“Vũ khí tư tưởng” của Tập Cận Bình đã lỗi thời dù có cố hâm lại
Tập Cận Bình tán dương 5 nguyên tắc chung sống hòa bình như ngăn chặn ỷ lớn hiếp đáp nhỏ có khả năng khiến Việt Nam, Philippines phải kinh ngạc hơn là vỗ tay.
Ông Tập Cận Bình.
The Diplomat ngày 30/6 bình luận, nguồn gốc tầm nhìn an ninh của Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc chính là chủ nghĩa của Mao Trạch Đông mà ông Bình đang cố gắng “hâm nóng lại”.
Thứ Bảy vừa qua Trung Quốc đã tổ chức 1 buổi lễ kỷ niệm 60 năm ký kết 5 nguyên tắc chung sống hòa bình với Ấn Độ và Myanmar, Tập Cận Bình đã tận dụng cơ hội này để nhắc lại tầm nhìn của Trung Quốc về mô hình mới của quan hệ quốc tế.
Khái niệm an ninh mới của Trung Quốc lần đầu tiên được ông Bình đưa ra tại Hội nghị về Các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Trong bài phát biểu đó, Tập Cận Bình nhấn mạnh 2 nội dung chính: Thứ nhất, cấu trúc an ninh châu Á nên phổ cập rộng rãi chứ không phải mang lại lợi ích cho một hoặc vài quốc gia.
Video đang HOT
5 nguyên tắc chung sống hòa bình một lần nữa cho thấy đó là sự nhạo báng của Trung Quốc với việc họ đã bành trướng lãnh thổ, nhảy vào tranh cướp chủ quyền
Thứ hai, Tập Cận Bình nhấn mạnh vào một khuôn khổ an ninh mới với các vấn đề cần được giải quyết “theo cách người châu Á”, một công thức rõ ràng nhằm loại trừ sự tham gia của Mỹ.
Trong diễn văn kỷ niệm hôm Thứ Bảy, Tập Cận Bình tiếp tục nhấn mạnh các nội dung tương tự: Không thể chấp nhận chỉ một hay một số quốc gia được đảm bảo an ninh trong khi phần còn lại không an toàn.
Tuy nhiên, Tập Cận Bình đã không còn phác thảo tầm nhìn của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như tại CICA, mà nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Bắc Kinh đối với quan hệ quốc tế toàn cầu. Phát biểu của ông Bình là sự tái hiện một kỷ nguyên trước đó, khi Bắc Kinh xem mình là nhà vô địch, lãnh tụ của các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Là một phần của thuật hùng biện Mao Trạch Đông, Trung Quốc trong kỷ nguyên này tin rằng họ có một nhiệm vụ hỗ trợ “đấu tranh cách mạng” trên thế giới. Tập Cận Bình đã đóng khung lịch sử qua lăng kính này khi mô tả những năm 1950 là thời kỳ “chống chủ nghĩa thực dân” và các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh mới giành được độc lập “muốn thiết lập quan hệ quốc tế bình đẳng”.
5 nguyên tắc chung sống hòa bình phát triển trong thời kỳ này cung cấp một khuôn khổ cho mối quan hệ giữa các nước đang phát triển. Trong khi những lời lẽ “cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc” đã biến mất, Tập Cận Bình lại thể hiện Trung Quốc vẫn xem họ là lãnh tụ của các quốc gia thiếu “đại diện” trên toàn thế giới. “Trung Quốc sẽ luôn luôn là một người bạn đáng tin cậy và đối tác trung thành với các quốc gia đang phát triển”, Tập Cận Bình hứa.
Dù ông Tập Cận Bình có rao rảng hòa bình, hợp tác, hữu nghị cũng không che đậy được dã tâm bành trướng và các hành động gây hấn với láng giềng trên thực tế ở Biển Đông.
Sự trở lại này nhấn mạnh vào mối quan hệ Nam – Nam dựa trên tầm nhìn an ninh mới của Trung Quốc. Tập Cận Bình lưu ý về tồn tại của sự bất công và bất bình đẳng trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, ông tin rằng nó có thể được loại bỏ bằng cách chấp nhận tầm nhìn của Trung Quốc.
“Ý tưởng về độc quyền trong vấn đề quốc tế dã lỗi thời”, Tập Cận Bình tuyên bố, mỗi nước cần có tiếng nói trong việc quyết định số phận của thế giới. Tập Cận Bình đưa ra 5 nguyên tắc như một “vũ khí tư tưởng” có thể bảo vệ độc lập và chủ quyền cho các quốc gia đang phát triển.
Trong khi Trung Quốc đang tận dụng mọi cơ hội để thể hiện tình trạng của họ vẫn như một quyền lực đang phát triển, nhiều quốc gia trên thế giới đã xem Trung Quốc như cường quốc toàn cầu, và nhiều hơn nữa là một mối đe dọa với các nước láng giềng nhỏ hơn.
Tập Cận Bình đưa ra những lời ngon ngọt, cam kết sáo rỗng với đủ thứ mĩ từ mị dân là lúc các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam cần phải hết sức cảnh giác.
Sẽ khó khăn hơn cho Trung Quốc để thể hiện bản thân như người bảo vệ của thế giới đang phát triển khi các hành động của chính Trung Quốc đang được xem là ngày càng hiếu chiến. Khi Tập Cận Bình tán dương 5 nguyên tắc chung sống hòa bình như ngăn chặn ỷ lớn hiếp đáp nhỏ có khả năng khiến Việt Nam, Philippines phải kinh ngạc hơn là vỗ tay, bởi các nước láng giềng này tin rằng Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình để uy hiếp họ.
Tập Cận Bình dường như cũng nhận thức được sự khó nghe từ bài phát biểu của mình, ông đã nhấn mạnh tôn trọng sự đa dạng và quyền bình đẳng cho các quốc gia, lặp đi lặp lại rằng người Trung Quốc “không có gen bá chủ hay quân phiệt”. Tập Cận Bình hứa, Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền (?!).
Lời hứa đó của Tập Cận Bình phải đối mặt với sự theo dõi (hoài nghi) nhiều hơn trong thời buổi ngày nay. Mối đe dọa từ Trung Quốc thường được xác định bao gồm 2 phần: ý định và khả năng. Trong những năm 1950, Trung Quốc tuyên bố họ không có ý định theo đuổi bá quyền, nhưng quan trọng hơn là thời điểm đó Trung Quốc không có khả năng.
Bây giờ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng theo đuổi bá quyền nên sẽ khó khăn hơn nhiều để chứng minh và thuyết phục láng giềng. Với nhiều người trên thế giới, Trung Quốc đã chuyển đổi từ một nước đang phát triển lên quyền lực toàn cầu, hoàn thành điều đó với tham vọng bá quyền. Những cạm bẫy của kỷ nguyên hợp tác Nam – Nam theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông xem Trung Quốc là lãnh tụ của các nước đang phát triển chỉ đơn giản không còn phù hợp nữa, dù Tập Cận Bình có cố gắng “hâm lại” chúng.
Theo Giáo Dục