Vũ khí Nga lộ “tử huyệt” ở Syria?
Tổng thống quyền lực Vladimir Putin hồi tuần trước đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi bất ngờ thừa nhận các vũ khí uy lực của Nga bị lộ hàng loạt điểm yếu ở chiến trường Syria – nơi lực lượng Nga đang thể hiện sức mạnh khiến những đối thủ mạnh nhất của Nga cũng phải dè chừng.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến thu hút sự chú ý lớn của dư luận trong và ngoài nước Nga hôm 14/4, Tổng thống Putin đã thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là có những điểm yếu đã được phát hiện. Tôi phải nói thật là có khá nhiều điểm yếu. Mọi thứ đều đang được các chuyên gia kiểm tra, phân tích và mổ xẻ một cách kỹ càng”.
Bất ngờ hơn, những vũ khí của Nga lộ điểm yếu lại là những vũ khí đang “tung hoành ngang dọc” và phát huy sức mạnh rất đáng gờm trên chiến trường Syria, có thể kể ra đây một số loại như máy bay ném bom Su-34 và chiến đấu cơ Su-35.
Theo một số nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng của họ đã phát hiện ra một loạt lỗi kỹ thuật trong những chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi tối tân nhất – cụ thể là máy bay ném bom Su-34 và chiến đấu cơ đa năng Su-35S. Các lỗi kỹ thuật được phát hiện trong hệ thống kiểm soát bay và các động cơ của máy bay. Tuy nhiên, các lỗi này không phải là “tử huyệt”, là “điểm yếu chết người” như một số lời đồn đại mà chỉ là những lỗi kỹ thuật “không nghiêm trọng” và không có ảnh hưởng đến tiến trình của chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Điều này lý giải vì sao các lực lượng của Nga vẫn thể hiện sự thiện chiến và vẫn chiến đấu hiệu quả ở chiến trường quốc gia Trung Đông.
Su-34 được đánh giá là một trong những chiếc máy bay tiêm kích đánh bom hàng đầu thế giới hiện nay. Loại chiến đấu cơ này được thiết kế để thay thế cho máy bay cường kích Su-24. Nhiệm vụ chính của Su-34 là tấn công mặt đất song nó vẫn sở hữu khả năng không chiến vượt trội. Su-34 là thế hệ máy bay 4 của Nga có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Máy bay Su-34 có khả năng đạt tốc độ tối đa lên đến 2.000 km/h, bán kính chiến đấu là 1.100 km, được trang bị 12 điểm treo vũ khí với tổng khối lượng vũ khí lên đến 8 tấn. Với khả năng mang được khối lượng vũ khí lớn như vậy, Su-34 được giới quân sự Nga đặt cho biệt danh là “ Xe tăng bay” bởi sức mạnh hỏa lực ghê gớm của chiến đấu cơ này.
Su-34 được trang bị các loại vũ khí chính xác cao, tấn công đa dạng các mục tiêu trên không, mặt đất, trên biển. Su-34 còn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Chiến đấu cơ Su-34 được trang bị tên lửa tầm ngắn R-73 và các tên lửa radar dẫn đường không đối không R-77. Thêm vào đó, chiến đầu cơ này còn có khả năng mang theo các loại tên lửa đất đối không khác, trong đó có tên lửa Kh-59ME, Kh-31A, Kh-31P, Kh-29T, Kh-29L và S-25LD. Loạt tên lửa này có thể tấn công cả mục tiêu mặt đất lẫn mục tiêu trên biển.
Video đang HOT
Trong khi đó, Su-35 là một phiên bản hiện đại hóa rất sâu của loại chiến đấu cơ Su-27M – máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Không quân Nga. Su-35 lần đầu tiên được trình làng trước công chúng thế giới là tại Triển lãm hàng không Paris 2013. Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4 có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga dù chỉ diễn ra vỏn vẹn trong chưa đầy 5 tháng nhưng có hiệu quả hơn rất nhiều so với chiến dịch của liên quân hùng hậu do Mỹ chỉ huy trong hơn một năm. Chính vì thế, không phải vô cớ mà những vũ khí của Nga đang chiến đấu ở chiến trường Syria lại được quan tâm rất lớn, được nhiều nước nhòm ngó muốn mua trong khi các đối thủ của Nga bắt đầu tỏ ra lo sợ thực sự về sức mạnh quân sự của cường quốc Đông Âu.
Như vậy, những điểm yếu bị phơi bày trên chiến trường Syria không làm vũ khí của Nga bị giảm đi uy tín. Trái lại, vũ khí Nga trở thành mặt hàng “hot” được hàng loạt nước đề nghị đàm phán đặt mua.
Tổng thống Putin hôm 14/4 đã tiết lộ, nhu cầu mua vũ khí của Nga đã và đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau khi Nga tham chiến ở Syria. Nga đang là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Vân Linh
Theo_VnMedia
Vũ khí uy lực của Nga, Mỹ "chạm trán" toé lửa ở Syria?
Mỹ lần đầu tiên sau hơn 25 năm tung pháo đài bay B-52 đến Trung Đông kể từ sau cuộc chiến Vùng Vịnh. Cũng không chịu kém cạnh, Nga liên tiếp triển khai hai vũ khí bảo bối trong Không lực của mình đến chiến trường Syria.
Máy bay ném bom B-52
Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ mới đây cho biết, họ đã quyết định triển khai máy bay ném bom B-52 đến Căn cứ Không quân Al Udeid ở Qatar để tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm gia tăng sức ép lên IS, đẩy mạnh và nhanh hơn nữa cuộc chiến tiêu diệt lực lượng khủng bố này.
Mặc dù B-52 là một trong những loại máy bay già cỗi nhất trong Không lực Mỹ với 60 năm tuổi đời nhưng nó vẫn là vũ khí chủ lực của Không quân. Giới chức quân sự Mỹ tin rằng, những chiếc máy bay ném bom B-52 sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu hiệu quả ở chiến trường Syria mà gây ít thương vong cho dân thường.
B-52 là loại máy bay ném bom phản lực hạng nặng do hãng Boeing sản xuất theo đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc để làm nhiệm vụ ném bom hạt nhân trong chiến tranh toàn cầu. B-52 có khả năng mang lượng vũ khí có trọng tải lên tới 18 30 tấn bom. Loại máy bay này được trang bị tên lửa hành trình loại AGM-86B để tiến công từ xa với cự ly 2.500 km. Ngoài ra, B-52 còn có thể mang 12-20 tên lửa hành trình ALCM hoặc 8 tên lửa hành trình ACM (tàng hình), 4 pháo 20 mm hoặc một pháo 20 mm 6 nòng.
Máy bay B-52 được trang bị thiết bị tác chiến điện tử và 12-16 máy gây nhiễu tích cực. B-52 còn được trang bị tên lửa chống ra đa, 21 bộ thiết bị phóng nhiễu tiêu cực, 12 bộ thiết bị gây nhiễu hồng ngoại, hệ thống quan sát vô tuyến truyền hình, quan sát hồng ngoại, hệ thống dẫn đường từ vệ tinh, hệ thống quan sát quang điện tử, ra đa cảnh giới, máy tính điện tử... Đặc điểm ưu việt của B-52 là có thể bay liên tục 9 giờ không cần tiếp dầu. Nếu được tiếp dầu, B-52 có thể bay xa hơn, có thể vượt chặng đường 18.000 20.000 km.
Máy bay ném bom B-52 được miêu tả là thứ vũ khí linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ: tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược.
Nếu như Mỹ triển khai máy bay ném bom già cỗi nhưng thiện chiến B-52 thì Nga cũng không kém phần hoành tráng khi tung ra hai loại trực thăng tấn công hàng đầu của mình là "Cá sấu" Ka-52 và "Thợ săn đêm" Mi-28N.
Theo nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga hôm 11/4 cho biết, Ka-52 và Mi-28N đều đã xuất hiện trên bầu trời Syria để tham gia nhiệm vụ oanh kích, tiêu diệt các lực lượng khủng bố.
Cả Mi-28N và Ka-52 đều đã bắt đầu xuất kích thực hiện các nhiệm vụ không kích ở Syria. Mi-28N được sử dụng lần đầu tiên ở gần chiến trường thành phố cổ Palmyra thuộc tỉnh Homs hồi cuối tháng Ba. Trong khi đó, Ka-52 chính thức chiến đấu ở các khu vực gần thành phố Homs từ đầu tháng Tư.
Ka-52 Alligator là máy bay trực thăng trinh sát và chiến đấu thế hệ mới của Nga. Trực thăng Ka-52 hiện được đánh giá là một trong những trực thăng tấn công uy lực nhất thế giới. Ka-52 có thể hoạt động trong mọi thời tiết, cả ban ngày lẫn ban đêm, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trinh sát, định vị mục tiêu, hỗ trợ cho các đơn vị mặt đất và phối hợp hoạt động của các trực thăng quân sự khác. Nó cũng có khả năng tấn công và tiêu diệt các loại mục tiêu mặt đất (xe bọc thép lẫn công sự), chi viện hỏa lực hay tấn công các mục tiêu đường không ở tốc độ thấp trong mọi điều kiện thời tiết.
Trực thăng Ka-52 Alligator (Cá sấu)
Ka-52 cũng là trực thăng tấn công đầu tiên trên thế giới trang bị ghế phóng K-37-800M giúp phi công thoát ra ngoài trong trường hợp trực thăng bị trúng đạn hoặc gặp sự cố nghiêm trọng. Điểm vượt trội của Ka-52 so với các trực thăng tấn công khác là khả năng cơ động rất cao. Nó có thể bay lùi với tốc độ 130 km/h và bay ngang với tốc độ 100 km/h. Một ưu thế nữa của Ka-52 là khả năng bay kiểu xoáy, nghĩa là bay xung quanh một điểm ngắm và hướng hệ thống vũ khí về phía mục tiêu.
Trong khi đó, Mi-28N là biến thể thế hệ thứ 5 của trực thăng tấn công Mi-28 do Nga sản xuất, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tìm, diệt các mục tiêu như xe tăng, thiết giáp, mục tiêu kiên cố, mục tiêu trên không hay chi viện hỏa lực cho lục quân. Nó có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm.
Trực thăng Mi-28N
Trực thăng Mi-28 có thể tàng hình trước radar, có khả năng tấn công vượt trội, thậm chí là tấn công cả các máy bay chiến đấu, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 6km trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, kể cả trong đêm tối và đạt tốc độ từ 500-600 km/giờ. Loại trực thăng này có khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến nhanh gấp 2,5 lần so với người tiền nhiệm MI-24.
Việc Nga liên tiếp tung hai loại vũ khí hàng đầu trong kho vũ khí của Không quân đến chiến trường Syria đã đủ để cho thấy quyết tâm của nước này trong cuộc chiến diệt trừ tổ chức IS cũng như quyết tâm giữ vững lợi thế mà họ đã giành được trên chiến trường quốc gia Trung Đông kể từ sau khi chính thức phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào đây hồi tháng 9 năm ngoái.
Vân Linh
Theo_VnMedia
UAV siêu nhỏ: Nga đuối sức trong cuộc đua với Mỹ Theo ArmyTimes ngày 3/4, đến năm 2018, Lục quân Mỹ sẽ được trang bị loại UAV bỏ túi Black Hornet dùng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Theo giới thiệu, UAV Black Hornet Nano có chiều dài 10 cm, rộng 2,5 cm và nặng chỉ có 16 g. Black Hornet Nano được trang bị một camera tí hon có khả năng truyền...