Vụ kiện Biển Đông: Philippines tự tin, Trung Quốc né tránh
Trong khi Philippines tự tin PCA sẽ phán quyết có lợi cho mình trong vụ kiện Biển Đông thì Trung Quốc nhắc lại tuyên bố sẽ không tham gia vụ kiện.
Philippines tin vào chiến thắng
Theo AP, 5 thẩm phán của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) ngày 7/7 sẽ bắt đầu phiên tranh tụng về tuyên bố của Trung Quốc rằng PCA không có thẩm quyền để ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc.
Người dân Philippines biểu tình kêu gọi Trung Quốc ngừng cải tạo đảo ở Biển Đông. (Ảnh AP)
Trước đó, một phái đoàn cấp cao của Philippines, bao gồm các luật sư cố vấn, các quan chức hàng đầu ngành ngoại giao, quốc phòng và tư pháp của nước này cùng các luật sư nổi tiếng tại Washington mà Philippines thuê đã bay sang Hà Lan để tham gia tranh tụng.
Vụ tranh tụng kéo dài một ngày được cho là rất quan trọng bởi nếu PCA tuyên bố mình không có đủ thầm quyền xét xử vụ kiện của Philippines, vụ kiện này sẽ bị hủy bỏ.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho vụ này. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có đủ chứng cứ pháp lý”, người phát ngôn Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte nhấn mạnh.
“Chúng tôi tin rằng, PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho chúng tôi trong vụ này. Chúng tôi tự tin vào vị thế pháp lý của mình”, bà Valte nói thêm.
Cùng chung quan điểm này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines
Charles Jose khẳng định, nếu PCA tuyên bố mình có thẩm quyền trong vụ kiện này, Philippines có thể sẽ được yêu cầu trưng ra những bằng chứng nhằm bảo vệ tính pháp lý của nước này trong một cuộc tranh tụng tiếp theo.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho những cuộc tranh tụng kiểu như thế này”, ông Jose nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario lại thận trọng tuyên bố Philippines sẽ tuân thủ mọi phán quyết của PCA dù “chúng tôi thắng hay thua”.
Trong đơn kiện của mình, Philippines cũng đã yêu cầu PCA ra phán quyết khẳng định yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc bao trọn hầu khắp Biển Đông là không có tính pháp lý theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Dù Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phớt lờ phán quyết của PCA, nhất là nếu phán quyết này chống lại họ, các quan chức Philippines cho rằng, Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết đó để chứng tỏ rằng, một nước lớn như Trung Quốc luôn biết tuân thủ pháp luật.
Trung Quốc vẫn cố tảng lờ
Phát biểu trước các phóng viên tại Manila, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua khẳng định, Trung Quốc sẽ vẫn bảo lưu quan điểm không tham gia vào vụ kiện nói trên và nhắc lại đề xuất của Trung Quốc giải quyết vụ này một cách riêng rẽ với Philippines.
“Quan điểm của chúng tôi là nhất quán. Chúng tôi không chấp nhận cũng như sẽ không tham gia vào vụ kiện của Philippines lên PCA. Cánh cửa của chúng tôi vẫn để ngỏ cho khả năng tham vấn và đàm phán song phương và cánh cửa này sẽ mở mãi mãi”, ông Zhao nói.
Hình ảnh vệ tinh tố cáo Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi Vành Khăn ở Biển Đông. (Ảnh AP)
Ông Zhao còn lên tiếng khẳng định rằng, Trung Quốc sẽ không gây chiến với Philippines chỉ vì tranh chấp lãnh hải.
“Tôi không thể tưởng tượng được việc Trung Quốc gây chiến chống lại Philippines chỉ vì những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Đó không phải là chính sách của Trung Quốc và không bao giờ là chính sách của Trung Quốc”, ông Zhao khẳng định.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lớn tiếng cho rằng, việc đơn phương đứng ra làm trọng tài của PCA là một “thủ đoạn khiêu khích về chính trị dưới chiêu bài luật pháp nhằm phủ nhận chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, đây chỉ là chiêu trò của Trung Quốc nhằm trì hoãn vụ kiện này bởi việc tranh tụng về tính pháp lý của Tòa PCA có thể kiến vụ việc này kéo dài thêm từ 6-12 tháng trước khi chính thức đi vào phần xét xử.
Trung Quốc leo thang gây hấn, Philippines quyết không khuất phục
Tháng 1/2013, Philippines đã kiện Trung Quốc lên PCA- chỉ một năm sau khi các tàu tuần duyên của Trung Quốc chiếm đóng trái phép bãi cạn Scarborough của Philippines. Động thái này của Philippines khiến Trung Quốc rất giận dữ và làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước.
Kể từ đó, tàu tuần duyên của Trung Quốc đã liên tục xua đuổi ngư dân Philippines và các nước khác ra khỏi bãi cạn này và thậm chí còn dùng vòi rồng tấn công họ.
Binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung. (Ảnh AP)
Chính phủ Philippines đã lên án hành động này và gửi công hàm phản đối sang Trung Quốc.
Căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng sau khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất việc cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây dựng rất nhiều căn cứ quân sự trên đó.
Hành động này của Trung Quốc khiến Mỹ và nhiều nước khác buộc phải bày tỏ quan ngại sâu sắc và yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay việc cải tạo và xây dựng trái phép đó.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngang nhiên cho rằng, mình có quyền làm mọi việc trong khu vực mà Trung Quốc khăng khăng “nhận vơ” rằng mình có chủ quyền đối với Biển Đông từ rất lâu rồi.
Thậm chí, Trung Quốc còn lớn tiếng bao biện rằng, các đảo nhân tạo này có thể mang lại lợi ích cho các ngư dân hoạt động gần đó và chỉ được Trung Quốc cải tạo thành các căn cứ quân sự trong trường hợp “chẳng đặng đừng”./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN
Tòa quốc tế xem xét vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò"
Yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ biển Đông lần đầu tiên sẽ được soi xét kỹ lưỡng về mặt pháp lý quốc tế trong tuần này.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự vụ kiện. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn chính thức từ chối tham gia vụ kiện "đường lưỡi bò" do Philippines khởi kiện lên Tòa án Trọng tài quốc tế...
Nhóm chuyên gia pháp luật quốc tế của Manila đã có mặt tại Tòa án Trọng tài thường trực tại The Hague (Hà Lan) để giải trình trước hội đồng gồm 5 thẩm phán có thẩm quyền thụ lý vụ kiện của Philippines. Động thái này là vì lo ngại lập trường phản đối, bất hợp tác của Trung Quốc đối với vụ kiện. Tòa án hồi tháng 5 công nhận sự phản đối của Trung Quốc và thông báo, trước hết, một cuộc điều trần về quyền tài phán từ ngày 7 đến 13/7 sẽ được tổ chức.
Manila khởi kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc từ năm 2013 nhằm tìm kiếm một phán quyết về quyền khai thác các vùng nước ở biển Đông trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Các chuyên gia pháp lý cho rằng, bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines cũng sẽ khó được thi hành, do không có cơ quan nào của Liên Hợp Quốc thực thi những phán quyết như vậy. Tuy nhiên, một phán quyết như thế sẽ là một đòn ngoại giao đối với Bắc Kinh và thúc đẩy các bên yêu sách khác ở biển Đông tiến hành những hành động tương tự (kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế).
Vụ kiện đang được các nước châu Á và Mỹ theo dõi sát sao trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi Trung Quốc đang ráo riết xây dựng ít nhất 7 đảo nhân tạo, cho phép hải quân nước này bành trướng sức mạnh vào sâu trung tâm hàng hải Đông Nam Á. Trung Quốc yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ biển Đông, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước Đông Nam Á.
Nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc, Philippines không thể có được một phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế tại The Hague về chủ quyền lãnh thổ. Thay vì thế, Manila tìm cách giải quyết tranh chấp theo UNCLOS, một cơ chế cho phép phán quyết thậm chí ngay cả khi một bên phản đối hoặc từ chối tham gia vụ kiện. Luật Biển không ra phán quyết về chủ quyền, nhưng phân định rõ hệ thống lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế có thể đòi hỏi dựa trên các thực thể như đảo, đá hay bãi cạn.
Trung Quốc cho rằng, bản chất vụ kiện của Philippines là chủ quyền, vì thế vượt quá thẩm quyền của tòa. Chuyên gia Ian Storey ở Singapore nhận định, việc xem xét của tòa có thể trì hoãn bất kỳ phán quyết cuối cùng nào từ 6 đến 12 tháng, có nghĩa phiên tòa sẽ kéo dài quá thời hạn mãn nhiệm của Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào tháng 6/2016. Ông Aquino là nhân vật chủ chốt đứng sau các thách thức pháp lý đối với Trung Quốc. Mặc dù có sự trao đổi, Trung Quốc vẫn có kế hoạch từ chối bất kỳ phán quyết nào có lợi cho Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố, "quyết định đơn phương" là "một sự khiêu khích chính trị nhân danh luật pháp nhằm tìm cách bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông". Ngoại trưởng Philippines Charles Jose ngược lại, khẳng định tòa án là bước đi cơ bản đầu tiên tiến tới một giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp để giải quyết tranh chấp.
Jiji Press đưa tin, ngày 5/7, Mỹ và Úc khởi động cuộc tập trận kéo dài 2 tuần với 30.000 quân, lần đầu có sự tham dự của quân đội Nhật Bản trong bối cảnh biển Đông căng thẳng. Kyodo đưa tin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano sẽ gặp nhau tại Washington ngày 16/7 để chủ trì đối thoại chiến lược, tăng cường liên minh đối phó sự hung hăng của Trung Quốc.
Theo Thục Ninh (tổng hợp)
Tiền Phong
Philippines thả 9 ngư dân Trung Quốc bị phạt tù vì đánh bắt trái phép Philippines đã phóng thích 9 ngư dân Trung Quốc bị phạt tù vì đánh bắt động vật quý hiếm sau khi họ hết hạn 1 năm ngồi tù, giới chức Philippines ngày 10/6 cho biết. Những con rùa biển được tìm thấy trên tàu của các ngư dân Trung Quốc tháng 5/2014 (Ảnh: AFP) Chín người, bị bắt hồi tháng 5/2014, đã phải...