Vụ khủng bố Paris: Nhà hát Bataclan là mục tiêu lâu năm của các nhóm cực đoan
Từ vài năm qua, nhà hát Bataclan, nơi xảy ra vụ tấn công và tàn sát con tin đêm 13.11 tại thủ đô Paris (Pháp) đã là đích ngắm của nhiều nhóm phản đối chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Nhà hát Bataclan, nơi vụ tấn công và bắt giữ con tin đêm 13.11 – Ảnh: Reuters
Nhà hát Bataclan là một trong nhiều nơi xảy ra các vụ tấn công tại thủ đô Paris (Pháp) đêm 13.11. Cảnh sát cho biết những kẻ tấn công đã xả súng và ném chất nổ sát hại cả trăm người và bắt giữ con tin bên trong nhà hát, nơi ban nhạc rock Eagles of Death đang trình diễn. Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 21 giờ 30 đêm 13.11 (3 giờ 30 sáng ngày 14.11 giờ Việt Nam), theo tờ Le Monde ngày 14.11.
AFP dẫn lời cảnh sát nói rằng tổng cộng có ít nhất 70 người thiệt mạng. Tờ Le Point cho biết có thể vụ tấn công này có liên quan đến hàng loạt lời cảnh báo trước đó của các nhóm chống phong trào phục quốc Do Thái nhắm vào nhà hát Bataclan.
Trong cuộc thẩm vấn của Tổng cục an ninh nội địa Pháp (DCRI) tháng 2.2011, các thành viên của nhóm vũ trang Hồi giáo Jaish al-Islam đã nói rằng: “Chúng tôi có kế hoạch tấn công nhà hát Bataclan vì chủ của nó là người Do Thái.”
Nhóm vũ trang này bị tình nghi thực hiện vụ tấn công khiến một nữ sinh viên Pháp thiệt mạng tại thủ đô Cairo (Ai Cập) hồi tháng 2.2009. Al-Islam cho biết lên kế hoạch tấn công Paris và lấy nhà hát Bataclan làm đích ngắm, theo tờ Le Point ngày 14.11.
Video đang HOT
Người dân đứng gần nhà hát Bataclan, một trong những địa điểm bị tấn công đêm 13.11 ở thủ đô Paris, Pháp – Ảnh: Reuters
Vào các năm 2007 và 2008, nhà hát Bataclan cũng bị các nhóm cực đoan đe dọa với lý do là thường xuyên tổ chức các buổi liên hoan, hội nghị của người Do Thái, nhất là của tổ chức Magav, một đơn vị cảnh sát biên phòng của Israel.
Tháng 12.2008, khi các chiến dịch quân sự của Israel diễn ra tại dải Gaza, các mối đe dọa đối với nhà hát Bataclan cũng hiện diện rõ ràng hơn. Trên các trang mạng lan truyền một đoạn video của một nhóm khoảng chục người trẻ tuổi, mặt che khăn rằn và đe dọa giới hữu trách của nhà hát Bataclan vì tổ chức một buổi liên hoan hằng năm của Magav. Buổi liên hoan sau đó bị hoãn lại.
Kể từ đó, mỗi khi có một tổ chức thuộc Do Thái nào diễn ra tại Bataclan thì xuất hiện rất nhiều lời đe dọa thù địch trên mạng. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, những lời đe dọa đã giảm bớt.
Truyền thông Israel đưa tin rằng nhóm nhạc rock Eagles of Death trình diễn tại nhà hát Bataclan vào tối 13.11 đã từng lưu diễn tại Israel. Nhóm này được cho là đã nhận nhiều lời kêu gọi tẩy chay nhưng vẫn thực hiện buổi trình diễn đêm 13.11, nơi vụ tấn công xảy ra.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Nhà hát Bataclan ở Paris - nơi bị khủng bố tấn công
Nhà hát có sức chứa 1.500 người, thường xuyên cháy vé bởi nổi tiếng là địa điểm thân mật, nơi người hâm mộ có thể giao lưu gần gũi với nghệ sỹ.
Cảnh sát Pháp hướng dẫn những người quanh nhà hát Bataclan di tản. Ảnh: Slate
Theo Slate, Bataclan được xây dựng từ năm 1864, từng là rạp chiếu phim, nhưng ngày nay là một sân khấu ca múa nhạc và biểu diễn nhạc sống. Nó nằm ở quận 11, trung tâm thủ đô Paris, cách văn phòng cũ của tạp chí Charlie Hebdo - nơi bị phiến quân Hồi giáo tấn công khủng bố hồi tháng 1 chỉ 200 m.
Bataclan là nơi diễn ra buổi biểu diễn của ban nhạc Mỹ Eagles of Death Metal hôm qua. Nhiều nghệ sỹ người Mỹ cũng đặt lịch biểu diễn trong những tuần tới ở đây, như ban nhạc hip hop Rae Sremmurd, hay ca sỹ nhạc rap Joey Badass. Nơi đây nổi tiếng là có đời sống nhộn nhịp về đêm.
Nhà hát Bataclan nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Business Insider
Khoảng 23h35 GMT hôm qua xảy ra vụ bắt cóc con tin và xả súng tại Bataclan. Ít nhất 118 người đã thiệt mạng trong nhà hát. Nhân chứng mô tả khán phòng như một "biển máu".
"Ba người đàn ông cầm súng Kalashnikovs và mặc áo chống đạn xông vào giữa buổi biểu diễn. Có khoảng 1.000 người ở đó. Họ xả súng. Tôi nhìn thấy một cô gái bị trúng đạn ngay đằng trước tôi. Chắc hẳn có một vài người đã chết", Hervé, một nhân chứng tại phòng hòa nhạc Bataclan kể lại.
Anh trốn ra ngoài qua lối thoát khẩn cấp, mô tả các tay súng không đeo mặt nạ và trong độ tuổi 20 hoặc 30. Vụ bắt cóc chỉ kết thúc khi cảnh sát xông vào phòng hòa nhạc tiêu diệt những kẻ tấn công.
Những vụ tấn công cũng diễn ra tại 6 địa điểm khác, trong đó có sân vận động Stade de France, khiến ít nhất 40 người chết. Tổng thống Pháp ra lệnh đóng cửa biên giới. Lãnh đạo nhiều quốc gia khác cũng lên án vụ khủng bố và bày tỏ lời chia buồn tới nước Pháp.
Bên trong nhà hát Bataclan. Ảnh: Tootlafrance.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Hiện trường một loạt vụ tấn công ở Paris Ít nhất 100 người chết sau một chuỗi vụ tấn công dường như có tổ chức trên khắp thủ đô Paris, Pháp. Ít nhất hai vụ nổ được báo cáo xảy ra gần sân vận động Stade de France, nơi một trận bóng đá giao hữu Pháp - Đức đang diễn ra, với sự tham dự của Tổng thống Francois Hollande. Trận đấu...