Vụ kiện nhà hàng My Way: Chơi trò “tung hứng” của thi ca trong công lý
Phiên tòa phúc thẩm vụ kiện mất xe tại nhà hàng My Way đã khép lại, nguyên đơn của vụ án cùng với luật sư của mình đã có đơn kiến nghị lên TAND Tối cao.
Bà Lê Thị Khanh, thẩm phán TAND quận Cầu Giấy, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm
Để bạn đọc có góc nhìn đa chiều về vụ việc, cũng như những điều bất bình thường của vụ án mà nhiều nhân chứng đến nay cũng không thể tin là có thật, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà văn A Sáng- một nhân chứng quan trọng của vụ án “bé tý” nhưng rất có ý nghĩa xã hội này.
Nhà văn A Sáng cho biết: Sau gần 2 năm những người cầm cân công lý mới đưa ra được một “phán quyết” cuối cùng: Nhà hàng My Way không có trách nhiềm gì với việc mất xe máy của anh Vũ Song Toàn – đã từng là khách hàng quen thuộc của nhà hàng này!
Vâng, gần 2 năm chỉ để xử xong một vụ kiện “bé tí” như vậy. Tôi gọi đó là bé tí bởi, xét về góc độ pháp lý nó chẳng phức tạp gì, nó vô cùng đơn giản, nó chỉ biểu hiện cái kiểu văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh lạc hậu mà thôi.
Thế nhưng, mọi chuyện lại trở nên hết sức phức tạp, bởi đây là lần đầu tiên một khách hàng kiện nhà hàng vì sự tắc trách. Tâm lý người Việt nói chung là thích sự ôn hòa, tình trước rồi mới đến lý sau. Nếu cái hôm mất xe, phía đại diện nhà hàng My Way kia chỉ cần tỏ thái độ tích cực, hợp tác, tôi chắc chắn rằng anh Vũ Song Toàn đã không khởi kiện. Bởi rằng, chính cái hôm đó tôi là người có mặt rất sớm, tôi thấy rõ sự bối rối, sợ hãi của quản lý nhà hàng, rồi thấy rõ sự mếu máo của chị Thủy – một trong những nhân chứng quan trọng đã xác nhận anh Toàn gửi xe ở nhà hàng.
Bây giờ thì tôi biết, cái kiểu kinh doanh của My Way chính là sự lạnh lùng. Nếu ngày hôm nay, phía công lý ra phán quyết nhà hàng My Way phải chịu trách nhiệm thì những cô cậu nhân viên hôm đó sẽ phải xì tiền ra đền! Cô Thủy đã từng mếu máo với tôi như vậy. Họ lấy đâu ra ngần ấy tiền để đền cái xe, họ chỉ là những người lao động bình dân, nhưng chính sự sợ hãi kia đã khiến cô Thủy “biến mất” một cách kỳ lạ. Nhân chứng biến mất, không có mặt ở tòa, tất cả chỉ là một tờ giấy viết tay, khẳng định không thấy anh Toàn gửi xe, trong khi đó chúng tôi có đủ băng ghi âm buổi hôm đó, cô Thủy xác nhận đã thấy anh Toàn gửi xe, đúng vị trí quen thuộc, và thuộc phạm vi nhà hàng quản lý.
Video đang HOT
Xin nhắc lại rằng, đây là một vụ rắc rối pháp lý bé tí – bé cỏn con – bé đến nỗi ai cũng thấy rành rành sự thật. Tuy bé nhỏ, nhưng nó là sự kiện đầu tiên có một khách hàng đòi quyền lợi cho mình. Nhưng không phải vì việc đó mà vụ kiện lại trở nên phức tạp. Bản chất vẫn là bản chất, nó bất biến, nó là thế, không có cái gì thay đổi, chỉ duy nhất là tinh thần của người trong cuộc, người thực thi công lý phải công bằng mà thôi.
Nhưng không hiểu sao những người thực thi pháp lý, cụ thể đây là TAND quận Cầu Giấy lại “nghiên cứu”, “điều tra”, “lấy chứng cứ”… lâu đến vậy. Tôi được triệu tập để làm nhân chứng cho ngày xử sơ thẩm. Đây là lần đầu tiên tôi đến tòa án với niềm tin rằng, sẽ nhìn thấy tính chuyên nghiệp, sự nghiêm túc của một phiên tòa dân sự. Nhưng ngay đầu tiên tôi đã thất vọng bởi cô Thủy – nhân chứng vô cùng quan trọng không có mặt ở tòa. Tại sao vậy? Điều này có thể chứng minh thêm rằng, với tòa dân sự nếu muốn xử cho ai thắng thì việc đầu tiên là các điều tra viên sẽ thu thập chứng cứ có lợi cho người đó. Việc cô Thủy vắng mặt là một “thắng thế” quan trọng. Thủy “có mặt” ở tòa với một tờ giấy viết tay phủ định những điều mình đã nói trước đó, nếu hôm đó cô Thủy có mặt, tôi tin một cô nhân viên trẻ như thế sẽ không dám nói dối. Vì thế, việc soạn sẵn một văn bản theo ý đồ của ai đó để phiên tòa có lợi cho My Way là điều chắc chắn.
Khi được tòa hỏi, tôi đã nói thật những gì mình thấy, đúng như lời thề trước HĐXX và công lý của nước CHXHCN Việt Nam. Hôm đó tôi thật sự ấn tượng với vị Thẩm phán – bà Lê Thị Khanh – một thẩm phán trẻ, rắn rỏi, xinh đẹp! Cái vẻ bề ngoài đó khiến tôi tin tưởng vô cùng. Một thế hệ trẻ đã đủ tầm để làm thẩm phán thật đáng tự hào, đáng khâm phục! Khi đặt niềm tin vào vị thẩm phán trẻ này, tôi đã nghĩ, người trẻ tuổi bao giờ cũng quyết đoán, rành mạch và đầy tri thức. Hơn nữa, tôi tin vào một thế hệ được đào tạo cơ bản như thẩm phán Khanh, và tôi còn tin hơn nữa vào đạo đức, văn hóa của những con người trẻ tuổi đang gánh vác công lý như vậy.
Tôi đã trình bày tất cả những gì mình thấy! Nhưng sau này tôi mới biết, hình như sự có mặt và những xác nhận làm chứng của tôi tại phiên tòa chẳng đề làm gì. Nó vô nghĩa, bởi mơ hồ rằng, đã có một sự “định đoạt” nào đó, và phiên tòa này như một thứ “hình thức”. Tôi vẫn băn khoăn rằng, tại sao hôm đó cô Thủy không được triệu tập đến tòa, nếu hôm đó cô có mặt, tôi sẽ nhìn thẳng vào mắt cô và nói: “Bạn có thể nói những điều họ muốn, nhưng cuộc đời và lương tâm là của bạn!”.
Quyết định kháng nghị của VKSND TP. Hà Nội nêu rõ: “Những thiếu sót, vi phạm trên của TAND quận Cầu Giấy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Sau phiên toà sơ thẩm, báo chí và những người có lương tri tiếp tục lên tiếng, dù vụ án cực nhỏ, lãng xẹt, chẳng đáng tốn giấy mực và hơi sức, nhưng họ vẫn lên tiếng bởi công lý. Suy cho cùng, công lý chính là niềm tin của con người đối với xã hội pháp quyền. Bỏ qua mọi vấn đề tình cảm thì công lý là cái vững chắc nhất, duy nhất, vì thế nó được coi như biểu tượng của lòng tin. Vì lòng tin mà chúng tôi phải lên tiếng!
Thật mừng là cả VKSND quận Cầu Giấy và VKSND Hà Nội đã ra kháng nghị hủy bản án sơ thẩm (trước đó, ngay trong phiên tòa sơ thẩm đại diện VKSND quận Cầu Giấy đã không công nhận kết quả), đây là một điều đáng mừng, nó le lói hy vọng, nó thắp lại niềm tin dù bé nhỏ nhưng đầy năng lượng khởi sáng. Bạn đọc và những người tin vào công lý đã chia sẻ qua mạng xã hội, qua báo Dân trí… Bản thân tôi cũng rất vui mừng, cuối cùng thì việc làm chứng của mình cũng không vô ích.
Thế rồi, sau những “thủ tục” hòa giải, những “nghiên cứu” của tòa phúc thẩm, mọi việc tưởng chừng như khép lại một cách nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý, hòa giải đôi bên, chia sẻ trách nhiệm, yêu thương và đùm bọc! Đùng một cái, My Way lật lọng ngay trước giờ G, rồi tòa tuyên y án sơ thẩm! Thật choáng váng và không thể tin vào tai mình.
Vẫn là cái cớ “Không có hợp đồng gửi xe nên nhà hàng My Way không chịu trách nhiệm!”. Cái “nhân chứng, vật chứng” này thật mơ hồ, ma mị, đầy trắc ẩn, hay nó chỉ là một phép tu từ trong thơ ca!? Bạn đến nhà tôi chơi liệu tôi có đòi giấy hợp đồng gửi xe ngoài hiên? Xin nhắc lại, anh Vũ Song Toàn là khách quen thuộc của nhà hàng và hôm đó chị Thủy đã xác nhận anh gửi xe ở vị trí thuộc sự quản lý của nhà hàng. Đó là sự thật. Thế là đủ! Đó là một dạng hợp đồng miệng, đầy đủ tính pháp lý!
Nhưng thôi, không phàn nàn mãi về chuyện này, điều tôi muốn nói chính là lương tri của những người thực thi công lý. Trong thi ca người ta cần tình cảm, thì trong công lý người ta cần lý trí – cái lý trí sáng suốt và công bằng. Nhưng hình như ở đây chúng ta đang chơi cái trò “ tung hứng” của thi ca trong công lý. Bóp méo, bẻ gãy, thay đổi không theo quy tắc của lý trí mà theo biểu hiện của thi ca. Tôi lại nhớ tới vẻ lịch lãm, nghiêm túc của vị thẩm phán Lê Thị Khanh, không hiểu sao tôi thấy sự nghiêm túc đó không phải thần thái của người thực thi công lý, nó bắt đầu giống hơn với hình bóng của một nữ thi sỹ. Một cái gì đó hết sức “lãng mạn”, tràn đầy sự “mâu thuẫn” – kiểu mâu thuẫn đầy nghệ thuật của thi ca!
Có một câu hỏi được đặt ra, sau vụ án bé cỏn con này, ai được ai mất? Một câu hỏi cũng vô cùng lãng xẹt, với công lý chẳng ai được ai mất, tất cả chỉ để lẽ công bằng được sinh sôi, niềm tin được củng cố! Anh Vũ Song Toàn mất cái xe, giá trị không lớn, nhưng anh Toàn đã mất đi một thứ vô cùng linh thiêng: niềm tin vào sự công bằng! Đây là tổn thất đau đớn nhất trong tâm hồn con người. Sự mất niềm tin này nó bắt đầu từ anh Toàn và ảnh hưởng đến tất cả những ai quan tâm vụ án này, nó như thứ bệnh dịch, rồi đến một ngày nó sẽ rất nguy hiểm!
Về hình thức, thì sự đắc ý và cái được chính là nhà hàng My Way, họ đã thắng, rũ bỏ trách nhiệm. Nhưng họ đã mất một thứ vô cùng to lớn, ấy là lòng tin của khách hàng – thượng đế của họ. Có lẽ đối với một doanh nghiệp, mất lòng tin, mất danh tiếng là mất tất cả. Nhiều mạng xã hội đã lập ra cái gọi là “Hội những người tẩy chay nhà hàng My Way”, họ làm vậy, bởi thấy cái văn hóa kinh doanh này vô cùng kém cỏi và quá ngạo mạn! Xin thưa, đó chính là sai lầm tệ hại! Sau lần này ai sẽ dám đến My Way sử dụng dịch vụ mà không có hợp đồng chắc chắn nào? Tôi sẽ hợp đồng với My Way để uống một ly cafe, nếu không mai ra tòa tôi sẽ thua! Bây giờ cái gì cũng phải có hợp đồng, ngay cả với việc ngồi ghế, nếu không ra tòa bạn sẽ thua. Chắc chắn thua!
Cuối cùng, tôi chỉ xin nói một điều: văn hóa là nền tảng của cuộc sống, lý trí, sự công bằng chỉ đến sau. Vì thế văn hóa là tối thượng, nó chính là cái nền để mọi thứ nảy nở, trong đó có công lý, và sau cùng niềm tin được thắp sáng. Nhưng ở đây, ngay bây giờ, cái vụ kiện cỏn con này mọi thứ dường như đã đổ vỡ – văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử… đang bị đổ vỡ, hoặc như một trò cười của một bài thơ châm biếm!
Theo Dantri
Khách kiện nhà hàng đòi xe PS bị mất
TAND Hà Nội vừa mở phiên phúc thẩm xét xử vụ anh Vũ Song Toàn (34 tuổi, ở Đống Đa) khởi kiện nhà hàng My Way, yêu cầu bồi thường chiếc Honda PS trị giá 140 triệu đồng bị mất khi đến uống nước tại đây.
Đơn khởi kiện và một phần nội dung bản án sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy thể hiện, sáng 13/2/2011, anh Toàn đi xe máy đến nhà hàng My Way tại khu đô thị Trung Hòa. Sau khoảng một giờ đồng hồ, khi đi ra anh phát hiện xe bị mất.
Đại diện nhà hàng trước sự chứng kiến của một số cán bộ công an phường xác nhận xe bị mất trộm. Bị My Way từ chối bồi thường, anh Toàn đã khởi kiện. Ngày 10/5, phiên sơ thẩm do TAND quận Cầu Giấy đã mở bác đơn của anh Toàn với lý do giữa hai bên không thiết lập hợp đồng gửi giữ xe.
Cho rằng bản án sơ thẩm thiếu khách quan trong việc xác định gửi giữ phương tiện trên thực tế, anh Toàn kháng án. Nguyên đơn còn cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ qua tình tiết quan trọng là đoạn băng ghi âm do nguyên đơn cung cấp thể hiện có việc gửi và nhận giữ phương tiện giữa hai bên và xuất xứ, lịch sử của tấm biển cảnh báo: "Quý khách đến nhà hàng xin vui lòng lấy vé xe, nhà hàng không chịu trách nhiệm nếu khách hàng không có vé".
Tại phiên phúc thẩm mở ngày 9/10, phía bị đơn kiên quyết không thương lượng nhằm chia sẻ rủi ro với khách hàng. Cũng như ở phiên tòa sơ thẩm, tài liệu mà nguyên đơn đưa ra cho thấy có việc gửi giữ phương tiện giữa khách với nhân viên nhà hàng. Theo đó, khi để xe trước cửa chính, anh Toàn có hỏi cô nhân viên đứng đón và nhận được cái "gật đầu". Cô này cũng ghi nhận anh đã đến đây và dựng phương tiện gần cửa ra vào.
Về tấm biển cảnh báo: "Quý khách đến nhà hàng xin vui lòng lấy vé xe...", theo đại diện nguyên đơn vào thời điểm anh Toàn đến sử dụng dịch vụ và bị mất xe không thấy có ở khu vực cửa ra vào. Còn đại diện bị đơn khẳng định tấm biển có từ đầu năm 2007...
Đồng quan điểm một phần với nguyên đơn, đại diện VKSND Hà Nội cho rằng lỗi thuộc về cả hai bên. Trong giai đoạn sơ thẩm, tòa án quận Cầu Giấy đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi không xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ liên quan. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm.
Sau ba ngày xét xử, sáng 11/10, TAND Hà Nội không chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên bác kháng cáo của anh Toàn với lý do "không xác định được giữa hai bên đã xác lập hợp đồng trông giữ".
Theo VNE
Vụ kiện nhà hàng My Way: Thất vọng vì thái độ lật lọng của bị đơn Nhận định đây là vụ án có tính chất phức tạp, sau phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án của đại diện VKSND, HĐXX đã chuyển sang phần nghị án kéo dài, tạm dừng phiên tòa và sẽ tuyên án vào sáng ngày 11/10/2012. Luật sư Trương Anh Tú, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Toàn,...