Vụ Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh: Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp xử lý
Dù họ có vi phạm pháp luật hay không, quyền công dân của họ vẫn phải được đảm bảo. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha sẽ phải đàm phán để bảo vệ công dân của mình. Nếu hành vi xác định là có dấu hiệu tội phạm thì cũng có thể được xử lý theo pháp luật Việt Nam.
Liên quan đến việc 2 nghệ sĩ Việt bị cáo buộc tấn công tình dục ở Tây Ban Nha, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo cho biết tòa án trả hộ chiếu cho hai công dân Việt Nam do đã có luật sư người địa phương đại diện liên lạc với toà án. Hiện hai công dân nói trên đã rời Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ việc vẫn đang được tiếp tục. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý vụ việc theo nhiệm vụ và thẩm quyền.
Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 11/8, đại diện Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi rằng, có phải Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng bị trục xuất về Việt Nam theo quyết định của chính quyền Tây Ban Nha hay không. Theo đó, bà Lê Thị Thu Hằng – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, cho biết, ngày 8/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã thông tin chính thức về vụ việc.
Đại sứ quán cho biết, ngày 3/8, toà án Tây Ban Nha trả hộ chiếu cho hai công dân do họ đã có luật sư người địa phương đại diện liên lạc với toà án. Hai công dân được Đại sứ quán Việt Nam khẳng định đã rời Tây Ban Nha, và báo chí trong nước đưa tin họ đã về đến Việt Nam.
Bà Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam trong thời gian tiếp theo, khi vụ việc vẫn được điều tra và thực hiện quá trình tố tụng, vẫn sẽ phối hợp với các cơ quan sở tại và trong nước để thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công dân Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm ở nước ngoài thì vẫn có thể áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết trên cơ sở điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp. Bởi vậy, trong trường hợp này, nếu hành vi xác định là có dấu hiệu tội phạm thì cũng có thể được xử lý theo pháp luật Việt Nam. Hoặc có thể xử lý theo luật pháp Tây Ban Nha trên cơ sở Hiệp định tương trợ tư pháp hai bên, trên cơ sở làm việc của cơ quan lãnh sự ngoại giao.
Video đang HOT
Đối với hành vi xâm hại tình dục ở nước ngoài mà xử lý theo pháp luật Việt Nam thì có mấy tình huống xảy ra: Hành vi mua dâm với người dưới 18 tuổi; Hoặc giao cấu trái ý muốn sẽ bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm theo quy định tại điều 141 Bộ luật hình sự năm 2015, tuỳ thuộc tính chất mức độ hành vi, hậu quả mà người vi phạm sẽ bị chế tài khác nhau: tù có thời hạn hoặc chung thân.
Trước câu hỏi “trong trường hợp nào 2 nghệ sĩ phải quay lại Tây Ban Nha?”, luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon – nói với phóng viên Lao Động: “Việt Nam và Tây Ban Nha đã ký kết Hiệp định Tương trợ Tư pháp về hình sự năm 2015. Dựa trên hiệp định tương trợ tư pháp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha sẽ làm việc, thương thảo, để đảm bảo quyền công dân cho 2 nghệ sĩ.
Dù họ có vi phạm pháp luật hay không, quyền công dân của họ vẫn phải được đảm bảo. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha sẽ phải đàm phán để bảo vệ công dân của mình. Theo tôi, đây là tính nhân văn của pháp luật, và vì lý do này, 2 nghệ sĩ đã được trả hộ chiếu, trở về Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình nước sở tại tiếp tục điều tra, khi nhận thấy cần phải có sự có mặt của 2 nghệ sĩ một cách bắt buộc, họ sẽ gửi giấy triệu tập. Trong trường hợp này, 2 nghệ sĩ sẽ phải trở lại Tây Ban Nha để hỗ trợ điều tra”.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Long, “trong quá trình đàm phán để đảm bảo quyền công dân cho 2 nghệ sĩ, hẳn phía luật sư và cơ quan tố tụng nước sở tại đã có những cam kết về việc khi nào 2 nghệ sĩ cần xuất hiện và xuất hiện bằng cách nào. Nếu ít nghiêm trọng, đây là tôi đặt tình huống giả sử, 2 nghệ sĩ có thể xuất hiện qua hình thức trực tuyến để hỗ trợ điều tra. Còn ở tình huống nghiêm trọng hơn, khi có giấy triệu tập bắt buộc xuất hiện, 2 nghệ sĩ sẽ phải trở lại Tây Ban Nha”.
Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh chưa thể yên tâm, phải có mặt để tiếp tục điều tra nếu Tây Ban Nha yêu cầu
Giới chức Tây Ban Nha không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn với 2 nghệ sĩ. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng Việt Nam không có quyết định ngăn chặn, Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng sẽ không bị áp dụng bất cứ biện pháp ngăn chặn, hạn chế quyền lợi nào.
Sau khoảng 1 tháng rưỡi bị giữ lại Tây Ban Nha vì cáo buộc cưỡng hiếp một thiếu nữ người Anh, ngày 7/8 vừa qua, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng đã được về Việt Nam. Việc hai nghệ sĩ nổi tiếng lặng lẽ trở về trở thành tâm điểm của dư luận.
Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, những làn sóng chỉ trích, chửi mắng hai nghệ sĩ dâng cao và ngày càng dữ dội hơn. Họ cho rằng đây là sự xuống cấp, suy đồi đạo đức cần phải trừng trị và thanh lọc khỏi làng giải trí.
Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, trong đó một bộ phận không nhỏ công chúng đặt câu hỏi về những hình thức xử lý, kỷ luật dành cho hai nghệ sĩ này. Theo luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon), với việc Việt Nam và Tây Ban Nha đã ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự năm 2015, việc quản lý 2 nghệ sĩ và trách nhiệm pháp lý của họ sẽ căn cứ theo hiệp định này.
Về trách nhiệm có mặt nếu bị tòa án triệu tập, luật sư cho biết theo khoản 1, Điều 14 Hiệp định này, nếu cần sự có mặt của một người tại lãnh thổ của bên yêu cầu để cung cấp chứng cứ, thông tin khác, cơ quan tư pháp cần nêu rõ trong yêu cầu tương trợ. Cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu hỗ trợ sẽ mời người đó đến cơ quan chức năng của bên yêu cầu và gửi thông tin liên quan trong thời gian sớm nhất có thể.
Như vậy, nếu Tây Ban Nha yêu cầu 2 nghệ sĩ quay lại để tiếp tục điều tra thì họ phải có mặt tại lãnh thổ quốc gia này theo đúng quy định. Trường hợp giới chức quốc gia này ủy thác cho phía Việt Nam thực hiện lấy lời khai, cung cấp chứng cứ thì 2 nghệ sĩ phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Trường hợp phía Tây Ban Nha yêu cầu có mặt tại lãnh thổ của họ thì việc có được ủy quyền cho luật sư làm việc hay không tùy thuộc vào pháp luật hình sự Tây Ban Nha. Trường hợp triệu tập làm việc tại Việt Nam, việc ủy quyền sẽ áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, người bị tố giác không được ủy quyền cho luật sư thay mặt làm việc.
Về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, Điều 3 Hiệp định này quy định phạm vi tương trợ giữa 2 quốc gia, bao gồm các hoạt động như xác định địa điểm và nhận dạng người; tống đạt tài liệu tư pháp; thu thập chứng cứ, lấy lời khai; thực hiện lệnh khám xét và thu giữ; chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hay trao đổi các thông tin về tội phạm... Trong số này, không có tương trợ các biện pháp ngăn chặn.
Như vậy, giới chức Tây Ban Nha không thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn với 2 nghệ sĩ. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng Việt Nam không có quyết định ngăn chặn, Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng sẽ không bị áp dụng bất cứ biện pháp ngăn chặn, hạn chế quyền lợi nào.
Về thẩm quyền giải quyết vụ việc của 2 quốc gia, trích dẫn điểm j, Điều 3 Hiệp định tương trợ, luật sư Long cho biết Tây Ban Nha có quyền chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự cho Việt Nam nếu xác định hành vi của 2 nghệ sĩ có dấu hiệu tội phạm và xét thấy ở Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.
Tuy nhiên, phía Việt Nam sẽ từ chối tương trợ nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 4 Hiệp định này như hành vi không cấu thành tội phạm theo pháp luật Việt Nam; yêu cầu không phù hợp với điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam hay việc thực hiện yêu cầu có thể gây phương hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng hay các lợi ích chung thiết yếu khác...
Thời điểm này, không có gì tối cao và chính xác hơn là sự công bằng của công lý và pháp luật. Thay vì cho mình cái quyền tự phân xử hay bênh vực bằng những đạo lí lập luận mang tính cá nhân và thiển cận, cả cư dân mạng lẫn các nghệ sĩ nên im lặng theo dõi và chờ kết luận của cơ quan điều tra. Đây cũng là các tránh cho những người thân của 2 nghệ sĩ bị tổn thương vì họ thực tế cũng chỉ là nạn nhân gián tiếp của vụ việc.