Vũ Luân và chuyện bị khán giả bày trò “phục kích”
“ Xe đang chạy thì thấy có cái bàn giữa đường. Tài xế vừa bước xuống để nhấc bàn ra thì khán giả ở đâu ùa ra, bu lấy xe”, Vũ Luân kể.
Tổ nghiệp thương cho Vũ Luân sự nổi tiếng dễ dàng và nhanh chóng ngay từ những ngày đầu bước chân theo nghề. Nhưng cũng bởi Vũ Luân làm cái gì cũng dễ dàng thành công, ăn nên làm ra khiến nhiều người ghen ghét, khó chịu. Họ ăn không được thì tìm cách quậy phá khiến anh mất cả bạc tỉ.
Nổi tiếng lúc cải lương đang chết
Vũ Luân sinh năm 1972 tại TPHCM và được cha mẹ đặt tên Lương Văn Bình. Anh là con áp út trong một gia đình gồm 7 anh chị em mà bố mẹ đều là công nhân.
Thời niên thiếu, Vũ Luân cũng từng phụ gia đình làm may gia công, thỉnh thoảng theo người cậu làm thợ sơn. Mỗi lần nhận tiền công, bạn thợ thường rủ nhau đi hát, cũng từ đó mà họ phát hiện anh có giọng ca trời phú và khuyên anh nên theo nghệ thuật.
Được sự khuyến khích của bạn bè và mẹ, Vũ Luân bắt đầu đi học ca. Lúc đầu là học nghệ nhân Út Trọn, sau là trường Trần Hữu Trang. Vừa học, Vũ Luân vừa đi hát ở các quán nghệ sĩ kiếm thêm thu nhập.
Cơ duyên này đã cho anh gặp nghệ sĩ Bạch Long lúc đó đang là người tổ chức và quản lý nhóm Đồng ấu Bạch Long, gồm các con em nghệ sĩ của hai đoàn cải lương tuồng cổ đã giải thể là Huỳnh Long và Minh Tơ. Từ đó, Vũ Luân được nghệ sĩ Bạch Long đích thân rèn luyện từ ca cổ đến vũ đạo.
Khi ấy, cái tên Vũ Linh đang nổi rần rần cả nước. Nhờ có ngoại hình và chất giọng quá giống Vũ Linh nên mặc nhiên Vũ Luân được khán giả chú ý và tạo nên một hiện tượng trong làng cải lương thập niên 1990.
Giữa lúc sân khấu cải lương vắng hoe, cả tuần chỉ một hai suất diễn mà cũng không mấy người tới rạp thì cái tên Vũ Luân lại nổi như cồn nhờ băng video thịnh hành.
Anh kể: “ Chúng tôi quay chóng mặt, quay tới nỗi không biết đó là vai gì. Trước khi vào quay, tác giả đứng kế bên nhắc cho mình biết vai đó tính cách, hoàn cảnh thế nào. Chúng tôi nghe lời thoại của tác giả nhắc rồi ca theo cảm xúc của mình.
Chính kiểu làm mì ăn liền đó đã dạy cho tôi sự nhạy bén. Chỉ cần nhìn kịch bản, nhìn nốt nhạc là diễn. Biết bao nhiêu cái tên thành danh hồi đó là nhờ băng video thịnh hành và nhờ cách làm này.
Dĩ nhiên, người trong nghề nhìn là biết tuồng có sạn, có lỗi nhưng khán giả thì vẫn nghĩ nghệ sĩ phải có quá trình tập tuồng dữ dội lắm thì mới ca diễn và khóc bằng cảm xúc vỡ oà như thế.
Thật ra, ngày tôi quay, tối chui vào phòng thu. Tuồng đã được làm nhạc sẵn, vào phòng thu là chỉ việc lồng tiếng cho vai của mình. Thu tới khoảng 2, 3 giờ sáng là xong. Ngủ tới 6 giờ sáng lại dậy để đi quay tiếp tuồng khác. Cứ liên tục như vậy, mỗi ngày 1 tuồng”.
Mặc dù quay video cải lương theo kiểu “mì ăn liền” nhưng lối ca diễn của Vũ Luân vẫn hút hồn người mộ điệu. Vũ Luân lý giải, có lẽ do đời nghệ sĩ gặp nhiều biến cố về gia đình, sự nghiệp lại có quá trình đi tỉnh, thấu hiểu cuộc sống khổ cực của bà con nên trong giọng hát lúc nào cũng đong đầy cảm xúc.
Tổ đãi. Tổ thử thách
“Tôi đi tỉnh hát có nhiều kỷ niệm vui lắm. Đoạn đường có 1km từ bờ kênh đi vô điểm diễn mà xe đoàn đi hơn 2 tiếng đồng hồ chưa tới vì bị khán giả… phục kích.
Xe đang chạy thì thấy có cái bàn giữa đường. Tài xế vừa bước xuống nhấc bàn ra thì khán giả ở đâu ùa ra, bu lấy xe, đòi xem mặt thật của nghệ sĩ. Mình phải bước xuống, bắt tay nói chuyện với khán giả. Vừa tạm biệt, đi được một đoạn lại thấy cái ghe năm giữa đường…“, Vũ Luân kể.
Cũng chính bởi được khán giả yêu thương như thế nên thời đó Vũ Luân kiếm tiền nhiều như nước. Cứ sau mỗi chuyến đi diễn, anh đem về không biết bao nhiêu là vàng. Anh lần lượt mua cho anh chị em ruột mỗi người một căn nhà đàng hoàng và tận hiếu với cha mẹ.
Video đang HOT
Ở tuổi U50, Vũ Luân sở hữu ngoại hình như một chàng trai trẻ.
Thế nhưng sân khấu cải lương lúc đó đã trở nên èo uột. Chính băng video cải lương đã làm chết sân khấu cải lương như gameshow hài làm chết sân khấu kịch nói bây giờ.
Khán giả không còn mấy người muốn tới rạp coi hát, nhiều người phải bỏ nghề đi làm công việc khác. Một số ít được Tổ đãi rẽ qua tấu hài. Vũ Luân vẫn đắt show tỉnh nhưng anh không tha thiết kiếm tiền nữa. Anh nghĩ tới việc làm nghề, tới việc khôi phục thời hoàng kim của sân khấu cải lương.
“Tôi làm bầu sân khấu lúc sân khấu èo uột nhất, lâu lâu mới làm một suất, hội tụ hết các tài danh như Minh Vương, Lệ Thuỷ… mà cũng chỉ diễn được 1, 2 lần rồi dẹp. Các rạp mạng nhện đóng đầy ghế vì để quá lâu không diễn“, anh nói.
Vũ Luân tập hợp anh nghệ sĩ cải lương lại và bày tỏ mong muốn này. Anh bỏ hết các show diễn tỉnh để ở Sài Gòn lập nhóm hát và đề nghị mọi người cùng chung tay.
Nếu khán giả chỉ có 70 đến 100 người thì nghệ sĩ nhận mức lương nào. Nếu từ 150 đến 200 thì nhận mức lương nào. Với pa-rem lương đó, mọi người có thuận để chung tay làm với anh không.
May mắn là hầu hết những nghệ sĩ anh mời đều tâm huyết với cải lương nên ngay sau đó, nhóm Vũ Luân và những người bạn được ra đời, trở thành một đoàn độc lập thu chi trong Nhà hát Trần Hữu Trang.
Vũ Luân dựng lại các vở cũ, không ngờ lại được khán giả ủng hộ. Hầu như suất nào cũng đầy rạp, phải kê thêm ghế. Một tuần, nhóm Vũ Luân hát liên tục từ thứ 4 đến chủ nhật, chỉ nghỉ hai ngày để tập tuồng.
Chẳng những khiến sân khấu cải lương sáng đèn thường xuyên trở lại mà ông bầu Vũ Luân còn ăn nên làm ra. Một số nghệ sĩ thấy vậy cũng ham và làm theo. Đoàn Thắp sáng niềm tin, đoàn Hội ngộ tài năng lần lượt ra mắt khán giả mộ điệu cải lương sau đó. Bởi thế, lịch diễn, lịch tập của Nhóm Vũ Luân bị chia do nghệ sĩ “chạy show”.
Nhóm Vũ Luân bị khựng lại vì không có tuồng mới. Khán giả thưa vắng dần. Dẫu vậy, anh vẫn cố gắng duy trì hoạt động cho tới ngày rạp Trần Hữu Trang đập đi xây lại.
Vũ Luân trẻ trung từ trên sân khấu đến…
Bị người khác ghen ghét, phá phách
Rạp Trần Hữu Trang đập đi xây mới, Vũ Luân thuê tạm rạp Kim Châu – nơi nghệ sĩ Hồng Vân đang thầu. Tết năm đó, nhóm Vũ Luân diễn 10 suất. Suất nào cũng kín khán giả, không còn một ghế trống.
Mừng vì vẫn được khán giả thương nên Vũ Luân đầu tư cả màn hình led trị giá 1,7 tỉ đồng. Thời đó, màn hình led mới ra nên chỉ các sân khấu ca nhạc mới sử dụng. Vũ Luân là người tiên phong đưa màn hình led vào làm mới cải lương trong dựng vở.
Thấy Vũ Luân làm ăn được, NSND Hồng Vân định sang lại rạp cho anh với giá 500 triệu, trong khi Nhà hát Bông Sen chỉ cho ký hợp đồng 1 năm. Vũ Luân thấy không hợp lý nên từ chối.
Màn hình led anh đem cho thuê nhưng mỗi lần người ta thuê xong, anh lại phải đem đi sửa, không đủ cả tiền trả nhân công nên anh quyết định bán lại với giá 300 triệu cho một người bạn. “Làm ở rạp Kim Châu tôi lỗ mất mấy tỉ đồng“, Vũ Luân chia sẻ.
Thế nhưng, Vũ Luân vẫn chưa từ bỏ nghiệp làm bầu. Rời rạp Kim Châu, Vũ Luân thuê một rạp khác. Lần này, anh ký hợp đồng đàng hoàng với họ nhưng cũng lại xảy ra biết bao trục trặc. Thấy anh làm ăn được, họ đòi hỏi, yêu sách.
Anh kể: “ Tiền thuê mặt bằng một tháng vài chục triệu. Mỗi đêm diễn, tôi phải trả thêm tiền điện, đèn led là 5 triệu đồng. Sau một thời gian ngắn, thấy tôi đông khán giả quá nên họ đòi tăng giá lên 8 triệu/ đêm. Tôi vẫn cắn răng đồng ý. Cuối cùng họ lại đòi tôi trả thêm 5% trên mỗi chiếc vé.
Bình thường họ làm ca nhạc, vé bán 70.000 đến 90.000 đồng cũng không ai xem. Tôi bán 100.000, 300.000, 400.000 đồng/ vé, khán giả vẫn kín. Nhưng một vở cải lương là công sức của cả một tập thể, phải chi trả rất nhiều thứ, từ lương diễn viên đến phục trang, cảnh trí. Nếu trả cho họ 5% trên mỗi chiếc vé thì tôi chẳng còn gì để ăn.
Tôi từ chối yêu sách của họ. Vậy là họ kiếm chuyện phá phách. Họ không mở âm thanh cho anh em tập tuồng. Đang diễn thì họ cố tình làm đèn này hư, bóng này hỏng để mình không diễn được. Dĩ nhiên, tôi có hợp đồng, có thể kiện nhưng bản tính tôi không thích ồn ào nên bỏ không làm nữa.
Làm ở đây, tôi lỗ 500, 600 triệu. Dù đông khán giả nhưng khi thuê, tôi đầu tư cảnh mới, phông màn… Chưa lấy lại được kinh phí đầu tư thì đã bị họ ghen ghét phá phách rồi“.
Theo Thế giới trẻ
Vũ Luân: Ám ảnh cả đời trước cái chết của cháu bé mới sinh trong đêm diễn
"Tôi vẫn cứ ám ảnh mãi. Không biết rồi khi cô gái đó ẵm xác đứa nhỏ về nhà sẽ ứng xử làm sao với gia đình, có ai đánh chửi gì không...", Vũ Luân trầm tư nhớ lại.
Nghệ sĩ được khán giả hâm mộ là niềm hạnh phúc lớn lao khi làm nghề nhưng đôi khi việc họ thần tượng quá người nghệ sĩ... cũng mang tới không ít phiền toái dở khóc dở cười cho họ.
Ám ảnh về cái chết của đứa nhỏ trong đêm diễn
Vũ Luân đặc biệt có nhiều fan cuồng. Có cô fan cuồng rất mê tiếng hát của anh. Vừa mới sinh con chưa bao lâu nhưng biết Vũ Luân hát, tối đó cô ẵm cả con đi xem. Người chồng giận tìm tới gây chuyện, hai vợ chồng đánh lộn tại rạp.
Vũ Luân kể: " Có hai vợ chồng nhà kia ở Lái Thiêu, Bình Dương. Người vợ rất thích cải lương còn anh chồng thì mê đá banh. Bữa nào đá banh trùng lịch phát sóng với cải lương trên truyền hình là bữa đó hai vợ chồng gây lộn.
Lần đó, tuồng có tôi đóng. Cô vợ đòi xem rồi không hiểu nhắc Vũ Luân Vũ Luân thế nào mà anh chồng ghen, giận, đập bể cả chiếc ti vi".
Nghệ sĩ ưu tú Vũ Luân.
Những năm cuối thập niên 1990 đầu 2000, Vũ Luân thường được mời hát tăng cường cho đoàn Diễm Hoàng, đoàn Hồng Nhung ở Long Xuyên.
Mỗi đêm hát, khán giả 2000-3000 người là chuyện bình thường. Có những nơi đông lên tới 7000-8000 người. Vũ Luân đi nhiều tới nỗi không mấy khi để ý xem tối đó mình hát ở đâu. Bởi, tới giờ hát, có xe của đoàn rước vào điểm diễn rồi lại đón ra khách sạn. Và đoàn thì di chuyển liên tục.
Lần đó, anh hát ở một xã giáp biên giới Campuchia. Khán giả hôm đó cũng rất đông, người dân từ mấy xã xung quanh vùng biên đều tụ về xem hát. Trong số đó, có một cô gái trẻ vừa sinh con được một tháng, tai vẫn nhét bông gòn, cô ẵm cả đứa nhỏ đi coi cải lương.
Phần vì hơi người quá đông rồi khói bụi, người mẹ trẻ lại che đậy quá kín nên đứa nhỏ chết ngạt từ lúc nào không hay.
Vũ Luân đang hát trên sân khấu thì thấy ở một góc dưới khán giả nhốn nháo, mọi người bu lại, la hét ồn ào. Anh tưởng có đánh lộn nhưng vì đang diễn, anh vẫn phải làm tròn vai của mình. Hát xong, anh hỏi anh em trong đoàn thì mới biết chuyện.
Giọng Vũ Luân trầm xuống khi nhớ lại câu chuyện này: " Hát xong cả nghệ sĩ và người dân đều túa ra về, cả mấy ngàn người đông lắm. Tôi cũng theo xe đoàn về khách sạn.
Về rồi tôi vẫn cứ ám ảnh câu chuyện đó mãi. Không biết rồi khi cô gái ấy ẵm xác đứa nhỏ về nhà sẽ ứng xử làm sao với gia đình, có ai đánh chửi gì không.
Tôi muốn đi thăm nhưng lại không dám. Và cũng không biết cô ấy là ai. Thậm chí, tôi còn không biết điểm hát đó ở xã nào, chỉ biết giáp biên giới Campuchia.
Tôi gởi lại cho anh em trong đoàn số điện thoại của mình và dặn nếu gặp cô gái đó thì đưa. Tôi muốn hỏi thăm và xem có khó khăn gì thì giúp nhưng từ đó tới nay vẫn không thấy ai gọi.
Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ hoài, ám ảnh hoài tới bây giờ. Tôi chắc cô gái ấy cũng bị ám ảnh như tôi và không dám đi coi cải lương nữa".
Bị fan dựng chuyện chia rẽ tình cảm với người yêu
Tự cổ chí kim trong giới cải lương có lệ ngầm, đã hát chung, đã là cặp đôi liên doanh cùng tỏa sáng thì không nên lấy nhau. Bởi lấy nhau, hoặc hôn nhân trắc trở hoặc đường nghề đứt đoạn.
Chuyện tình Kim Tiểu Long - Thanh Ngân là một minh chứng rõ ràng cho "cái lệ kỳ lạ" này của giới cải lương còn chuyện của Vũ Luân với cô bạn diễn lại là lời giải thích rõ như ban ngày.
Vũ Luân thương một người bạn diễn và cô ấy cũng rất thương anh. Trên sân khấu, anh và cô ấy được xem là cặp "tiên đồng ngọc nữ" của cải lương. Thế nhưng cả hai đều bị áp lực từ phía khán giả.
Vũ Luân có fan hâm mộ là nữ. Cô bạn diễn có fan hâm mộ là nam. Khi hai người chưa thương nhau thì fan cứ thầm mong họ sáp lại thành cặp thật ngoài đời. Nhưng đến khi hai người thương thật thì fan cứ nói ra nói vào.
Thậm chí, họ còn tìm cách chia rẽ. Họ bịa ra những câu chuyện tưởng như là thật để gây hiểu lầm giữa hai người. Cũng bởi vậy mà cuộc tình của Vũ Luân và cô bạn diễn tan vỡ.
Mãi đến sau này, khi mọi việc đã xong hết, ai cũng đã có cuộc đời riêng của mình, họ mới biết sự thật năm nào.
Vũ Luân lý giải thêm: " Ví dụ khi hai người đã là vợ chồng, khi đóng cảnh yêu đương e thẹn hay ngại ngùng trên sân khấu, khán giả ở dưới không tin và nghĩ ngay là đang diễn. Họ bĩu môi bảo "tụi nó là vợ chồng mà, mắc cỡ cái gì", thành ra mình bị vô duyên.
Khán giả cải lương thường rất cả tin. Họ luôn gán câu chuyện trên sân khấu thành câu chuyện thật ngoài đời. Họ không nghĩ nghệ sĩ đang diễn mà tưởng đâu nghệ sĩ là nhân vật đó luôn.
Chị Lệ Thuỷ, Tài Linh, Thanh Ngân khi đóng vai bị ăn hiếp, nghèo khổ... về miền Tây, người dân thương lắm. Họ bảo "sao nó khổ quá, tội nghiệp quá". Gặp ngoài đời đem cho chuối, cho na, cho ổi.
Vũ Luân và Thoại Mỹ.
Người dân miền Tây sống kham khổ, áp lực chồng nhậu nhẹt, lo con cái, cơm áo gạo tiền. Đó là lý do khi nghệ sĩ đóng vai người nhà quê nghèo khổ, bị dì ghẻ đánh, họ thương lắm. Họ nghĩ cuộc sống của họ, mảnh đời của họ nằm đâu đó trong vở tuồng ấy.
Nhưng anh Linh Tâm đóng vai ác, chị Thoại Mỹ đóng vai giật chồng người khác - dù là những vai diễn cực thành công nhưng ra đường lại bị dân ghét. Sau này, chị Thoại Mỹ không dám nhận vai ác nữa vì đi hát tăng cường ở tỉnh không được. Người dân tưởng chị Thoại Mỹ ác thật nên ghét, không đi coi".
Hỏi Vũ Luân có giận fan không, anh cười không biết nên trả lời làm sao. Có lẽ đó là số mệnh. Anh coi chuyện tình với người bạn diễn là một kỷ niệm đẹp và xem chuyện fan quậy phá giống như sự sắp xếp phải có của định mệnh.
Nếu hai người nên duyên chồng vợ, biết đâu, đã không còn đẹp như bây giờ nữa: cả trên sân khấu cũng như ngoài đời. Vì tình duyên không trọn nên bây giờ họ vẫn giữ được tình bạn đẹp và đóng cặp trên sân khấu vẫn được khán giả và Tổ nghiệp thương hết lòng.
Theo Trí Thức Trẻ
2 mối tình buồn và cuộc sống cô đơn của NSƯT Vũ Luân ở tuổi U50 "Chúng tôi bị áp lực từ fan hâm mộ. Thậm chí, fan bịa đặt ra những câu chuyện tưởng như là thật để đôi bên hiểu lầm nhau. Cũng bởi vậy mà hai người không tới được với nhau", Vũ Luân kể. Vũ Luân sinh năm 1972. Ở tuổi U50, Vũ Luân vẫn đi về lẻ bóng một mình. Khi phóng viên hỏi...