Vụ nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An bị khởi tố: Dự án đơn giản thành vụ án ly kỳ
Từ một dự án lắp đặt camera để giám sát an ninh 4 tòa nhà ở Sở Y tế tỉnh Long An, nguyên giám đốc Sở Y tế Lê Thanh Liêm bị khởi tố với hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, dù chưa xảy ra hậu quả gì.
Tòa nhà 4 căn của Sở Y tế Long An Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Số tiền chênh lệch chưa thất thoát
Năm 2014, từ nhu cầu đảm bảo an ninh trật tự và quản lý tòa nhà 4 cơ quan thuộc Sở Y tế (Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm – mỹ phẩm, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp y và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm) nên Sở Y tế tỉnh Long An xin chủ trương UBND tỉnh cho thi công gói thầu “Cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh” với hình thức chỉ định thầu. Hợp đồng trọn gói 1,92 tỷ đổng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Sau khi được UBND tỉnh cho phép, Sở Y tế thuê Công ty cổ phần Thông tin và thẩm định giá miền Nam thực hiện chứng thư thẩm định giá để làm cơ sở chỉ định thầu. Và kết quả thẩm định giá hệ thống thiết bị camera là 1.920.492.000 đồng, với tiêu chuẩn nhãn hiệu, model, xuất xứ hàng hóa đúng theo yêu cầu của Sở Y tế, như: camera, đầu ghi kỹ thuật số xuất xứ Nhật Bản, ổ cứng lưu trữ xuất xứ Mỹ, dây cáp mạng xuất xứ Đài Loan. Căn cứ kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định kết quả đấu thầu, Sở Y tế quyết định chỉ định thầu cho Công ty TNHH TM DV Đông Nam Á thực hiện gói thầu này.
Tuy nhiên, khi Công ty TNHH TM DV Đông Nam Á đưa thiết bị về lắp đặt thì bị nhân viên giám sát công trình phát hiện không đúng nhãn mác xuất xứ nên cho dừng thi công và báo về cho Sở Y tế biết. Sau khi kiểm tra, đối chiếu thực tế thấy các chủng loại thiết bị này không có trên thị trường với xuất xứ từ Nhật Bản, Mỹ… mà chỉ có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia (do các hãng của Nhật Bản, Mỹ sản xuất tại đây) nên Sở Y tế đồng ý cho tiếp tục lắp đặt các thiết bị này.
Ngày 12-11-2015, ông Đỗ Hữu Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, bất ngờ cho thanh tra đột xuất gói thầu này. Nhưng mãi đến ngày 22-8-2016, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An (thay ông Lâm) mới ký Bản kết luận thanh tra cho rằng, Sở Y tế Long An đồng ý cho thay đổi thiết bị có nhãn mác không đúng xuất xứ như hợp đồng với Công ty TNHH TM DV Đông Nam Á, mà không thực hiện tham khảo lại giá, không thực hiện phê duyệt điều chỉnh lại dự toán để làm cơ sở điều chỉnh lại giá hợp đồng với nhà thầu, nên dẫn đến thanh toán cho nhà thầu cao hơn thực tế thi công… với số tiền trên 735 triệu đồng.
Tuy nhiên, số tiền chênh lệch này chưa bị thất thoát vì chưa quyết toán, nên không chuyển kết luận thanh tra sang Cơ quan CSĐT để tiếp tục xác minh, làm rõ. Ông Trần Văn Cần cũng không ra quyết định thu hồi số tiền này, mà chỉ yêu cầu Sở Y tế lập hồ sơ gửi Sở Tài chính thẩm tra quyết toán và trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán, trên cơ sở đó giảm trừ số tiền chênh lệch cho Công ty TNHH TM DV Đông Nam Á.
Video đang HOT
Chưa quyết toán hay đã quyết toán?
Không đồng ý với kết luận thanh tra, ngày 13-9-2016, nguyên Giám đốc Sở Y tế Lê Thanh Liêm đã làm đơn khiếu nại kết luận này, nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời, giải quyết của cấp có thẩm quyền. Thế nhưng, bất ngờ là ngày 22-12-2016, UBND tỉnh Long An có Công văn số 244 chuyển kết luận thanh tra sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An.
Gần một năm sau, ngày 11-12-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Liêm, về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999. Hai ngày sau, VKSND tỉnh Long An ký quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Liêm tội “Cố ý làm trái…”. Nhưng trước đó, vào tối 8-4-2017, Giám đốc Công an tỉnh Long An gửi công văn yêu cầu Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất lập biên bản ngăn chặn không cho ông Liêm sang Nhật Bản để đi du lịch, dù ông Liêm đã được Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đồng ý cho đi.
Mất 100 ngày nghiên cứu hồ sơ, đột nhiên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh và VKSND tỉnh mới nhận biết vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an TP Tân An, nên ngày 21-3-2018, VKSND tỉnh Long An ký quyết định chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền cho Cơ quan CSĐT Công an thành phố Tân An. Thế rồi, gần 150 ngày sau, ngày 3-8-2018, Cơ quan CSĐT thành phố Tân An ra kết luận điều tra vụ án hình sự số 63, chuyển toàn bộ hồ sơ đến VKSND thành phố Tân An, đề nghị truy tố bị can Lê Thanh Liêm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 18-9, ông Nguyễn Công Pha, Phó Viện trưởng, người phát ngôn VKSND tỉnh Long An, cho biết: Ngày 11-9, đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT TP Tân An điều tra lại, vì có nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ. Điều đáng nói là trước đó, ông Liêm đã gửi đơn khiếu nại đến các bộ, ngành ở Trung ương, vì cho rằng Kết luận điều tra số 63, ngày 3-8-2018 của Cơ quan CSĐT Công an TP Tân An đã gây oan sai cho ông vì gói thầu lắp đặt thiết bị camera chưa được quyết toán như kết luận thanh tra của UBND tỉnh Long An nhưng Cơ quan CSĐT Công an TP Tân An lại cho là đã quyết toán
ĐĂNG NGUYÊN
Theo sggp
Cán bộ bị khởi tố liên quan đến Vũ "nhôm" không dừng lại con số 19 (?)
Việc cơ quan công an thực hiện lệnh khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng 7 cán bộ, nguyên công chức của UBND TP.Đà Nẵng và UBND TP.HCM đang gây chấn động dư luận. Nhưng con số 19 cán bộ nhà nước bị khởi tố liên quan đến các vụ án của ông Vũ "nhôm" cho đến thời điểm này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhiều cán bộ, nguyên công chức Đà Nẵng bị khởi tố gây chấn động dư luận
Sẽ còn nhiều cán bộ bị truy tố...
Trong 8 cán bộ, nguyên công chức chính quyền TP.HCM và Đà Nẵng vừa bị công an khởi tố hôm 18.9, 4 bị can tại Đà Nẵng đều bị lâm vào vòng tố tụng khi ở vị trí chuyên viên, lãnh đạo phòng quản lý đô thị, phó chánh Văn phòng UBND TP. Đây là những cán bộ trực tiếp tham mưu, hoặc cụ thể hoá các chỉ đạo trong hoạt động điều hành chính quyền của lãnh đạo TP.
Ngoài những quan chức, cán bộ bị truy tố liên quan đến vụ án "Làm lộ bí mật nhà nước", các bị can, nguyên là lãnh đạo, công chức và chủ doanh nghiệp tại Đà Nẵng và TP.HCM bị khởi tố mới đây đều liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai, làm thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Cụ thể là đã "trợ giúp", tiếp tay hoặc "bắt tay" với ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") để chuyển đổi, sang nhượng, bán rẻ nhà - đất công sản.
Cty Công nghệ phẩm, Cty Quản lý nhà và một số cán bộ Đà Nẵng đã giúp Vũ "nhôm" mua rẻ nhà - đất công sản tại 57 Lê Duẩn.
"Bút sa, gà chết" - có thể hiểu như vậy đối với những văn bản của cấp tham mưu trong các hồ sơ các vụ án. Tuy vậy, những vi phạm của bị can này đã cho thấy họ còn "đi tắt", tham mưu vượt cấp, không thông qua các sở, ngành chuyên môn, bỏ qua các quy định của nhà nước ở nhiều dự án, khiến quyết sách của lãnh đạo trái luật.
Mặt khác, cũng có thông tin cho rằng, nguyên Phó Văn phòng UBND TP Đào Tấn Bằng và nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị Nguyễn Viết Vĩnh đã "thủ" nhiều văn bản có bút tích chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo cấp trên mình. Vì vậy, số cán bộ sẽ lâm vào lao lý tại Đà Nẵng chưa dừng lại (!?).
Không chỉ ở Đà Nẵng
Hàng trăm nhà công sản, hàng chục lô đất vàng hoặc các dự án bất động sản mà các Cty của ông Vũ "nhôm" thâu tóm tại Đà Nẵng phần lớn ngay sau đó đã sang nhượng chóng vánh để hưởng chênh lệch, hoặc phân lô bán nền, trục lợi ngay lập tức.
Các nhà đầu tư chân chính muốn "vào" được Đà Nẵng gần như phải "qua tay" Vũ nhôm thì mới được giao đất, dự án và chi phí đội lên gấp nhiều lần. Vũ "nhôm" làm được điều này đương nhiên là có sự trợ giúp đắc lực, có hệ thống của cả bộ máy chính quyền mà các cán bộ bị khởi tố hôm nay là những mắt xích quan trọng.
Tuy vậy, không chỉ ở Đà Nẵng, hình thức thâu tóm, mua rẻ nhà - đất công sản của ông Vũ "nhôm" đã được thực hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, ngoài TP.Đà Nẵng, vụ việc tương tự còn xảy ra ở Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Lạt, Lâm Đồng, TP.HCM...
Cố tình "tiếp tay", "bắt tay" hay yếu kém, lỏng lẻo trong quản lý nhà nước để ông Vũ "nhôm" có điều kiện thâu tóm nhà - đất công sản giá rẻ, trục lợi, các cán bộ, chủ doanh nghiệp liên quan cũng sẽ khó thoát vòng lao lý.
Các thương vụ "độc chiếm" nhà công sản của ông Vũ "nhôm" tại Đà Nẵng là lợi dụng chính sách mua nhà công sản không qua đấu giá với sự giúp sức của hệ thống công chức quản lý tài sản nhà nước.
Hàng loạt nhà, đất công sản được các DN nhà nước thuê, sử dụng lâu dài làm trụ sở, kho bãi, cửa hàng... làm thủ tục xin mua. Lợi dụng chính sách nhà nước ưu tiên cho các đơn vị, đặc biệt là DN nhà nước đang thuê sẽ được quyền ưu tiên mua (không đấu giá), các DN này cùng với Cty Quản lý nhà công sản đã tiếp tay cho Vũ "nhôm" thâu tóm chứ không sử dụng như cam kết ban đầu. Để rồi ngay sau khi được chính quyền phê duyệt cho bán thì lập tức khối công sản này về tay Vũ "nhôm". Ông Vũ hoặc sang nhượng, kiếm lời ngay hoặc đầu tư, chia lô bán lời cao hơn.
19 bị can, trong đó có đến 17 người bị khởi tố đều liên quan đến vi phạm trong quản lý đất đai, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. 5 bị can là giám đốc các DN và cán bộ Cty quản lý nhà ở Đà Nẵng vừa bị khởi tố, bị bắt.
Tiếp đó, tới 7 cán bộ tham mưu - nguyên là công chức Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng và TP.HCM. Song, đó chưa phải là con số bị can cuối cùng khi hàng loạt các dự án liên quan đến ông Vũ "nhôm" đang quá trình thanh tra, chưa kết luận như khu đô thị Đa Phước, các dự án trên bán đảo Sơn Trà và một số đang bị điều tra tại TP.HCM.
Tương tự, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng 3 cán bộ, nguyên công chức văn phòng, ngành Tài nguyên Môi trường TP.HCM bị khởi tố cũng chỉ mới "mở đầu" hé lộ đường dây "tiếp tay cho Vũ "nhôm" trong các thương vụ thâu tóm nhà - đất công sản.
TỔ PV MIỀN TRUNG
Theo LĐO
Đe dọa giết người, bị khởi tố Bị can T.B.P bị khởi tố để điều tra về hành vi đe dọa giết người. P. nhắn 18 tin, gọi điện dọa giết cả nhà vợ cũ; dọa đập phá công ty, đâm mù mắt giám đốc công ty nơi vợ cũ làm việc. Công an Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng ngày 12.9 cho hay đã khởi tố, tạm giam bị can T.B.P...