mỗi người cũng được trao kèm phần thưởng bằng tiền mặt là 350.000 đồng, không phải 320.000 đồng như báo chí đưa tin.
"Khi đứng ra tố cáo sai phạm, tôi chẳng nghĩ đến chuyện khen thưởng. Chúng tôi có phải làm vì việc đó đâu. Được trao thì chúng tôi nhận. Chúng tôi không đòi hỏi vật chất." - Bác sỹ Nguyệt khẳng định.
Chúng tôi hỏi, chị cảm thấy thế nào với cách tổ chức lễ tuyên dương, trao thưởng của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội. Chị nguyệt thừa nhận: "Thú thực cũng hơi buồn!"
"Tôi hiểu điều đó. Nhưng không có người xây dựng, làm sao mà tốt được. Tôi cũng được nhiều người nhắn tin, gọi điện thoại chia sẻ, động viên." - Người tố cáo tiêu cực nói.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, người tố vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hồng Phú
Ông Phùng Minh Sơn (Phó Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP. Hà Nội) cho biết, thành tích của bác sỹ Nguyệt đã được Thành phố chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội khen thưởng. Theo ông Sơn, việc khen thưởng phải theo từng bước và từng mức độ.
Phóng viên nêu câu hỏi, Thành phố có dự định trao bằng khen, vinh danh cho bác sỹ Nguyệt không, theo ông Sơn, điều đó còn chờ đề xuất của Sở Y tế Hà Nội.
Ông Sơn cũng cho biết, Sở chưa có đề xuất vì còn chờ kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan công an. Khi đó, Thành phố sẽ xem xét.
Phóng viên nêu câu hỏi, mức tiền thưởng 350.000 đồng và cách trao thưởng của Lãnh đạo Sở Y tế liệu đã thể hiện xứng đáng với thành tích của bác sĩ Nguyệt và 2 đồng nghiệp hay chưa? Ông Sơn cho rằng, tiền thưởng bao nhiêu không phải là điều thể hiện công lao lớn hay nhỏ. Cách thức, trình tự khen thưởng đều đã được luật pháp quy định.
Chống tiêu cực, chưa hẳn ai cũng thích
Ông Vương Văn Đỉnh (Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) cho rằng, mỗi cơ quan đều có cách thức tổ chức khen thưởng, kỷ luật không giống nhau. Việc tổ chức tặng thưởng giấy khen cho bác sỹ Nguyệt là thẩm quyền riêng của Sở Y tế Hà Nội.
Phóng viên nêu vấn đề, nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình về cách trao thưởng của Sở Y tế Hà Nội. Cuộc trao thưởng nhạt nhẽo, phải chăng không thể hiện thiện chí với người đấu tranh tiêu cực.
Ông Đỉnh cho rằng, không nắm sự việc cụ thể nên khó đánh giá việc khen thưởng bác sỹ Nguyệt có xứng đáng hay không. Tuy nhiên, ông Đỉnh cũng thừa nhận: "Những người đấu tranh tiêu cực chưa hẳn đã được tất cả mọi người đều thích".
Ông Trần Đức Long (Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng, Bộ Y tế) cho biết, trường hợp của bác sỹ Nguyệt là đấu tranh chống tiêu cực. Bác sỹ Nguyệt do Sở Y tế Hà Nội và cao hơn nữa là UBND TP. Hà Nội quản lý. Việc khen thưởng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực..., trước hết thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội.
Ông Trần Đức Long (Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng, Bộ Y tế) - Nguồn ảnh: Cổng thông tin Bộ Y tế
Theo ông Long, Bộ Y tế cũng có thể ra quyết định khen thưởng cho bác sỹ Nguyệt, nhưng như vậy là khen thưởng chồng chéo. Mà nguyên tắc là không "khen chồng khen" và khen thưởng theo đúng tuyến.
Ông Long cho hay, nếu bác sỹ Nguyệt lập thành tích về chuyên môn ngành y, ví dụ như sáng tạo, đổi mới kỹ thuật cứu sống bệnh nhân, Bộ Y phải là cơ quan đều tiên khen thưởng. Bộ Y tế vẫn sẽ xem xét bác sỹ Nguyệt có cống hiến gì về chuyên môn hay không. Nếu có, Bộ sẽ khen thưởng.
Khi được hỏi, thành tích của bác sỹ Nguyệt và các đồng nghiệp có thể được vinh danh đến cấp nào, ông Long cho rằng, chưa thể đánh giá. Vì việc khen thưởng đó thuộc thẩm quyền của TP. Hà Nội.
Theo ông Trần Đức Long, muốn đưa ra quyết định khen thưởng với cá nhân nào đều phải xem xét kỹ hồ sơ. Nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được khen thưởng. Vả lại, vụ việc tố cáo của bác sỹ Nguyệt hiện chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. Chưa thể đánh giá đầy đủ công lao của bác sỹ Nguyệt đến đâu.
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt và hai đồng nghiệp đã gửi đơn đến nhiều cơ quan tố cáo việc BV Hoài Đức, Hà Nội đã bố trí người không đủ chuyên môn, kinh nghiệm làm xét nghiệm huyết học cho bệnh nhân.
Những người này đã lấy máu của bệnh nhân nhưng không xét nghiệm mà vứt bỏ rồi lấy mẫu xét nghiệm trước đó và in kết quả, trả cho bệnh nhân. Theo phản ánh trong đơn, số bệnh nhân bị bệnh viện "lừa" lên đến hàng nghìn người. Hậu quả, nhiều cặp bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm máu giống nhau. Có em bé hơn 20 tháng tuổi trùng kết quả xét nghiệm máu với bệnh nhân khoảng 80 tuổi. Cũng theo đơn tố cáo, đa số phiếu ghi kết quả xét nghiệm trả cho bệnh nhân lại do hai điều dưỡng (nhân viên hợp đồng) ký. Đây là việc làm không đúng với quy định. Sau đó, sáng 16/8, tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoài Đức, đại diện Sở Y tế TP Hà Nội đã trao bằng khen trao kèm phần thưởng bằng tiền mặt là 350.000 đồng cho bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt và những người đứng ra tố cáo việc "nhân bản" xét nghiệm tại bệnh viện này.
Theo Cảnh Kiên (Khampha.vn)
Nhân bản XN: Không trù dập người tố cáo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định sẽ tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho các chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định và Phan Thị Nam Đông - những người dũng cảm tố cáo gian lận "nhân bản" xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức. Ngày 18/8, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội,...