Vụ Nguyễn Thanh Chấn: Người bình thường cũng biết là ép cung…
Người bình thường cũng có thể biết là ép cung, tuy nhiên việc đưa ra được bằng chứng chứng minh việc ép cung là rất khó.” – luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Bỏ qua bằng chứng
Tại phiên họp Quốc hội sáng 21/11, Chánh án TAND Tối cao – Trương Hòa Bình trả lời chất vấn của Đại biểu về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: “Vụ án có oan hay không phải được xem xét kịp thời thấu đáo nhưng phải theo quy định pháp luật. Nếu đúng là để xảy ra oan sai, người liên quan trực tiếp, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm. Việc ép cung, dùng nhục hình nếu có là điều không chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm. Nhưng cần phải chứng minh được việc đó.”
Về trách nhiệm của tòa án nhân dân tối cao trong các án oan nói chung và vụ Nguyễn Thanh Chấn nói riêng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Đối với tòa án, các hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ, tòa án thụ lý theo đúng quy định pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án khép kín, tòa án giải quyết theo hồ sơ. Việc hội đồng xét xử phát hiện ra ép cung hay không là rất khó. Nếu bị can có yêu cầu thì mới phát hiện được.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do để điều tra lại vụ án sau 10 năm thụ án tù chung thân.
Phần trả lời chất vấn của Chánh án TAND Tối cao – Trương Hòa Bình đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Bởi, trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn đều không nhận tội, đồng thời ông cũng tố cáo việc Điều tra viên ép cung mình. Tuy nhiên, HĐXX đã bỏ qua, không xem xét thấu đáo yêu cầu của ông Chấn. Như vậy, phần trả lời của Chánh án Trương Hòa Bình đã mâu thuẫn trong vụ việc của ông Chấn.
Từ đây, dư luận đặt ra câu hỏi: Vậy việc phát hiện ép cung là khó hay dễ?
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Cty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: Việc ép cung, dùng nhục hình là vi phạm pháp luật, Hành vi ép cung là phạm tôị. Cụ thể, hành vi đó phạm vào điều 299 Bộ luật Hình sự, nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng phải xử lý hình sự.
Việc cảm nhận có ép cung hay không, không đòi hỏi người cảm nhận được phải có khả năng khác thường. Tuy nhiên, việc chứng minh ép cung là rất khó vì các quy định về lấy cung trong quá trình điều tra còn rất hạn chế. Rất khó để có nhân chứng hoặc bằng chứng chứng minh cho việc có ép cung.
Để hạn chế vấn đề này, cần phải xây dựng các quy định cụ thể về thủ tục và điều kiện lấy cung. Ví dụ như về điều kiện và thủ tục phải có luật sư, kiểm sát viên hoặc người làm chứng; hay quá trình lấy cung phải ghi hình, việc này vẫn bảo đảm bí mật điều tra và cung cấp được bằng chứng khi cần thiết.
Video đang HOT
Trong vụ Nguyễn Thanh Chấn, bị cáo đã 2 lần kêu oan và tố điều tra viên ép cung trước tòa, tuy nhiên bị cáo không có bằng chứng để chứng minh điều đó ( vì rất khó với cách lấy cung hiện tại của các điều tra viên) nên hội đồng xét xử đã bỏ qua.
Việc ép cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra tại nước ta không phải mới xảy ra mà trước đó đã có tiền lệ. Đơn cử như vụ việc: Hai cảnh sát dùng nhục hình ép cung Osin tại Nha Trang, Cảnh sát ép cung xe ôm… đều xảy ra năm 2012 và còn rất nhiều vụ việc khác.
HĐXX suy diễn một cách chủ quan
Trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra nhiều điểm bất cập như việc 3 Cơ quan; CSĐT, Tòa án, Viện kiểm sát đáng nhẽ phải độc lập với nhau, nhưng trước khi xét xử người ta đều tổ chức cuộc họp của 3 nghành với nhau để thống nhất quan điểm về vụ án. Điều này làm hạn chế rất lớn tính độc lập của các thẩm phán trong phiên tòa, cũng như làm vô hiệu các tình tiết mới không có trong hồ sơ vụ án tại tòa.
Nên dễ hiểu, việc Ông Chấn kêu oan và tố điều tra viên ép cung trước tòa nhưng đã không được Hội đồng xét xử xem xét một cách có trách nhiệm mà đã suy diễn một cách chủ quan.
Cùng quan điểm với luật sư đồng nghiệp, Luật sư Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích: Việc các điều tra viên lấy lời khai cũng chỉ diễn ra giữa họ và bị cáo chứ không có người khác chứng kiến. Vả lại có những vụ án thời gian điều tra là mấy tháng, thậm chí là cả năm trời, đến khi ra tòa để tố cáo được hành vi của điều tra viên thì các dấu vết của việc dùng nhục hình bức cung, ép cung cũng ko còn.
Rất khó có thể tin được nếu một người hoàn toàn bình thường về mặt tâm thần lại tự dưng đi nhận một tội ác “tày đình” không do mình gây ra. Kể cả trong trường trường hợp thiếu hiểu biết nhất, khi đã trưởng thành thì ai cũng hiểu được rằng hành vi “giết người” là đặc biệt nghiêm trọng, có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
Trách nhiệm, để oan sai trong vụ ông Chấn trước hết thuộc về Cơ quan điều tra đã làm sai lệch hồ sơ vụ án; tiếp đó là Viện kiểm sát vì với chức năng giám sát quá trình điều tra đã không phát hiện ra các sai phạm của Cơ quan điều tra cũng như các điều tra viên. Cuối cùng thuộc về Hội đồng xét xử vì quá trình xét xử có bước thẩm vấn tại tòa, hơn nữa ông Chấn đã kêu oan và và tố mình bị ép cung tại ngay phiên tòa với Hội đồng xét xử. – luật sư Tuấn cho biết thêm.
Điều tra viên phủ nhận ép cung
Đại tá Phạm Văn Minh – Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang sau đó cho biết các điều tra viên trực tiếp điều tra, xét hỏi ông Chấn hơn 10 năm trước đã hoàn tất việc giải trình mà theo đó “không thấy có vấn đề gì”.
Tất cả các điều tra viên trong vụ án của ông Chấn trước đây (hiện nay đều đang giữ chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị – PV) đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập và hướng dẫn ông Chấn khai vào bản cung.
Theo Ngươi đưa tin
Người tù oan lóng ngóng làm người... bình thường
Cho đến nay, ông Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được minh oan sau 10 năm trong tù ở Bắc Giang đã về nhà được gần 2 tuần. Tuy nhiên, khi ngồi trao đổi với chúng tôi, ông Chấn cho biết vẫn chưa quen... làm người bình thường.
Sức khỏe bị giảm sút nghiêm trọng, ngoài chứng đau đầu kinh niên, ông cũng không nói được nhiều, toàn thân ê ẩm nhói buốt mỗi khi trái gió trở trời. Một câu hỏi dài, nhiều nội dung cũng có thể làm ông bị bối rối, nên khi trao đổi với chúng tôi ông Chấn phải nhờ cả vợ và con gái "hỗ trợ".
"Cái gì bố tôi cũng hỏi"
Bà Chiến (vợ ông Chấn) nghẹn ngào cho biết: "Từ ngày được trở về nhà, ông Chấn dễ khóc lắm. Khi không khóc, mặt ông ấy thẫn thờ, trông rất buồn thảm, nhiều lúc nhìn cứ như người trên rừng trở về vậy. Có lẽ sau 10 năm ngồi tù oan, ông ấy vẫn chưa kịp lấy lại tinh thần". Với giọng nói chầm chậm, ông Chấn tiếp lời vợ: "Cái gì cũng xa lạ với tôi hết. Ngay cả chiếc điện thoại di động lúc mới về tôi cũng không biết nó là cái gì. Từ ngày về đến giờ bà Chiến cùng mấy đứa con dạy cho tôi suốt, nhưng đến bây giờ vẫn chưa quen dùng. Có ai gọi đến thì cũng chỉ biết bấm nghe, còn mỗi lần muốn gọi đi đâu là phải nhờ bà Chiến, hoặc thằng Quyết (con trai ông Chấn - PV) làm hộ. Ngày tôi còn ở nhà làm gì có điện thoại di động, mọi người toàn dùng điện thoại bàn thôi. Mà cũng lạ thật, từ hôm tôi về qua nhà hàng xóm chơi, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn thấy nhà nào có điện thoại bàn cả", ông Chấn ngơ ngác nói.
Ngày trở về, ông Chấn ngơ ngác khi ở ngay chính ngôi nhà của mình. Ảnh: TG
Sau 10 năm ở trong tù trở về, ông Chấn cảm thấy xa lạ ngay với chính con đường dẫn vào nhà mình, rồi đến từng đồ vật trong ngôi nhà thân thuộc xưa cũ. Chị Nguyễn Thị Thu, con gái ông Chấn kể: "Sau 10 năm trở về, cái gì bố cũng hỏi. Thấy cái gì lạ lạ là nhìn chằm chằm. Hôm trước có đứa bạn tôi ở công ty may về nhà chơi, khi thấy nó đi chiếc xe đạp điện đến, vừa dựng xe ở trước sân còn chưa kịp vào nhà thì bố tôi đã lên tiếng: Cái xe ba-bét-ta của cháu đẹp thế, có đắt tiền không? Nghe bố hỏi vậy, cả nhà vừa buồn cười lại vừa thấy thương hơn. Bố đi 10 năm mà, nhiều sự việc thay đổi quá, làm sao thích nghi một lúc được. Bố tôi bảo trong tù cũng được học luật giao thông nhưng 10 năm không động đến xe máy, giờ bố run lắm không dám đi, lỡ đâm vào người khác thì tội".
Sau bao nhiêu chúc tụng, sau những cuộc phỏng vấn báo chí, sau khi những đoàn đến hỏi thăm... đều đã về hết, chỉ còn lại gia đình trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ cùng mảnh vườn tan hoang, ông Chấn mới có thời gian để suy nghĩ về quãng đời sắp tới. Ông Chấn buồn buồn nói: "Mấy hôm trước nhà tôi lúc nào cũng đông vui, toàn hỏi thăm chuyện được minh oan như thế nào nên tôi thấy mình sống trong thực tại. Khi mọi người ra về, tôi cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Mặc dù bên trong nhà vẫn còn đó những đồ vật, những dụng cụ tự chế có từ thời tôi chưa phải đi tù. Nay trở về, dù nó vẫn còn nguyên vẹn nhưng có cảm giác xa lạ lắm".
Nén không để tiếng khóc bật thành tiếng, ông Chấn nói tiếp: "Tôi bị án oan đi tù khi các con còn bé nheo nhóc. Giờ đây chúng đều đã khôn lớn hết rồi. Đứa lớn đã có gia đình, đứa nhỏ công việc cũng ổn định hết cả. Ông bà ngoại (bố mẹ vợ của ông Chấn) thì mất, lúc tôi đi hai cụ còn khỏe mạnh lắm. Nhưng buồn nhất là ngày tôi mới về nhà, mấy đứa cháu không có đứa nào dám lại gần. Đặc biệt là cháu Trang, con cái Thu, mỗi lần tôi muốn bế là nó lại khóc thét lên". Bà Chiến tiếp lời chồng: "Cứ 5h sáng là ông ấy tỉnh giấc, mặc dù tôi nói ông ấy ngủ thêm đi, nhưng ông ấy bảo đã quen dậy giờ đó rồi, nằm nhiều đau người lắm. Mà ông ấy vẫn còn giữ nhiều thói quen sinh hoạt như ngày trong tù lắm. Nhiều hôm hàng xóm đến chơi, ông ấy còn gọi mọi người là "cán bộ" và xưng là "con". Cứ mỗi lần nghe ông ấy nói vậy, nghĩ đến cảnh chồng mình phải chịu khổ cực suốt 10 năm qua mà tôi không kìm được nước mắt".
Căn nhà cấp bốn cũ kỹ của gia đình ông Chấn
Đêm nằm cạnh vợ mà ngỡ đang ngủ mơ
Được biết, thời điểm ông Chấn bị bắt, rồi bị kết án tù chung thân thì ngôi nhà của vợ chồng ông chỉ được xếp tạm bợ bằng gạch, lợp ngói prô-xi-măng. Lúc ấy, bà Chiến vừa lo lắng chạy vạy kêu oan cho chồng vừa phải làm việc bằng năm, mười người khác để lo cho các con. Việc đầu tiên mà bà Chiến làm là lo sửa sang ngôi nhà, sao cho 4 đứa con có chỗ ở gọi là "tạm" tử tế, để những ngày vác đơn đi kêu oan bà không phải thấp thỏm âu lo. "Khi đó tôi chỉ suy nghĩ duy nhất là làm và làm, phần vì cố gắng lo cho chồng, mặt khác phải chu toàn cuộc sống gia đình cho các con, để chúng nó có thêm động lực mà sống, mà vươn lên nữa. Giờ đây, ông Chấn được trở về, tôi mừng lắm", bà Chiến tâm sự.
Vụ án oan sai rồi cũng đi đến hồi kết nhưng khi nói về tương lai của mình, ông Chấn cho biết: "Tôi bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh nên cho đến giờ này vẫn còn chưa xác định được tương lai mình sẽ làm gì. Nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng có lẽ sẽ không lo nổi cuộc sống cho gia đình, chứ đừng nói đến việc trả nợ. Còn nếu tìm một công việc để làm thì cũng rất khó. Với sức khỏe và tuổi của tôi bây giờ, làm công việc nặng thì không thể, những việc nhẹ nhàng hơn lại đòi hỏi phải có tay nghề cao mà suốt 10 năm ở tù tôi không được học nghề gì cho nên hồn".
Ngày được minh oan, vợ chồng ông Chấn mua bộ quần áo mới mặc để chụp ảnh cho tươm tất. Ảnh: TG
Gần như trong suốt câu chuyện kể về chuyện hòa nhập lại với cuộc sống, chỉ có khi được hỏi về chuyện vợ chồng "sau 10 năm không gặp" thì ông Chấn mới nở nụ cười nhẹ. Ông trải lòng: "Tình cảm của tôi từ trước dành cho bà ấy thế nào, giờ vẫn nguyên như vậy. Mà có lẽ tôi còn yêu thương bà ấy nhiều hơn trước nữa. Nếu không có bà Chiến có lẽ tôi sẽ không được hồi sinh như ngày hôm nay. Còn chuyện sinh hoạt vợ chồng, nói các anh đừng cười, nó... lóng ngóng cứ y như hồi hai vợ chồng mới cưới ấy. Mà lạ lắm, nhiều đêm nằm cạnh vợ mà tôi cứ ngỡ như nằm mơ, chẳng dám động vào vợ vì sợ tỉnh dậy bà ấy sẽ tan biến mất. Rồi đôi lúc nằm gần vợ mình mà tôi cứ ngỡ như nằm gần những người bạn trong tù trước đây. Có lẽ những ký ức đau buồn về quãng thời gian 10 năm qua, nó sẽ còn theo tôi đến suốt cuộc đời này".
Vừa kể chuyện với chúng tôi, ông Chấn vừa quay qua nhìn bà Chiến nở nụ cười đầy hạnh phúc. Thấy chúng tôi nhìn chăm chú, bà Chiến có đôi chút ngượng ngùng nhưng nói với chúng tôi với giọng đầy hạnh phúc: "10 năm xa cách lúc nào tôi cũng nhớ đến ông ấy, kể cả trong mơ. Vì thế, bây giờ được ở bên ông ấy tôi cảm nhận được tình yêu, hơi ấm mà ông ấy truyền qua. Giờ đây cũng không mong muốn gì hơn, chỉ mong sự việc sớm kết thúc để ông Chấn được thực sự trở về đúng nghĩa là một người dân bình thường. Ông ấy còn phải đi làm giấy chứng minh thư nhân dân nữa, có vậy ông ấy mới có thể đi làm, hoặc tìm cho mình một công việc để trang trải cho cuộc sống gia đình".
Cơn ác mộng rồi cũng kết thúc với ông Chấn và người thân. Người đàn ông cùng tổ ấm nhỏ bé giờ đây đã được đoàn tụ. Con lại có vòng tay cha mẹ che chở, vợ có lại chồng, mẹ có lại con. Hơi ấm lại trở về trong ngôi nhà nhỏ, tuy ọp ẹp, cũ kỹ, song đầy ắp tình yêu thương. Chúng tôi hy vọng rằng, từ đây, với sự quan tâm và giúp đỡ của tất cả mọi người, ông Chấn sẽ sớm vượt qua được khó khăn hiện tại, tiếp tục chèo lái con thuyền gia đình xuôi theo dòng chảy êm ả và nhiều thuận lợi, hòa nhập với xã hội. Đồng thời bù đắp lại những mất mát, thiệt thòi mà gia đình ông đã phải gánh chịu bao nhiêu năm qua. Theo tâm sự của bà Chiến, có lần ông Chấn đã nói với vợ rằng: "Nếu sau này có đi làm lại giấy chứng minh nhân dân, tôi sẽ xin thay đổi tên họ của mình từ Nguyễn Thanh Chấn thành Nguyến Chiến Chấn, vì bà đã khai sinh ra tôi lần nữa".
Theo Nguyễn Đỗ
Án oan 10 năm: Lá thư đẫm tình người của bạn tù ông Chấn "Đất nước có chiến chinh, mẹ đã hiến chồng cho Tổ quốc, nay hoà bình rồi thì mẹ lại mất con. Nhưng hai sự việc ấy lại hoàn toàn trái ngược nhau, nó đối lập nhau đến tàn khốc" Cách đây hơn 7 năm, bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Nguyễn Thanh Chấn nhận được một lá thư từ trại giam Vĩnh Quang,...