Vụ mặc cả Ukraine và nguy cơ bị luận tội của Tổng thống Trump
Trump hiện đang bị cáo buộc có hành vi phi pháp khi sử dụng khoản viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD để bắt ép Ukraine điều tra đối thủ chính trị trong cuộc đua vào ghế chủ nhân Nhà Trắng năm 2020 là Joe Biden.
45 năm sau vụ Watergate, 20 năm sau bê bối của Bill Clinton, cơ chế luận tội một lần nữa lại được “hồi sinh” ở Washington.
Bên cạnh những chia rẽ sâu sắc cố hữu, nỗ lực của phe Dân chủ nhằm “hất cẳng” Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có khả năng “đầu độc” đời sống chính trị của xứ cờ hoa ở mức độ cao hơn những màn luận tội trước đó trong lịch sử nước này.
Tình thế đổi thay chỉ trong chớp mắt
Thứ Hai đầu tuần, Washington bước vào guồng làm việc với tâm thế trông đợi theo dõi những thông tin kịch tính trong tuần được hé lộ quanh vị tổng thống của họ tại kỳ họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ở New York.
Thế nhưng, dường như chỉ trong chớp mắt, mọi thứ đổi thay chóng vánh đối với ông Trump, phe đa số Dân chủ tại Hạ viện và cả các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện.
Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn báo chí hôm 26/9. Ảnh: AP
Trong vài tuần tới, câu chuyện về nội dung các cuộc trao đổi của Trump với người đồng cấp Ukraine, và liệu rằng ông có phạm luật, phá vỡ những nguyên tắc căn bản nhất trong hiến pháp hay chăng sẽ được mổ xẻ và thậm chí là bị bóp méo trong một “ma trận” chính trị.
Nhưng dù gì đi nữa, sau một tuần đầy những sự rò rỉ, bế tắc giữa Trump và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, những sự tiết lộ chấn động cùng như màn đặt cược của các “trung gian” quyền lực chủ chốt, sự thật về vụ việc đang bắt đầu hé lộ dần.
Trump hiện đang bị cáo buộc có hành vi phi pháp khi sử dụng khoản viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD để bắt ép Ukraine điều tra đối thủ chính trị trong cuộc đua vào ghế chủ nhân Nhà Trắng năm 2020 là Joe Biden.
Có vẻ như ông Trump cho rằng có thể chứng minh bản thân trong sạch bằng động thái công khai nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 25/9.
Nhưng hóa ra, động thái này của ông đã khiến tình hình thêm xấu đi. Dù phe Cộng hòa kiên quyết cho rằng không có sự “đổi chác” nào ở đây cả, song theo hãng tin CNN, văn bản trên cũng đã cho thấy ông Trump đề nghị ông Zelensky “giúp đỡ”.
Video đang HOT
Lãnh đạo Mỹ – Ukraine gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: AFP
Còn nhớ năm 2016, ông Trump đã vấp phải cáo buộc dù biết nhưng vẫn trục lợi từ kế hoạch can thiệp bầu cử Mỹ của Nga. Còn theo những cáo buộc gần đây nhất, thì ông đã đặt cái danh “can thiệp bầu cử” năm 2020 vào chính tay mình.
Sự việc diễn biến theo chiều hướng u ám hơn một cách đáng kể với việc ngày 26/9 công bố nội dung tố cáo mà Nhà Trắng đã tìm cách “ém nhẹm” nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng có thể là trầm trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Người tố cáo – hiện vẫn chưa rõ danh tính – đã cáo buộc Tổng thống Trump “sử dụng quyền hành để có được sự can thiệp từ nước ngoài trong cuộc bầu cử Mỹ 2020″.
Trong một chi tiết không kém phần quan trọng, người tố cáo cũng buộc tội Nhà Trắng tìm cách che đậy bằng chứng về hành vi của ông Trump. Báo cáo trên khẳng định các quan chức đã được yêu cầu lấy bản ghi cuộc trao đổi Trump – Zelensky từ hệ thống máy tính được xếp loại mật, dành cho các thông tin an ninh quốc gia nhạy cảm nhất.
Lộ trình luận tội
Phe Dân chủ giờ đây tin rằng họ đã sở hữu một “lộ trình” cho tiến trình luận tội mà bà Pelosi đã thông báo hôm 25/9, sau nhiều tháng tìm cách kìm hãm làn sóng tự do.
Sự đắn đo bấy nay của bà có thể càng tăng thêm sức mạnh cho phe Dân chủ, bởi hiện họ có thể lập luận rằng, chính những bằng chứng mới tinh về sự phạm pháp, chứ không phải những sự kiện tranh cãi mà công tố viên đặc biệt Mueller đưa ra, đã buộc họ phải “ra tay”.
Hôm thứ Năm vừa qua, Pelosi đã giao cho Adam Schiff – nhân vật thuộc ủy ban Tình báo vai trò chỉ đạo cuộc điều tra luận tội. Động thái đầu tiên mà Schiff đưa ra là công bố bản tố cáo của người tố cáo ngay trước phiên điều trần với quyền Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Joseph Maguire, nhân vật bị phe Dân chủ cáo buộc cản trở bản tố cáo đến với Quốc hội Mỹ.
Theo ông, nội dung văn bản quan trọng này sẽ cung cấp “lộ trình” tạo động lực để ủy ban tiến hành phỏng vấn các nhân chứng và yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến vụ việc.
Về phần mình, sau cú choáng váng ban đầu do tình thế bất chợt đảo chiều, thì Nhà Trắng hiện đã thủ thế phòng vệ.
“Tôi muốn biết đó là ai, ai đã cung cấp cho kẻ tố cáo thông tin? Vì điều đó không khác gì gián điệp cả”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước các nhà ngoại giao Mỹ ở Liên hợp quốc
“Chúng tôi thấy nhiều thành viên đảng Dân chủ phí 2 năm rưỡi qua cho những cáo buộc vô căn cứ và họ cứ tìm cách đảo ngược ý chí của người dân Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence
Vậy còn phản ứng của nhân vật cũng bị xướng tên trong vụ việc lần này – phó tướng dưới thời Tổng thống Obama, ông Biden như thế nào? Dĩ nhiên, vị chính khách kỳ cựu đã đưa ra những phát biểu hướng đến chủ đề trọng tâm của chiến dịch tranh cử của mình, đó là ông Trump không phù hợp với phòng Bầu dục.
Thế nhưng, công bằng mà nói, những khẳng định của Trump rằng Biden cùng con trai Hunter tham nhũng tại Ukraine và Trung Quốc – dẫu hiện không có bằng chứng – cũng đủ để đe dọa đến tương lai chính trị của cựu phó tổng thống Mỹ.
Đám đông ủng hộ luận tội ông Trump tại Washington, Mỹ hôm 26/9. Ảnh: AP
Trước tuyên bố tại buổi gây quỹ phục vụ tranh cử ở California của Biden rằng Trump “thích nhờ sự giúp đỡ của nước ngoài để đắc cử”, thì không ít người lên tiếng về “phe Trump”.
Đơn cử như Mike Conaway – nghị sỹ bang Texas lập luận rằng Trump hoàn toàn có quyền đề nghị một người đồng cấp nước ngoài điều tra tham nhũng, mượn cách lý giải của Nhà Trắng về cuộc điện đàm với Zelensky rằng: “Việc một tổng thống đề nghị một tổng thống khác hỗ trợ thực thi luật pháp trong vụ việc nghi có sai phạm là hoàn toàn thích đáng”.
Như vậy, sau 1 tuần lễ đầy thăng trầm, nước Mỹ đang đối diện với một thực tế là cơn ác mộng mới về câu chuyện luận tội tổng tư lệnh của họ hình như chỉ mới bắt đầu. Và diễn biến của nó, dù khó nói trước, nhưng sẽ có tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, cũng như cuộc bầu cử quan trọng sắp tới ở xứ cờ hoa.
Hoàng Bách
Theo baonghean/CNN
Lãnh đạo El Salvador chụp ảnh selfie ngay trên bục phát biểu ở LHQ
Chỉ bằng một bức ảnh chụp tự sướng, lãnh đạo El Salvador đã truyền tài thông điệp tương đương cả nghìn từ tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Mở đầu bài phát biểu trong kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ông Nayib Bukele đã cười rất tươi và chụp một bức ảnh tự sướng (ảnh selfie) ngay trên bục phát biểu.
"Tin tôi đi. Một khi tôi chia sẻ bức ảnh selfie này, nhiều người sẽ nhìn thấy nó hơn là lắng nghe bài phát biểu của tôi", tổng thống 38 tuổi của El Salvador nói, theo AP.
Ông Bukele cho biết ông chụp bức ảnh để thể hiện quan điểm rằng kỳ họp của Liên Hợp Quốc "ngày càng trở nên lỗi thời" và cần phải bắt kịp sự phát triển của công nghệ.
Lãnh đạo El Salvador chụp ảnh tự sướng ngay trên bục phát biểu. Ảnh: AP.
Lãnh đạo El Salvador đề nghị Liên Hợp Quốc tổ chức họp qua gọi video hoặc thông qua một nền tảng trực tuyến, giúp các nhà lãnh đạo có thể tham dự mà không phải bỏ lại công việc ở quê nhà.
"Một tuần ở Mỹ làm việc theo cách này thật lãng phí thời gian, bởi chúng ta có thể giải quyết các vấn đề quan trọng đối với đất nước mình. Những chiếc điện thoại thông minh của chúng ta là tương lai của Đại hội đồng", ông nói.
Ông cũng đề nghị Mỹ mời người dân đề xuất các giải pháp chống biến đổi khí hậu, nghèo đói và các vấn đề toàn cầu khác, đồng thời trao giải thưởng trị giá 10.000 USD cho những người trẻ tuổi có kiến nghị "thành thật" và truyền cảm hứng.
Bên lề kỳ họp của Đại hội đồng, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng tận dụng cơ hội để gặp mặt trực tiếp các người đồng cấp khác. Ví dụ, hôm 25/9, ông Bukele đã gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
El Salvador là quốc gia đang vật lộn với tình trạng nghèo đói và bạo lực. Các băng đảng giết người hoạt động ở nhiều nơi trên đất nước, khiến người dân cố gắng di cư đến Mỹ.
Ông Bukele cho rằng Liên Hợp Quốc nên thay đổi hình thức họp. Ảnh: AP.
Khi được hỏi tại sao không nói về đất nước mình trong bài phát biểu, lãnh đạo El Salvador cho rằng ông đã thảo luận về vấn đề đó trên các diễn đàn khác. Nhắc lại điều này ở Đại hội đồng sẽ không tạo ra sự khác biệt nào.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo chụp ảnh selfie tại sự kiện trang trọng. Trước đó, tổng thống Mỹ Barack Obama, thủ tướng Anh David Cameron và thủ tướng Hà Lan Helle Thorning-Schmidt cũng chụp ảnh selfie cùng nhau tại lễ tưởng niệm tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 2013.
Theo New zing.vn
Khu phi quân sự biên giới liên Triều có thể trở thành khu hòa bình quốc tế? Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất chuyển Khu phi quân sự (DMZ), chia đôi bán đảo Triều Tiên, thành khu vực hòa bình quốc tế với sự giúp đỡ của LHQ. Ông Moon đưa ra ý tưởng trong khi phát biểu hôm 24/9 tại phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. DMZ, cắt ngang...