Vũ khí Trung Quốc chưa tung ra trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Ngày càng ít doanh nhân, khách du lịch, sinh viên Trung Quốc tới Mỹ và đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ còn lan rộng theo những cách khó đoán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Shutterstock)
Theo Washington Post, sự sụt giảm gần đây về số lượng doanh nhân, khách du lịch và sinh viên Trung Quốc tới Mỹ, thể hiện qua số hồ sơ xin cấp thị thực cũng như đặt vé máy bay, không phải là chính sách do chính quyền Bắc Kinh ban hành mà là lựa chọn của chính người dân Trung Quốc. Điều này đã cho thấy một vũ khí tiềm năng mà Trung Quốc có thể sử dụng với Mỹ nếu cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục, đó là cắt giảm khoản tiền 60 tỷ USD mà người Trung Quốc chi mỗi năm cho việc sử dụng các dịch vụ của Mỹ, bao gồm các hoạt động du lịch và đi lại tới xứ sở cờ hoa.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, số người Trung Quốc nhận thị thực làm việc, du lịch hay học tập tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay đã giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 13%.
Trong khi đó theo Skyscanner, một công cụ tìm kiếm do công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc sở hữu, số lệnh đặt chỗ trên các chuyến bay từ Trung Quốc tới các điểm đến ở Mỹ đã giảm 42% trong tuần đầu tiên của tháng 10 mặc dù đây là thời điểm nghỉ dài ngày của người Trung Quốc và họ thường đi du lịch nhiều trong khoảng thời gian này.
Không giống thương mại hàng hóa, lĩnh vực Tổng thống Donald Trump thường phàn nàn về mức thâm hụt quá lớn với Trung Quốc, Mỹ được hưởng thặng dư đáng kể trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Bắc Kinh. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài, Washington sẽ chịu thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực dịch vụ. Kể từ năm 2011, thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đã tăng nhanh gấp 3 lần so với các hoạt động thương mại hàng hóa mà Tổng thống Trump vốn rất coi trọng.
“Chúng tôi cho rằng họ (Trung Quốc) sẽ thử hàng loạt phương án để khiến chúng tôi (Mỹ) lùi bước. Điều này sẽ không hiệu quả. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ không làm như vậy”, một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết.
Trước kia, Trung Quốc từng sử dụng lĩnh vực du lịch như một “vũ khí” để đối phó với các nước. Năm ngoái, khi Trung Quốc và Hàn Quốc xảy ra tranh cãi ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh đã cấm bán các gói tour du lịch tới thủ đô Seoul và đảo Jeju, Hàn Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đã nghe theo lời kêu gọi của chính phủ và sự tẩy chay này khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại gần 7 tỷ USD chỉ trong vài tháng.
Nếu Trung Quốc thực hiện chiến dịch tẩy chay tương tự, Mỹ có thể mất đi hàng triệu “khách hàng” thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc – những người sẵn sàng rót một khoản tiền lớn để học tập tại Mỹ và luôn “khao khát” những chuyến du lịch tới Mỹ.
Một lệnh cấm từ Trung Quốc có thể khiến ngành công nghiệp du lịch của Mỹ mất đi nguồn khách hàng đáng kể, trong khi các trường đại học tại Mỹ cũng không còn được hưởng lợi từ số lượng sinh viên Trung Quốc đông đảo như trước đấy. Ước tính khách du lịch Trung Quốc chi khoảng 6.900 USD cho mỗi chuyến đi. Trong khi đó, có tới hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký học đại học tại Mỹ trong năm 2017, gần gấp đôi Ấn Độ – quốc gia đứng ở vị trí thứ hai về số lượng sinh viên du học tại Mỹ.
Hệ quả với cả hai bên
Video đang HOT
Khách du lịch Trung Quốc tại Mỹ. (Ảnh: Getty)
Theo nhà nghiên cứu Joy Dantong Ma tại Viện nghiên cứu Paulson ở Chicago, nếu Trung Quốc quyết định mở rộng cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng cách cấm công dân nước này chi tiền vào các chuyến du lịch, sử dụng dịch vụ tài chính hay hợp đồng tư vấn, Mỹ sẽ cảm nhận được hệ quả nhanh hơn cả khi Bắc Kinh áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa Washington.
Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cần thời gian để tái sắp xếp các chuỗi cung ứng hàng hóa phức tạp, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng thay đổi kế hoạch du lịch nếu họ không muốn đi đến một nơi nào đó, chẳng hạn Mỹ.
“Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bạn sẽ thấy cuộc chiến này lan sang những lĩnh vực khác như du lịch. Các ngành công nghiệp dịch vụ khác hoàn toàn so với ngành xuất khẩu hàng hóa. Khi nhu cầu về hàng hóa không còn nữa, bạn chưa thấy ngay các tác động. Nhưng khi nhu cầu về dịch vụ chấm dứt, các chỉ số sẽ giảm ngay lập tức”, chuyên gia Ma nhận định.
Tính đến nay, du lịch và lữ hành vẫn là những ngành dịch vụ lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, các hãng hàng không, khách sạn và hãng điều hành tour du lịch của Mỹ đã thu được 32 tỷ USD, gấp đôi doanh thu từ các hợp đồng bán máy bay của Mỹ cho Trung Quốc.
Khi người Trung Quốc ngày càng giàu lên, họ càng ra nước ngoài nhiều hơn. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, gần 3 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới Mỹ vào năm 2016, trong khi vào năm 2009, con số này chỉ là 525.000 người.
Theo Washington Post, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc nếu có ý định tẩy chay Mỹ vì lo ngại rằng điều này sẽ khiến những người dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, những người đang muốn con cái theo học tại Mỹ hoặc đơn giản là tới Mỹ du lịch, nổi giận.
Hồi tháng 7, một thanh niên từ vùng Nội Mông đã kích hoạt một quả bom gần đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Tuy nhiên chưa đầy một giờ sau đó, người dân vẫn tiếp tục xếp hàng chờ xin cấp thị thực.
Ông Zhou, 50 tuổi, người đã nộp hồ sơ xin cấp thị thực tới Los Angeles, San Francisco và Las Vegas trong tháng này, đã chờ bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh trong hơn 6 giờ rưỡi đồng hồ để nộp đơn. Điều này cho thấy việc Trung Quốc muốn cấm người dân tới Mỹ sẽ khó hơn nhiều so với Hàn Quốc trước đây.
“Tôi nghĩ khả năng này không xảy ra. Mỹ là nước lớn hơn và quan trọng hơn so với Hàn Quốc. Mối quan hệ Mỹ – Trung cũng quan trọng hơn. Người Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ hơn (nếu Bắc Kinh cấm họ tới Mỹ)”, Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư tại hãng tư vấn Matthews Asia, nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Washington Post
"Càng đối đầu với Mỹ, Trung Quốc sẽ thua trong cuộc chiến thương mại"
Chuyên gia kinh tế cho rằng Bắc Kinh nên giành được trái tim của các doanh nhân Mỹ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Mỹ tại Trung Quốc thay vì gây sức ép với Washington trong cuộc chiến thương mại hiện nay.
Chuyên gia Fan Gang - người đứng đầu nhóm cố vấn kinh tế do Phó Thủ tướng Trung Quốc thành lập. (Ảnh: Xinhua)
Theo Fan Gang, nhà kinh tế học Trung Quốc đồng thời là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh không nên phát động các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ hoặc các hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Trung Quốc, mặc dù Tổng thống Donald Trump dọa sẽ tiếp tục áp thuế trừng phạt đối với các hàng hóa Trung Quốc và cản trở hoạt động đầu tư của Bắc Kinh tại Mỹ.
"Ông Trump rất muốn nhìn thấy Trung Quốc làm khó các doanh nghiệp Mỹ. Cộng đồng doanh nghiệp hiện là tiếng nói duy nhất (tại Mỹ) có thể lên tiếng cho Trung Quốc. Nếu chúng ta nhắm mục tiêu tới họ, chúng ta thực sự sẽ thua trong cuộc chiến thương mại", Fan Gang, cựu thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói trong bài phát biểu tại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh hôm 17/10.
Là lãnh đạo của câu lạc bộ gồm các nhà kinh tế do Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He thành lập, ông Fan cho rằng thay vì tập trung vào các biện pháp đáp trả chính quyền Trump, Trung Quốc "nên mở cửa thị trường hơn nữa và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng".
"Về lâu dài, đó là điều có lợi cho Trung Quốc", nhà kinh tế học Trung Quốc nhận định.
Giọng điệu của ông Fan Gang, một nhà kinh tế tự do, được cho là mềm mại hơn so với những tuyên bố cứng rắn về chiến tranh thương mại xuất hiện trên truyền thông nhà nước Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc cách đây 6 tháng.
Việc ông Fan đề xuất Trung Quốc nên tập trung trải thảm đỏ để chào đón các công ty và doanh nhân Mỹ dường như phù hợp với phản ứng gần đây của chính phủ Trung Quốc đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Ngoài việc cam kết sẽ giảm thuế đánh vào hàng nhập khẩu Mỹ, Bắc Kinh cũng hứa sẽ mở cửa thêm thị trường nội địa và bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, bao gồm doanh nghiệp Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cũng có thêm các động thái để lôi kéo các khoản đầu tư từ Mỹ, như cho phép hãng sản xuất xe điện Tesla thành một nhà máy ở Thượng Hải, đồng thời "bật đèn xanh" cho tập đoàn năng lượng khổng lồ ExxonMobil xây dựng tổ hợp 10 tỷ USD tại Quảng Đông.
"Tâm lý bài Trung Quốc đang tăng lên trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, nhưng trước đây họ từng là đồng minh của chúng ta trong bối cảnh chính trị của Mỹ", ông Fan nhận định.
Tiếng nói ủng hộ đối thoại
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: AP)
Theo nhà kinh tế học Trung Quốc, Bắc Kinh cần tự xem lại chính mình và thừa nhận rằng mình chưa làm đủ để mở cửa thị trường nội địa hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
"Các phòng thương mại Mỹ và châu Âu từng than phiền về môi trường kinh doanh trại Trung Quốc hết năm nay qua năm khác nhưng chúng ta vẫn phớt lờ. Hiện nay Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đang liên kết với nhau thành mặt trận của họ và họ không hài lòng với Trung Quốc", ông Fan nói.
Theo chuyên gia Fan, Trung Quốc cần có nhiều động thái mà lẽ ra nước này nên làm từ trước đây để mang lại những thay đổi tích cực cho nền kinh tế cũng như xoa dịu các nhà đầu tư nước ngoài vốn không ưa Bắc Kinh.
Mặc dù nhận định của ông Fan xuất phát từ góc độ của một nhà kinh tế, song điều đó cũng phản ánh một lối suy nghĩ đang hình thành tại Bắc Kinh, trong đó ủng hộ việc Mỹ - Trung đạt được thỏa hiệp để giảm căng thẳng.
"Đây không chỉ là vấn về mất cân bằng thương mại. Trước đây, chúng ta có thể giảm căng thẳng bằng cách mua thêm máy bay Boeing của Mỹ, còn bây giờ thì không", ông Fan nhận định.
Ông Fan cho rằng chiến tranh thương mại thực chất là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Chúng ta phải có sự chuẩn bị về dài hạn. Mục đích thực sự của Mỹ không phải là giảm thâm hụt thương mại, mà là kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là những tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc", ông Fan cho biết.
Theo ông Fan, Trung Quốc sẽ không bao giờ bán hết trái phiếu chính phủ Mỹ để tấn công Washington trong bối cảnh chiến tranh thương mại vì động thái này sẽ gây thiệt hại cho Bắc Kinh nhiều hơn Mỹ. Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ.
"Nếu Trung Quốc bán tháo các trái phiếu của Mỹ, cuộc chiến thương mại sẽ lan sang lĩnh vực tài chính. Trung Quốc sẽ là nước chịu tổn hại trong lĩnh vực tài chính", ông Fan nhận định.
Theo số liệu Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố, giá trị số trái phiếu chính phủ Mỹ do Trung Quốc nắm giữ chỉ còn 1.165 tỷ USD trong tháng 8, giảm so với 1.171 tỷ USD hồi tháng 7.
Paul Gruenwald, nhà kinh tế tại tập đoàn S&P Global, hôm qua 17/10 đã phát biểu tại Bắc Kinh rằng Mỹ và Trung Quốc có thể nối lại các cuộc đàm phán vào năm tới dưới hình thức tương tự "Đối thoại Kinh tế và Chiến lược" - một cơ chế đối thoại cấp cao hiện đã dừng hoạt động. Cơ chế này từng góp phần hàn gắn những bất đồng và dung hòa lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua các cuộc họp thường kỳ, bắt đầu từ năm 2006.
"Bạn phải đối thoại trước đã, sau đó mới giải quyết được vấn đề", chuyên gia Paul Gruenwald nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/SCMP
"Phát súng" đáp trả của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ Trung Quốc đã bất ngờ bán 3 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ và đây là lần thứ 3 Bắc Kinh tiến hành động thái này trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (Ảnh: AFP) Reuters dẫn thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Trung Quốc...