Vũ khí ‘tử thần’ đe dọa lính Ukraine trên chiến trường
Bom lượn của Nga là nỗi khiếp sợ của lực lượng Kiev trên chiến trường miền Đông Ukraine.
Trong bóng tối của căn hầm ở thị trấn Toretsk (tỉnh Donetsk), những người lính Ukraine nghe thấy tiếng nổ rung chuyển bên ngoài mà không biết bom lượn của Nga tiếp đất ở gần họ đến mức nào.
Đến rạng sáng, khi các cuộc tấn công tạm lắng, một số lính Ukraine đi ra ngoài và nhìn thấy một đám cháy do bom lượn gây ra giữa tòa nhà đổ nát cách căn hầm chỉ khoảng 45 m. Đó là ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Trong lúc giao tranh đang diễn ra quanh Toretsk, vào một đêm, các nhà báo của tờ The New York Times được phép đến thị trấn này để chứng kiến những thách thức mà lực lượng Ukraine phải đối mặt khi cố gắng giữ vững cứ điểm dưới những đợt pháo kích dữ dội.
Nỗi khiếp sợ trên chiến trường Ukraine
Những người lính Ukraine chia sẻ rằng bom lượn của Nga có lẽ là tử thần đoạt mạng đáng sợ nhất trên chiến trường Ukraine.
Bom lượn vốn là những quả bom rơi tự do nhưng được trang bị thêm cánh bật ra và được định vị bằng vệ tinh, biến chúng thành bom dẫn đường.
Bom lượn được gọi là “KAB” hoặc “FAB”, nặng từ 226 đến 2.721 kg và chứa hàng trăm kg thuốc nổ. Chỉ một quả bom lượn phát nổ có thể biến một tòa nhà chung cư cao tầng thành đống đổ nát và thậm chí phá hủy cả các công sự bê tông.
Trong những tháng gần đây, Nga đã sử dụng bom lượn để san phẳng mặt trận, làm thay đổi thế trận ở miền Đông Ukraine theo hướng có lợi cho Nga và giúp lực lượng này tiếp tục đạt được những bước tiến ổn định ở mặt trận Donetsk.
Trung sĩ Stanislav, 28 tuổi, thuộc Lữ đoàn cơ giới số 32 Ukraine, chia sẻ rằng khoảnh khắc các chiến đấu cơ của Nga thả những quả bom lượn về phía đơn vị của mình là rất đáng sợ và xảy ra rất nhanh, và lúc đó anh chỉ biết cầu nguyện.
Mặt trận tỉnh Donetsk là nơi hứng chịu nhiều đợt tấn công bằng bom lượn của Nga. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Còn Trung sĩ Jackson, 29 tuổi, chỉ huy một trung đội máy bay không người lái (UAV) của Sư đoàn 32, cho biết Nga ném bom lượn là chuyện như cơm bữa. Cứ mỗi khi đơn vị họ tới một cứ điểm, Nga sẽ phóng bom lượn vào đó và họ phải ẩn nấp, bịt tai và há miệng để không bị choáng.
Ngay cả những người lính Ukraine đã quen với nhiều năm pháo kích cũng phải rùng mình trước sức mạnh hủy diệt của bom lượn của Nga. Trong khi một quả đạn pháo 152 mm mà Nga bắn hàng nghìn quả mỗi ngày chỉ chứa hơn 5 kg chất nổ thì 1 quả bom lượn thông thường, FAB-1500, chứa hơn 589 kg thuốc nổ.
Ukraine chật vật tìm cách tránh bom lượn của Nga
Những người lính Ukraine chiến đấu ở những mặt trận nóng nhất, bao gồm Toretsk, nói rằng họ bị áp đảo về hỏa lực và quân số. Cạnh đó, việc Nga liên tục ném bom không kích buộc họ phải rời bỏ những cứ điểm phòng thủ kiên cố nhất.
Ukraine đã hy vọng rằng việc lực lượng nước này tấn công tỉnh Kursk (Nga) sẽ buộc Moscow phải điều quân từ các mặt trận phía Đông về chi viện cho tỉnh này nhằm giảm áp lực ở những mặt trận này.
Tuy nhiên, khi giao tranh tỉnh Kursk đã bước sang tuần thứ 3, vẫn chưa có dấu hiệu Nga điều quân từ mặt trận này về, thậm chí, Nga còn tăng cường tấn công ở miền Đông Ukraine.
Lực lượng Ukraine nã pháo vào những đơn vị Nga cố gắng chiếm thị trấn Toretsk. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Cạnh đó, Ukraine đã và đang dùng nhiều tên lửa và UAV sản xuất trong nước để nhắm vào các sân bay ở Nga nhằm phá hủy các máy bay chiến đấu, hạn chế các đợt không kích.
Dù một số sân bay Nga đã bị tấn công nhưng điều này dường như không ngăn được những cuộc không kích của Nga. Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky cho rằng chiến đấu cơ Nga vẫn có thể phóng khoảng 750 quả bom lượn chỉ trong một tuần vào tháng 8.
Cạnh đó, lực lượng Ukraine cũng gặp khó khăn khi ngăn chặn Nga thả bom lượn vì bom không dùng lực đẩy hoặc phát ra tín hiệu nhiệt nên rất khó để phát hiện. Chúng có thể được phóng từ máy bay chiến đấu của Nga cách tiền tuyến hàng chục km – khoảng cách tương đối an toàn trước hệ thống phòng không của Ukraine.
Còn khi chiến đấu cơ Nga bay gần tiền tuyến hơn, chúng được mạng lưới UAV do thám và tấn công dày đặc bảo vệ.
Trung sĩ Petro, 38 tuổi, thuộc Lữ đoàn cơ giới 24, hiện đang trấn giữ TP Chasiv Yar (tỉnh Donetsk), cho biết để bắn hạ một máy bay, cần phải giữ máy bay trong tầm ngắm trong 8 giây và sau đó mới phóng tên lửa. Có khi, một người lính Ukraine phải bất lực nhìn chiến đấu cơ Nga lao vút qua bầu trời mà không thể làm gì để ngăn chặn vì mối đe dọa từ các UAV hộ tống.
UAV của Mỹ 'không có cửa' ở chiến trường Ukraine?
Mỹ đã cung cấp hàng trăm chiếc máy bay không người lái (UAV) tới chiến trường Ukraine, nhưng chúng thường xuyên bị trục trặc.
Bộc lộ hạn chế trên chiến trường
Theo tờ The Wall Street Journal ngày 10.4, công ty Skydio (Mỹ) đã gửi hàng trăm máy bay không người lái (UAV) tốt nhất của mình để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, thực tế các thiết bị này gặp nhiều trục trặc và hiệu quả thấp.
Máy bay không người lái của Skydio liên tục chệch hướng và bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga đánh bại. Công ty đã phải nghiên cứu lại, phát triển và xây dựng các mẫu UAV mới khác.
Hầu hết các UAV nhỏ của các công ty khởi nghiệp Mỹ chế tạo đều không thể hoạt động tốt trên chiến trường, khiến doanh thu và danh tiếng của họ cũng bị suy giảm. Đây cũng là tin xấu đối với Lầu Năm Góc bởi chính quân đội Mỹ cũng đang cần nguồn cung cấp đáng tin cậy hàng nghìn UAV cỡ nhỏ.
Máy bay MQ-9 Reaper của Mỹ bay qua bang Nevada (Mỹ). Ảnh AFP
Giám đốc điều hành Skydio Adam Bry đánh giá rằng: "Hiệu suất chung của mọi loại máy bay không người lái của Mỹ ở Ukraine là chúng không hoạt động tốt như các hệ thống khác". UAV của Skydio không phải là một sản phẩm thành công trên tiền tuyến, ông Bry nói thêm.
Bên cạnh đó, các giám đốc điều hành của công ty UAV Skydio, những người Ukraine ở tiền tuyến, các quan chức chính phủ Ukraine và các cựu quan chức quân đội Mỹ cho biết, các máy bay UAV do Mỹ sản xuất thường đắt tiền, bị lỗi và sửa chữa phức tạp.
Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức chính phủ Ukraine lưu ý rằng máy bay không người lái do Mỹ sản xuất rất "mỏng manh" và không thể vượt qua các công nghệ áp chế điện tử và gây nhiễu GPS của Nga. Đôi khi, UAV do Mỹ sản xuất không thể cất cánh, thường không thể bay theo tuyến bản đồ có sẵn và sức chứa kém, thậm chí bay lạc và không quay trở lại.
Ukraine dùng UAV bù đắp thiếu hụt đạn pháo, hiệu quả đến đâu?
PitchBook - một nguồn cung cấp dữ liệu, nghiên cứu và hiểu biết toàn diện trên khắp các thị trường vốn toàn cầu, ước tính rằng gần 300 công ty công nghệ UAV của Mỹ đã huy động được tổng cộng 2,5 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong 2 năm qua.
Các công ty sản xuất UAV của Mỹ cho biết họ không lường trước được mức độ tác chiến điện tử ở Ukraine. Trong trường hợp của Skydio, UAV của họ được phát triển vào năm 2019 để đáp ứng các tiêu chuẩn liên lạc do quân đội Mỹ đặt ra.
Ukraine gấp rút tìm giải pháp
Để thay thế, Ukraine đã tìm nguồn cung và phụ tùng UAV giá rẻ của Trung Quốc nhằm lấp đầy khoảng trống cho kho vũ khí UAV của nước này. Hiện quân đội Ukraine được cho là sử dụng UAV có sẵn của Trung Quốc, hầu hết do công ty SZ DJI Technology (Thâm Quyến, Trung Quốc) sản xuất.
Các quân nhân Ukraine chuẩn bị phóng máy bay không người lái Shark ngày 30.10.2023. Ảnh REUTERS
Thứ trưởng Bộ chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Georgii Dubynskyi cho biết: "Ukraine muốn thử nghiệm và sử dụng nhiều UAV của Mỹ hơn. Mặt khác, chúng tôi cũng đang phải tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí khác".
Theo tờ The Wall Street Journal đưa tin Ukraine cũng đã phát triển ngành công nghiệp UAV nội địa dựa vào nguồn cung linh kiện của Trung Quốc. Các nhà máy Ukraine sản xuất hàng trăm nghìn chiếc UAV nhỏ, chi phí thấp và có thể mang theo chất nổ. Ngoài ra, nước này còn chế tạo những UAV lớn hơn để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, cũng như có thể tiếp cận các tàu chiến Nga ở biển Đen.
UAV tự sát của Ukraine vì sao kém ổn định?
Quân đội Ukraine sử dụng khoảng 10.000 UAV mỗi tháng, số tiền này sẽ không đủ khả năng chi trả nếu nước này mua UAV đắt đỏ do Mỹ sản xuất. Nhiều UAV thương mại của Mỹ có giá cao hơn hàng chục nghìn USD so với mẫu của Trung Quốc.
Công ty DJI của Trung Quốc đã khẳng định thương hiệu UAV được quân đội Ukraine lựa chọn. Trong một tuyên bố, DJI cho biết công ty đang cố gắng hạn chế việc sử dụng UAV của hãng này trong chiến tranh, nhưng không thể kiểm soát toàn bộ các đơn đặt hàng. "DJI hoàn toàn lấy làm tiếc và lên án việc sử dụng các sản phẩm của mình để gây hại ở bất cứ đâu trên thế giới", theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời tuyên bố của công ty DJI.
Tướng Mỹ đánh giá vai trò của xe tăng Arbrams trên chiến trường Ukraine Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã nhận định về vai trò của xe tăng M1 Abrams khi được gửi đến chiến trường Ukraine vào cuối năm nay. Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất khai hoả. Ảnh: Getty Images Theo đó, vị tướng hàng đầu của Lầu Năm Góc tuyên bố rằng xe tăng Abrams của...