Vụ máy bay Su 22 gặp nạn: Các anh đều là phi công giỏi
Kể từ khi hai chiếc Su 22M4 do hai phi công có nhiều kinh nghiệm bay gặp sự cố trên biển, không khí làm việc ở Trung đoàn Không quân 937 càng tất bật, khẩn trương.
Biên đội hai chiếc Su 22M4 xuất kích (ảnh lớn). Đại úy phi công Nguyễn Anh Tú và con trai hơn 2 tuổi (ảnh nhỏ). (Ảnh: Tiền phong)
Tâm trạng ai cũng nặng nề, bồn chồn, vừa thương đồng đội vừa phải làm hết sức để cùng các đơn vị cố gắng tìm kiếm cho được, và sớm nhất hai chiếc máy bay cùng hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú.
Đến hết ngày 17/4, mặc dù các lực lượng không quân – trực thăng Mi 171 của Trung đoàn Không quân 917 Sư đoàn Không quân 370 cùng tàu chiến, tàu chức năng của các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng và cả ngư dân đã liên tục quần thảo nhiều giờ trên khu vực tọa độ nghi máy bay rơi gần hòn Tý, đảo Phú Quý nhưng vẫn không phát hiện dấu tích của hai phi công bị nạn.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hai phi công bị nạn, phóng viên Tiền phong đã tìm hiểu thêm thông tin về các anh qua các đồng đội, đồng chí đang công tác tại Trung đoàn Không quân 937 hoặc đã chuyển sang sư đoàn khác hay đã nghỉ hưu.
Cảm nhận chung ở đồng đội về trung tá phi công Lê Văn Nghĩa và đại úy phi công Nguyễn Anh Tú là sự lo lắng, chia sẻ hoàn cảnh các anh đang gặp phải, đồng thời mong muốn các đơn vị cùng phương tiện tìm kiếm trên biển sớm tìm thấy hai anh, vì thời gian từ khi máy bay bị nạn đến nay đã hơn một ngày, trong hoàn cảnh giữa biển cả mênh mông.
Trung tá phi công Lê Văn Nghĩa đạt trình độ phi công cấp 1 với hơn 1.000 giờ bay. Không chỉ là sĩ quan chỉ huy, anh còn là thầy dạy của nhiều thế hệ phi công trẻ Su 22M4 của Trung đoàn. Trong công việc, anh là người rất nghiêm túc, không chỉ bây giờ, ở cương vị sĩ quan chỉ huy cấp trung đoàn mà từ khi còn là phi công, cách nay hàng chục năm.
“Anh Nghĩa là phi công giỏi, chấp hành điều lệ rất nghiêm. Vào ngày bay thì không cà phê thuốc lá gì hết, đúng 9 giờ tối là lên giường ngủ để 4 giờ sáng hôm sau ra sân bay, xuất kích” – một phi công
kể lại.
Video đang HOT
Anh cũng được đồng đội và thế hệ phi công lớp đàn em nể phục khi luôn là người học giỏi hơn những bạn bè cùng khóa, luôn đi đầu trong công việc. Ở cương vị Phó Trung đoàn trưởng quân sự, đồng thời là thầy dạy các phi công trẻ anh rất quan tâm tới tâm tư nguyện vọng của anh em và đem kinh nghiệm bay của mình chỉ bảo tận tình cho lớp đàn em.
Một phi công trưởng thành từ Trung đoàn kể: “Bọn tôi là lớp phi công học lái chuyển loại trực tiếp từ máy bay L 39 qua Su 22M4. Tốc độ của Su 22M4 vượt âm thanh, rất nhanh nên mới đầu ai cũng… sợ. Anh Nghĩa là thầy hướng dẫn, bay kèm rất hiểu tâm lý, hướng dẫn rất dễ hiểu nên anh em phi công trẻ rất dễ tiếp thu”.
Đời thường của hai phi công
Là sĩ quan chỉ huy, đóng quân ở sân bay Thành Sơn, Phan Rang, Ninh Thuận nên anh Nghĩa ít có dịp về thăm nhà. Vợ anh là giáo viên, anh có hai cô con gái sống tại phường Tân Phong, quận 7, TPHCM. Việc chăm sóc con gái đành phó thác hết cho người vợ trẻ. Đơn vị đóng quân ở xa đô thị, anh có thú vui là sáng dậy thật sớm, đi bộ một mình. Thời gian rảnh, anh cũng cà phê với anh em.
Đại úy phi công Nguyễn Anh Tú sinh năm 1981, là một phi công có năng lực của trung đoàn. Anh hiện là phi công cấp 3 với khoảng 600 giờ bay. Anh vừa mới được bổ nhiệm cương vị Phi đội phó (tiểu đoàn phó) Phi đội 1 cách đây 2 tháng. Anh Tú là phi công nhiệt huyết với công việc. Anh Tú lập gia đình được 3 năm, vợ anh làm ở một cơ quan công chứng tại Phan Rang. Anh chị có một con trai. Hai vợ chồng anh đang ở thuê tại một căn hộ chung cư. Những lúc rảnh sau giờ làm việc phi công Nguyễn Anh Tú thích nhất là chơi bóng rổ hoặc bóng chuyền với đồng đội trước khi về nhà phụ vợ chăm sóc con trai.
Nhân chứng kể lại khoảnh khắc 2 chiếc Su-22 rơi trên biển Phú Quý
Thông tin trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Hùng (ngụ thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, thuyền trưởng) là người đã trực tiếp nhìn thấy máy bay tiêm kích Su-22 rơi ở vị trí cách đảo Phú Quý khoảng 7 hải lý.
Hai chiếc Su-22 được xác định rơi gần đảo Phú Quý (huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận). (Ảnh đồ họa: Ngọc Phạm – Dân Việt)
Ông Hùng cho biết, trong lúc đang đánh bắt hải sản xa bờ trên thuyền mang số hiệu 828 thì ông giật mình khi nhìn thấy một chiếc máy bay rơi ngay trước mặt.
“Tôi thấy một chiếc máy bay rơi sát thuyền liền la lên “chết chết, chiếc máy bay rớt bây ơi”. Lúc đó tôi đang câu mồi, tôi vừa ngó qua ngó lại đã thấy máy bay ở trên rớt xuống ngay trước mặt, nước văng tung tóe”, ông Hùng kể lại khoảnh khắc thấy một trong hai chiếc Su-22 rơi.
Trên thuyền lúc đó còn có con trai của ông Hùng và người này đã nhìn thấy một chiếc máy bay khác rơi xuống. Ông Hùng kể tiếp: “Lúc tôi la lên khi thấy máy bay rơi thì con tôi cũng giật mình, nhưng nó không thấy chiếc máy bay đấy mà lại thấy một chiếc khác rơi ở bên kia”.
“Tôi cũng có điện thoại di động nhưng vì câu mồi gần đây nên không đem điện thoại đi, chứ nếu có điện thoại thì tui đã báo về nhà để vợ con báo lại cho cơ quan huyện đội rồi”, ông Hùng nói.
Sau đó, ông Hùng cùng con trai đã di chuyển lại gần vị trí máy bay rơi với hy vọng cứu được người bị nạn thì thấy một vật nổi, nhưng không phải là thân máy bay. Ngoài ra, ông còn nhìn thấy “3 cái thùng không nhẹ, méo”. Trong khi ông Hùng cùng con trai đang lai dắt các vật nổi trên theo thuyền thì trực thăng cứu hộ tới.
“Khoảng nửa tiếng sau mới thấy máy bay cứu hộ màu vàng bay đến. Hai cha con tôi mừng, cột nón, giẻ để ra hiệu cho máy bay cứu hộ quay lại. Lúc này máy bay bay tuốt lên trên rồi mới quần xuống thông báo “Máy bay gặp nạn, không cho thuyền luẩn quẩn xung quanh các thùng dầu của máy bay” nên tôi thả dây ra”, ông Hùng tường thuật lại.
Theo_VietNamNet
Tiếp tục phát hiện động cơ và cánh máy bay Su - 22
Thông tin từ Bộ Quốc phòng cho hay, vào lúc 16h02 chiều 17/4, các lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được một động cơ máy bay và một cánh máy bay của chiếc Su -22 gặp nạn thuộc vùng biển Bình Thuận. Hiện các thợ lặn đang tiếp cận để tiến hành trục vớt.
Đội thợ lặn tiếp cận vị trí động cơ và cánh máy bay Su-22 bị rơi để tiến hành trục vớt.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, mảnh đuôi máy bay của máy bay tiêm kích Su-22M4 được tìm thấy tại vĩ độ 10.36.18 độ bắc, 108.21.18 độ đông, thuộc vùng biển Bình Thuận.
Cụ thể, vị trí đuôi máy bay được xác định cách vị trí đặt bia đánh dấu mục tiêu khoảng 1,5 hải lý. Hiện tại, các đội thợ lặn đang tiếp cận để trục vớt.
Hiện Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với ngư dân trên biển khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn 2 phi công rơi máy bay huấn luyện. Yêu cầu cao nhất và nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay là tìm kiếm 2 phi công mất tích. Trong ngày 17/4, các tàu chuyên dụng quét đa tia dò kim loại dưới mặt biển, lực lượng thợ lặn đặc công nước cũng đã đến hiện trường tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu hộ hiện nay gồm có: Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 918 và Sư đoàn 370 của (Quân chủng Phòng không Không quân), Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công), ngư dân Bình Thuận cùng 6 thợ lặn chuyên nghiệp đã được huy động tham gia tìm kiếm hai chiếc máy bay Su 22 của Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bị nạn.
Các đơn vị tìm kiếm cứu nạn đã thành lập hai sở chỉ huy. Sở chỉ huy thứ nhất đóng tại sân bay Phan Rang do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.
Sở chỉ huy thứ hai đóng tại đảo Phú Quý do Sư đoàn Không quân 370 tổ chức dưới sự chỉ huy của Đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Quân huấn Sư đoàn 370. Đến 16h02, các lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được một động cơ máy bay và một cánh máy bay.
Trong đêm 17/4, các thợ lặn và lực lượng đặc công cùng các lực lượng khác tiếp tục triển khai tìm kiếm hai phi công cùng các máy bay bị mất tích.
Riêng các máy bay tham gia tìm kiếm đã tạm dừng công việc lúc 16h30 do tầm quan sát vào ban đêm bị hạn chế, ảnh hưởng đến công tác tìm kiếm.
Tuấn Hợp
Theo Dantri
Tâm sự đau lòng của cha phi công lái Su-22 gặp nạn 24 giờ mong ngóng, thức trắng đêm không ngủ đợi tin con, nhưng ông Nguyễn Văn Thi - cha của đại úy, phi công Nguyễn Anh Tú giọng điềm tĩnh: "Tôi vẫn tin và chờ Tú về...". Suốt đêm, bên chén trà đặc cùng các đồng đội của con trai, ông Thi vẫn nhoẻn miệng cười trước mỗi câu chuyện về anh Tú,...