Vụ mua bán trẻ em: Chùa Bồ Đề có nhiều sai phạm trong việc nuôi trẻ
Sự việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề ( Gia Lâm, Hà Nội) đặt ra câu hỏi về việc tuân thủ pháp luật của các cơ sở tôn giáo trong việc chăm sóc các đối tượng khó khăn.
PV Dân trí đã trao đổi với ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề này.
Các cháu bé tại chùa Bồ Đề (ảnh: Giang Huy)
Nhìn lại vụ việc mua bán trẻ em trẻ em tại chùa Bồ Đề, theo ông những nguyên nhân nào dẫn tới sự việc?
Trước hết, chúng ra cần phải đánh giá khách quan, toàn diện về sự đóng góp hết sức tích cực của các cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức tôn giáo trong việc chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Tuy nhiên, hoạt động từ thiện, nhân đạo có thể bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật.
Qua kiểm tra cho thấy, chùa Bồ Đề có nhiều sai phạm khi thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng diện bảo trợ xã hội: Chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) theo quy định của pháp luật; chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, diện tích phòng ở của đối tượng; nhân viên quản lý, nuôi dưỡng đối tượng chưa được đào tạo nghiệp vụ…
Tôi cho rằng, điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự “tham, sân, si” của cá nhân đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang – quản lý khu nuôi trẻ mồ côi; việc nhận thức, ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật của người đứng đầu cơ sở chăm sóc; các biện pháp xử lý chưa đủ quyết liệt của cơ quan chức năng…
Ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). (ảnh: H.M)
Ý kiến của ông về tình trạng các cơ sở tôn giáo đang nhận nuôi trẻ nhưng không thực hiện việc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội hiện nay ra sao?
Video đang HOT
Theo phản hồi của các địa phương, tình trạng một số cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng từ 10 đối tượng bảo trợ xã hội trở lên của các tôn giáo trên phạm vi toàn quốc chưa thực hiện thủ tục thành lập cơ sở BTXH đang tồn tại là một trong những vấn đề cần phải chấn chỉnh, xử lý từ góc độ quản lý Nhà nước.
Trong năm 2014-2015, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam và các tổ chức tôn giáo khác sẽ tổ chức rà soát lại hệ thống các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi của các tổ chức tôn giáo trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, chúng tôi sẽ hướng dẫn các cơ sở chấn chỉnh lại công tác chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thực hiện thủ tục thành lập cơ sở BTXH; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đánh giá, khảo sát các cơ sở tôn giáo thực hiện tốt để khuyến khích, nhân rộng mô hình.
Sẽ tổng rà soát các cơ sở chăm sóc người khó khăn của các tổ chức tôn giáo (ảnh: Giang Huy)
Theo ông Tô Đức, cả nước có trên 400 cơ sở bảo trợ xã hội. Những cơ sở này đang nuôi dưỡng khoảng 41.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hơn 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong số 400 cơ sở bảo trợ xã hội, có khoảng 230 cơ sở ngoài công lập (gồm khoảng 80 cơ sở của các tôn giáo).
Qua sự việc chùa Bồ Đề, đứng từ góc độ đơn vị quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn quốc, ông có ý kiến gì?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, qua sự việc diễn ra tại chùa Bồ Đề, chúng ta cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm phòng ngừa các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Cần phải nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường sự chỉ đạo của UBND các cấp trong công tác kiểm tra việc quản lý và hoạt động của cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt.
Đặc biệt là các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, cần tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng, quản lý nhân khẩu tại các cơ sở chăm sóc chưa thành lập cơ sở BTXH theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật nuôi con nuôi theo đúng quy định, đăng kí giấy khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.
Các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức tôn giáo nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc của các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo Dantri
Đã làm rõ lai lịch, danh tính 11 cháu bé nghi mất tích tại chùa Bồ Đề
Lãnh đạo Công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết, về thông tin 11 cháu bé ở chùa Bồ Đề nghi mất tích từ năm 2007 đến 2012, CQĐT đã vào cuộc xác minh, làm rõ tên tuổi cụ thể của 11 cháu; danh tính bố, mẹ cũng như người thân các cháu này.
Xác định lai lịch, danh tính 11 cháu bé nghi mất tích
Như Dân trí đã thông tin về nghi án mất tích 11 cháu bé tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2012, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan CSĐT đã vào cuộc xác minh, làm rõ thực hư sự việc.
Theo đó, cơ quan điều tra đã làm rõ được bố, mẹ, người thân của 11 cháu này. Mọi thông tin về nhân thân các cháu đều đã được xác minh rất cụ thể. Về nghi án các cháu "biến mất", vẫn đang được điều tra làm rõ.
Hiện tổng số lượng người sinh sống, kể cả các sư và người già, trẻ em, trong chùa là 250 người. Các trường hợp đến tá túc tại chùa Bồ Đề, cán bộ công an phường đều vào tiến hành các thủ tục kê khai để quản lý.
Công an Long Biên cho biết, đã làm rõ nhân thân 11 cháu bé đã đi khỏi chùa, được cho là "mất tích".
"Tính cả 11 cháu đi khỏi chùa, chúng tôi cũng đã làm rõ cụ thể từng trường hợp. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn đang tích cực mở rộng tiếp cận thông tin trình báo, tố giác về việc có thể có các trường hợp mất tích khác để tiếp tục xác minh và làm rõ căn nguyên" - lãnh đạo Công an Long Biên cho biết.
Theo lãnh đạo Công an Long Biên, sau khi vụ mua bán trẻ bị phanh phui, số lượng các cháu được nuôi trong chùa đã giảm nhiều. Có trường hợp gia đình đến đón trẻ về nuôi; có trường hợp trẻ đi chữa bệnh; có trường hợp trẻ được đưa sang trung tâm bảo trợ xã hội hoặc chuyển sang sinh sống tại một ngôi chùa khác...
Về quan điểm nhìn nhận vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, lãnh đạo Công an quận Long Biên chia sẻ, rất nhiều người, không chỉ ở trong nước mà những người hảo tâm nước ngoài đều biết việc sư Đàm Lan đã tiếp nhận và nuôi dưỡng hàng trăm trẻ cơ nhỡ, mồ côi.
Ni sư Đàm Lan (đeo kính) với các trẻ em cơ nhỡ trước khi xảy ra sự việc
"Hiện CQĐT đang làm rõ mức độ liên quan cụ thể của thầy trụ trì trong vụ việc để xem xét, xử lý đúng luật định" - Lãnh đạo Công an Long Biên cho hay.
Công an Long Biên không nhận được đơn trình báo vụ việc
Tại buổi làm việc với PV Dân trí, lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, cơ quan này không hề nhận được đơn trình báo hay tố giác hành vi buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề trước khi vụ việc được CQĐT Công an TP Hà Nội phanh phui.
Lãnh đạo Công an Long Biên cũng khẳng định, trước đó cơ quan này đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 2 vụ việc liên quan đến hành vi bắt cóc trẻ em và vụ một cháu bé nghi bị xâm hại tình dục và bị bỏ lại chùa Bồ Đề vào năm 2012 và 2013.
Hai trường hợp được làm rõ như sau: Tháng 4/2013, bà Nguyễn Thị Quý (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) thường xuyên đến thăm chùa, chăm sóc trẻ em. Do hiếm muộn nên người phụ nữ 57 tuổi này đã tìm cách chiếm đoạt cháu T.A. Trường hợp còn lại cũng xác định cháu bé không bị xâm hại tình dục. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bố cháu đã mang bỏ cháu lại chùa với mục đích nhờ chùa nuôi dưỡng.
Khuôn viên nhà tình thương nuôi trẻ cơ nhỡ nay đã thưa vắng hẳn.
Trở lại diễn tiến vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, chiều ngày 11/8, Phòng PC45 Công an TP Hà Nội đã chính thức chuyển hồ sơ vụ việc sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị khởi tố Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về tội: "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em".
Nên giữ hay xoá bỏ nhà tình thương trong chùa? Thông tin từ Công an quận Long Biên cho biết, việc nuôi dưỡng trẻ tại chùa Bồ Đề có từ hơn 10 năm qua. Manh nha của sự việc xuất phát từ một số người phụ nữ sinh con, nhưng hoàn cảnh éo le không thể nuôi dưỡng nên họ mang đến cửa chùa để nhờ nuôi giúp. Khi được nhà chùa dang tay cứu giúp, rất nhiều mảnh đời bất hạnh đã được thay đổi cuộc sống, trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội. Công an Long Biên cho biết, hiện trong chùa có 22 em nhỏ đang đi học văn hóa và đầu năm học mới này có thêm gần 10 cháu nữa đến trường. Nếu đưa các em vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội thì cuộc sống sinh hoạt và học tập sẽ bị ảnh hưởng. Chiều 11/8, Quận Uỷ Long Biên đã tổ chức cuộc họp bàn với các cơ quan chức năng để bàn bạc về hướng đề nghị lên TP Hà Nội giải quyết sự việc theo 2 hướng: một là duy trì sự hoạt động nuôi dưỡng người cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề và đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quản lý theo qui định pháp luật. Hai là, với những người già, trẻ em đang sống nhờ tại chùa Bồ Đề thì rà soát, lập kế hoạch để tìm kiếm các thông tin gia đình của trẻ, nếu còn người thân thì chuyển trẻ về với gia đình. Trường hợp không còn người thân thì chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng.
Quốc Đô
Theo dantri
Đề nghị khởi tố "bảo mẫu" mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề Bảo mẫu chùa Bồ Đề bị đề nghị khởi tố về hành vi Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120, Bộ luật Hình sự. Ngày 11/8, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45), Công an TP Hà Nội cho biết, đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị khởi tố 2 bị can trong vụ mua...