Vụ náo loạn vùng biển vì cổ vật: Tìm cách an dân
Sáng 14.10, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thăm dò, khai quật khảo cổ di sản văn hóa dưới nước tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nêu lên vấn đề quản lý, bảo vệ nơi tàu cổ đắm chưa chặt chẽ dẫn đến có người lén lút lặn tìm lấy được cổ vật, có người thì không.
Ông Minh đưa ra một chi tiết đáng chú ý, đó là sau khi Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (TP.HCM), đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc khảo sát, thăm dò con tàu cổ đắm thuê 3 tàu và 4 thợ lặn ở địa phương cùng tham gia. Trong quá trình khảo sát, cơ quan chức năng phát hiện 1 tàu của ngư dân địa phương đã đóng thêm lớp gỗ phía dưới đáy tàu rồi khoét lỗ làm nơi cất giấu cổ vật khi thợ lặn lấy được. Cơ quan chức năng không cho phép con tàu “2 đáy” này tham gia khảo sát nữa.
Vận chuyển đá hộc ra biển để đè lên những tấm lưới sắt bảo vệ tạm thời con tàu cổ đắm – Ảnh: Hiển Cừ
Siết chặt an ninh trên bờ, dưới biển
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi cho biết, công tác khảo sát, thăm dò con tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển đã kết thúc.
Video đang HOT
Sau khi kết thúc khảo sát, thăm dò, ngày 14.10, Công ty Đoàn Ánh Dương đã đưa những tấm lưới sắt thả xuống vị trí con tàu cổ đắm với diện tích 240 m2, sau đó dùng hàng chục tấn đá hộc đè lên trên để bảo vệ tạm thời. Các ngành chức năng ở Quảng Ngãi cũng đã tăng cường lực lượng bảo vệ, siết chặt an ninh cả trên bờ lẫn dưới biển.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhiều thợ lặn ở Bình Châu cho rằng Công ty Đoàn Ánh Dương thuê mỗi ngày tham gia khảo sát, thăm dò chỉ 3,5 triệu đồng/người là quá ít, bởi lẽ con tàu cổ đắm là do họ phát hiện nên phải được hưởng nhiều hơn. Đây chính là cái cớ để hàng trăm người dân Bình Châu lôi kéo nhau ra vùng biển nơi con tàu cổ đắm đập phá vào sáng 13.10.
Theo ông Nguyễn Minh, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền các cấp và các ngành chức năng ở Quảng Ngãi lúc này là phải tìm cách an lòng dân. Ông Minh yêu cầu chính quyền xã Bình Châu không chỉ họp dân để tuyên truyền, vận động mà còn sàng lọc, lập danh sách những người cố tình “ăn thua đủ” với cổ vật để đến từng nhà đối thoại, phân tích tỉ mỉ những việc làm sai trái để họ nhận thức đúng hơn.
Thiếu tướng Lê Xuân Hòa, Giám đốc Công an Quảng Ngãi, đồng tình: “Phải vận động làm sao cho người dân ở các làng chài tâm phục, khẩu phục là tốt, chứ không phải họ có hành vi quấy rối là bắt giữ”.
Ông Hòa nhận định rằng vụ náo loạn hôm 13.10 tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển có dấu hiệu một vụ án hình sự, như hủy hoại tài sản của nhà nước, chống người thi hành công vụ, lén lút trộm cắp, ngang nhiên chiếm đoạt cổ vật. “Cơ quan công an xác định phương châm điều tra là vận động dân là chính. Nếu dân thấy làm sai phải tự thú với chính quyền thì có thể xem xét tình tiết giảm nhẹ”, ông Hòa khẳng định. Ông Nguyễn Minh nói: “Công an, viện kiểm sát, tòa án cần vào cuộc một cách đồng bộ, xem đây là vụ án điểm nên phải làm nhanh để đưa những kẻ vi phạm pháp luật ra xử lý”.
Theo Dantri
Cấm các phương tiện "không phận sự" đến gần tàu chứa cổ vật
Chiều 8/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra quy định Khu vực hạn chế hoạt động tạm thời đối với các phương tiện và người không có nhiệm vụ trong quá trình thăm dò, khai quật, trục vớt di sản văn hóa duới nước tại vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.
Theo đó, phạm vi khu vực hạn chế hoạt động tạm thời có bán kính 70m, tâm bán kính tại tọa độ 15 độ 25 phút Vĩ độ Bắc, 108 độ 15 phút 55 giây Kinh độ Đông, thuộc vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển. Thời gian quy định từ ngày 27/9/2012 đến khi kết thúc việc khai quật, trục vớt cổ vật trong tàu đắm dưới nước tại khu vực trên.
Dùng phao khoanh vùng cấm phương tiện và người dân xâm phạm khu vực có tàu đắm chứa cổ vật
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - cho biết: "Việc cấm các phương tiện, người không có nhiệm vụ hoạt động quanh khu vực cổ vật góp phần nhanh chóng hoàn thành công tác khảo sát, thăm dò và trục vớt cổ vật an toàn. Theo các nhà khảo cổ học, công đoạn khảo sát rất quan trọng, nhằm đảm bảo kỹ thuật trục vớt an toàn cho cổ vật, tránh các trường hợp cổ vật bị bể, hư hỏng sẽ làm mất giá trị văn hóa lịch sử, đặc biệt cổ vật tìm thấy lại nằm dưới nước".
Như đã đưa tin, ngày 8/9, người dân xã Bình Châu bắt đầu phát hiện và lặn lấy nhiều cổ vật có giá trị hơn 500 năm tuổi trong một con tàu đắm. Sau đó, cơ quan chức năng bắt đầu bảo vệ, ngăn cấm người dân tự tiện lấy cổ vật được xác định là có giá trị lịch sử từ thế kỷ 14, có niên đại thời Nguyên.
Bên cạnh việc cấm các phương tiện và con người hoạt động gần khu vực khoanh vùng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND huyện Bình Sơn tổ chức đánh dấu các tọa độ trên hải đồ, cắm biển báo trên bờ và biển báo trên biển.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ nhận định: "Hiện nay, đa phần người dân đã nhận thức việc bảo vệ di sản văn hóa lịch sử của nhân loại. Chỉ có số ít người dân chưa nhận thức hoặc vì lợi ích kinh tế nên thỉnh thoảng vẫn lén lút xâm nhập lấy cắp cổ vật. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hơn".
Lực lượng cơ động bảo vệ, tuần tra trên bờ biển
Theo tiến trình thủ tục pháp lý, sau khi hoàn thành công tác khảo sát, thăm dò, UBND tỉnh lập phương án khai quật và trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho ý kiến. Khi có chủ trương thống nhất phương án khai quật thì UBND tỉnh tiến hành ra quyết định khai quật cổ vật dưới nước ở xã Bình Châu.
"Địa phương cũng nóng lòng muốn sớm tiến hành khai quật, chứ để càng lâu càng phức tạp, nhưng phải chờ hoàn thành các thủ tục cần thiết", ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.
Theo Dantri
Tiến hành thăm dò tàu đắm ở Quảng Ngãi Ngày 27.9, dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, Cty TNHH Đoàn Ánh Dương, trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh tiến hành thăm dò, khảo cổ di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển Vũng Tàu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhằm tìm phương án an toàn, thích hợp nhất cho việc khai...