Vụ lương “khủng”: Chất xám đặc biệt và tài đánh trận giả
Chẳng cần có hiểu biết sâu như các chuyên gia thì hầu như bất kỳ người dân nào cũng không thể “tâm phục khẩu phục” được với những lý lẽ rõ ràng vẫn cố biện minh cho mức lương thưởng “lậu”…khủng của các “ông bự” trong nhiều DNNN.
(minh họa: Ngọc Diệp)
Chất xám đặc biệt
“Tài năng” hay nói cách khác là “chất xám” gắn với hiệu quả công việc được người ta đưa ra để làm luận điểm chính bào chữa cho những cái “khủng” dành cho các sếp bự. Điều đó xem ra trái ngược hoàn toàn với những hồi chuông cảnh báo luôn được gióng lên, về nguồn chất xám quý giá của đất nước vẫn chưa nắn được dòng để chuyển từ hướng ngoại sang hướng nội.
Lẽ ra dân tình phải rất vui và mừng thay cho những nhân tố tích cực nay đã trở lại, nếu bức tranh về chất xám đúng như Thanh Phucnghesyd@yahoo.com “vẽ” ra:
“Các vị ấy bỏ chất xám thì phải được hưởng thế là đúng, không thể cào bằng được. Thế nào là thúc đẩy xã hội phát triển? Ai có tài mà không nhận lương khủng là việc của người ấy và họ đúng là vì dân, vì nước. Còn các ông sếp đó có tài thì cần được đối xử khác, không thể so với công nhân LĐ thông thường được…”
Nhưng “chất xám” – tài năng – của các sếp “khủng” đó ra sao, hãy xem hình ảnh trực diện của nó qua góc nhìn từ chính thực tế xã hội:
“Có ai bảo &’cào bằng’ đâu nào, nhưng &’chất xám’ của các sếp nhà ta… xám xịt đến như đất bùn hay sao mà lại gấp trăm lần công nhân lao động – những người phải dầm sương giãi nắng, chịu bao vất vả và cả hiểm nguy…???” - Baclam: baclam@yahoo.com
“Ông Thanh Phuc không hiểu ư? Người ta không nói đến vấn đề cào bằng với công bằng, ở đây nói đến việc vi phạm pháp luật về lao động – tiền lương. Tại sao không chi trong quỹ lương của Ban điều hành mà lại &’ăn’ sang quỹ lương của người lao động? Đây là loại chất xám gì? Hay là loại chất xám để… &’ăn’ người?” – Long: vongvtbp@gmail.com
“Đồng ý là có tài phải hưởng lương cao, nhưng không ký hợp đồng với người lao động làm việc đã lâu năm, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, lấy quỹ lương của người lao động chi lương cho mình…Những cái đó chỉ có thể gọi là tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng vạn lao động, ảnh hưởng tới tiền thuế của dân!” – Thang: langtu170985@yahoo.com
“Công nhân bây giờ cũng toàn chất xám cả đấy, bác Thanh Phuc à. Người ta làm việc rất vất vả mà chế độ không được hưởng bao nhiêu đâu. Sếp thì lương cao hơn cũng là đúng rồi, nhưng vừa phải thôi chớ. Nhiều ông mang tiếng sếp mà sáng xách… người đi, tối xách về sau khi đã chén anh chén em các kiểu… Còn công nhân thì sao? Nhiều người thậm chí đi làm không kịp ăn sáng, trưa không kịp nghỉ, không kịp ăn vì phải lo làm cho xong việc…. Lương không đủ sống lại bị trừ thuế. Tôi có người bạn làm mấy năm vẫn chỉ là… culi thời vụ, không chế độ gì cả, lễ tết được 200 ngàn cũng bị trừ thuế. Làm thêm giờ cũng vậy, đang ngủ cũng phải dậy đi làm dù giờ đó mọi người đang ngon giấc… Vậy mà có được bồi dưỡng gì đâu, có được trả công thêm đâu dù anh ta mang tiếng làm ở công ty viễn thông lớn nhất nhì cả nước??? – Đỗ Thị Ngọc Trâm: tramkittytrinh@gmail.com
“Tài tham ô, tài vơ vét thì có. Tài thật thì thành lập công ty riêng đi mà hưởng lương cao, sao phải dựa vào ghế công chức để móc tiền thuế của dân? Biết là không cào bằng được nhưng thử hỏi nhiệm vụ của mấy sếp ấy quan trọng cỡ nào mà hưởng thụ hơn cả… nguyên thủ?” – Dao Vuivui: daovuivui@yahoo.com.vn
Video đang HOT
(minh họa: Khều)
Tài đánh trận giả
Hiệu quả công việc là cách thuyết phục hữu hiệu nhất, nhưng thực tế từ khối doanh nghiệp nhà nước nói chung suốt bao năm qua đã cho dân những bài học cay đắng rằng các sếp nhà ta thường chỉ giỏi đánh trận giả mà lại hưởng thụ thật!!!
“Đọc những bài này thương dân mình muốn khóc. Động mưa là lụt. Mưa xong cả ngày trời nước chưa rút. Đường phố thì chật chội, ống cống ngay giữa đường. Nếu bạn đi trên đường Quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng) sẽ thấy rất nhiều chỗ dân sống chung với rác. Đặc biệt là chân cầu 18 (cửa ngõ vào thành phố Bắc Ninh) sẽ thấy một núi rác khổng lồ mà có lẽ không nơi nào trên thế giới có thể có được. Người dân vẫn hàng ngày phải sống chung với nó. Tôi chưa hiểu đến lúc nào nước mình mới có thể thoát khỏi những tình cảnh đó??? Tôi đã từng đi hết con đường cao tốc L – HL và thực sự giật mình khi thấy giá trị con đường đó mang lại có lẽ phải nói là… không gì cả. Tiền của chúng ta ở đây đấy, các bạn ạ!” – Thanh Thúy: thanhthuy@sonhaiphong.com
“Sếp to, sếp nhỏ gì thì tiền lương cũng phải dựa vào chế độ chính sách quy định của nhà nước và phải dựa trên kết quả lao động cống hiến cho xã hội. Đặc biệt là phải gắn với sự phát triển kinh tế của xã hội, của người lao động. Tại sao lại có những sếp nhận lương khủng vậy? Đề nghị Chính phủ kiểm tra các doanh nghiệp công ích trên toàn quốc vì chuyện lương khủng này không chỉ có ở TP HCM đâu, đó là điều chắc chắn. Sự chênh lệch khủng về lương giữa sếp với nhân viên thực tế đã xảy ra ở nhiều TP lớn, kể cả ở Huế, nhưng không ai trong các cơ quan đó dám nói ra” – Xuân An:xuanan82774@yahoo.com.vn
“Mạnh tay chi và nhận lương khủng – một dạng biến tướng của tham nhũng, đồng thời công khai thách thức dư luận và bất chấp quy định về tiền lương. Không phải không có luật về tiền lương và tiền thưởng, mà những con &’sâu mọt’ này cố tình ngang nhiên lấy công quỹ chi cho riêng mình. Phải truy tố tội danh này một cách thích đáng chứ không thể chỉ thu hồi và nộp lại lãi suất ngân hàng trong mấy năm qua” – Nhu Lan: nhulanskynet@yahoo.com
Kết luận cũng như đối với bao vụ việc các cơ quan chức năng kêu là phức tạp, thì đối với dân lại rất đơn giản và chẳng khó khăn gì mà không “bật mí”:
“Giải thích đơn giản thôi: Bởi vì họ có độc QUYỀN rồi họ tự cho mình sự chuyên QUYỀN với lý do họ “có cái QUYỀN làm vậy”???” – BTD:quoctuan.btd@gmail.com
“Đây là tội tham lũng có kiến thức, có trình độ. Cần xử lý nghiêm minh!” - Nguyễn Tấn Sỹ: tansybmt@gmail.com
“Có giỏi thì cứ chinh chiến ra ngoài mà làm bằng vốn của mình thì mới được XH phục” – LongND: gatrongtroi2212@gmail.com
Theo VNE
"Bòn rút" người lao động để chi lương "khủng" cho sếp
Như Dân trí đã đưa tin về mức lương tiền tỷ của nhiều sếp doanh nghiệp công ích tại TPHCM, để có thể chi mức lương tiền tỷ này cho các sếp, các doanh nghiệp này phải "bóp mồm, bóp miệng" những người lao động trực tiếp làm những công việc nguy hiểm, độc hại.
Lương "sếp" gấp 41 lần lương "lính"
Ai cũng tưởng doanh nghiệp công ích lấy phục vụ xã hội là chính, lợi nhuận là thứ yếu nên thu nhập cũng chưa từng được xếp vào diện "soi xét". Nhưng khi mức lương lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm của lãnh đạo 4 doanh nghiệp công ích ở TPHCM vừa được công khai thì ai cũng phải giật mình.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu các ban ngành liên quan tập trung phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập của các doanh nghiệp công ích này vì nó cao hơn nhiều so với mặt bằng chung và không phù hợp với tính chất của hoạt động công ích.
Điều đáng giật mình hơn là để có thể chi các khoản lương khủng trên cho sếp, hàng loạt người lao động trực tiếp bị chèn ép, đối xử bất công và chi lương "bèo bọt".
So với mức lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố (hơn 7,3 triệu đồng/tháng) thì lương bình quân của người lao động tại 4 doanh nghiệp công ích vừa bị thanh tra (công ty Thoát nước đô thị, công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, công ty Công trình giao thông Sài Gòn, công ty Công viên cây xanh) cao gấp 4 lần (hơn 22,2 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, mức lương cao ngất ngưỡng đó chỉ dành cho những lao động thường xuyên của các doanh nghiệp trên. Còn những lao động thời vụ, những người trực tiếp làm công việc nặng nhọc tại các doanh nghiệp công ích này như chặt cây, thông cống, bảo trì đường dây điện, đào đường... lại được trả mức lương vô cùng khiêm tốn.
Lương giám đốc Công ty thoát nước đô thị lên đến 2,6 tỷ đồng/năm và cao gấp 41 lần so với những công nhân trực tiếp làm những công việc nặng nhọc này
Cụ thể, tại công ty Thoát nước đô thị, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 chỉ là 5,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 20% lương lao động thường xuyên (25,6 triệu đồng/tháng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (111,2 triệu đồng/tháng).
Tại công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 7,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 14% lương lao động thường xuyên (55,3 triệu đồng/tháng), và chưa bằng 5% lương viên chức quản lý (164,6 triệu đồng/tháng).
Tại công ty Công trình giao thông Sài Gòn, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 4,5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 18% lương lao động thường xuyên (25,7 triệu đồng/tháng), và chỉ bằng 7% lương viên chức quản lý (61,8 triệu đồng/tháng).
Chênh lệch thấp nhất là tại công ty Công viên cây xanh. Tại đây, lương bình quân của lao động thời vụ năm 2012 là 9 triệu đồng/tháng nhưng cũng chỉ bằng 58% lương lao động thường xuyên (15,4 triệu đồng/tháng), và bằng 17% lương viên chức quản lý (52,5 triệu đồng/tháng).
Còn so sánh lương của lao động thời vụ với lương của giám đốc các doanh nghiệp công ích này thì chẳng khác nào... lấy kiến so với voi. Đơn cử như tại công ty Thoát nước đô thị, lương của giám đốc lên đến 2,6 tỷ đồng/năm, cao gấp 41 lần mức lương bình quân của lao động thời vụ tại công ty này.
Đối xử bất công đối với những người lao động trực tiếp
Các thủ đoạn "bòn rút" người lao động tại các doanh nghiệp công ích trên được Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể trong thông báo kết luận mà Văn phòng UBND TP ban hành ngày 26/8.
Cụ thể, công ty Thoát nước đô thị bất chấp luật Lao động mà ký hợp đồng lao động thời vụ đối với 163 người lao động thường xuyên và ký hợp đồng có thời hạn đối với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn. Nếu tính sơ sơ thì chỉ riêng hơn 500 trường hợp sai phạm này, với mức lương chênh lệch đến 20 triệu đồng/người/tháng giữa lao động thường xuyên và lao động thời vụ thì quỹ lương doanh nghiệp cũng "tiết kiệm" được 10 tỷ đồng/tháng để "bù" cho lương, thưởng của các viên chức quản lý.
Tại công ty Công trình giao thông Sài Gòn, 120 người lao động thường xuyên cũng chỉ được công ty này ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn dưới 3 tháng và 94 lao động đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn cũng chỉ được ký hợp đồng có thời hạn.
Từ đó, ông Lê Mạnh Hà yêu cầu 2 công ty trên giao kết lại hợp đồng lao động với tất cả các trường hợp trên đúng theo bộ luật Lao động. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi của người lao động đã bị công ty tước đoạt từ những năm trước đây cho đến nay như bảo hiểm xã hội và các quyền lọi khác; đền bù những thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong công ty.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng yêu cầu 2 công ty trên báo cáo nguyên nhân và quan điểm khi thực hiện đối xử bất công đối với một bộ phận người lao động, những người lao động trực tiếp trong điều kiện khó khăn, độc hại và nguy hiểm.
Ông cũng yêu cầu các công ty trên báo cáo nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng thu nhập cao bất thường của viên chức quản lý, mức lương bình quân cao hơn nhiều so với bình quân chung và trả lương bất bình đẳng trong nội bộ doanh nghiệp; không phân biệt đối xử đối với những người lao động trong công ty.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà yêu cầu các doanh nghiệp trên "tập trung phân tích về quan điểm của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chi lương cho giám đốc doanh nghiệp công ích cao bất thường và cao hơn nhiều lần lương trung bình toàn công ty, và đặc biệt là hơn rất nhiều lần của lao động thời vụ".
Đồng thời, ông chỉ đạo công ty Thoát nước đô thị, công ty Công trình giao thông Sài Gòn và công ty Chiếu sáng công cộng kiểm tra nội bộ để tự phát hiện chi tiền lương, thưởng cho các viên chức quản lý sai quy định của những năm trước 2011, thu hồi toàn bộ số tiền chi sai. Sau khi có kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm từng cá nhân sai phạm và đề xuất hình thức kỷ luật trình UBND TP.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh - Xã hội xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật lao động của các công ty trên, đồng thời mở rộng thanh tra tình hình tại những công ty này các năm trước 2011 và thanh tra thêm công ty Công trình cầu phà. Sở này cũng phải phối hợp cùng Sở Nội vụ để đề xuất hình thức kỷ luật đối với tập thể và cá nhân sai phạm.
Hồng Tâm - Tùng Nguyên
Theo Dantri
Cay đắng khi sếp vay tiền không trả Có hôm vừa lên định mở miệng nói thì chị nói xa nói gần bảo rằng, cái vị trí của em tốn hàng trăm triệu cũng chẳng vào được. Em thế là quá hên, quá may mắn đấy nhé, đừng có mà đòi hỏi gì nữa. Tôi cảm thấy rất ức chế... Câu chuyện thứ nhất: Tình đời đen bạc Mẹ tôi từng...