Vũ khí Mỹ trong chiến tranh VN – Kỳ 2: Chiến hạm ‘khủng’ trợ lực không quân
Trong chiến tranh Việt Nam, dù không có những trận hải chiến quy mô lớn nhưng Mỹ vẫn điều động tàu sân bay, khu trục hạm tham gia mà chủ yếu nhằm hỗ trợ không quân.
Tàu sân bay USS Ticonderoga nhận nhiên liệu ở vùng duyên hải Việt Nam hồi năm 1966- Ảnh: US Navy
Năm 1964, Washington đã mượn sự kiện vịnh Bắc bộ, xảy ra vào đầu tháng 8.1964, làm cớ để chính thức công khai hoạt động của hải quân nhằm hỗ trợ không quân đánh phá miền bắc nước ta. Từ đây, hải quân Mỹ với các chiến hạm cỡ lớn xem như chính thức tham chiến.
Hai lớp khu trục hạm chủ lực
Trong sự kiện trên, chiếc khu trục hạm USS Maddox được xem như “nhân vật chính”. Được biên chế chính thức vào năm 1944 và từng trải qua Thế chiến 2 lẫn Chiến tranh Triều Tiên, USS Maddox là một chiến hạm thuộc lớp Allen M.Sumner có độ choán nước khoảng 2.200 tấn, chủ yếu mang theo súng pháo nhiều kích cỡ và một số loại ngư lôi. Theo tài liệu lưu trữ của hải quân Mỹ, chiến hạm này sau sự kiện vịnh Bắc bộ đã tiếp tục hoạt động tại miền Nam Việt Nam thêm một thời gian rồi quay về Mỹ vào tháng 9.1964. Về sau, chiến hạm này được Đài Loan mua lại.
USS Maddox từng là “kẻ quấy rối” trong sự kiện vịnh Bắc bộ – Ảnh: US Navy
Trong Chiến tranh Việt Nam, USS Maddox chỉ là một trong nhiều tàu khu trục được Mỹ điều động tham chiến. Vào năm 1965, Lầu Năm Góc còn điều động 2 tàu khu trục USS Black (DD 666) và USS Higbee (DD 806) đảm trách việc kiểm soát vùng biển Việt Nam với tham vọng cắt đứt đường tiếp vận của miền Bắc vào miền Nam. Trong đó, USS Black thuộc lớp Fletcher, “tiền nhiệm” của lớp Allen M.Sumner, có độ choán nước toàn tải lên đến 2.500 tấn.
Chiếc USS Higbee thì thuộc lớp Gearing có độ choán nước toàn tải khoảng 3.400 tấn và là một trong những lớp tàu chủ lực của hải quân Mỹ kể từ sau Thế chiến 2. Cả 2 chiến hạm USS Black và USS Higbee đều từng được Mỹ sử dụng triệt để từ thời Thế chiến 2 và Chiến tranh Triều Tiên.
Tài liệu của hải quân Mỹ còn nêu ra một số tàu khu trục khác cũng từng tham gia Chiến tranh Việt Nam. Điển hình như chiếc USS John R.Craig, cùng thuộc lớp Gearing giống USS Higbee, đã tham gia nhiều chiến dịch khác nhau.
Thực tế, trước khi USS Maddox bị phát hiện do thám ở vịnh Bắc bộ, chính chiếc USS John R.Craig đã đảm trách nhiệm vụ tương tự diễn ra hồi tháng 2 và tháng 3.1964, theo cuốnThe Naval Institute Historical Atlas of the U.S. Navy của Craig L.Symonds. Cuối năm 1966, chiến hạm USS John R.Craig và tàu khu trục USS Hamner, cũng thuộc lớp Gearing, còn cùng nhau tham gia một chiến dịch đánh phá miền Bắc.
Video đang HOT
Tàu chỉ huy CCB – Ảnh: militaryfactory
Cũng trong giai đoạn cuối năm 1966, khu trục hạm USS O’Brien, thuộc lớp Allen M.Sumner giống chiếc USS Maddox, đã chạm trán với các đơn vị pháo binh ở vùng duyên hải Quảng Bình.
Như vậy, trong suốt Chiến tranh Việt Nam, Allen M.Sumner và Gearing được xem như hai lớp tàu khu trục chủ lực mà Mỹ dùng để quấy rối miền Bắc Việt Nam và kiểm soát tuyến hàng hải nối liền hai miền Việt Nam.
Hàng loạt tàu sân bay
Trong khi đó, Mỹ cũng triển khai khá nhiều tàu sân bay tham chiến tại Việt Nam. Điển hình trong số này phải kể đến chiếc USS Ticonderoga. Đầu tháng 8.1964, chiến đấu cơ đã xuất phát từ USS Ticonderoga để tấn công các tàu chiến của Việt Nam Dân chủ cộng hòa đang tuần tra tại vịnh Bắc bộ. USS Ticonderoga thuộc lớp Essex với độ choán nước toàn tải hơn 30.000 tấn, có thể chở theo đến 100 máy bay các loại. Essex cũng là lớp tàu sân bay có số lượng chiến hạm tham chiến Việt Nam nhiều nhất với không dưới 10 chiếc. Số tàu này tham chiến với nhiều mức độ khác nhau.
Một đoàn tàu quân sự Mỹ di chuyển trên sông tại Việt Nam – Ảnh: Warboats.org
Sau sự kiện vịnh Bắc bộ, ngày 5.8.1964, USS Ticonderoga còn cùng với tàu sân bay USS Constellation nhận lệnh của Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson đánh phá các cơ sở hạ tầng ở miền Bắc nước ta. USS Constellation thuộc lớp Kitty Hawk có độ choán nước toàn tải hơn 80.000 tấn và được xem như loại tàu sân bay hiện đại nhất nhì thế giới vào thời điểm trên. Lớp tàu này còn hoạt động đến những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Cùng thuộc lớp Kitty Hawk, chiếc USS Kitty Hawk cũng đã tham chiến tại Việt Nam.
Ngoài số hàng không mẫu hạm trên, không dưới 10 tàu sân bay khác cũng từng được Lầu Năm Góc điều động tham chiến tại Việt Nam bằng các hình thức khác nhau, cả chính thức lẫn không chính thức. Trong đó, cả 3 chiếc thuộc lớp Midway là USS Franklin D. Roosevelt, USS Midway và USS Coral Sea đều tham chiến. Đặc biệt, chiếc USS Midway còn gắn liền với hình ảnh trực thăng bị xô đổ xuống biển để mở rộng đường băng cho một chiếc Cessna O-1 Bird Dog đáp xuống trong quá trình di tản khỏi Việt Nam hồi tháng 4.1975.
Tham vọng kiểm soát vùng sông nước Đối với Mỹ, nếu như chiến trường trên biển không quá căng thẳng trong chiến tranh Việt Nam thì việc quyết giành quyền kiểm soát các tuyến sông, hoặc vùng duyên hải lại đặt ra nhiều thách thức. Nhất là tại các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, nước này đã phát triển một loạt phương tiện thủy chiến với nhiều kích cỡ khác nhau để đáp ứng các mục tiêu: chuyển quân, đổ bộ, tuần tiễu… Theo chuyên trang Warboats.org, Mỹ đã triển khai hơn 20 loại phương tiện như thế tại chiến trường Việt Nam. Nổi bật trong số này phải kể đến dòng LCM 6 chuyên phụ trách chở quân và khí tài đổ bộ. Phương tiện này có độ choán nước khoảng 60 tấn, dài 17,1 m, vận tốc tối đa khoảng 17 km/giờ, có thể chở khoảng 80 binh sĩ hoặc 34 tấn thiết bị. Ở Việt Nam, Mỹ còn đẩy mạnh một biến thể của LCM 6 là dòng Tango, được trang bị các loại vũ khí như súng máy 7,62 mm, súng phóng lựu… Cũng để đáp ứng nhu cầu kiểm soát các vùng sông nước, Mỹ còn triển khai dòng tàu CCB có hỏa lực mạnh, thường đóng vai trò mở đường cho các tàu chở quân. CCB dài khoảng 18 m, độ choán nước 80 tấn, được trang bị pháo 40 mm, súng máy 12,7 mm, súng phóng lựu và thậm chí có thể mang theo một tháp pháo loại 80 mm. Ngoài ra, thuộc số phương tiện trên, Mỹ còn triển khai các loại tàu tuần tra cao tốc, tàu đổ bộ cho lực lượng SEAL… tại chiến trường Việt Nam.
Theo VNE
Cuộc họp nội các và quốc sách "4 không" của Tổng thống Thiệu
Tướng đề nghị đưa quân đi cứu Phước Long, Thiệu không đồng ý. Chỉ đến khi Phước Long thất thủ, Thiệu mới hoang mang và tổ chức truy điệu 3 ngày.
Cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh viết về những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa chính thức ra mắt. Nhà báo Trần Mai Hạnh chính là người có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975. Cuốn sách được viết dựa trên biên bản các cuộc họp, biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú, thư từ, điện tín,... của tướng lĩnh Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày tháng cuối cùng. Cuốn sách được viết theo trình tự thời gian. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), chúng tôi xin đăng tải những trích đoạn cuối cùng của cuốn sách, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Thiệu và quốc sách "4 không"
Không khí chiến tranh hầm hập Sài Gòn khi dòng người tị nạn từ Phước Long đổ về. Tổng Cục Thực phẩm thông báo không tổ chức chợ Tết cho công chức, quân nhân như mọi năm vì không có hàng hóa trong lúc vật giá leo thang. Tin sắp phát hành giấy bạc mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng làm xáo động đời sống người Sài Gòn.
Sáng 3/1/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập cuộc họp nội các tại Dinh Độc Lập với các nhân vật chủ chốt như: Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm; Trung tướng Đặng Văn Quang (Cố vấn an ninh quốc gia của Thiệu); Trung tướng Đồng Văn Khuyên (Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tiếp vận); Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa).
Chân dung Nguyễn Văn Thiệu
Trung tướng Dư Quốc Đống (Tư lệnh Quân đoàn 3, đảm trách phòng thủ Sài Gòn) trình bày tình hình nguy cấp của Phước Long và Quân đoàn 3. Đống đề nghị Thiệu và Bộ Tổng Tham mưu điều ngay một Sư đoàn bộ binh hoặc Sư đoàn dù ứng cứu.
Đống chưa trình bày dứt, Thiệu đã đứng lên yêu cầu các thành viên nội các trước hết hãy cho ý kiến có nên tung lực lượng dự trữ chiến lược vào mặt trận Phước Long hay không? Vốn biết ý Thiệu nên không thành viên nào dự họp nêu ý kiến quyết liệt về việc phải tung quân giữ Phước Long đến cùng.
Từ khi hiệp định Paris được ký năm 1973, Thiệu đề ra quốc sách "4 không" (không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thổ, tiền đồn nào; không liên hiệp; không thương lượng; không có hoạt động của cộng sản hoặc đối lập ở trong nước). Không chỉ những buổi họp nội các mà tất cả cuộc họp bất thường hay hằng tháng với tư lệnh các quân đoàn, quân khu, binh chủng đều diễn ra tại Dinh Độc Lập thay vì ở Bộ Tổng Tham mưu như trước đây. Thiệu nắm quyền chủ tọa như là Tổng tư lệnh tối cao của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Thiệu nói: "... Căn cứ lực lượng địch trong vùng, chúng ta thấy địch có thể phản ứng mạnh và gây thương vong nặng nề cho quân đội Sài Gòn. Sự hiện diện của quân Bắc Việt trong vùng rất mạnh. Tốt nhất nên dành lực lượng để phòng thủ các khu vực khác có giá trị chiến lược hơn".
Đống lập tức đứng lên xin từ chức với lý do không đủ khả năng giải quyết tình hình quân sự của vùng 3. Quân đoàn 3 không thể tự xoay xở việc giải cứu Phước Long.
Yêu cầu từ chức của Đống sau 3 tháng nhận chức Tư lệnh đã bị Thiệu bác bỏ thẳng thừng.
Đến 6/1, Phước Long thất thủ. Sự kiện được đánh dấu vào 16h chiều cùng ngày, Đại tá Đỗ Công Thành (Tỉnh trưởng Phước Long) trúng đạn chết trong đám loạn quân khi đang cố vượt hàng rào đạn phía bắc để chạy qua sông Bé. 5.400 sĩ quan và lính của Trung đoàn 7 ném vào Phước Long chỉ còn chưa đầy 850 người sống sót.
Mặc dù lúc ấy đang cữ gió đông bắc khô hanh nhưng không hiểu sao lại có những cơn mưa xối xả đổ xuống cả Phước Long và Sài Gòn. Một tờ báo Sài Gòn ngày đó viết: "Dường như ngay cả ông trời cũng rơi nước mắt khóc cho Phước Long".
Ngay ngày hôm sau, Thiệu tuyên bố trên đài Sài Gòn: "Toàn quốc dành ba ngày truy điệu, cầu nguyện cho Phước Long".
Lên gân trong hoang mang
Quyền Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa Ngô Khắc Tỉnh đã chủ trì buổi họp báo gồm đầy đủ ký giả nhưng không trả lời bất cứ câu hỏi nào ngoài việc phát bản tuyên cáo về tình hình Phước Long.
Trái lại, cuộc họp báo sau đó mấy ngày của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Tân Sơn Nhất do Đại tá Võ Đông Giang chủ trì hết sức sôi động.
Đại tá Giang đã trả lời các câu hỏi báo chí nêu: Lý do đánh chiếm Phước Long và đó có phải là vi phạm Hiệp định Paris không? Nếu tiếp tục tấn công như hiện nay, để bảo vệ Hiệp định thì Đại tá có thấy nguy cơ Hoa Kỳ trở lại can thiệp trực tiếp không?
Vị Đại tá nói rằng: "Chúng tôi đấu tranh chính nghĩa trên cả ba mặt trận: chính trị - quân sự - ngoại giao. Chúng tôi không loại trừ khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp trắng trợn hơn nữa vào miền Nam Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ làm như vậy thì sẽ không nhận được gì ngoài thất bại nặng nề hơn mà thôi".
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (phải) và Phó Tổng thống Trần Văn Hương năm 1972
Trong 3 ngày, Thiệu tổ chức nhiều hoạt động cầu nguyện, mít tinh tưởng niệm Phước Long. Đô trưởng Đỗ Kiến Nhiễu nói rằng sẽ có cuộc quyên tiền lớn trong đô thành giúp dân Phước Long tản cư về Sài Gòn và gia tăng đảm bảo an ninh đô thành. Cả tuần lễ trên đài phát thanh truyền hình Sài Gòn ra rả phát bài hát "Phước Long anh hùng".
Thiệu hô hào sẽ lấy lại Phước Long nhưng trên thực tế không có hành động quân sự nào. Mỹ lúc đầu hùng hổ cho tàu chở máy bay nguyên tử dẫn một lực lượng đặc nhiệm của hạm đội 7 từ Philippines tiến về bờ biển Việt Nam. Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinaoa được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp... Nhưng cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ buộc phải bỏ qua sự kiện Phước Long và tuyên bố: "Đây chưa phải là cuộc tấn công ồ ạt của Bắc Việt Nam".
Bửu Viên, Cố vấn của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm sau này kể lại rằng, trong buổi họp nội các, ông ta thấy rõ thái độ lo lắng, thất thần trong giọng điệu lên gân của Thiệu. Thái độ đó khác hẳn vẻ tự tin, quyết đoán, đôi lúc khôi hài của Thiệu.
Một tuần trước Tết Ất Mão (11/2/1975), phong trào nhân dân chống tham nhũng do linh mục Trần Hữu Thanh khởi xướng tung ra bản cáo trạng số 1 nêu rõ 4 trọng tội của Thiệu. Gần chục tờ báo đồng loạt đăng tải thông tin cáo trạng này, tố cáo hành vi tham nhũng của Thiệu cùng tướng lĩnh tay chân của ông ta trong nội các.
Mời các bạn đón đọc kỳ tiếp theo: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nỗi sợ ám sát, đảo chính vào 10h00 ngày 2/5.
Theo VNE
Trận chiến cuối cùng của Mỹ ở Đông Dương Trận đánh cuối cùng của Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh Đông Dương vào tháng 5.1975 lại là thất bại đẫm máu của quân đội nước này. Trực thăng thả lính thủy đánh bộ Mỹ xuống đảo Koh Tang - Ảnh: US Air Force Tháng 5.1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất trong...