Vũ khí ‘nóng’ ngăn ngừa HIV
Thuốc kháng virus và bao cao su được cho là những vũ khí lợi hại, giúp người chuyển giới, người đồng tính bảo vệ mình và bạn tình trước HIV.
Hiện nay, y học chưa tìm ra thuốc điều trị khỏi HIV hoàn toàn, chưa có vaccine dự phòng. Tuy nhiên một người mang HIV, sau khi điều trị bằng thuốc kháng virus và có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, sẽ không lây HIV cho bạn tình. Tỷ lệ dự phòng trong trường hợp này là tuyệt đối, tức K=K – không phát hiện bằng không lây truyền. Đồng thời, nhiều loại thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) và bao cao su giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ bạn tình.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến 31/10/2019, cả nước ghi nhận gần 212.000 người nhiễm HIV còn sống. Sau hai năm triển khai PrEP tại 27 tỉnh, thành phố, hơn 13.000 người sử dụng ít nhất một lần, hơn 10.000 người đang điều trị PrEP. Trong số này, 78% là người MSM (nhóm nam quan hệ tình dục với nam) nguy cơ cao nhiễm HIV. Tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm MSM tăng nhanh theo từng năm, đến nay 10-15%, ngược lại các nhóm người sử dụng ma túy, bán dâm lại giảm.
Anh Tống Văn Nam, Trưởng nhóm Kết nối Trẻ – một tổ chức cộng đồng, hoạt động phi lợi nhuận hơn 9 năm đồng hành và hỗ trợ sức khỏe cho cộng đồng người yếu thế, người có nguy cơ nhiễm HIV, người sống chung với HIV tại Bình Dương, nhận định, những con số trên không thể hiện sự kỳ thị, mà đang nhìn thẳng vào sự thật. Rộng hơn, nhóm MSM,người chuyển giới và mại dâm nam là nhóm cần đặc biệt quan tâm trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDs và tầm nhìn chấm dứt dịch vào 2030.
“Nhóm MSM dễ dàng tìm thấy bạn tình qua online và một số người có nhiều bạn tình trong cùng thời điểm. Họ quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, ít sử dụng bao cao su, không uống PrEP. Thậm chí, có xu hướng sử dụng ma túy, chất kích thích khi quan hệ tình dục khiến nguy cơ nhiễm HIV rất cao”, anh Nam lý giải.
Anh Tống Văn Nam (áo xanh) test nhanh HIV miễn phí tại Kết nối Trẻ cho một nam thanh niên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Anh Nam cho biết, bản thân đã tiếp cận với nhiều trường hợp lây nhiễm HIV rất đáng tiếc. Có trường hợp sinh viên, công nhân trải qua “một đêm” với bạn tình đã dương tính với HIV. Họ chia sẻ ngậm ngùi rằng nhìn người bạn đó trông khỏe mạnh, sạch sẽ mà không biết tình trạng nhiễm. Nguy hiểm hơn, họ chủ quan “4 không”: không nhận thấy được nguy cơ, không chủ động phòng tránh, không đi xét nghiệm và không điều trị.
Từ chối can thiệp y tế dẫn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của bệnh nhân nhiễm HIV nhanh chóng suy kiệt, tiên lượng sống thấp. Do đó, điểm mấu chốt là nhóm đồng tính nam cần chủ động đi xét nghiệm, dùng thuốc phù hợp với tình trạng hiện tại.
Các xét nghiệm HIV gồm test nhanh (lấy máu đầu ngón tay và dịch miệng) và xét nghiệm kháng nguyên, nồng độ virus bằng PCR. Các test nhanh có thể thực hiện tại nhà hoặc cộng đồng, nếu kết quả có phản ứng với HIV ban đầu thì người bệnh cần đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm HIV khẳng định và nhanh chóng kết nối điều trị để được nhận thuốc kháng virus miễn phí.
Video đang HOT
Nếu kết quả âm tính, người đồng tính nam vẫn phát sinh quan hệ tình dục không an toàn, thì cần điều trị dự phòng phơi nhiễm bằng thuốc PrEP.
Cụ thể, PrEP được khuyến nghị cho những người không có HIV, người có nguy cơ nhiễm virus từ quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma tuý. Đặc biệt với nhóm MSM và người chuyển giới (quan hệ qua đường hậu môn) cần sử dụng trong suốt thời gian có nguy cơ cao.
Đối với nhóm MSM, liều sử dụng là mỗi ngày một viên, uống 7 ngày liên tiếp trước khi phát sinh hành vi nguy cơ, sau đó cần tiếp tục duy trì một viên mỗi ngày. Nữ phải dùng 21 ngày liên tục trước khi phát sinh hành vi nguy cao. Nên uống thuốc vào một thời điểm cố định và duy trì đều đặn tránh nhờn thuốc. Khi quên liều, cần uống ngay khi nhớ ra, song không uống quá hai liều trong 24 giờ.
Ngoài ra, để hỗ trợ riêng người MSM và chuyển giới quan hệ tình dục dưới hai lần trong một tuần và không muốn uống thuốc mỗi ngày, anh Nam cho hay có một cách uống khác. Vẫn là thuốc PrEP, nhưng uống kiểu tình huống, theo phác đồ 2-1-1. Trước 2 – 24 giờ phát sinh hành vi nguy cơ, uống 2 viên. 48 giờ tiếp theo, mỗi 24 giờ uống một viên PrEP nữa. Tổng cộng 4 viên, mỗi liều cách nhau 24 giờ.
PrEP có khả năng dự phòng HIV lên đến 99%. Ảnh: The New York Times .
Riêng người phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ chống chỉ định dùng PrEP. Trong trường hợp này, PEP là phương án dự phòng tốt nhất hiện tại. Thuốc thường được áp dụng trong tình huống “tai nạn”, như không sử dụng biến pháp an toàn, rách hay tuột bao cao su. Hiệu quả dự phòng của điều trị PEP vào khoảng 80%, có thể cao hơn nếu sử dụng trong những giờ đầu. Tác dụng thuốc giảm dần và vô hiệu sau 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.
Người đứng đầu tổ chức Kết nối Trẻ nhấn mạnh, PrEP và PEP là vũ khí tốt nhất dự phòng HIV, còn các bệnh lây qua đường tình dục nói chung thì bao cao su là tối ưu. Hiệu quả và độ an toàn của bao cao su đã được chứng minh qua nhiều năm nay. Ngoài ra, còn các chiến lược khác như kiêng quan hệ tình dục, hạn chế số lượng bạn tình, không dùng chung kim tiêm.
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Chúng khiến hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể không chống đỡ được các tác nhân gây hại như vi trùng, vi khuẩn, ký sinh trùng… AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Tải lượng cao virus trong cơ thể bệnh nhân AIDS lấn át hệ miễn dịch. Người bệnh dễ tử vong bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội và ung thư.
PrEP - một trong những "vũ khí" tối ưu góp phần hạn chế lây nhiễm HIV
Việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) góp phần hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng khi vẫn còn nhiều người chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Hơn 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn H. ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã được sử dụng thuốc PrEP để dự phòng phơi nhiễm HIV. Được biết, vợ của H. là người nhiễm HIV đã hơn 1 năm nay. Từ khi được Trung tâm Y tế huyện Phổ Yên thông báo về việc tham gia sử dụng PrEP, anh H. đã không ngần ngại đăng ký. Sau 3 lần kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm, anh H quyết định uống PrEP.
Trung tâm Y tế Thị xã Phổ Yên cho biết, bắt đầu hoạt động điều trị PrEP từ cuối tháng 6/2020.
Anh H. chia sẻ, ban đầu khi dùng PrEP, 5 ngày đầu anh có cảm giác mệt mỏi, nôn nao khiến anh phải dừng thuốc. Tuy nhiên, khi nghe các nhân viên y tế tư vấn về hiệu quả và lợi ích của PrEP có thể làm hạn chế khả năng lây nhiễm HIV, anh H. lại quyết tâm uống trở lại.
"Các bác sĩ cũng tư vấn cho tôi cần phải uống thuốc đúng giờ giấc và tuyệt đối không bỏ thuốc. Vì vậy, cứ tầm 9h tối, trước khi đi ngủ, tôi đều nhớ uống thuốc. Tôi cũng cảm thấy khá yên tâm khi sử dụng PrEP. Bên cạnh đó, đây là nguồn thuốc đang được hỗ trợ miễn phí nên cũng giảm bớt gánh nặng điều trị cho chúng tôi. Vì vậy hai vợ chồng động viên nhau cố gắng điều trị thuốc đều đặn, không được bỏ giữa chừng"- anh H. nói.
Tính đến 30/06/2020, tại tỉnh Thái Nguyên có khoảng 50 khách hàng đang điều trị PrEP, trong đó, tại Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên là 44 khách hàng và tại Trung tâm Y tế huyện Phổ Yên là 6 bệnh nhân.
Trung tâm Y tế Thị xã Phổ Yên cho biết, bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 6/2020, song phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm của Trung tâm bước đầu đã góp phần tuyên truyền và tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận với dịch vụ điều trị dự phòng lây nhiễm HIV.
Mở rộng cơ sở tư nhân tham gia điều trị PrEP
Tháng 7/2020, đôi bạn N.T.A (22 tuổi, ở Hải Phòng) và N.V.M (25 tuổi) trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng tính nam) đã tới Phòng khám đa khoa Kỳ Đồng (TP Hải Phòng) để được tư vấn làm các xét nghiệm về viêm gan, HIV, giang mai... trước khi sử dụng PrEP.
Bạn N.V.M, một trong những thành viên của nhóm MSM ở Hải Phòng đang được tư vấn về điều trị PrEP.
Bạn N.T.A chia sẻ, thời gian đầu sử dụng PrEP, V. cảm thấy hơi mệt, nôn nao. Khoảng 1 tuần sau, V. cũng đã dần quen thuốc và sức khỏe trở lại bình thường. V và bạn tình của mình đều chia sẻ mong muốn sử dụng PrEP để dự phòng cho bản thân hạn chế lây nhiễm HIV.
"Em được biết tỷ lệ nhóm MSM bị lây nhiễm HIV cũng khá cao. Vì vậy, em nghĩ rằng dùng PrEP rất tốt, sẽ giảm nguy cơ nhiễm HIV trong cộng đồng. Trong trường hợp phát hiện dương tính với HIV thì việc điều trị thuốc PrEP càng sớm càng tốt"- bạn N.V.M nói.
Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Hải Phòng cho biết, theo nghiên cứu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, ước tính quần thể MSM tại Hải Phòng là 4.515 người, chủ yếu là bóng kín. Số lượng này tập trung tại các quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An và huyện Thủy Nguyên. Theo đại diện của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Hải Phòng, nhóm cộng đồng MSM đặc biệt tập trung nhiều ở học sinh, sinh viên. Đây là nhóm đang có xu thế chung của toàn quốc.
Về hoạt động điều trị PrEP, lũy tích đến 30/5/2020, đã có 253 khách hàng tham gia điều trị và có 142 khách hàng đang điều trị tại Trung tâm Da liễu. Từ 1/5/2020 và đến 22/7/2020, đã có 130 khách hàng tham gia điều trị PrEP tại Phòng khám tư nhân Kỳ Đồng.
Chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên tư vấn về PrEP tại Phòng khám Đa khoa Kỳ Đồng, TP Hải Phòng chia sẻ, thông thường khách hàng đến Phòng khám vào thứ Bảy, Chủ nhật. Để bảo mật thông tin cho khách hàng, chị và nhân viên của phòng khám sẽ mời từng người để tư vấn. Vì vậy, khách hàng cần chia sẻ thành thật với nhân viên y tế để họ có thể tư vấn, giải thích cụ thể về những lợi ích, khó khăn trong vấn đề dùng thuốc PrEP.
Chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên tư vấn về PrEP tại Phòng khám Đa khoa Kỳ Đồng, TP Hải Phòng.
"Khi được tập huấn và nghe về chương trình PrEP này, tôi rất muốn tư vấn cho các bạn, đặc biệt là trong cộng đồng MSM tham gia vào chương trình này. Bởi vì rất nhiều bạn đến đây, rất tiếc họ không biết đến PrEP nên đã bị nhiễm HIV do không biết cách phòng tránh"- chị Hồng chia sẻ.
Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV song chỉ có 210.000 người biết được tình trạng của mình. Bởi vậy HIV luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi vẫn còn nhiều người chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hay còn gọi là PrEP chính là một trong những "vũ khí" tối ưu góp phần hạn chế HIV lây lan.
Các nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh PrEP là phương pháp sử dụng thuốc kháng virus ARV để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm. Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm lên đến trên 90%. Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng PrEP như là một phần của chiến lược dự phòng HIV/AIDS./.
Khỏi HIV không cần điều trị - Phép màu hay may mắn? Người phụ nữ 66 tuổi tại California (Mỹ) đã không còn là bệnh nhân HIV nhờ chính vào các tế bào miễn dịch trong cơ thể. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu khi bạn nghĩ đến căn bệnh HIV là gì? Chung sống suốt đời với virus và chết? Nếu bạn có suy nghĩ này thì một phép lạ gần đây có...