“Vũ khí hạt nhân TQ không đe dọa trực tiếp Mỹ”
Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không phải là mối “đe dọa trực tiếp” đối với Mỹ, Tướng Robert Kehler khẳng định như vậy hôm 30-5 trong lời kêu gọi đối thoại rộng rãi hơn nữa với quân đội Trung Quốc.
Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không “đe dọa trực tiếp” tới Mỹ
“Chúng tôi muốn có mối liên hệ và đối thoại thường xuyên với quân đội Trung Quốc”, Tướng Robert Kehler, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược (STRATCOM )- chuyên giám sát các chiến dịch răn đe hạt nhân của Mỹ trên toàn cầu, phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Ngoại giao tại Washington.
“Chúng tôi cho rằng sẽ có lợi ích vô cùng lớn cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ, đặc biệt giúp chúng tôi tránh hiểu nhầm hay căng thẳng trong tương lai. “, ông Kehler cho biết.
Tướng chỉ huy STRATCOM còn khẳng định rằng mặc dù Mỹ và Nga đang nắm giữ 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới nhưng việc đề cập vấn đề này với Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Ông nói: “Tôi không coi sự răn đe chiến lược của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Chúng tôi không phải là kẻ thù.
Ông Kehler cũng thừa nhận mối quan ngại về ngân sách năm 2013 khi Lầu Năm Góc cũng thắt lưng buộc bụng trọng bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh điều đáng lo nhất là về vấn đề đầu tư cho các vũ khí hạt nhân thực tế chứ không phải hệ thống phân phối.
Theo NLD
Phần lớn kho hạt nhân trên thế giới không an toàn
Ngày 11/1, các chuyên gia quốc tế thuộc nhóm "Sáng kiến đe dọa hạt nhân" (NTI - Nuclear Threat Initiative) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, đã công bố báo cáo nhận định phần lớn các kho hạt nhân trên thế giới đều không đảm bảo an toàn và có nguy cơ rơi vào tay những phần tử khủng bố.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
NTI có nhiệm vụ đánh giá mức độ an toàn của hàng trăm kho hạt nhân tại 32 nước trên toàn thế giới sở hữu tối thiểu 1kg vật liệu hạt nhân urani (uranium) được làm giàu ở mức độ cao (HEU) - nguyên liệu được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử.Dựa trên các thông tin công bố trước đó, các chuyên gia của NTI đã xây dựng năm tiêu chuẩn bao gồm lượng HEU và plutoni (plutonium) hiện có của mỗi nước và số lượng kho chứa hiện tại; các biện pháp bảo vệ và hệ thống giao thông tiếp cận các kho chứa; tính minh bạch và khả năng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế; khả năng và tinh thần sẵn sàng thực thi các quy định quốc tế; và cuối cùng là những yếu tố xã hội như tình hình ổn định chính trị, lạm phát hay nguy cơ từ các tổ chức khủng bố có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo các tiêu chí trên, Australia là nước thực hiện các biện pháp an toàn hạt nhân chặt chẽ nhất, với 94 điểm trên thang điểm 100. Tiếp sau là Hunggary (89 điểm) và Cộng hòa Séc (87 điểm).
Đối với các nước phương Tây, danh sách xếp hạng lần lượt là Anh xếp thứ 10 (79 điểm), Mỹ xếp thứ 13 (78 điểm), Pháp xếp thứ 19 (73 điểm).
Trong khi đó, Nhật Bản xếp thứ 23 (68 điểm), Nga xếp thứ 24 (65 điểm) và Trung Quốc xếp thứ 27 (52 điểm).
Do thiếu tính minh bạch cộng với các biện pháp kiểm soát lỏng lẻo, Israel xếp thứ 25 với 56 điểm.
Báo cáo của NTI được công bố trước thềm cuộc hội nghị thượng đỉnh về an toàn hạt nhân tại Hàn Quốc, dự kiến diễn ra trong tháng Ba tới, nhằm kêu gọi các nước thiết lập một chuẩn chung và có trách nhiệm hơn đối với vấn đề an toàn hạt nhân.
Tại hội nghị năm 2010 diễn ra ở thủ đô Washington, Mỹ, hơn 50 quốc gia đã cam kết kiểm soát chặt chẽ hơn các vật liệu hạt nhân./.
Theo TTXVN