Vụ ngộ độc ở Lai Châu chết 8 người: Có thể xử lý hình sự
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung đã ở mức độ báo động, một số địa phương đã đến giới hạn đỏ.
Tất cả các công đoạn đều vi phạm
Sáng 20.2, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nói: Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề hết sức bức xúc. Vừa qua Quốc hội quyết định phải giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Đoàn giám sát đã làm được nửa chặng đường.
Vụ ngộ độc ở Lai Châu khiến 8 người tử vong, nhiều người cấp cứu (ảnh Báo CAND).
Vẫn theo ông Phùng Quốc Hiển, qua giám sát thấy vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung đã ở mức độ báo động, có một số địa phương đã đến giới hạn đỏ. Ông cũng dẫn chứng hai vụ ngộ độc gần đây, là vụ ở Lai Châu với 8 người tử vong, rất nhiều người nhập bệnh viện, vụ thứ hai ở Hà Giang có hơn 60 người ngộ độc phải cấp cứu.
“Qua đi giám sát thấy quá trình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp. Nó là mối quan hệ chặt chẽ từ khâu đầu đến khâu cuối, cụ thể từ môi trường đến sản xuất, từ chế biến đến bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Tất cả các công đoạn trên đều có vi phạm ở mức độ cao và có nhiều vụ việc nghiêm trọng” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, Khoản 1 Điều 317 Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang được sửa theo hướng giảm nhẹ. Bên cạnh đó có những quy định khó có thể xử lý hình sự. Tính ra số ngộ độc thực phẩm là hàng nghìn vụ, số người chết 165 người/5 năm, nhưng số người mắc bệnh thì rất lớn, đặc biệt là ung thư.
“Có đại biểu Quốc hội khóa XIII từng nói, đường từ dạ dày đến nghĩa địa nhanh nhất, chết dần, chết mòn… Chúng ta giữ cần nguyên Khoản 1 Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015. Còn viết như dự thảo thì không xử được ai” – ông Hiển nói.
Sửa luật để tránh hình sự hóa tràn lan
Số rượu nghi gây ngộ độc ở Lai Châu bị thu giữ, liêm phong phục vụ điều tra (ảnh Báo Giao thông).
Video đang HOT
Cũng đề cập đến vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế, trước đây việc bán phở có formaldehyde ở Hà Nội, lực lượng bắt được rất nhiều vụ. Tuy nhiên, lại nảy sinh bất cập sau đó.
“Thường trực Ủy ban Tư pháp thấy vấn đề lo nhất nằm kẹt giữa hai quan điểm. Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của xã hội. Nhưng nếu như quy định không có định lượng thì nhiều khả năng sẽ bị hình sự hóa tràn lan” – bà Lê Thị Nga cho hay.
“Nhiều khi đã khởi tố vụ án nhưng không chứng minh được hậu quả do formaldehyde gây ra. Bởi vì ăn phở có chất này phải 5-10 năm sau mới lãnh hậu quả, cho nên vụ án không xử lý được. Trở lại quy định vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, phải làm giảm sức khoẻ 30-60% mới xử lý được, nhưng ta không chứng minh được. Bánh phở có formaldehyde mà ăn trong thời gian dàì thì không phải một người mà cả ngàn người bị. Do vây, việc chứng minh hậu quả, chứng minh sức khoẻ bị tổn hại 30-60% là rất khó khăn” – Chánh án nêu.
Giải trình vấn đề này, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến để có quy định cụ thể hơn. Riêng Điều 317 này cần phải có ý kiến chính thức từ Chính phủ.
Bà Nga phân tích, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, chỉ cần người thực hiện các hành vi như sử dụng chất cấm trong sản xuất sơ chế, chế biến, sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi… thì khả năng trong thực tiễn sẽ xử lý nhiều. Việc xử lý sẽ rơi vào các hộ nông dân là nhiều.
Trong dự thảo Luật, đã thiết kế phương án một là: Người nào thực hiện một trong các hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi…, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 120% hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm – 5 năm.
Theo bà Nga, từ quy định nêu trên, nếu rơi vào trường hợp nào thì xử lý theo quy định đó. Bà lấy ví dụ, vụ ngộ độc ở Lai Châu vừa qua gây chết 8 người có thể xử lý được ngay. Tuy nhiên cũng có trường hợp gây tổn hại sức khỏe nhưng chỉ xử lý hành chính. “Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến về việc này và phải bàn bạc thêm” – bà Nga nói.
Theo Danviet
Vụ 8 người chết sau khi ăn cỗ ở Lai Châu: Bí ẩn can rượu 30 lít
Vợ Phu Vần Lèng cho biết, khi tổ chức đám ma cho chồng, gia đình bà đã ra quán tạp hóa mua một can 30 lít rượu về mời khách. Sau khi uống loại rượu này thì 4 người con của bà cũng như rất đông người đến ăn cỗ có biểu hiện bất thường.
Số người có triệu chứng ngộ độc rượu tăng đột biến
Thông tin mới nhất của UBND tỉnh Lai Châu đến thời điểm hiện tại, vụ ngộ độc thực phẩm do ăn uống ở đám tang tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ đã tăng lên 68 ca, trong đó có 8 người chết.
Đáng lưu ý, trong ngày 18.2, qua khám sàng lọc tại các xã lân cận, cơ quan chức năng phát hiện thêm 27 người uống rượu bên ngoài và có triệu chứng ngộ độc.
Các trường hợp này nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên để kiểm tra, nâng tổng số các ca ngộ độc ở trong và ngoài đám tang lên con số 95. Theo nhận định của nhà chức trách, tình trạng ngộ độc tại huyện Phong Thổ đang có diễn biến phức tạp.
Phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, nạn nhân mới và nặng nhất do ngộ độc tại đám tang là ông Chang A Hờ (60 tuổi, bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải). Ông Chải hiện đang được lọc máu, chạy thận nhân tạo trong tình trạng nguy kịch.
Đa số các nạn nhân phát hiện sau đã đi làm và nghỉ tại lán nương sau khi dự đám tang của nạn nhân Phu Vần Lèng. Khi được chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động và thấy có biểu hiện ngộ độc thì được gia đình đưa về cấp cứu, điều trị.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trong vụ ngộ độc tập thể ở Lai Châu. Ảnh: Nhật Tân
Chính quyền địa phương cũng đang chỉ đạo các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã tiếp tục tập trung và ưu tiên đặc biệt cho công tác thu dung, cứu chữa các nạn nhân vụ ngộ độc thực phẩm trong và ngoài đám tang, hạn chế tối đa tình trạng tử vong. Công tác khắc phục và các biện pháp phòng ngừa vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục được địa phương duy trì triển khai.
Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đoạn chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của xã tập trung vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn không dùng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ và chấm dứt việc dùng rượu tại các đám ma và đưa vào hương ước, quy ước của bản".
Hôm nay (19.2), chính quyền huyện Phong Thổ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền cấp xã của địa phương vào cuộc, vận động người dân giao nộp, tiêu hủy rượu và nếu có sử dụng rượu mua ở khu vực xã Sì Lở Lầu thì tiếp tục đến các Trạm Y tế để khám sàng lọc.
Tang thương phủ trắng quê nghèo
Chưa bao giờ một vùng rẻo cao yên bình lại gặp một chuyện kinh hoàng như thế. Cả huyện có cả trăm người nhập viện vì ngộ độc, 8 người đã tử vong.
Ông Phu Cha Pô, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Ly Chải tâm sự: "Một ngày có 7 người trong xã chết đã khiến nhân dân hoang mang, nhiều gia đình ở bản Tả Chải dọn lên lán ở vì họ sợ bệnh tật. Cô giáo tới lớp không có học sinh nên phải tạm nghỉ. Nhưng đến nay các lực lượng đã vận động họ trở về nhà hết rồi".
Nhà ông Phu Vần Lèng - nơi diễn ra đám ma và tổ chức ăn cỗ ngày 12.2 mời dân làng và xảy ra ngộ độc khiến nhiều người thiệt mạng nằm ở ngay đầu bản. Trong nhà vắng lặng như tờ bởi 4 người con ông Lèng (2 con trai, 1 con gái, 1 con rể) đều đang cấp cứu trong bệnh viện.
Chợ Sì Lở Lầu - nơi gia đình bà Mẩy (vợ ông Phu Vần Lèng) mua rượu.
Kể lại sự việc vừa qua, bà Mẩy không cầm được nước mắt. Bà cho biết, thường ngày ông Lèng hay mua rượu tại cửa hàng tạp hóa Hương Dìn của Phùng Thị Hương ở chợ Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu) về uống. Ngày 10.2, ông Lèng mua 1 lít rượu ở hàng tạp hóa Hương Dìn về uống. Đến trưa ông có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không nhìn thấy.
Bà Lèng đang làm nương thì thấy con gọi báo về bố bị ốm. Vừa bước vào nhà bà thấy chồng kêu đau, sau đó ông Lèng uống tiếp một chén rượu nữa. Một tiếng sau, biểu hiện của ông càng nặng hơn, sau đó là tử vong khi chưa kịp đưa đi viện.
Theo bà Mẩy thì để làm cơm trước ngày đưa ông Lèng ra đồng, gia đình bà có lên hàng tạp hóa Hương Dìn mua một can 30 lít rượu. Ngày 12.2, số rượu này được rót ra mời khách, gia đình bà không pha gì vào rượu, mua thế nào thì uống như thế.
Nhắc tới nỗi đau này, bà Mẩy không khỏi lo lắng vì 4 người con đang trong bệnh viện không biết sống chết ra sao. Trong đó 2 anh con trai là Phu A Tư, Phu A Sử là 2 bệnh nhân nặng nhất. Nỗi áy náy dâng tràn trên khóe mắt của người phụ nữ Hà Nhì khi tại bữa cỗ nhà mình đã kéo theo nhiều người thiệt mạng.
Những can rượu đang được niêm phong chờ kết luận giám định của cơ quan chức năng. Ảnh: Trần Hằng - Nguyễn Hương
Ma Ly Chải là xã biên giới, 100% là dân tộc Hà Nhì sinh sống, 75% là hộ nghèo, đời sống của đồng bào còn vô vàn khó khăn. 8 nạn nhân tử vong đều là trụ cột chính trong gia đình, khó khăn với người ở lại càng thêm chồng chất.
Kể về nỗi đau mất người thân, chị Cồ Hừ Sừ, 40 tuổi nức nở: "Tôi đang ở trên lán thì thằng con trai lớn hớt hải lên gọi bố bị ốm. Vừa về tới nhà đã thấy anh ấy rơi vào hôn mê. Nghe cháu nó bảo chiều bố ngủ dậy kêu đau đầu, hoa mắt, không nhìn thấy gì. Nó vội vã đi gọi bà và mẹ, nhưng sau 2 tiếng đưa đến trung tâm y tế thì anh ấy tử vong trong cơn đau dữ dội".
Chồng chị Sừ là anh Ma Gà Po, Phó Chủ tịch HĐND xã Ma Ly Chải, cũng tham gia bữa cỗ đám ma tại nhà ông Lèng. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những nạn nhân tử vong cũng thường mua rượu ở chợ Sì Lở Lầu về uống và chưa xảy ra ngộ độc rượu lần nào.
Ngày 10.2 gia đình ông Phu Vần Lèng (dân tộc Hà Nhì, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức ăn cơm uống rượu. Đến tối, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong lúc 22h cùng ngày. Sau khi ông Lèng chết, gia đình tổ chức hậu sự. Người dân trong bản đến ăn cơm, uống rượu trong các ngày 11, 12 và 13 theo phong tục. Đến ngày 13.2, xảy ra hiện tượng nhiều người bị đau đầu, buồn nôn, dãn đồng tử và tử vong. Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện tại đã có 8 người tử vong (gồm cả ông Phu Vần Lèng). Số người nhập viện do ngộ độc vẫn tiếp tục tăng và có diễn biến phức tạp.
Theo Nhật Tân (Gia đình & Xã hội)
Vụ 8 người chết ở Lai Châu: Methanol hòa với nước để tạo ra rượu Với kết quả xét nghiệm ban đầu đối với các mẫu rượu trong vụ nghi ngộ độc tại Lai Châu có thể thấy, rượu này thành phần chính là methanol hòa với nước để tạo ra rượu và bán cho người tiêu dùng. Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - đơn vị chủ trì soạn thảo...