Vũ khí Nga tìm lại ánh hào quang
Xuất khẩu vũ khí của Nga tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhờ chiếm lĩnh thị trường châu Á.
Khác với Mỹ, điện Kremlin kiểm soát gần như toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng và Tổng thống Vladimir Putin luôn tạo điều kiện để giúp đỡ “đứa con cưng” của ngân khố quốc gia.
Nga nằm trong số 23 quốc gia không bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước quốc tế về mua bán vũ khí của Liên Hiệp Quốc. Moscow đánh giá với khả năng có thêm những sửa đổi, hiệp ước có thể ngăn các công ty Nga tiếp cận một số thị trường, và cả việc Nga nhập vũ khí mới.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (phải) cùng Phó thủ tướng Dmitry Rogozin trong lần kiểm tra sản phẩm của Công ty sản xuất vũ khí Promtechnologiya ở Moscow.
RIA Novosti dẫn thông báo của Tổng thống Putin cho biết giá trị vũ khí và khí tài xuất khẩu của Nga đạt 5,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2014, trong khi số tiền đặt cọc cho các đơn hàng đang triển khai đã lên đến 50 tỷ USD.
Do kinh tế bị ảnh hưởng vì lệnh cấm vận, thời gian sắp tới Nga sẽ phải bằng mọi cách nâng cao kim ngạch xuất khẩu vũ khí. Thậm chí mới đây, lãnh đạo Tập đoàn quốc phòng nhà nước Rosoboronexport tuyên bố lệnh cấm vận phương Tây sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu vũ khí của Nga.
Phát triển nhanh nhưng còn vấn đề
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã xóa nợ mua vũ khí cho nhiều nước với số tiền lên gần 100 tỷ USD. Mặc dù phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng về chính trị bắt đầu từ năm 1991, ngành xuất khẩu vũ khí vẫn mang về cho Nga khoảng 150 tỷ USD, và một nửa con số đó là trong bốn năm gần đây.
Tập đoàn quốc phòng nhà nước Rosoboronexport chiếm 80% thị phần xuất khẩu vũ khí của Nga, các công ty còn lại chủ yếu chuyên cung cấp dịch vụ bảo hành và linh kiện phụ trợ.
Đây là đặc thù khác với phương Tây, điện Kremlin toàn quyền đưa ra chính sách, đồng thời ký kết các đơn hàng vũ khí với nước ngoài.
Video đang HOT
Tuy vậy, ngoài những yếu tố thuận lợi, Nga cũng đang phải đối mặt với vấn đề không thể kiểm soát hết tình trạng tham nhũng, quản lý kém hay làm việc thiếu hiệu quả trong ngành công nghiệp quân sự.
“Công nghiệp quốc phòng Nga đang hồi phục từ tàn tích của kỷ nguyên Liên Xô. Tuy nhiên, những điểm yếu như thiết bị cũ kỹ, tổ chức không hiệu quả, tình trạng tham nhũng… đang hạn chế khả năng cạnh tranh của Nga với các nước phương Tây”, chuyên gia Perlo Freeman thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, nhận xét.
Trong một động thái siết chặt kiểm soát, hồi tháng 9 Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân nắm quyền Hội đồng Công nghiệp quân sự – cơ quan chuyên trách các hợp đồng xuất khẩu vũ khí – thay cho Phó thủ tướng Dmitry Rogozin.
Theo chuyên gia Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Moscow, những vấn đề trong ngành công nghiệp quốc phòng đã buộc ông Putin phải đích thân ra tay ghìm cương. “Là người đứng giữa phe công nghiệp và quân đội, ông Putin hiểu rõ hoàn cảnh và sự phức tạp trong quản lý, nhất là trong lúc khủng hoảng kinh tế hiện tại”, Puskhov nói.
Cạnh tranh khốc liệt
Một trong những thương vụ vũ khí gây ồn ào nhất của Nga thời gian gần đây là hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad tại Syria. Dù với lý do các hợp đồng đã được ký kết trước khi cuộc nội chiến xảy ra và nghĩa vụ phải hoàn thành theo luật pháp quốc tế, Nga vẫn bị cho đang cố bảo vệ đồng minh của mình hơn là vì lợi ích kinh tế.
Trong thương vụ bán tên lửa S-300 trước đó cho Iran, ông Nga Dmitry Medvedev, khi đó là tổng thống Nga, đã phải nhượng bộ trước sức ép của phương Tây và ra lệnh hủy hợp đồng. Kết quả là Moscow phải đối mặt với vụ kiện đòi bồi thường 4 tỷ USD từ phía Tehran.
Một phân tích của Viện Nước Nga Ngày nay chỉ ra cả hai yếu tố kinh tế lẫn địa chính trị đều có vai trò trong quyết định bảo vệ hợp đồng với Syria. Moscow không chỉ muốn bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn muốn giữ uy tín để ghi điểm với những khách hàng tiềm năng.
Dù chiếm lĩnh thị trường khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, Nga đang chịu áp lực cạnh tranh từ các nước Đông Âu, khối Liên Xô cũ, Israel… thậm chí là Trung Quốc, nước đang có những bước tiến mạnh mẽ trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Hiện Nga chiếm 15% thị phần vũ khí tại khu vực Mỹ Latin và đang tiến hành đẩy mạnh hoạt động quảng bá của mình, tiêu biểu là màn trình diễn trong Hội chợ triển lãm kỹ thuật hàng không vũ trụ FIDAE-2014 hồi đầu năm.
“Miếng bánh” Mỹ Latin được giới công nghiệp quốc phòng Nga định giá khoảng 50 tỷ USD trong 10 năm tới, và hứa hẹn sẽ diễn ra cạnh tranh khốc liệt với các công ty vũ khí phương Tây lẫn Trung Quốc. Tháng 9 vừa rồi, Bộ Quốc phòng Peru đã thông báo khả năng đặt mua khoảng 140 xe tăng T-90 của Nga sau khi thử nghiệm thành công một mẫu T-90 hồi năm ngoái.
Châu Phi và Trung Đông cũng là những khách hàng của Nga dù chỉ chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu (lần lượt là 14% và 10%), thua xa 65% của châu Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2013, Nga xuất khẩu vũ khí đi 65 nước, đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật quân sự với 89 quốc gia.
Vũ khí thế hệ mới của Nga cũng rất hiện đại
Khác với các vũ khí của Mỹ vốn hiện đại, đắt tiền và đòi hỏi trình độ cao để sử dụng, vũ khí Nga tập trung vào những mẫu thiết kế cũ đáng tin cậy, giá thành rẻ và dễ sử dụng.
Báo CS Monitor dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng một số vũ khí thế hệ mới của Nga không thua kém gì Mỹ. Ví dụ như hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400, tên lửa Iskander, xe tăng T-90 hay máy bay siêu thanh T-50 được so với F-22 Raptor của Mỹ.
Một số hợp đồng lớn của Nga gần đây có gói cung cấp vũ khí hỗn hợp trị giá 1 tỷ USD cho Azerbaijan, gói vũ khí cho Iraq trị giá 4,3 tỷ USD, hợp đồng gần 1 tỷ USD với Syria…
Ngoài ra, một hợp đồng với Ai Cập trị giá 3,5 tỷ USD đang được xúc tiến.
Nhà Trắng cũng đã mua 88 trực thăng Mi-17 của Nga trị giá hơn 1 tỷ USD cho lực lượng Mỹ tại Afghanistan.
Theo Tuổi Trẻ
Trung, Mỹ và cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình trên tàu sân bay
Trung Quốc và Mỹ đang bên bờ vực một cuộc chạy đua vũ trang mới khi cả hai đều tìm cách phát triển máy bay chiến đấu tàng hình có thể hoạt động trên các tàu sân bay.
David Axe, một phóng viên chuyên về quốc phòng người Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đầu tư phát triển máy bay tàng hình J-31 hoạt động trên tàu sân bay duy nhất hiện nay của nước này. Bắc Kinh thường xuyên thử nghiệm các loại vũ khí mới nhằm bổ sung vào kho vũ khí của mình bằng cách xây dựng các loại mô hình nguyên mẫu đầu tiên.
Tiêm kích hạm tàng hình F-35C của Mỹ
Nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu J-31 trên tàu sân bay Liêu Ninh, đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với máy bay chiến đấu tàng hình F-35C vốn được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay của Mỹ và đang gặp một số vấn đề. Máy bay F-35C, dự kiến được triển khai cho hạm đội tàu sân bay của Mỹ vào năm 2018, sẽ là máy bay tàng hình đầu tiên có thể được triển khai từ biển.
Khát vọng của Trung Quốc đối với những khả năng quân sự tiên tiến như trên xuất hiện vào một thời điểm mà Mỹ đang nỗ lực "xoay trục" trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc cho rằng họ có thể tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực này ở châu Á, do đó Bắc Kinh đang tìm cách đối trọng với bất kỳ sự gia tăng ảnh hưởng nào của Washington ở khu vực sân sau của mình.
Khả năng hoạt động của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên vùng biển mở sẽ là một lợi thế rất lớn đối với cả Mỹ và Trung Quốc, và đó là một khả năng mà có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở Thái Bình Dương. Nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng gia tăng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 được phóng từ tàu sân bay có thể cung cấp cho Trung Quốc lợi thế tấn công trước trong trường hợp có chiến tranh.
Cùng với J-31, Trung Quốc hiện đang trong quá trình lắp đặt thêm các tàu sân bay. Một trong số chúng có thể sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân và lớn bằng siêu tàu sân bay của Mỹ.
Trung Quốc cũng đang phát triển một loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 khác được gọi là J-20. Trong khi J-20 chủ yếu được coi như là một bản sao của máy bay Mỹ, J-31 lại có kiểu dáng nhỏ hơn, đẹp hơn. Vladimir Barkovsky, Trưởng phòng thiết kế máy bay MiG của Nga, đã gọi J-31 là một "thiết kế bản địa tốt".
Một mô hình thu nhỏ của chiếc máy bay, được cho là máy bay chiến đấu tàng hình J-31, trưng bày tại khu vực dành cho quân sự tại Triển lãm Hàng không và Không gian vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở thành phố Chu Hải (Zhuhai), phía nam nước này ngày 12/11/2012.
J-31 có kích thước tương tự như F-35. Tuy nhiên, loại máy bay này của Trung Quốc có động cơ nhỏ hơn và thân máy bay bằng phẳng hơn, tập trung vào chiến đấu không đối không. Thiết kế này cũng có nghĩa là J-31 sẽ có một khoang vũ khí nhỏ hơn so với F-35, nhưng nó sẽ cải thiện được vấn đề nhiên liệu và tốc độ cao hơn do giảm được lực ma sát.
Có thể là Trung Quốc đang phát triển J-31 để cuối cùng sẽ bay cùng với J-20. Điều này sẽ tương tự như việc Mỹ sử dụng F-22 và F-35. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể phát triển J-31 chỉ để xuất khẩu và trở thành một đối thủ cạnh tranh với F-35. Nếu trường hợp này là đúng, Trung Quốc coi mình như là một nhà cung cấp vũ khí cho các quốc gia trên thế giới trong tương lai, những nước mà Mỹ còn cân nhắc trong vấn đề chuyển giao F-35C.
Một ứng cử viên có khả năng mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc là Pakistan. Hai quốc gia này trước đây đã cùng nhau phát triển một máy bay chiến đấu tiên tiến và 54% số vũ khí hiện nay của Pakistan là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhưng việc Trung Quốc bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho Pakistan có thể khiến cho căng thẳng trong khu vực tăng lên vì Ấn Độ - đối thủ địa chính trị lớn của Pakistan hiện đang phối hợp phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với Nga.
Theo Tin Tức
Hải quân Nga tăng cường 7 tiêm kích đa năng Su-30SM Bộ Quốc phòng Nga vừa đặt mua thêm 7 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30SM nhằm trang bị cho lực lượng hải quân. Tiêm kích đa năng Su-30SM Hợp đồng này đã được Thứ trưởng bộ Quốc phòng Nga Yury Borisov và Chủ tịch Tập đoàn Irkut Oleg Demchenko ký kết vào ngày 5/9 vừa qua, trong khuôn khổ Triển lãm máy bay...