Vụ khách du lịch bị bỏ rơi: Thở phào khi về Việt Nam an toàn
Mua tour trọn gói sang Thái Lan tham dự hội nghị kết hợp với du lịch nhưng hàng trăm du khách bị “cắt” mọi dịch vụ trong hai ngày cuối khiến họ vô cùng hoang mang, lo lắng. Chỉ khi được đặt chân về nước an toàn, họ mới thở phào nhẹ nhõm.
Sau hai ngày bị Công ty Travel Life bỏ rơi tại Thái Lan, chiều tối 18/6, những đoàn khách cuối cùng đã trở về nước sau khi đáp một số chuyến bay từ Thái Lan đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Chờ người thân tại sân bay, chị N.T.H cho hay, chị có nhiều người thân quen tham gia chuyến hội thảo kết hợp với du lịch từ ngày 12 – 18/6 tại Thái Lan do Công ty Herbalife Việt Nam tổ chức. Do số lượng khách tham gia đông nên công ty này chia đoàn Việt Nam thành nhiều nhóm nhỏ, nhóm người thân của chị thuộc đoàn của Công ty Travel Life đảm trách.
Anh Lê Khải Nguyên – một thành viên trong đoàn du khách Công ty Travel Life đảm trách -
xuống sân bay Tân Sơn Nhất trong chuyến bay FD 2794 tối 18/6
“Mỗi người tham gia đã đóng trọn gói chi phí cho chuyến đi 6 ngày 5 đêm cũng như tiền tham gia hội thảo với mức giá khoảng trên 7 triệu đồng”, chị H. cho biết.
Nhưng cách đây 2 hôm, anh họ chị H. gọi điện về báo tin chỉ những ngày đầu được phục vụ, còn hai ngày cuối hàng trăm người trong đoàn thuộc Công ty Travel Life bị bỏ rơi giữa chừng. Tài xế xe du lịch, khách sạn, nhà ăn đều từ chối phục vụ vì phía công ty du lịch không thanh toán tiền cho đối tác.
“Hai ngày còn lại mọi người trong đoàn phải tự trả các khoản tiền đi lại, tiền ăn uống và tiền khách sạn. Những người trong đoàn và gia đình ở nhà lúc đầu cũng rất lo việc trở về nước sẽ gặp trục trặc. Tuy nhiên, chiều nay anh tôi báo tin việc bay về nước vẫn như lịch trình ban đầu”, chị H. nói.
Đáp chuyến bay FD 2794 từ Bangkok xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 17h30,anh Lê Khải Nguyên cho hay, trong hai ngày cuối của chuyến đi, đoàn du khách do Công ty Travel Life đảm trách hoàn toàn phó mặc cho hành khách tự lo chuyện ăn ở, đi lại.
Theo anh Nguyên, hành khách bực mình không chỉ vì phải trả thêm chi phí cho hai ngày trong chuyến trọn gói mà còn thái độ vô trách nhiệm của phía công ty Travel Life đẩy họ vào thế bị động.
“Vì đã mua vé trọn gói không phải ai cũng sẵn tiền. May mắn, những người trong đoàn cùng hỗ trợ thanh toán các khoản phí giúp nhau chờ ngày về”, anh Nguyên nói.
Hầu hết các du khách từ chối cung cấp thông tin cho báo chí sau khi về VN
Video đang HOT
Anh Nguyên cung cấp thêm, ngoài các khoản chi phí hai ngày ăn ở hết khoảng 500.000 – 700.000 đồng/người thì anh và các du khách trong đoàn không phải trả chi phí vé máy bay chiều về. Tuy nhiên, ai thanh toán khoản này anh không nắm rõ.
Điều khiến các phóng viên có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất ngạc nhiên là rất nhiều hành khách là nạn nhân của Travel Life khi đặt chân xuống sân bay đều từ chối cung cấp thông tin và kiệm lời khi được hỏi về chuyến du lịch kết hợp hội thảo này.
Chỉ vài hành khách cho biết, họ rất bất ngờ và bất bình với cách kinh doanh kiểu “đem con bỏ chợ” của Công ty du lịch Travel Life. Được biết có 700 người (gồm 200 người ở TPHCM và 500 người ở Hà Nội) ký hợp đồng với Travel Life, giá tour trọn gói hơn 7 triệu đồng, trong khi các đoàn khác ký hợp đồng trọn gói hơn 9 triệu đồng. Tuy nhiên, khi qua đến nước bạn Thái Lan, công ty lữ hành này đã bỏ rơi du khách trong 2 ngày đêm.
Phóng viên Dân trí tiếp cận với nhóm du khách “bị bỏ rơi” ở Thái Lan vừa về nước
nhưng họ rất kiệm lời thậm chí từ chối chia sẻ thông tin
Chiều 18/6, PV Dân trí đã nhiều lần gọi đến số điện thoại bàn của Công ty Travel Life để gặp lãnh đạo nhưng không liên lạc được. Cùng ngày, Công ty Herbalife Việt Nam cũng đã phát đi thông cáo báo chí nói về sự việc trên.
Theo Herbalife Việt Nam, trong hội thảo tại Thái Lan vừa qua, tất cả các nhà phân phối đi từ Việt Nam đã trực tiếp đăng ký và hợp đồng với các công ty lữ hành khác nhau cho chuyến đi kết hợp tham gia huấn luyện và tham quan Thái Lan .
Trong đó có một nhóm nhà phân phối sử dụng một công ty lữ hành Việt Nam gặp khó khăn trong chuyến du lịch Thái Lan cũng như vé máy bay về Việt Nam. Dù không phải là đơn vị tổ chức cho đoàn khách này nhưng Công ty Herbalife đã hỗ trợ liên lạc các bên hữu quan, các nhà phân phối, lãnh đạo… để giúp các nhà phân phối này trở về Việt Nam theo lịch trình.
Phía Công ty Herbalife cũng cho rằng, Herbalife không phải là đơn vị tổ chức chuyến đi cho các nhà phân phối, nên không ký hợp đồng với bất kỳ công ty lữ hành nào.
Theo Dantri
Cha già 73 tuổi mong một ngày con có thể tự xúc cơm ăn
Tuổi già, người làm cha làm mẹ đáng lẽ được hưởng phước từ con cái thì người cha 73 tuôi ấy vẫn không ngừng "nuôi" ước mơ cho cậu con trai 36 tuổi: Ước một ngày con có thể tự xúc ăn, tự lo vệ sinh cá nhân...
Năm nay đã bước qua tuổi 73, sức khỏe và thời gian của đời người không cho phép ông có thể nắm mãi tay con.
36 năm bước trên... tay cha
Nhiều năm nay, hình ảnh ông Huỳnh Văn Ẩn với mái tóc bạc trắng, sáng nào cũng tập đi cho cậu con trai Huỳnh Lê Võ tại khuôn viên Nhà thiếu nhi quân Gò Vấp, TPHCM trở nên quen thuộc với nhiều người. Chỉ sau 5 - 10 phút, hai cha con đã đẫm mồ hôi, nhất là người cha phải dùng hết sức đỡ đứa con tật nguyền nặng nhọc mỗi bước đi.
Vậy nhưng buổi tập nào của hai hai con cũng kéo dài từ 6h30 đến 8 giờ sáng. Khi nghỉ, ông lại lấy nước rót nhẹ vào miệng con, cầm khăn lau mồ hôi cho con trong khi mặt mũi, chiếc áo trên người mình đã ướt nhẹm.
Anh Huỳnh Lê Võ chào đời năm 1977, khi nằm trong bụng mẹ chưa được 8 tháng. Người mẹ mang bầu nhưng mỗi ngày từ sáng đến đêm vẫn trằn mình bên chiếc xe đẩy bán bò bía ở khu vực hồ Con Rùa (Q.1). Ngày bà đau bụng sinh, lẽ ra phải mổ nhưng do để muộn nên thai bị ngạt, đứa trẻ bị sang chấn não và rối loạn chức năng vận động.
Ngày ra đời đứa bé tím tái, không có lấy một tiếng khóc, lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 nuôi trong lồng kính gần tháng trời. Người cha hàng ngày đã đứng ngoài cửa kính nhìn đứa con của mình với những lo lắng ngổn ngang...
Từ nhỏ, tay và đầu đứa bé đã co rút nghiêng hẳn về phía sau, mọi bộ phận gần như không hoạt động như đôi chân co quắp, không cười, không nói và chỉ có thể di chuyển bằng cách... lăn. Sau đó là những ngày tháng miệt mài vợ chồng ông đưa con đi chữa trị, tập vật lý trị liệu. Mỗi lần đưa con vào viện, ông Ẩn lại cần mẫn học từ bác sĩ cách luyện tập phù hợp để về tập cho con.
Lúc đó, ông làm việc ở tận Bình Dương, mỗi ngày đi hàng chục cây số nhưng sáng nào ông cũng dành thời gian tập đi cho con.
Nhờ gần gũi với con, người cha nhận ra mắt con có thể nhìn, tai có thể nghe và đầu óc vẫn hiểu chuyện. Ông quyết định dạy học cho con bắt đầu từ những chữ cái, những phép tính. Không ít người ngạc nhiên hỏi cháu bị như vậy, không đi lại được, cử động cũng rất khó, không thể tự chăm sóc bản thân thì học để làm gì.
36 năm nay, ông Huỳnh Văn Ẩn bước theo từng bước đi của con.
Chỉ với tấm lòng người cha như ông mới biết mình đang làm gì: "Không như những đứa trẻ khác, con tôi không thể đến trường, việc có thể ra khỏi nhà, tiếp xúc với bên ngoài cũng rất khó. Nên cháu cần được mở mang kiến thức qua sách vở, qua vô tuyến để thấy cuộc sống bên ngoài như thế nào và có thêm động lực để sống cho mình", ông Ẩn lý giải.
Bệnh tình như vậy nhưng điều kỳ diệu chỉ sau một thời gian được cha dạy, anh Võ có thể đọc chữ, đọc sách, làm toán... Cho dù lời anh nói rất nặng nhọc, chỉ có bố mẹ mới nghe được, hiểu được anh muốn nói gì.
Nuôi ước mơ cho con để an lòng nhắm mắt
Một đứa con bệnh tật là quá sức với một gia đình kinh tê hạn hẹp như nhà ông Ân. Vợ chồng ông cùng lúc phải gánh nhiều lo toan. Bà ngoại ông Ân bị tai biến nằm một chỗ nhiều năm trời. Bà mất không lâu thì đến lượt mẹ ông Ân nằm một chỗ cũng vì căn bệnh này.
Vợ chồng ông hàng ngày thay phiên nhau ở nhà để chăm sóc người bệnh. Chồng đi làm về, có người "thế chân" người vợ mới tranh thủ đi bán bò bía. Hai vợ chồng chưa từng có lấy giây phút nghỉ ngơi vẫn không thể cáng đáng nổi tiền ăn uống, thuốc thang trong nhà.
Kinh tế gia đình kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Đến năm 2004, ông nói với vợ: "Bán nhà thôi bà nó à!". Căn nhà ở Tân Định, nơi ông sinh ra và gắn bó hơn 60 năm, bán đi chuyển về Gò Vấp sinh sống chẳng khác nào cắt đi một khúc ruột.
Mọi sinh hoạt cá nhân, anh Võ đều nhờ vào đôi tay của người cha già.
Cơ cực là vậy nhưng vợ chồng ông Ân không xem việc chăm sóc bà, mẹ, hay đứa con tàn tật là gánh nặng. Ngược lại, đó là một phần cuộc sống để họ yêu thương nên ngay cả những lúc bế tắc nhất vợ chồng vẫn không buông xuôi, không lời oán trách mà còn như có thêm sức mạnh để sống.
Từng ngày sát cánh bên con, chỉ cần một tiến bộ rất nhỏ của con cũng đủ làm cho ông Ẩn thấy hạnh phúc. Trước đây tay và đầu của anh Võ nghiêng hẳn về sau, sau nhiều năm luyện tập anh đã có thể nhìn thẳng đầu và thả lỏng hai tay phía trước nên việc tập đi đỡ phức tạp hơn, anh đã có thể tự đi một đoạn đường ngắn. Tuy vậy, ông Ẩn vẫn phải luôn dang tay đứng cạnh đề phòng con ngã.
Với người cha, đó là một kỳ tích. Cho dù đến nay đã hơn 36 năm vợ chồng thay nhau đút cho từng muỗng cơm, chăm lo mọi vệ sinh cá nhân và họ vẫn đang tiếp tục công việc này.
Sống đến tuổi này, người cha vẫn chỉ có một ước mơ duy nhất: "Con có thể cầm muỗng xúc đồ ăn, có thể chăm sóc vệ sinh cá nhân trước khi tui nhắm mắt".
Nuôi con chừng này tuổi ai cũng mong con thành ông này bà nọ, giàu có, báo hiếu cha mẹ thì với ông, ở tuổi gần đất xa trời vẫn chỉ nuôi một mong ước duy nhất thay con: "Một ngày thằng Võ có thể cầm muỗng tự ăn, biết làm vệ sinh cá nhân... trước khi tui về thế giới bên kia".
Có lẽ vì vậy càng lớn tuổi ông lại càng hăng say tập cho con đi. Chỉ ngày chủ nhật hay hôm nào trời mưa, cha con họ mới vắng mặt tại Nhà thiếu nhi. Kể cả hôm mệt trong người, ông vẫn ráng đưa con ra sân tập bởi hơn ai hết ông hiểu, không tập ngày nào là cơ hội của con ít đi ngày đó... Thời gian và sức khỏe không cho phép ông chờ đợi.
Cuộc sống gia đình đến nay của vợ chồng ông còn nhiều khó khăn nhất là khi tuổi già đã đến, ốm đau bệnh tật và cảnh nằm một chỗ đang chờ đợi sẽ trông hết vào cậu con trai cả năm nay 43 tuổi vẫn chưa dám nghĩ đến việc lấy vợ. Ông vẫn lạc quan nói rằng, con mình sinh ra không được may mắn, cha mẹ nghèo khó nhưng gia đình mình trọn vẹn khi đủ hạnh phúc và tình yêu thương.
Theo Dantri
Mở cửa vào đời với... 1 ngón tay Chưa từng được đến trường lớp nào nhưng cô gái khuyết tật Trần Trà My (quê Đông Hà, Quảng Trị) đã tự mở cánh cửa tri thức cho đời mình chỉ bằng 1 ngón tay. Sau hai tập truyện "Giấc mơ đôi chân thiên thần" và "Chúng ta chính là mùa xuân", nhà văn Trần Trà My vừa ra mắt cuốn "Yêu... trên...