Vụ mảnh thủy tin trong chai nước cam ép Splash: Coca-Cola Việt Nam thắng kiện
Phiên tòa phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới là nguyên đơn cung cấp 3 chai thủy tinh nước cam ép Splash cùng ngày sản xuất với chai nước dị vật.
Ngày 14/3, TAND TP. Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp thương mại giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình Minh (SN 1982, ở quận Bắc Từ Liêm) và Công ty TNHH nước giải khát Coca- Cola Việt Nam.
Theo đơn khởi kiện, ngày 5/10/2011, bà Minh mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash của hãng Coca-Cola (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011) do Chi nhánh Coca-Cola tại Hà Nội sản xuất. Trong số hàng này, bà Minh phát hiện có một chai Splash còn nguyên nắp chứa nhiều tạp chất, mảnh thủy tinh và mẩu giấy có viết chữ bên trong.
Bà Minh đã ủy quyền cho một công ty luật để làm việc với Coca – Cola Việt Nam. Do hai bên không thống nhất được việc giám định, nguyên đơn đã đưa vụ việc ra TAND quận Bắc Từ Liêm phân xử.
Cấp sơ thẩm đã tuyên bác đơn khởi kiện của bà Minh. Lý do là vật chứng (chai nước cam ép có dị vật) không phải sản phẩm do Coca-Cola Việt Nam hoàn thiện (dập nắp). Do đó không có căn cứ xác định Coca Cola Việt Nam có lỗi đối với hàng hóa có khuyết tật mà nguyên đơn khởi kiện.
Dù xuất trình thêm chứng cứ, song phía nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ, tên người bán hàng, không có tài liệu chứng minh sản phẩm của Coca-Cola.
Sau phiên tòa trên, nguyên đơn kháng án toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị buộc Coca – Cola Việt Nam phải bồi thường số tiền mua một chai nước cam ép Spalsh vào thời điểm mua là 7.500 đồng; có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện dị vật trong chai nước; công khai xin lỗi nguyên đơn và người tiêu dùng trên 5 số báo liên tiếp về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.
Tại tòa cấp phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Minh Hải (người được bà Minh ủy quyền) xuất trình 3 chai thủy tinh nước cam ép Splash có ngày sản xuất, lô sản xuất trùng với chai nước cam ép dị vật. Bà Hải và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích của nguyên đơn đã đề nghị tòa án giám định chứng cứ bổ sung để làm sáng tỏ vụ án.
Bác bỏ tình tiết mới, phía bị đơn cho rằng, 3 chai thủy tinh nước cam ép này không liên quan đến số hàng bà Minh đã mua.
Video đang HOT
Mặt khác, dù xuất trình thêm chứng cứ, song phía nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ, tên người bán hàng, không có tài liệu chứng minh sản phẩm của Coca-Cola. HĐXX nhận định không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng án của nguyên đơn.
Sau thời gian nghị án, TAND TP Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đỗ Mến
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Bác đơn kiện Công ty Coca - Cola Việt Nam sản xuất sản phẩm có dị vật
Một người tiêu dùng mua nước ép mang nhãn hiệu Splash của Công ty Coca Cola Việt Nam và chai này có tạp chất, hai ống thủy tinh vỡ bên trong.
TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ngày 23/9 mở phiên tòa xem xét đơn khởi kiện của khách hàng kiện Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola (viết tắt là Công ty Coca - Cola Việt Nam).
Theo nội dung vụ việc, ngày 5/10/2011, Nguyễn Thị Bình Minh (SN 1982, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mua một số chai nước cam ép thủy tinh mang nhãn hiệu Splash (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011, mã 2352 C3) do Chi nhánh Coca - cola Việt Nam tại Hà Nội sản xuất.
Sau đó, bà Minh phát hiện trong số đó có 1 chai nước Splash chứa nhiều tạp chất và hai ống thuỷ tinh vỡ.
Phiên tòa xem xét đơn khởi kiện của người tiêu dùng với Công ty Coca - Cola Việt Nam.
Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nguyên đơn ủy quyền cho người đại diện để làm việc với Coca - Cola Việt Nam nhưng không kết quả.
Vì vậy, nguyên đơn đã làm đơn khởi kiện, mục đích khi khởi kiện Coca - Cola Việt Nam không phải chỉ vì quyền lợi của cá nhân mà còn hướng tới lợi ích chung của người tiêu dùng Việt Nam.
Phía nguyên đơn - người tiêu dùng yêu cầu tòa xem xét để tuyên bị đơn hoàn trả cho nguyên đơn khoản tiền tương đương với tiền mua 1 chai nước cam ép Slash vào thời điểm thanh toán.
Nguyên đơn cũng yêu cầu Coca - Cola Việt Nam có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện tạp chất, ống thuỷ tinh trong sản phẩm nước cam ép Splash. Đồng thời xin lỗi công khai trên báo 5 số liên tiếp đối với cá nhân nguyên đơn nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.
Trong vụ việc này, TAND quận Bắc Từ Liêm đã 2 lần trưng cầu giám định Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an.
Theo Kết luận giám định số 1894/C54 (P3) ngày 29/8/2013 của Viện Khoa học hình sự, dấu vết dập ép ở nắp chai thủy tinh nhãn hiệu Splash Minutenid có đặc điểm khác với đặc điểm của dấu vết dập ép ở nắp của 63 chai (Coca - Cola gửi mẫu làm so sánh); không phát hiện dấu vết mở ra và đóng lại ở nắp.
Kết quả này chưa cụ thể nên tòa tiếp tục trưng cầu những nội dung khác: "Chai thủy tinh có nhãn Splash Minutemaid có phải là sản phẩm của Coca - Cola Việt Nam sản xuất không; chỉ tiêu kiểm tra đóng chặt của nắp chai; chỉ tiêu hàm lượng đường trong sản phẩm, vị - mùi, ngoại quan của sản phẩm".
Từ đây, Viện Khoa học hình sự có Kết luận giám định số 288/C54 (P4) ngày 5/1/2015 nêu, các màu in trên nhãn của chai thủy tinh được giám định đều cùng loại với các màu tương ứng in trên nhãn chai Minute Maid Splash do Coca - Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp; sơn màu đỏ trên nắp chai thủy tinh cùng loại sơn, khác màu màu với sơn màu vàng của nắp chai nhãn Minute Maid Splash do Coca - Cola cung cấp làm mẫu so sánh; thành phần và các chỉ tiêu hóa lý của chai nước và mẫu do Coca - Cola Việt Nam cung cấp tương tự nhau; mẫu giám định chỉ có 1 chai nên không kiểm tra được độ kín của nắp chai.
Về kết luận giám định, tại diễn biến phiên tòa sáng nay, giám định viên của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an giải thích, Viện Khoa học Hình sự, không có máy đo độ kín nắp chai nên đã liên hệ với các đơn vị khác.
Tuy nhiên, các đơn vị này cũng không có máy móc nên phải sử dụng thiết bị của Công ty Coca - Cola Việt Nam.
Nếu dùng máy này, phải dùng vòi bơm khí; thao tác có thể khiến nắp bị bật ra, thành phần trong chai cam ép sẽ không chính xác nữa. Mẫu chỉ có duy nhất 1 chai nên không kiểm tra được độ hở-kín của nắp chai.
Về thành phần trong chai cam ép, giám định viên trình bày, khi phân tích các thành phần trong chai nước được gửi đến, cơ quan giám định dựa trên bảng công bố tiêu chuẩn của Coca - Cola Việt Nam để đối chiếu.
Chai nước được giám định, thành phần chính là chất tạo màu, cam ép, chất bảo quản... đều nằm trong khung tiêu chuẩn cho phép của Coca - Cola.
Theo giám định viên Kết luận giám định chỉ có thể kết luận là tương đối, không thể kết luận là 100%.
Được hỏi về sự khác biệt ở nắp chai, giám định viên giải thích, năm 2011, nắp chai của Coca-Cola có màu đỏ hồng, nắp chai gửi đến đối chiếu màu vàng. So sánh đặc điểm dấu vết, độ uốn lượn cong của các đường gờ là khác nhau....
Sau một ngày làm việc, HĐXX quyết định bác đơn khởi kiện của người tiêu dùng. Theo HĐXX, vật chứng khởi kiện là chai nước ép mang nhãn hiệu Splash khác so với hơn 60 mẫu mà Coca - Cola đưa ra so sánh tại tòa.
Do vậy, HĐXX nhận định, không có căn cứ xác định sản phẩm chai nước ép mang nhãn hiệu Splash (vật chứng) là của Công ty Coca - Cola sản xuất và hoàn thiện./.
Việt Đức
Theo_VOV
Bất ngờ hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ khách hàng kiện Coca Cola Việt Nam Vụ việc khách hàng kiện Công ty TNHH Nước giải khát Coca Cola Việt Nam sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 31/12/2015 nhưng bất ngờ bị hoãn. Liên quan đến vụ khách hàng kiện Coca Cola Việt Nam, theo dự kiến, hôm nay (31/12), Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử...