Vụ máy bay rơi tại Indonesia: Tạm dừng tìm kiếm do thời tiết xấu
Ngày 13/1, Indonesia đã tạm dừng hoạt động của thợ lặn tìm kiếm hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air bị rơi xuống biển hôm 9/1 vừa qua. Hoạt động tìm kiếm phải tạm dừng do thời tiết xấu.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm máy bay Hãng hàng không Sriwijaya Air bị rơi ở ngoài khơi Jakarta, Indonesia ngày 10/1/2021. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, người phụ trách chiến dịch tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay trên, ông Bagus Puruhito nêu rõ tình hình thời tiết tại khu vực tìm kiếm rất xấu, mưa to, gió mạnh, sóng biển dâng cao tới 2,5m, ảnh hưởng đến sự an toàn của lực lượng cứu hộ. Sương mù và mây đen cũng ảnh hưởng đến tầm nhìn và cản trở công tác tìm kiếm. Ông Bagus Puruhito cho biết hoạt động tìm kiếm có thể sẽ được nối lại vào sáng 14/1 do Cơ quan khí tượng Indonesia thông báo thời tiết sẽ chuyển biến tốt.
Ông Bagus Puruhito cũng lạc quan cho rằng lực lượng tìm kiếm sẽ sớm tìm thấy và trục vớt thành công hộp đen ghi âm buồng lái (CVR) của chiếc máy bay gặp nạn. Tuy nhiên, nhiều khả năng hộp đen này sẽ không còn nguyên vẹn và có thể ảnh hưởng đến dữ liệu bên trong. Qua quá trình tìm kiếm, lực lượng cứu hộ của Indonesia phán đoán rằng thiết bị này đã bị sự cố về đèn báo hiệu và hệ thống phát tín hiệu khiến radar gặp nhiều khó khăn trong việc dò tìm. Trước đó, các thợ lặn đã vớt được hộp đen lưu trữ dữ liệu chuyến bay (FDR).
Máy bay trên thực hiện chuyến bay số hiệu SJ 182 từ Jakarta tới thành phố Pontianak, thủ phủ của tỉnh West Kalimantan, gặp nạn sau khi cất cánh ít phút và rơi xuống vùng biển ngoài khơi thủ đô Jakarta. Toàn bộ 62 người trên máy bay, gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Được biết, máy bay này đã hoạt động 27 năm.
Video đang HOT
Hãng hàng không Sriwijaya Air được thành lập năm 2003, có trụ sở tại Jakarta, chủ yếu thực hiện các chuyến bay nội địa. Hãng này được đánh giá là hãng hàng không an toàn tại Indonesia.
Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Indonesia kể từ sau vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống vùng biển Java khiến 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng năm 2018.
Indonesia chưa thể trục vớt hộp đen máy bay gặp nạn
Thợ lặn hải quân Indonesia chưa thể thu hồi hai hộp đen máy bay gặp nạn do chúng nằm giữa nhiều mảnh kim loại sắc nhọn dưới đáy biển.
Tàu hải quân Indonesia hôm 10/1 đã thu được tín hiệu "ping" phát ra từ hai hộp đen trên chiếc Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air bị tai nạn. Chiếc máy bay chở 62 người lao xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta trong mưa lớn hôm 9/1.
Tài hải quân Indonesia tại vị trí trục vớt hộp đen. Ảnh: AP
Đô đốc Yudo Margono, tư lệnh hải quân Indonesia, cho biết các thợ lặn sử dụng thiết bị "định vị ping" công nghệ cao để xác định vị trí hộp đen dưới đáy biển toàn bùn ở độ sâu khoảng 20 mét, nhưng gặp nhiều khó khăn do hộp đen bị chôn vùi dưới hàng tấn mảnh kim loại sắc nhọn của xác máy bay.
Ông cho hay việc loại bỏ những chướng ngại vật này làm chậm nỗ lực trục vớt hộp đen. Một thiết bị lặn điều khiển từ xa đã được điều động tới vị trí tìm kiếm, ít nhất 160 người nhái hôm nay sẽ triển khai để đẩy nhanh nỗ lực thu hồi hộp đen.
Hơn 3.600 nhân viên cứu hộ, 13 máy bay trực thăng, 54 tàu lớn và 20 thuyền nhỏ đang tham gia cuộc tìm kiếm. Họ đã tìm thấy một số bộ phận của máy bay và thi thể nạn nhân ở độ sâu 23 mét.
Lực lượng cứu nạn đã chuyển 74 túi đựng thi thể tới khu vực nhận dạng của cảnh sát. Nạn nhân đầu tiên được nhận dạng hôm 11/1 là Okky Bisma, 29 tuổi, nam tiếp viên hàng không.
Thân nhân người gặp nạn đã tới cung cấp mẫu ADN cho các nhà điều tra. Cảnh sát cho biết cần 4-8 ngày để có kết quả. Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Rusdi Hartono cho hay khoảng 53 mẫu ADN đã được thu thập nhưng vẫn cần nhiều hơn, đặc biệt là mẫu từ cha mẹ và con cái của nạn nhân.
Thông tin trong hai hộp đen chứa dữ liệu hành trình bay và ghi âm buồng lái sẽ là chìa khóa giải thích nguyên nhân máy bay rơi. Hai thiết bị màu cam này sẽ tự động tách khỏi phần đuôi khi máy bay lao xuống biển và Indonesia đang tập trung tìm kiếm chúng ở khu vực giữa đảo Lancang và Laki ở phía bắc Jakarta.
Khi được trục vớt, hộp đen sẽ được trao cho Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia (NTSC), đơn vị giám sát cuộc điều tra. NTSC Indonesia cho hay Singapore sẽ hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm hộp đen và Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ sẽ tham gia điều tra.
Soerjanto Tjahjono, chủ tịch NTSC, loại trừ khả năng máy bay phát nổ giữa không trung sau khi xem xét tình trạng các mảnh vỡ mà thợ lặn tìm thấy. Ông cho biết máy bay vẫn còn nguyên vẹn trước khi va vào mặt nước với tốc độ cao, nên mảnh vỡ tập trung ở một chỗ, thay vì văng ra một khu vực rộng lớn nếu phát nổ giữa không trung.
Thảm họa làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng không Indonesia, ngành tăng trưởng nhanh sau khi nền kinh tế mở cửa vào cuối những năm 1990. Mỹ đã cấm các hãng vận tải Indonesia hoạt động tại Mỹ năm 2008 và xóa lệnh cấm năm 2016 với lý do Indonesia đã cải thiện và đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng không quốc tế. Liên minh châu Âu cũng dỡ lệnh cấm tương tự năm 2018.
Trong năm qua, ngành hàng không Indonesia bị ảnh hưởng đáng kể bởi Covid-19 hạn chế đi lại và giảm nhu cầu di chuyển. Sriwijaya Air trước đây chỉ xảy ra một số sự cố nhỏ, nhưng chưa từng bị rơi máy bay gây thiệt hại nhân mạng lớn.
Gập ghềnh nỗ lực phục hồi ngành hàng không của Indonesia Chuyến bay SJ 182 của hãng hàng không Sriwijaya Air gặp nạn ngày 9/1 vừa qua được coi là một khởi đầu tồi tệ, đặc biệt đối với ngành hàng không của Indonesia trong năm 2021. Tàu nghiên cứu của Hàn Quốc tới vùng biển gần thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 11/1/2021 để hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân trong...