‘Vụ nhân bản kết quả xét nghiệm nếu đúng là phải xử bắn’
Bức xúc trước vụ việc nhân bản hàng nghìn kết quả xét nghiệm máu ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng tội này là phải xử bắn.
Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Qua thực tế tiếp xúc cử tri, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, người dân phản ánh đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền thì bị y tá “chích đau hơn”.
Dẫn trường hợp liên quan tới việc trục lợi từ bảo hiểm y tế, coi thường y đức trong vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức và làm con dấu giả để báo cáo khống ở Thăng Bình (Quảng Nam), Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, ông rất bức xúc. “Bệnh viện tuyến huyện của thủ đô mà nhân bản hàng loạt kết quả, làm như thế nếu đúng là người ta đem ra bắn”, Phó chủ tịch Sơn nói.
Ông cho rằng, nhiều vấn đề liên quan tới khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn nhiều bất ổn, báo cáo giám sát vì thế phải chỉ rõ hơn các bất cập chứ không phải “để lấy lòng nhau”.
Bệnh viện Hoài Đức, nơi xảy ra vụ nhân bản kết quả xét nghiệm gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Chia sẻ với Phó chủ tịch Quốc hội về tình trạng phân biệt đối xử, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay, đa phần người có thẻ bảo hiểm y tế đến bệnh viện là than vãn. Số kết dư quỹ bảo hiểm y tế được báo cáo giám sát chỉ ra lên tới 13.000 tỷ đồng chưa chắc đã tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. “Người có thẻ được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực, không được đối xử công bằng như người có tiền”, Phó chủ tịch nước nói.
Ngoài ra, trong việc khám chữa bệnh, ở bệnh viện tuyến dưới xảy ra tình trạng giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng…Tuy nhiên, Phó chủ tịch nước cũng nhìn nhận, bức xúc của ngành y là một quá trình tích tụ từ trước đến nay. “Nhiều khi đồng chí bộ trưởng (bà Nguyễn Thị Kim Tiến) cũng bị oan ức. Nhưng tại sao tình trạng này để lâu thế, trong khi bộ máy thanh tra, kiểm tra của chúng ta rất lớn?”, bà Doan đặt vấn đề.
Video đang HOT
Ở một khía cạnh khác, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu thực trạng có huyện “số thẻ bảo hiểm y tế được phát còn cao hơn dân số huyện đó, có cán bộ khoe có 3 cái thẻ, có người 4 thẻ”. “Vậy quản lý của ta như thế nào? Báo cáo giám sát phải làm rõ hơn ở phần chi trả, trùng tên”, ông đề nghị.
Ông cũng đặt vấn đề về tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến, tình trạng quá tải ở những bệnh viện chuyên khoa, phải xử lý kỹ thuật cao. Điều này liên quan đến quy hoạch bệnh viện, ví dụ như khu vực miền Trung, Tây Nguyên mới chỉ có bệnh viện ung bướu ở Đà Nẵng…
Nhìn nhận những bất cập của lĩnh vực này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn cho rằng: “Hạn chế thì chắc có rất nhiều. Vài thập kỷ sau vẫn còn nhiều hạn chế”. Theo bà, ở các nước, Bộ Y tế và An sinh xã hội là một, tức là phải hai bộ (Y tế và Lao động) ghép vào nhau. Bảo hiểm y tế cần quản lý đặc thù nhưng ở Việt Nam lại quản lý chồng chéo. Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền, chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội quản.
“Chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền cũng không đủ”, bà Tiến nêu thực tế.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng, vấn đề an sinh của Việt Nam đã tốt hơn trước cũng như đang tốt hơn nhiều nước. Lộ trình của bảo hiểm y tế cũng chỉ mới được 20 năm trong khi các nước tiên tiến đi trước cả trăm năm nhưng hiện vẫn còn nhiều bất cập, biến động.
Theo báo cáo giám sát, số tiền thu từ bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm, từ trên 13.000 tỷ đồng (2009) lên trên 40.000 tỷ đồng, tương ứng với số chi cũng tăng mạnh, từ gần 15.500 tỷ lên gần 35.500 tỷ đồng. Việc quản lý quỹ ngày càng hiệu quả, từ chỗ lũy kế bội chi 2009 là 3.083 tỷ đến 2012 kết dư 12.892 tỷ đồng. Tình trạng trùng thẻ bảo hiểm y tế xảy ra khá phổ biến tại nhiều tỉnh (cá biệt có người nhận được 4-5 thẻ. Giai đoạn 2009-2012 có trên 700.000 thẻ cấp trùng, trong đó Nam Định trùng khoảng 100.000 thẻ, Vĩnh Phúc trên 70.000 thẻ, Hà Nội gần 53.000 thẻ, TP HCM trên 42.000 thẻ… Theo đoàn giám sát, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định việc lập danh sách các nhóm đối tượng được giao cho nhiều ngành khác nhau, trong khi một người có thể thuộc nhiều nhóm đối tượng, trong khi chưa có cơ chế phối hợp để rà soát danh sách nên khó kiểm soát trùng thẻ.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Người góp sức tố cáo vụ nhân bản xét nghiệm cầu cứu Bí thư Hà Nội
Ngày 20/8, khi biết là một trong 10 người bị khởi tố trong vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức, kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh đã gửi đơn kêu cứu lên Bí thư Phạm Quang Nghị.
Sáng 21/8, chị Oanh vẫn đến bệnh viện làm việc như bình thường. Không muốn nói gì nhiều về bản thân khi sự việc đang được công an điều tra nhưng chị vẫn không giấu nổi sự lo lắng.
"Hôm qua, từ lúc biết bị khởi tố, tôi như rụng rời chân tay. Hôm nay định xin nghỉ vì thấy mệt quá, nhưng có lịch trực nên vẫn phải cố", chị Oanh chia sẻ.Chị kể thời gian qua sau mỗi lần làm việc với cơ quan công an, chị đứng ngồi không yên, chân tay run, không làm được việc gì. Tâm trạng của chị giờ căng thẳng, như "người trên mây".
Cũng trong ngày hôm qua, chị Oanh đã viết đơn kêu cứu gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Trong đơn chị cho biết được phân công làm kỹ thuật viên trưởng phụ trách bán chuyên môn và chưa bao giờ được phân công làm công tác chuyên môn tại bộ phận ngoại trú (nơi nhân bản kết quả xét nghiệm). Nhận thấy tại khoa có nhiều việc bất hợp lý và có dấu hiệu sai phạm chuyên môn, chị cùng một số đồng nghiệp nhiều lần góp ý song không được lãnh đạo lắng nghe.
Chị Phan Thị Oanh. Ảnh: T.H.
"Chúng tôi bị cho rằng có tư tưởng chống đối", chị Oanh trình bày và cho biết việc đóng góp ý kiến trực tiếp không có hiệu quả nên cả nhóm đã thu thập bằng chứng để báo cáo cấp trên về những việc làm sai trái của lãnh đạo bệnh viện
Theo trình bày của chị Oanh, ngày 17/5, chị là người đầu tiên ký vào đơn tố cáo Giám đốc Nguyễn Trí Liêm. Cùng đứng đơn hôm đó có chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định, Phan Thị Nam Đông, Nguyễn Thị Cường. Sáng hôm sau, các chị đã bị lộ danh tính.
Gia đình chị bị bắn tin "nếu chị tham gia ký đơn tố cáo thì sẽ bị đuổi việc", yêu cầu xin rút chữ ký khỏi đơn tố cáo. Trước áp lực trên, để gia đình được thỏa nguyện, chị đã miễn cưỡng làm theo nhưng về tư tưởng vẫn luôn bảo lưu ý kiến của mình.
Trong 10 người bị khởi tố, chị bị nghi ngờ có chữ ký trong 18 phiếu xét nghiệm bị trùng kết quả. Theo chị Oanh, các trường hợp này là do lãnh đạo yêu cầu để bổ sung vào bệnh án nên chị phải làm theo. Sau đó, thấy việc làm trên không phù hợp với đạo đức nghề nghiệp, chị không làm nữa. Chị cũng thu thập chứng cứ để làm đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng.
Đơn kêu cứu chị Oanh gửi tới Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Nam Phương.
Cùng ngày 20/8, chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị Nam Đông, Khuất Thị Định - 3 người tố cáo vụ "nhân bản" xét nghiệm - đồng gửi đơn kêu cứu lên Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị xem xét trường hợp chị Oanh. Họ cho biết nếu không có chị Oanh dũng cảm nói lên sự thật, giúp thu thập chứng cứ tài liệu thì 3 chị không thể có đầy đủ bằng chứng thuyết phục về việc vụ tiêu cực "nhân bản" kết quả xét nghiệm. Việc chị Oanh cũng nằm trong danh sách bị khởi tố khiến các chị đau xót. "Từ hôm bị công an mời làm việc, Oanh buồn, khóc suốt. Tôi lo lắm", chị Nguyệt chia sẻ.
Về trường hợp chị Oanh, một lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, vụ án được điều tra theo tố cáo của chị Nguyệt, Đông, Định, không phải theo đơn của chị Oanh. Việc chị Nguyệt cho rằng được chị Oanh giúp sức trong quá trình thu thập chứng cứ và đề nghị "giảm tội" cho chị này, nhà chức trách khẳng định để làm ra sự thật vụ án là cả quy trình rất chặt chẽ, thu thập nhiều chứng cứ, vì vậy ai có sai phạm đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Vũ Tiến Vinh cho hay cơ quan điều tra phải có những bằng chứng nhất định thì mới khởi tố chị Oanh. Việc chị Oanh tích cực cung cấp tài liệu, chứng cứ cho chị Nguyệt tố cáo chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải tình tiết miễn trách nhiệm hình sự.
Để được cơ quan điều tra xem xét tình tiết này, chị Nguyệt cần làm đơn đề nghị trong đó tường trình đầy đủ, chi tiết quá trình giúp đỡ của chị Oanh. Ngược lại, chị Oanh cũng cần chủ động cho cơ quan điều tra biết đã cung cấp những gì cho chị Nguyệt.
Sáng 20/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố ông Nguyễn Trí Liêm (Giám đốc Bệnh viện), bà Nguyễn Thị Nhiên (phó giám đốc) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 Bộ luật Hình sự. Bà Vương Kim Thành (Trưởng Khoa Xét nghiệm), Phan Thị Oanh (Kỹ thuật viên trưởng), Nguyễn Thị Xuyên (Kỹ thuật viên), Nguyễn Thị Nga (Kỹ thuật viên), Vương Thị Lan (Kỹ thuật viên), Nguyễn Thị Thu Trang (Kỹ thuật viên, hợp đồng), Nguyễn Thị Hồng Nhung (Kỹ thuật viên, hợp đồng), Nguyễn Đồng Sơn (Kỹ thuật viên, hợp đồng) bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo Nam Phương
10 người trong vụ 'nhân bản' xét nghiệm bị khởi tố Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa khởi tố 10 người nghi có hành vi trục lợi bảo hiểm sau khi vụ trả khống cả nghìn kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị đưa ra ánh sáng. Trao đổi với VnExpress.net, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết...