Vũ khí CIA chuyển cho phiến quân Syria đã về tay ai?
Vũ khí được CIA Mỹ gửi cho các phiến quân Syria đã trở thành nguồn cung cấp chính cho thị trường vũ khí chợ đen.
Các quan chức chính phủ Mỹ và Jordan cho biết vũ khí được Cục Tình báo trung ương (CIA) Mỹ và Ả Rập Saudi cung cấp cho phiến quân Syria đã bị tuồn ra thị trường chợ đen. Tờ The New York Times (NYT) cho biết số vũ khí tập kết tại Jordan đã bị các nhân viên tình báo nước này đánh cắp và bán cho các tay buôn lậu vũ khí.
Một số vũ khí bị đánh cắp đã được sử dụng trong một vụ xả súng tại trnug tâm huấn luyện cảnh sát Amman vào tháng 11-2015, làm hai người Mỹ và ba người khác thiệt mạng. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành điều tra vụ việc trong nhiều tháng qua.
Tình trạng trộm cắp vũ khí chỉ mới chấm dứt vài tháng trước sau khi chính phủ Mỹ và Ả Rập Saudi phàn nàn với chính phủ Jordan, theo tờ NYT và Al Jazeera. Các quan chức quốc phòng Jordan cho biết những sĩ quan tình báo tham gia vào vụ việc thu được nguồn lợi khủng. Số tiền được các tay sĩ quan này dùng để mua các món hàng xa xỉ, từ các “siêu xe” đến điện thoại iPhone đời mới nhất.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một chuyến viếng thăm Jordan. Ảnh: Getty
Tờ NYT nhận định vụ trộm vũ khí trị giá hàng triệu USD chính là hậu quả điển hình cho những chương trình vũ trang và huấn luyện các nhóm phiến quân mà CIA và Lầu Năm Góc đã thực hiện nhiều thập niên qua. Vụ việc diễn ra ngay cả khi chính quyền Tổng thống Obama đã đề ra mong muốn thắt chặt kiểm soát chương trình huấn luyện tại Jordan.
Số vũ khí được tuồn vào thị trường chợ đen bao gồm các loại súng trường tấn công Kalashnikov, súng cối và súng phóng lựu. Các điều tra viên không rõ số phận của phần lớn số vũ khí bị đánh cắp hiện ra sao. Tuy nhiên theo NYT, các chợ đen bán vũ khí Jordan là nguồn cung chủ yếu cho các mạng lưới tội phạm và các bộ lạc địa phương tại nước này. Một số tay lái buôn vũ khí cũng thu mua tại chợ đen và chuyển ra nước ngoài.
Theo tiết lộ của các quan chức Mỹ và Saudi, cuộc điều tra vụ xả súng tại Amman của FBI cho thấy loại vụ khí mà nghi phạm Anwar Abu Zaid sử dụng nằm trong số vũ khí được gửi đến Jordan cho các phiến quân Syria. FBI đã lần ra được số đăng kiểm của các khẩu súng được sử dụng trong vụ tấn công.
Đáp lại vụ việc, Bộ trưởng Truyền thông Jordan ông Mohammad H. al-Momani cho biết các cáo buộc nhân viên tình báo nước này đánh cắp vũ khí là “hoàn toàn sai sự thật”. Ông khẳng định: “Vũ khí trong các cơ quan an ninh của chúng tôi được theo dõi rất sát sao, với mức kỷ luật cao nhất”. Tại Jordan, giám đốc của cơ quan tình báo Jordan (GID) là người quyền lực thứ hai quốc gia, chỉ đứng sau mỗi nhà vua.
Trong khi đó, đại diện của CIA và FBI từ chối bình luận về vụ việc. Bộ Ngoại giao Mỹ không để cập đến các cáo buộc, khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Jordan vẫn bền vững.
Theo NYT, các quan chức Jordan và Mỹ tiết lộ về vụ trộm vũ khí và cuộc điều tra đều yêu cầu giữ bí mật danh tính. Chương trình đào tạo phiến quân Syria được phân loại là thông tin chưa được giải mật tại Mỹ và là bí mật quốc gia tại Jordan. Thông tin về vụ trộm vũ khí đã được lan truyền trong chính quyền Jordan nhiều tháng qua, theo NYT.
Video đang HOT
Vụ xả súng năm 2015 tại Jordan được cho là sử dụng khẩu súng bị đánh cắp từ số vũ khí CIA gửi cho phiến quân Syria. Ảnh: AP
Cựu cố vấn cao cấp của nhiều đời thủ tướng Jordan, ông Husam Abdallat cho biết đã nghe thông tin vụ việc từ nhiều quan chức nước này. Ông Abdallat cho biết cơ quan GID vẫn tồn tại một số quan chức và sĩ quan bị thoái hóa. Tuy nhiên, toàn bộ cơ quan này vẫn đảm bảo sự “trung thành và là tuyến phòng thủ đầu tiên của đất nước” – theo ông Abdallat.
Theo tiết lộ của NYT, nhóm trộm bao gồm các sĩ quan hậu cần của GID, có quyền tiếp cận trực tiếp với số vũ khí ngay khi “hàng” được đưa đến Jordan. Các sĩ quan này thường xuyên lấy bớt một lượng lớn vũ khí trước khi chúng được gửi đến địa điểm tập kết chính thức. Sau đó, vũ khí bị trộm được chia nhỏ và bán cho những chợ vũ khú lớn tại Jordan, trong đó có khu mua bán vũ khí lớn nhất Jordan tại Ma’an ở phía nam.
Hiện chưa rõ liệu tướng Faisal al-Shoubaki – chỉ huy của GID có biết về vụ việc hay không. Tuy nhiên theo NYT, nhiều quan chức tình báo Jordan cho biết có một số quan chức biết về hoạt động này và tìm cách bao che kiếm lợi. Được biết sau khi có các nguồn tin về hoạt động này, chính quyền Saudi và Mỹ đã gửi phàn nàn đến Jordan. Cơ quan GID đã bắt giữ một số sĩ quan có tham gia vào mạng lưới này. Những người này đã được thả tự do và bị sa thải nhưng vẫn được giữ lương hưu và số tiền kiếm được từ việc buôn lậu vũ khí.
KIỆT ANH
Theo PLO
Các hình thức tra tấn của CIA qua lời kể tù nhân
Đánh đập, bị nhốt trong hộp kín hay trấn nước là các biện pháp tra tấn tàn nhẫn mà CIA đã áp dụng nhằm điều tra các phần tử khủng bố.
Sau khi Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) chuyển Abu Zubaydah đến nhà tù quân đội Mỹ ở vịnh Guantanamo, Cuba và y phải trình diện trước các nhà điều tra vào tháng 3/2007, Abu đã mô tả về những đòn tra tấn trong hệ thống nhà tù Khu vực đen của CIA.
Theo CNN, CIA ngày 14/6 công bố 50 văn bản giải mật chi tiết về việc sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn tàn bạo đối với nghi can, trong nỗ lực chống khủng bố dưới thời chính quyền của cựu tổng thống George W. Bush sau vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001.
Việc công bố nhằm đáp lại vụ kiện Luật Tự do Thông tin do Liên minh Tự do dân sự Mỹ (ACLU) đưa ra. Lời khai của Zubaydah là một trong số đó.
Chương trình thẩm vấn tại khu vực bí mật
Các tài liệu đã tiết lộ chi tiết nhiều biện pháp thẩm vấn mà Tổng thống Barack Obama gọi là "tra tấn", nhưng CIA chỉ nói đây là "thẩm vấn mở rộng" và "kỹ thuật thẩm vấn tăng cường". Tài liệu cũng bao gồm các cuộc thảo luận nội bộ về tính hợp pháp của những phương pháp này.
Mô phỏng biện pháp trấn nước tù nhân. Ảnh: Reuters
Nhiều chi tiết về chương trình tra tấn của CIA đã được công bố trước đây, bao gồm báo cáo dài 500 trang mà Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố hồi tháng 12/2014. Những chi tiết này phần lớn dựa trên bản ghi nhớ của chính phủ. Trong khi đó, văn bản mới còn có thêm lời khai ở ngôi thứ nhất.
Những người biện hộ cho chương trình "thẩm vấn tăng cường" của CIA nói rằng họ đã cung cấp các thông tin cứu tính mạng con người. Tuy nhiên, báo cáo của Thượng viện nhận định những người bảo vệ chương trình này đã phóng đại giá trị thông tin thu được từ đó và che giấu sự tàn bạo thật sự.
CIA bắt đầu chương trình giam giữ và thẩm vấn thí điểm tại nhà tù khu vực đen với việc bắt giữ Zubaydah năm 2002 và dừng lại vào năm 2006, sau khi Toà án Tối cao đưa ra phán quyết về Công ước Geneva, đặt các nhà thẩm vấn của cơ quan này trước nguy cơ bị truy tố về tội ác chiến tranh.
Tháng 9 cùng năm, chính quyền Tổng thống George W. Bush chuyển các tù nhân trong nhà tù do CIA quản lý đến nhà tù ở vịnh Guantanamo. Sau vài tháng, các tù nhân Mỹ chịu giam giữ ở đây sẽ được xác định xem liệu họ đã được phân loại đúng là "chiến sĩ địch" hay chưa.
Abu Zubaydah là tên bị CIA tình nghi nhầm là một tướng cấp cao của Al-Qaeda. Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù của CIA, Zubaydah kể rằng toàn thân đã rung lên khi phải đứng hàng giờ, trần truồng và bị xích trong một căn phòng lạnh, không thể nhúc nhích với một chân bị thương.
Zubaydah còn nói về nỗi xấu hổ khi phải đi vệ sinh trong một cái xô trước mặt những người khác "như một con vật", mô tả rằng hắn đã bị trấn nước cho đến khi ngừng thờ và cần hồi sức.
"Họ trói toàn thân tôi, thậm chí cả đầu. Tôi không thể làm gì hết. Họ nhét một miếng vải vào miệng tôi và sau đó liên tục dội nước", tên tù nhân bị nghi liên quan tới vụ tấn công ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ kể lại. Trong vòng một tháng, Zubaydah bị trấn nước 83 lần.
Chết đuối trên cạn hay trấn nước là biện pháp tra tấn tù nhân đáng sợ nhất của CIA. Các nhân viên CIA sẽ trói chặt tù nhân trên ghế trước, sau đó đặt miếng vải che toàn bộ mặt, mũi và miệng rồi dội nước. Mỗi lần xối nước kéo dài 40 giây và lặp đi lặp lại nhiều lần trong quá trình thẩm vấn. Kẻ bị tra tấn sẽ hoảng loạn tột độ.
Chính phủ Mỹ từng công bố một số bản ghi chép năm 2009, nhưng biên tập lại lời khai của tù nhân về các hình thức tra tấn của CIA. Trong một đoạn đã được kiểm duyệt trước đó, Zubaydah cho biết người chất vấn của CIA đã xin lỗi sau khi chính phủ nhận ra rằng họ đã hiểu sai vai trò của hắn.
"Cuối cùng, họ nói với tôi rằng: "Xin lỗi, chúng tôi đã phạm lỗi lớn"", New York Times dẫn lời Zubaydah nói.
Khalid Shaikh Mohammed, kẻ được cho là "kiến trúc sư" của vụ khủng bố 11/9 đã bị trấn nước 183 lần trong một tháng. Ảnh: AP
Các hình thức tra tấn
Trong một văn bản có tiêu đề "Mô tả áp lực thể chất", các biện pháp được thảo luận bao gồm tát lên mặt, sử dụng côn trùng và chôn giả. Theo đó, một cách đe doạ tù nhân là thả côn trùng có ngòi chích vào hộp giam chật chội thay vì những con côn trùng vô hại. Đối với hình thức chôn giả, tù nhân sẽ ở trong một chiếc hộp chật hẹp như quan tài. Zubaydah đã ở trong chiếc hộp giống quan tài trong 266 giờ, tương đương hơn 11 ngày.
Nhân viên của CIA cũng có thể áp dụng các kỹ thuật chất vấn được cho phép, bao gồm trấn nước và buộc tù nhân phải mặc tã với mục đích "hạ nhục". Các kỹ thuật kết hợp cả sức ép về thể chất và tâm lý ngoài biện pháp cơ bản, nhưng yêu cầu có sự tham gia của nhân viên y tế. Họ có thể ngừng thẩm vấn nếu xác định tù nhân có thể chịu tổn thương tâm lý, thể chất nghiêm trọng và kéo dài.
Bộ nhớ tài liệu còn lưu giữ báo cáo về việc bắt giữ công dân Đức Khalid Al-Masri, người bị giam giữ bất hợp pháp trong nhiều tháng. Một báo cáo khác đề cập đến cuộc điều tra cái chết của Gul Rahman trong một cơ sở giam giữ ở Afghanistan. Tại đây, tù nhân đã bị tra tấn liên tục bằng tiếng nhạc lớn, không được ngủ, bị lột trần và nhốt trong một buồng giam lạnh cóng. Rahman đã chết vì hạ thân thiệt.
Abd al-Rahim al-Nashiri là tù nhân bị cáo buộc tham gia hỗ trợ trong vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole của Mỹ năm 2000, khiến 17 thuỷ thủ thiệt mạng. Tại nhà tù của CIA, y đã chịu nhiều hình thức tra tấn khắc nghiệt như trấn nước, hay có một khẩu súng và một máy khoan điện chạy rồ bên tai.
Khi được hỏi về các phương pháp tra tấn đã phải chịu đựng, Nashiri liệt kê rằng y đã bị treo ngược gần một tháng, gần như chết đuối, bị húc vào tường hay phải đứng trong một chiếc hộp nhỏ trong suốt một tuần khiến chân sưng lên.
"Các hồ sơ mới giải mật cung cấp thêm thông tin về chương trình tra tấn của CIA và cho thấy sự tàn bạo của những phương pháp mà cơ quan này sử dụng trong các nhà tù khu vực đen bí mật ở nước ngoài", Jameel Japper, Phó giám đốc pháp lý của ACLU, cho hay.
Bấp chấp luật pháp quốc tế, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng nhiều biện pháp tra tấn đáng sợ nhằm moi thông tin từ các tù nhân hoặc nghi can khủng bố.
Theo_Zing News
Người gốc Việt lái xe tông đổ hàng rào trụ sở CIA? Một người được cho là gốc Việt ở bang Maryland đã lái xe tông vào cổng và hàng rào sắt của trụ sở CIA tại Langley vào sáng sớm ngày 13.6 (giờ Mỹ), theo NBC Washington dẫn lời các nhà điều tra. Tổng hành dinh CIA tại Langley. REUTERS Tài liệu tòa án ghi rõ ông Thomas Luu lái chiếc Ford Focus lao...