Vụ MH370: Bắt đầu cuộc đua dưới lòng đại dương
Thiết bị dò hộp đen của hải quân Mỹ liệu có giải được bí ẩn mang tên MH370?
Ngày 4/4, hai tàu hải quân của Úc và Anh bắt đầu cuộc chạy đua tìm kiếm dưới lòng đại dương để dò tìm hộp đen của chiếc máy bay mất tích MH370 trong bối cảnh lực lượng trên không và trên mặt biển không phát hiện bất cứ mảnh vỡ nào có liên quan sau gần 4 tuần miệt mài tìm kiếm.
Ông Angus Houston, chỉ huy Trung tâm Điều phối Lực lượng Chung (JACC) cho biết tàu Ocean Shield của hải quân Úc và tàu HMS Echo của Anh được trang bị thiết bị dò tín hiệu hộp đen của Mỹ đã bắt đầu cày xới trên một khu vực rộng khoảng 240 km.
Tàu Echo của hải quân Anh được trang bị một loạt cảm biến siêu nhạy và các thiết bị thủy âm bên mạn chuyên dùng để khảo sát đáy biển.
Tàu chiến HMS Echo của Anh tham gia dò tìm hộp đen MH370
Hộp đen của máy bay MH370 có một thiết bị liên tục phát tín hiệu “ping” để các thiết bị dò tìm có thể xác định được vị trí của nó. Tuy nhiên pin bên trong hộp đen chỉ đủ để thiết bị này phát tín hiệu trong khoảng 30 ngày, và sau đó tín hiệu sẽ yếu dần rồi tắt hẳn sau 15 ngày nữa.
Theo quy định, tất cả các máy bay dân dụng đều phải có hộp đen và bộ phát tín hiệu “ping” này để đề phòng trường hợp máy bay gặp nạn. Cứ một giây hộp đen sẽ phát ra một tín hiệu ping dưới dạng âm thanh. Âm thanh này ở dưới ngưỡng nghe của con người, tuy nhiên thiết bị định vị hộp đen của Mỹ có thể dò được tín hiệu đó từ khoảng cách 2 hải lý.
Tuy nhiên, thiết bị định vị hộp đen này được kéo theo phía sau tàu mẹ với vận tốc chậm “đến mức đau đớn”, chỉ ở khoảng 5 km/h, do vậy sẽ phải mất nhiều ngày mới có thể quét hết khu vực rộng khoảng 240 km.
Tàu dò tìm chỉ có thể di chuyển với vận tốc 5 km/h
Video đang HOT
Chỉ còn vài ngày nữa là hộp đen của MH370 hết pin, và lực lượng tìm kiếm trong lòng đại dương đang thực sự bắt đầu một cuộc đua với thời gian để lần tìm manh mối của thiết bị chứa đựng những thông tin tối quan trọng có thể làm sáng tỏ bí ẩn của chiếc máy bay này.
Hiện có tổng cộng 10 máy bay quân sự, 4 máy bay dân sự và 9 tàu đang tham gia tìm kiếm MH370 trong một khu vực có diện tích khoảng 217.000 km vuông trên vùng biển nam Ấn Độ Dương, tuy nhiên họ vẫn chưa phát hiện được mảnh vỡ nào của chiếc máy bay.
Trước đó hãng Boeing cũng đã gửi cho lực lượng tìm kiếm danh sách những vật thể trong máy bay có thể nổi trên mặt nước, chẳng hạn như ghế ngồi, nắp khoang chứa càng hạ cánh, một phần đuôi máy bay, các thiết bị điều khiển bằng nhựa…
Ông Houston cho hay tàu HMAS Perth của hải quân Úc cũng vừa được giao nhiệm vụ tới tham gia tìm kiếm MH370 và sẽ đến khu vực tìm kiếm trong 4 ngày tới. Ngoài ra, tàu khu trục Lekiu của Malaysia cũng đã rời căn cứ Stirling ở Perth để tham gia tìm kiếm chiếc Boeing 777.
Tàu Ocean Shield của Úc bắt đầu thả thiết bị dò tìm hộp đen xuống biển
Hôm nay, Úc cũng đã chấp nhận đề nghị của phía Malaysia tham gia với tư cách là thành viên chính thức trong cuộc điều tra nguyên nhân khiến MH370 mất tích một cách bí ẩn. Các thành viên chính thức khác trong cuộc điều tra này gồm có Malaysia, Mỹ, Anh và Trung Quốc.
Hiện Úc và Malaysia đang phác thảo một thỏa thuận toàn diện liên quan đến vai trò của Úc trong chiến dịch tìm kiếm và điều tra, chẳng hạn như việc xử lý các nạn nhân, việc trục vớt xác máy bay và việc lấy dữ liệu từ hộp đen của máy bay.
Theo Công ước Chicago, Malaysia là nước chịu trách nhiệm chính trong việc điều tra nguyên nhân MH370 gặp nạn.
Hiện Úc đã cử 4 điều tra viên cấp cao tới Kuala Lumpur để phối hợp điều tra và đảm bảo rằng các thông tin liên quan đều đã được xem xét, đồng thời nước này sẽ tiếp tục vạch ra các chiến lược tìm kiếm trong thời gian tới.
Theo Khampha
Hộp đen có thể không giải mã được bí ẩn MH370
Thẻ nhớ bên trong hộp đen chỉ có thể lưu lại dữ liệu trong 2 giờ bay cuối cùng.
Ngày 27/3, chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 được cho là đã đâm xuống Ấn Độ Dương lại tiếp tục được thực hiện sau một ngày trì hoãn vì thời tiết xấu.
Mặc dù Malaysia vừa công bố "manh mối đáng tin cậy nhất" là hình ảnh 122 mảnh vỡ trôi nổi trên vùng biển tìm kiếm, song nhiều chuyên gia hàng không đã cảnh báo rằng hộp đen của máy bay có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy, và nếu có tìm thấy thì nó cũng không thể giải mã được bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không thế giới.
Theo thông tin từ phía hải quân Mỹ, chiếc tàu chiến được trang bị hệ thống dò tín hiệu hộp đen đang trên đường đến Ấn Độ Dương để tham gia chiến dịch tìm kiếm, tuy nhiên phải tới ngày 5/4 chiếc tàu này mới tới nơi. Như vậy hệ thống tìm hộp đen mạnh nhất thế giới hiện này chỉ có thể bắt đầu hoạt động chỉ 2 ngày trước khi hộp đen của MH370 ngừng phát tín hiệu vì hết pin.
Thiết bị dò tìm tín hiệu hộp đen của hải quân Mỹ
Theo các chuyên gia hàng không, hộp đen trên máy bay thường chỉ đủ năng lượng để phát tín hiệu "ping" dưới dạng một sóng âm dưới nước liên tục trong 30 ngày. Khi tàu dò tín hiệu hộp đen của Mỹ tới nơi, họ chỉ còn 2 ngày ít ỏi để dò tìm tín hiệu trên một khu vực tìm kiếm rộng hơn cả diện tích nước Pháp.
Thiết bị định vị hộp đen của hải quân Mỹ là một micro dài khoảng 76 cm được một con tàu thả xuống mặt nước và kéo chầm chậm phía sau. Chiếc micro siêu nhạy này sẽ "lắng nghe" bất cứ tín hiệu âm thanh "ping" nào phát ra từ hộp đen với khoảng cách trung bình là 1,6 km, tuy nhiên tùy thuộc vào nhiều yếu tố từ điều kiện sóng biển cho tới địa hình cũng như việc hộp đen có bị vùi lấp hay không, nó có thể nghe được tín hiệu ping từ khoảng cách 3,2 km.
Thiết bị này được gắn bên dưới bộ định hướng màu vàng hình tam giác vào được móc vào một sợi cáp dài khoảng 6100 mét để tàu mẹ kéo rê cách đáy biển 305 mét với vận tốc 5,5 km/h. Cả bộ thiết bị này trông giống như một con cá đuối với sải cánh dài gần 1 mét.
Mỗi giây, thiết bị này sẽ 2 lần gửi dữ liệu lên "tàu mẹ", nơi các kỹ thuật viên sử dụng máy tính ghi nhận bất cứ tín hiệu mạnh nào và ghi lại vị trí của nó. Tàu mẹ sẽ liên tục kéo thiết bị định vị ping theo hình ô bàn cờ để các kỹ thuật viên có thể xác định được tín hiệu ping mạnh nhất để có thể định vị được hộp đen.
Phương thức dò tìm hộp đen của hải quân Mỹ
Chuyên gia hàng không David Barry thuộc Đại học Cranfield của Anh cho hay tùy vào điều kiện pin của hộp đen khi máy bay gặp nạn, hộp đen có thể tiếp tục phát tín hiệu trong khoảng 10 ngày nữa, nhưng lúc đó cường độ tín hiệu đã yếu hơn rất nhiều.
Ông Barry nhận định: "Với địa hình rộng lớn và độ sâu của vùng biển nam Ấn Độ Dương cũng như thời tiết phức tạp ở đó, hộp đen của MH370 gần như không thể tìm thấy. Nếu muốn tìm thấy nó, người ta sẽ phải đào xới khu vực tìm thấy xác máy bay, và quá trình này có thể phải mất tới 2 năm."
Trong trường hợp lực lượng cứu hộ may mắn phát hiện được hộp đen của máy bay, những dữ liệu mà nó lưu lại cũng có thể không giúp gì cho các điều tra viên giải mã được bí ẩn của MH370.
Hộp đen là tên gọi thường dùng để chỉ một thiết bị màu vàng cam gắn trên máy bay, trong đó gồm có 2 phần tách biệt nhau. Một phần là bộ ghi dữ liệu máy bay dưới dạng số hóa, chứa đựng các thông tin về tốc độ, độ cao và hướng bay, còn phần kia là thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái, ghi lại các đoạn trao đổi của phi công cùng các âm thanh và cảnh báo phía trong buồng lái.
Các máy bay dân dụng thường bắt buộc phải mang theo hộp đen trong suốt hành trình của mình, tuy nhiên thẻ nhớ bên trong hộp đen chỉ có thể lưu trữ được những thông tin trong 2 giờ cuối cùng, còn những dữ liệu trước đó sẽ bị tự động ghi đè.
Dữ liệu lưu trữ trên hộp đen sẽ bị ghi đè sau mỗi 2 giờ
Chính phủ Malaysia cho biết hệ thống liên lạc ACARS và thiết bị phát đáp trên máy bay MH370 đã bị vô hiệu hóa một cách bí ẩn sau khi máy bay cất cánh chưa đầy một giờ, và vài phút sau chiếc Boeing 777 này đột ngột chuyển hướng sang phía tây và tiếp tục bay thêm ít nhất 6 giờ nữa trước khi rơi xuống nam Ấn Độ Dương.
Như vậy, với việc hộp đen chỉ ghi lại dữ liệu trong 2 giờ bay cuối cùng, các điều tra viên có thể sẽ không bao giờ biết được ai đã vô hiệu hóa hệ thống ACARS và thiết bị phát đáp, cũng như ai là người đã điều khiển máy bay chuyển hướng gấp về phía tây. Những đoạn trao đổi giữa phi công, những âm thanh cảnh báo trong buồng lái lúc máy bay chuyển hướng trên vịnh Thái Lan đều đã bị xóa sạch trong dữ liệu hộp đen.
Theo ông Barry, thông tin ghi lại vào thời điểm máy bay chuyển hướng mới là thứ mà các điều tra viên quan tâm nhất, và nó có thể giải đáp hầu hết những bí ẩn hiện nay của MH370. Nếu không có những thông tin này, việc đưa ra kết luận điều tra một cách toàn diện sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ một khả năng là dữ liệu hộp đen lúc máy bay chuyển hướng vẫn có thể không bị xóa trong trường hợp hộp đen bị mất nguồn tại thời điểm này.
Theo Khampha
Tình báo Mỹ: Không có khủng bố trên MH370 "Có điều gì đó đã xảy ra trên MH370, nhưng đó chắc chắn không phải là khủng bố." Ngày 30/3, các nghị sĩ phụ trách tình báo của Quốc hội Mỹ cho biết các điều tra viên đã không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ đã xảy ra khủng bố trên máy bay MH370 cách đây 3 tuần, và việc...