Vụ MH17: Gian nan quá trình nhận dạng thi thể nạn nhân
Các chuyên gia pháp y Hà Lan sẽ làm mọi thứ có thể để trả lại đúng thi thể của các nạn nhân xấu số cho những người thân của họ.
Sau khi 2 chiếc máy bay quân sự chở các quan tài chứa hài cốt của gần 40 nạn nhân trong vụ rơi máy bay MH17 hạ cánh tại sân bay Eindhoven (Hà Lan), hàng chục nhà khoa học pháp y tại một căn cứ quân sự ở Hà Lan đã chuẩn bị tinh thần cho một công việc gian nan, đó là nhận dạng thi thể.
Tất cả các cơ quan và bộ phận cơ thể của các nạn nhân sẽ được đưa đến căn cứ quân sự Hilversum, Hà Lan, nơi có một nhóm chuyên gia thuộc đơn vị pháp y quốc gia Hà Lan (Landelijk Team Forensische Opsporing – LTFO) sẽ làm mọi thứ có thể để trả lại đúng thi thể của các nạn nhân xấu số cho những người thân của họ.
Lê đon cac thi thể nạn nhân vụ MH17 đươc thưc hiên theo nghi thưc quân đôi.
“Chúng tôi không biết mỗi thi thể mang quốc tịch gì. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng xác định tất cả các bộ phận. Chúng tôi đang tiếp xúc với các nước khác để cùng nỗ lực phối hợp nhằm xác định chính xác nhất”, nhân viên pháp y Jos van Roo của LTFO nói.
Những chuyên gia pháp y tham gia vào công việc này đều có nhiều kinh nghiệm từ các thảm họa khác trên thế giới, như trận sóng thần năm 2004 tại Indonesia cướp đi sinh mạng của ít nhất 230.000 người, vụ rơi máy bay 771 của hãng hàng không Afriqiyah Airways tại Tripoli, Libya trong năm 2010 làm hơn 100 người thiệt mạng, và nhiều sự cố khác ở Hà Lan.
Van Roo nói rằng, “sự bảo quản kỹ lưỡng đã và sẽ tiếp tục được thực hiện đối với các bộ phận, trong sự tôn trọng các nạn nhân và gia đình của họ”.
“Đây là công việc đòi hỏi sự siêng năng”, Van Roo nói. “Có rất nhiều cơ quan và các bộ phận cơ thể được mang về. Tất cả đều phải được kiểm tra và quá trình kiểm tra phải cực kỳ chính xác. Bạn phải chắc chắn rằng bạn không gửi trả sai thi thể cho các gia đình”.
Bên cạnh đó, chuyên gia pháp y di truyền Denise Syndercombe, đang làm việc tại Đại học King College London, cho biết, trong một số trường hợp, việc nhận dạng sẽ dễ dàng hơn nếu nạn nhân có một vết sẹo đặc biệt hoặc nhận dạng thông qua quần áo, thậm chí thông qua một chiếc ví hay hộ chiếu trong túi.
Syndercombe từng tham gia xác định các nạn nhân trong chuyến bay Yemenia 626 bị rơi ở Ấn Độ Dương khi đang trên đường từ Yemen đến Comoros trong năm 2009, làm 152 người chết.
Video đang HOT
Nếu xét nghiệm ADN là cần thiết thì các chuyên gia cần phải so sánh ADN lấy từ nạn nhân và người thân.
Tuy nhiên, Syndercombe cho biết, một thực tế là rất nhiều gia đình đã chết trên chuyến bay MH17, làm quá trình này trở nên phức tạp hơn chúng ta tưởng. “Trong trường hợp có rất nhiều thành viên của một gia đình cùng đi với nhau, có thể phải dựa trên ADN của những người thân xa hơn”, cô giải thích. “Thế nhưng, một khi xét nghiệm được thực hiện ngoài phạm vi ông, bà hoặc cô dì, chú bác thì nó trở nên khó khăn hơn”.
Đoàn xe tang chở quan tài các nạn nhân tới căn cứ quân sự Hilversum sau lễ đón tiếp.
Trong một số trường hợp, các nhà khoa học có thể phải dựa trên sự so sánh thay thế giữa ADN từ hài cốt và trên bàn chải đánh răng hoặc quần áo thuộc sở hữu của người chết, thay vì ADN từ những người thân của họ.
Van Roo nói họ đã bắt đầu thu thập thông tin chi tiết từ những người thân của các nạn nhân, với hàng chục chuyên viên đi phỏng vấn các thành viên trong gia đình. “Chúng tôi đã làm việc với gia đình của các nạn nhân. Chúng tôi yêu cầu họ mô tả nạn nhân, lấy DNA của họ, ghi chú đặc điểm răng hàm và lấy dấu vân tay”, ông nói với CNN.
Quá trình nói chuyện với người thân có thể tốn nhiều thời gian. “Họ phải cố gắng để có được càng nhiều thông tin càng tốt ngay trong chuyến thăm đầu tiên. Họ không được quên bất kỳ một câu hỏi nào. Sẽ rất đau đớn để trở lại gia đình họ và yêu cầu họ trả lời thêm một số câu hỏi bổ sung”.
“Nếu ai đó không được tìm thấy, hoặc một phần cơ thể không bao giờ được xác định, thì quá trình xử lý phải thực hiện một cách nhạy cảm”, Syndercombe nói.
“Đối với các chuyên gia tại Hilversum, những tuần tới, tháng tới sẽ khá bận rộn và khó khăn, nhưng tất cả mọi người đều thống nhất với một mục tiêu chung”, Van Roo chia sẻ.
Syndercombe thì cho biết, “đó là một công việc khó khăn, nhưng là một công việc tốt. Nó luôn luôn nghiệt ngã, nhưng chúng tôi làm điều này với suy nghĩ chúng tôi đang giúp đỡ người khác”.
Theo Khampha
Nhà làm phim Pháp gọi Đại tướng là Chú
Nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel nói rằng những lần được gặp, trò chuyện, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và xây dựng được bộ phim tài liệu về Đại tướng là niềm vinh dự và là tài sản quý báu không thể nào kể xiết.
Nhà báo Daniel trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà báo, nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel, từng là phóng viên thường trú báo L'Humanité (Nhân đạo) tại Việt Nam từ năm 1980-86, sau này trở thành nhà làm phim và là tác giả bộ phim tài liệu nổi tiếng "Điện Biên Phủ -Cuộc chiến giữa hổ và voi", trong đó khắc họa vai trò của nhà chiến lược quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp.
Nhà báo Daniel Roussel cho biết ông đã gặp và biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn chục lần, từ 35 năm nay trong đó có những lần cuộc trò chuyện kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Lần đầu tiên từ đầu những năm 80 và từ đó về sau ông thực hiện những cuộc phỏng vấn, ghi hình tại nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội, gặp Đại tướng ở miền Nam khi Đại tướngđi gặp các cựu chiến binh, ở rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam.
"Tôi đã có may mắn được là nhân chứng về các hoạt động của ông như là một chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam, như một nhà chính trị, như một con người bình thường, được biết ông thích gì, yêu gì trong đời sống riêng tư... Tôi gọi ông giản dị là 'Vị Đại tướng của tôi' hay 'Tonton' tức là 'Chú'. Rất nhiều lần trong những cuộc gặp ấy, tôi đã tự nhủ: Daniel, mình thật may mắn khi được nói về lịch sử với một con người đã làm nên lịch sử", ông Roussel nói.
Nhà báo Roussel ấn tượng về con người bình dị và hóm hỉnh của Đại tướng. "Tôi yêu thích cách ông trò chuyện rồi phá lên cười. Tôi còn nhớ một lần tôi xin phỏng vấn ông một câu cuối cùng. Đại tướng cười và bảo tôi là: 'Cậu giống tất cả những chàng phóng viên trẻ, lúc nào cũng nói là đặt câu hỏi cuối cùng nhưng rồi không phải'. Rồi Đại tướng kể chuyện ở Việt Nam có truyền thống thích con trai, gia đình có cậu con trai đặt tên là Út, nghĩa là cuối cùng, rồi sau đó mong có con trai nữa, thế là phải đặt là Út Hai, Út Ba rồi cứ thế không ngờ đến cả Út Bảy".
Con người Đại tướng rất giản dị, hóm hỉnh nhưng rất nghiêm túc và luôn hướng tới sự hoàn hảo. Trong những cuộc thảo luận của tôi với Tướng Giáp, ông nói tiếng Pháp thật tuyệt vời, sử dụng ngoại ngữ này một cách hoàn hảo.
Trong một lần phỏng vấn ông cho truyền hình về chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, cuối buổi phỏng vấn, ông còn nói với tôi rằng có thể ông đã có một số vấn đề về chia động từ, trong cách diễn đạt hay trong cách sử dụng các tính từ và ông muốn làm lại cuộc phỏng vấn.
Tôi đã nói với ông rằng "thưa Đại tướng, ngài trả lời không sai gì cả, hơn nữa ngài không phải là người Pháp nên có một số lỗi ngữ pháp cũng không sao". Tuy nhiên, tướng Giáp muốn sự hoàn hảo nên ông cứ muốn làm lại".
Nhà báo Roussel nói chi tiết lịch sử quan trọng nhất mà ông có được trong các cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng đã kể rằng đêm25/1/1954 trận đánh ở Điện Biên Phủ là đêm khó khăn nhất của cuộc đời Đại tướng.
"Ở cái đêm nổi tiếng 25/1/1954, khi mà quân đội Việt Nam đã sẵn sàng tấn công cứ điểm của quân Pháp nhưng rồi ông cảm thấy không ổn nên đã quyết định rút quân, chờ thêm nhiều tuần nữa để chuẩn bị hậu cần, vận chuyển vũ khí.
Ông đã không muốn đánh chớp nhoáng, hy sinh nhân lực để nhấn chìm cứ điểm trong vòng một tuần mà muốn "gặm nhấm" Điện Biên Phủ từng miếng một, từng cứ điểm một. Cuộc chiến đã kéo dài nhưng kết cục, ông đã là người chiến thắng".
Nhà báo Daniel Roussel. Ảnh: VOV
Nói về tình cảm của người Pháp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam, ông Roussel nói ông nghĩ rằng những người lính Pháp, những sĩ quan Pháp, với danh dự của họ, đều có sự tôn trọng với tướng Giáp và đều coi tướng Giáp là một vị chỉ huy quân sự lớn và ngược lại, khi Tướng Giáp đề cập đến các vị tướng Pháp, ông cũng có rất nhiều sự tôn trọng với họ.
"Tướng Giáp cũng từng kể lại, rất thích thú, về các kỷ niệm mà ông có với Thống tướng Leclerc khi tướng Leclerc ở Việt Nam. Ông cũng có những kỷ niệm với Tướng Salan, người đã đối địch với ông. Với tướng Giáp, ông không hề coi thường địch thủ mà luôn có sự tôn trọng với họ. Trong Bộ Tổng tham mưu Pháp khi đó thì mọi chuyện lại khác.
Không phải là họ coi thường Tướng Giáp mà là họ đã đánh giá thấp khả năng chiến đấu của các binh sĩ Việt Nam và từ đó đánh giá thấp Đại tướng. Họ đã cho rằng Việt Nam không có các trường quân sự lớn nên họ nghĩ có thể đánh bại quân đội Việt Nam một cách dễ dàng. Và họ đã nhầm! Cuối cùng họ đã hiểu rằng tướng Giáp không chỉ có sự hiểu biết uyên thâm để đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà sau đó còn chiến thắng nhiều trận đánh lớn trước quân Mỹ".
Nhà báo Daniel Roussel chia sẻ ngoài bộ phim "Điện Biên Phủ-Cuộc chiến giữa hổ và voi" sẽ được trình chiếu vào năm tới, trong năm giao lưu Pháp Việt và cũng là kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông sẽ làm thêm một bộ phim riêng về cuộc đời của Đại tướng, "cuộc đời của một người đàn ông, một công dân, một người cha, cuộc đời một chính trị gia, một người lính".
Đặc biệt, nhà báo Pháp có một ấn tượng sâu sắc trong các cuộc trò chuyện là Đại tướng kể rất nhiều về mối liên hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Đại tướng đúng là người con tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người tiếp bước những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm và để lại khi Chủ tịch ra đi. Ông là người áp dụng những nguyên tắc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đại tướng luôn bày tỏ sự tôn trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp nối những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy".
"Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tôi luôn nghĩ rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành biểu tượng của Việt Nam và tôi cũng chia buồn cùng với nhân dân Việt Nam trong nỗi mất mát những ngày này khi Đại tướng qua đời", phóng viên Pháp gắn bó với Đại tướng nói.
Theo VOV
Sử gia Mỹ và cuộc phỏng vấn Tướng Giáp năm 1990 Đại tướng nói 'Hãy nhớ rằng, tôi là một vị tướng chiến đấu cho hòa bình. Tôi muốn hòa bình, nhưng không phải hòa bình bằng bất cứ giá nào'. Nói rồi ông bước đi nhanh, để lại tôi trầm ngâm với những nghĩa trang và tượng đài", sử gia Mỹ Stanley Karnow viết. Nhà báo Mỹ kiêm sử gia về chiến tranh...